Cuộc chiến của người phụ nữ gốc Việt đòi công lý cho những nạn nhân chất độc da cam

Pháp đã mở phiên tòa xét xử vụ kiện của bà Trần Tố Nga kiện 14 công ty hóa chất Mỹ cung cấp chất độc da cam cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Vụ kiện đã thu hút sự quan tâm ủng hộ của dư luận và báo chí ở Pháp và những nước khác.

Bà Trần Tố Nga

Bà Trần Tố Nga Source: Flickr/Chambre des Deputes CC BY-ND 2.0

Ngay 25/1, tại thành phố Evry, Pháp đã diễn ra phiên xét xử đầu tiên giữa nguyên đơn là bà Trần Tố Nga kiện 14 công ty hóa chất tiếng tăm của Mỹ yêu cầu những công ty này phải chịu trách nhiệm cho những tổn thất đã gây ra cho bà, cho con cháu của bà và hơn 4 triệu nạn nhân chất độc da cam, cũng như những thiệt hại các hóa chất này đã gây ra cho môi trường ở Việt Nam.

Trong phiên tranh tụng đầu tiên, rất đông những người ủng hộ bà Trần Tố Nga đã có mặt tại phòng xét xử cùng với nhiều chính trị gia Pháp. 

Tại phiên tòa, khoảng 20 luật sư của 14 công ty hóa chất như Dow Chemical, Bayer-Monsanto, Harcros Chemical, Uniroyal Chemical, Thompson Hayward Chemical... sẽ có bốn giờ tranh luận bảo vệ cho quyền lợi các thân chủ giàu có của mình, còn ba luật sư bảo vệ cho bà Nga gồm William Bourdon, Amélie Lefebvre và Bertrand Repolt chỉ có 1 giờ 30 phút. Ba luật sư này đã tình nguyện giúp bà Nga theo đuổi vụ kiện từ sáu năm qua.

Bà Trần Tố Nga, sinh năm 1942, là người Pháp gốc Việt, bà từng là phóng viên và là nhà hoạt động tại Việt Nam khi còn trẻ.

Bà Tố Nga từng đứng ra làm chứng tại Tòa án lương tâm quốc tế vì nạn nhân da cam Việt Nam tổ chức ở Paris. Sau đó, với sự ủng hộ và đồng hành của luật sư William Bourdon và nhà văn André Bouny, cũng là nhà hoạt động xã hội người Pháp ủng hộ nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam, bà quyết định đứng ra kiện các công ty hóa chất Mỹ.

Tháng 5/2013, Tòa Évry đã chấp thuận đơn của bà Tố Nga khởi kiện 26 công ty hóa chất Mỹ. Thế nhưng phải sau 10 năm bị trì hoãn vì những thủ tục tố tụng kéo dài, thẩm phán mới quyết định mở phiên xét xử vào ngày 12/10/2020, rồi bị hoãn do dịch COVID-19 tới ngày 25/1/2021.

“Sự nhìn nhận các nạn nhân chiến tranh Việt Nam có thể tạo ra một tiền lệ pháp lý,” chuyên gia luật quốc tế Valerie Cabanes nhận định.
Bà Trần Tố Nga (giữa)
Source: Flickr/Chambre des Deputes CC By-ND 2.0
Cho đến nay mới chỉ có các cựu quân nhân ở Hoa Kỳ, Úc và Hàn Quốc mới đòi được bồi thường cho những hậu quả vũ khí hóa học, mà so với hóa chất mà quân đội Mỹ sử dụng tại Việt Nam thì dioxin độc hại gấp 13 lần, luật sư Cabanes cho biết.

Bà Trần Tố Nga là trường hợp duy nhất có thể khởi kiện nhân danh các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, vì hội đủ 3 điều kiện: là công dân Pháp gốc Việt, sống tại quốc gia duy nhất có luật cho phép luật sư mở các vụ kiện quốc tế bảo vệ công dân chống lại một nước khác làm hại mình và bà là nạn nhân chất độc dioxin. 

Do đó, cuộc đấu tranh của bà có thể coi là cuộc chiến cuối cùng vì công lý cho gần hơn 4 triệu nạn nhân dioxin Việt Nam.
Trần Tố Nga
Source: Facebook/Collectif Vietnam-Dioxine
Ước tính quân đội Mỹ đã rải khoảng 76 triệu lít thuốc diệt cỏ và thuốc rụng lá nhằm chặn đường tiến quân của quân đội Bắc Việt cũng như chặn đường tiếp tế lương thực.

Hoa Kỳ đã chấm dứt việc sử dụng hóa chất năm 1971 và rút khỏi Việt Nam năm 1975 sau khi chiến tranh chấm dứt.

Mỗi năm có khoảng 6,000 trẻ em bị dị tật chức năng cơ quan sinh dục ở Việt Nam do ảnh hưởng của chất độc da cam.

“Tôi không đấu tranh cho bản thân tôi, tôi đấu tranh cho thế hệ sau của tôi và hàng triệu nạn nhân khác,” bà Trần Tố Nga phát biểu.

Bản thân bà cũng là nạn nhân của chất độc da cam, bà bị tiểu đường tuýp 2 và bệnh dị ứng insulin cực kỳ hiếm gặp. Ngoài ra bà cũng bị bệnh lao hai lần, ung thư và một trong số các con gái của bà qua đời vì dị tật tim bẩm sinh.

Về phía các công ty đa quốc gia đã phản biện rằng họ không thể chịu trách nhiệm cho việc quân đội Hoa Kỳ sử dụng sản phẩm của họ vào mục đích gì. Như công ty Bayer nói rằng chất độc da cam được sản xuất “theo sự chỉ đạo của chính phủ Mỹ và chỉ dùng cho mục đích quân sự.”

Nhưng theo bà Marie Toussaint, luật sư trong lĩnh vực luật quốc tế về môi trường, đồng thời là Nghị sĩ của Pháp tại Nghị viện châu Âu, cho rằng, các công ty không thể nói rằng họ sản xuất chất độc theo lệnh của Chính phủ Mỹ, vì chính họ đã nghiên cứu, thử nghiệm và tham gia đấu thầu cung cấp các hóa chất này cho quân đội Mỹ. 

Thêm thông tin và cập nhật Like Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 


Share
Published 27 January 2021 4:22pm
Updated 27 January 2021 5:13pm
By Hương Lan

Share this with family and friends