Bạn biết gì về vaccine mRNA do Pfizer – BioNTech và Moderna phát triển?

Nghiên cứu mới xuất bản trên trang mạng World Economy Forum đánh giá tác dụng của mRNA vaccine nói mRNA sẽ là một biện pháp điều trị cho tương lai, không chỉ phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm như COVID-19 mà còn có thể chữa trị ung thư.

University Of Washington Lab Works On COVID-19 RNA Vaccine

University Of Washington Lab Works On COVID-19 RNA Vaccine Source: Getty Images North America

Highlights
  • Vaccine mRNA do Pfizer-BioNTech và Moderna phát triển được Mỹ phê chuẩn tháng 12/2020 và là vaccine đầu tiên sản xuất hàng loạt để cung cấp cho cộng đồng chích ngừa COVID-19.
  • Vaccine mRNA hứa hẹn chống lại ung thư và các bệnh truyền nhiễm, chẳng hạn như sốt rét và thậm chí bệnh cúm.
  • Đây là kết quả của nhiều thập kỷ nghiên cứu quốc tế về giải mã tế bào.
Hai tác giả bài viết, học giả Kevin Doxzen và nhà nghiên cứu Elissa Prichep nói vaccine mRNA khác những loại vaccine khác ở chổ nó có thể dạy các tế bào của con người trở thành một nhà máy sản xuất vaccine tự điều khiển, tự sản xuất và có khả năng đuổi kịp những biến thể mới.

Trong tế bào, công việc chính của RNA là chuyển đổi thông tin được lưu trữ trong DNA - bản thiết kế di truyền của người - thành các protein. Nhiệm vụ này được thực hiện bởi một loại RNA cụ thể được gọi là RNA "người đưa tin", hoặc mRNA.

Vai trò giải mã tế bào của mRNA đã được giới khoa học quốc tế nghiên cứu suốt giữa thế kỷ 20.

Vào những năm 1990, các nhà khoa học đã tìm ra cách đưa mRNA được điều chỉnh vào tế bào, hướng dẫn tế bào tạo ra những protein cụ thể. Khám phá này cuối cùng đã mở đường cho việc phát triển vaccine mRNA.

Tác giả bài viết nói vai trò chủ yếu của mRNA là dạy cho tế bào của chúng ta tự sản xuất vaccine chống lại virus.

Vaccine mRNA hoạt động bằng cách huấn luyện cơ thể nhận biết có virus xâm nhập.

Cũng quá trình nhận biết này, nhưng với các loại vaccine truyền thống là sẽ đưa một phần virus đã chết, không hoạt động nữa hoặc đã bị biến đổi vào trong cơ thể chúng ta để hệ thống miễn dịch của chúng ta có thể học cách nhận biết và chống lại kẻ xâm lược này.

Còn đối với trường hợp vaccine mRNA do công ty Moderna và Pfizer-BioNTech sản xuất, chúng ta sẽ không tiêm virus vào người, mà thay vào đó, chúng ta được tiêm mRNA.

Sau đó, mRNA sẽ hướng dẫn tế bào trong cơ thể chúng ta tạo ra một phiên bản protein mũi nhọn chống lại SARS-CoV-2.

Trong phòng thí nghiệm, các nhà khoa học tạo ra một mRNA tổng hợp chứa chuỗi protein mũi nhọn. Thông tin được mã hóa đó được tiêm vào cơ thể, sẽ hướng dẫn tế bào trong cơ thể sản xuất các protein mũi nhọn. Các protein mũi nhọn này kích hoạt các tế bào miễn dịch tập hợp một khả năng kháng thể để có thể nhận diện virus.

Nếu virus SARS-CoV-2, virus gây ra COVID-19, lây nhiễm cho người được tiêm chủng, thì các kháng thể được huấn luyện này sẽ phát ra báo động, dẫn đến phản ứng miễn dịch để chống lại sự lây nhiễm.

Ý tưởng căn bản của việc sử dụng vaccine để dạy hệ thống miễn dịch của cơ thể đã có từ hơn 200 năm trước, nhưng việc sử dụng mRNA là một bước phát triển mới nhất. So với các phương pháp khác, mRNA dẫn đầu về cả tốc độ và tính linh hoạt.

Ưu điểm của vaccine mRNA

Các tác giả cho rằng công nghệ của vaccine mRNA có thể thích nghi, giúp cơ thể cập nhật nhanh chóng khi biến thể của virus mới phát triển hoặc toàn bộ virus mới được phát hiện.

Vì vaccine mRNA dựa trên trình tự của các protein virus, nên việc tạo ra một loại vaccine mới có thể chỉ cần thay đổi trình tự mRNA nếu bạn biết mình muốn tạo ra loại protein nào.

Vaccine mRNA cũng được sản xuất nhanh hơn và đáng tin cậy hơn so với vaccine truyền thống. Đối với Moderna, toàn bộ quy trình — từ thiết kế vaccine đến sản xuất và vận chuyển — chỉ mất 7 tuần.

Nhược điểm của vaccine mRNA

Vaccine mRNA không ổn định khi lưu trữ ở nhiệt đô cao, khiến vấn đề đóng gói và phân phối gặp nhiều khó khăn, nhất là đưa vaccine tới vùng xa xôi hẻo lánh.

Mặc dù đến nay vaccine mRNA cho thấy phần lớn kết quả khả quan, nhưng hậu quả lâu dài vẫn chưa được nhận biết và nghiên cứu.

Tương lai của mRNA

Các nhà nghiên cứu đang phát triển vaccine mRNA cho các bệnh truyền nhiễm khác. Thử nghiệm ban đầu trên động vật cho thấy mRNA có thể chống lại các loại virus như cúm, Zika và bệnh dại.

Trước khi phát triển vaccine mRNA phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm, các nhà nghiên cứu và các công ty dược phẩm đã dự tính tiềm năng điều trị ung thư của mRNA. Hơn 20 vaccine mRNA trong các thử nghiệm lâm sàng thuộc lĩnh vực ung thư, thử nghiệm mRNA như một công cụ điều trị được cá nhân hóa cho từng bệnh nhân.

Tác giả hy vọng khả năng lý tưởng nhất là các bác sĩ sẽ có thể xác định các đột biến đặc biệt tồn tại trong tế bào ung thư của bệnh nhân và đưa các ký tự đột biến đó vào vaccine mRNA, nhằm dạy hệ thống miễn dịch của bệnh nhân tấn công tế bào ung thư hiệu quả hơn.

Share
Published 6 July 2021 3:52pm
By Lê Tâm

Share this with family and friends