‘An cư lạc nghiệp’ có còn phù hợp với suy nghĩ của thế hệ trẻ?

‘An cư lạc nghiệp’ vốn là câu nói mà ông bà cha mẹ thường dùng để nhắc nhở con cháu rằng có đi đâu, có làm gì cũng phải ráng mua được căn nhà, có nhà rồi mới có sự nghiệp. Thế nhưng những suy nghĩ này có còn phù hợp với lối sống của người trẻ hiện tại, khi phần đông họ được xem là một thế hệ ‘xê dịch’?

Nhi Vo's family

Source: Minh Phuong

Dựa trên một phúc trình thực hiện bởi đã từng công bố vào tháng 7/2018, thế hệ trẻ hay còn được gọi là ‘millennial’ hiện đang tự tách mình ra khỏi thị trường nhà đất, vốn không đơn thuần vì giá nhà đất đang vượt ra khỏi khả năng tài chính của họ, mà còn dựa trên sự lựa chọn cá nhân.

Những chỉ số trong phúc trình tìm thấy đã cho biết có 67.5% số hộ gia đình sở hữu nhà riêng, giảm từ 71.4% trong hai thập kỷ qua. Cùng thời gian đó, tiền thuê nhà đã tăng từ 18.4% lên 25.3%.

Trong phúc trình có đề cập, “Nước Úc hiện đang trải qua giai đoạn có nhiều thay đổi rất lớn trong việc sở hữu nhà, với phần lớn người trẻ đang bị tác động bởi rất nhiều yếu tố như sự suy giảm của nền kinh tế, lối sống khác biệt và lựa chọn để cân bằng giữa công việc và gia đình…từ đó nó cũng giới hạn khả năng sở hữu nhà riêng của họ”.
Nhi Vo
Source: Minh Phuong
Nhi Võ là một người trẻ đã và đang sinh sống tại NSW được 14 năm. Trong suốt khoảng thời gian đó, Nhi đã từng sinh sống tại rất nhiều vùng khác nhau, như Fairfield, Ashfield, Kensington và Hornsby. Lý do của việc dời chuyển thường gắn liền với việc lựa chọn khu vực thuận lợi để đi học hoặc đi làm.

“Nói chung là mình cũng dời chuyển rất nhiều và trong thời gian đó chủ yếu là mướn nhà để ở,” Nhi chia sẻ với SBS Vietnamese.

“Tháng 2 vừa rồi nhà Nhi cuối cùng đã dời lên Leura ở Blue Mountain,” Nhi chia sẻ về quyết định dời nhà mới nhất của gia đình mình.

Mặc dù Leura được xem là một thị trấn rất đẹp và sầm uất tại khu vực Blue Mountain, thế nhưng tính đến những bất tiện trong việc di chuyển để đến được những khu vực trung tâm của Sydney thì thực sự chẳng mấy ai đủ can đảm để dời cả gia đình lên khu vực núi sinh sống.

Khi được hỏi lý vì sao mà gia đình Nhi Võ lại ra quyết định dời lên một khu vực cách khác xa trung tâm, Nhi đã chia sẻ thêm, “Có nhiều lý do lắm và gia đình Nhi cũng đã cân nhắc 2,3 năm nay rồi. Thứ nhất là Sydney quá đông đúc và xô bồ. Mỗi lần gia đình Nhi đi chơi lên khu vực Blue Mountain thì cảm thấy rất thích và  nhận ra là mình phù hợp với lối sống ở những nơi này hơn. Rồi công việc cũng dần dần đi theo chiều hướng thuận lợi, cả nhà mới quyết định dọn lên Leura.

“Thời gian đầu cũng dự tính là thuê để ở xem cuộc sống gia đình ổn định đến đâu khi ở một nơi xa thành phố như vậy. Chưa kể là cũng chưa có khả năng để mua nhà, dù là cũng có theo dõi thị trường nhà đất.

“Sau khoảng 2 tháng thuê nhà thì chủ nhà rao bán luôn. Lúc đó gia đình Nhi mới thực sự ngồi lại tính toán tiền bạc và xem thủ tục coi mình đủ khả năng mua không. Nói chung là quyết định mua nhà lần này không chỉ vì giá nhà phù hợp mà còn đúng thời điểm nữa.”
Nhi Vo and son
Source: Minh Phuong
Khi so sánh giá nhà đất ở những khu vực gần với trung tâm Sydney, giá nhà ở Blue Mountain không quá cao, lại có lợi hơn về mặt diện tích sinh hoạt. Thế nhưng để đánh đổi những yếu tố đó, các hộ gia đình phải cân nhắc việc làm thế nào tìm được việc làm tại khu vực mới mà không phải di chuyển quá xa vào trong trung tâm thành phố.
“Nếu mà trong lòng mình không biết mình muốn gì làm gì, sẽ định cư ở đâu, vẫn còn thắc mắc là mình có sinh sống ở đây hay nơi nào khác, thì chuyện an cư nó còn xa vời lắm,”
Điều này có thể lý giải việc vốn dĩ người trẻ không phải không muốn sở hữu nhà, nhưng vấn đề tài chính vẫn luôn luôn là một tác động rất lớn đến quyết định ‘an cư’.

“Quá trình mua nhà của Nhi khá đơn giản. Có nghĩa là mình có đủ 20% tiền cọc, rồi mình chọn một ‘mortgage broker’ và nhờ họ làm thủ tục giúp mình.”

Trong một số trường hợp cha mẹ hoặc ông bà người Việt thường sẽ chấp nhận hỗ trợ cho con cháu vay tiền, hoặc thậm chí là hỗ trợ một phần tiền cọc, tiền mua nhà, để con cháu ra quyết định ‘an cư’ nhanh hơn. Thế nhưng khi được hỏi nếu gia đình hỗ trợ tài chính để Nhi có thể mua nhà sớm hơn, Nhi đã không nghĩ đó là một quyết định phù hợp.

“Nhi không nghĩ là nếu mua nhà sớm hơn thì vợ chồng Nhi sẽ hạnh phúc sớm hơn. Thật ra nếu nhận được giúp đỡ từ phía gia đình cũng là điều tốt, nhưng về mặt tài chính giữa hai vợ chồng thì không đúng thời điểm. Nếu mà cả hai phải chật vật để trả tiền lãi ngân hàng, rồi trả tiền lại cho gia đình nữa, chắc lúc đó hai vợ chồng sẽ căng thẳng lắm,” Nhi chia sẻ.

Có thể đối với thế hệ ông bà cha mẹ người Việt, họ sẵn sàng hỗ trợ và giúp đỡ con cái trong quá trình xây dựng cuộc sống, thế nhưng việc hỗ trợ cũng còn tùy thuộc vào thời điểm.

Người trẻ có thể không quá vội vàng để ra quyết định mua nhà tại một địa điểm mà họ không cảm thấy yên tâm. Điều quan trọng sau vấn đề tài chính, là việc bản thân họ phải cảm thấy yên tâm, tự tin và thỏa mãn với quyết định của mình.

“Cuộc sống ở Sydney vốn dĩ không phải là cuộc sống mà Nhi nhắm tới, thế nên cả nhà cũng không mặn mà việc phải mua được nhà ở gần trung tâm. Nhi chỉ chờ thời cơ để có thể tìm con đường khác thôi.”
Nhi Vo
Source: Minh Phuong
Nhi Võ là một trong những trường hợp người trẻ sở hữu nhà riêng, thế nhưng cũng phải tốt rất nhiều thời gian, không chỉ để chuẩn bị về tài chính mà còn về tâm lý.

“Theo kinh nghiệm bản thân thì Nhi có thể là người đi ngược lại với quan niệm chung của ông bà xưa. Nhi theo đuổi học vấn, có sự nghiệp và gia đình trước, rồi mới nghĩ đến chuyện an cư. Nên Nhi nghĩ không bắt buộc phải an cư, mà phải an tâm trước đã.

“Nếu mà trong lòng mình không biết mình muốn gì làm gì, sẽ định cư ở đâu, vẫn còn thắc mắc là mình có sinh sống ở đây hay nơi nào khác, thì chuyện an cư nó còn xa vời lắm,” Nhi chia sẻ suy nghĩ cá nhân về câu nói ‘an cư lạc nghiệp’.

“Thật ra nước Úc này nó lớn lắm, nên nói là mua nhà để thuận lợi cho việc học hành, công việc hay con cái thì là cả một vấn đề. Đối với những người mua một căn nhà rồi, mà công việc thì ở xa, mỗi ngày phải chật vật chỉ với chuyện đi lại thôi thì cũng đã khổ sở lắm rồi.”

Nhi Võ cũng đã từng phải đối mặt với áp lực từ phía gia đình trong việc mua nhà cả hơn 10 năm nay.

“Gia đình xa gia đình gần đều đốc thúc phải mua nhà. Tại vì ai cũng có cái quan niệm là nếu mà 30 tuổi rồi mà vẫn chưa có căn nhà thì cuộc đời chẳng đi đến đâu, chẳng có gì trong tay. Nên chuyện áp lực từ gia đình cũng dai dẳng cả chục năm nay rồi.

“Bây giờ Nhi mua nhà rồi, Nhi mừng một chứ nhà Nhi chắc mừng gấp 10. Mà mua nhà xong là mình mang nợ nần chứ đâu phải trả một cục tiền xong đó hoàn toàn là nhà của mình, nên không hiểu được tại sao mình mắc nợ mà ai cũng mừng cho mình hết,” Nhi nói.

Có lẽ trường hợp của Nhi Võ là một trong hàng trăm ngàn trường hợp điển hình của gia đình châu Á, khi mà người trẻ phải gồng mình chịu áp lực không chỉ từ phía gia đình, mà còn từ rất nhiều yếu tố cá nhân trong việc xây dựng cuộc sống riêng.

Mỗi thế hệ có mỗi cách sống khác nhau, việc học hỏi kinh nghiệm từ thế hệ đi trước là một điều nên làm, thế nhưng không thể áp đặt hoàn toàn mà còn cần phải linh hoạt trong cách làm, cách nghĩ vì thời thế đã thay đổi rất nhiều.

Thế nhưng câu chuyện mua nhà để 'an cư lạc nghiệp' làm đau đầu rất nhiều thế hệ ông bà cha mẹ, và những thế hệ trẻ về sau có lẽ sẽ chẳng bao giờ chấm dứt.

Thêm thông tin và cập nhật Like 

Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 

Share
Published 30 November 2018 11:27am
Updated 30 November 2018 4:09pm
By Minh Phuong

Share this with family and friends