Feature

Để người cao niên không thành "miếng mồi ngon" của những tên lừa đảo

Hoạt động lừa đảo tăng mạnh trong thập niên qua. Và trong số các nạn nhân, người cao niên dường như lại chính là miếng “mồi ngon” và thường được những tên lừa đảo để ý nhất. Làm gì để không "dính bẫy" lừa?

Aged care

An elder was taught about internet security. Source: Getty Images

Người cao niên thành "miếng mồi ngon"

Báo cáo về những mục tiêu lừa đảo mới nhất từ Ủy ban Bảo vệ cạnh tranh và người tiêu thụ Úc (ACCC) cho thấy, nhóm tuổi trên 55 là nhóm có tổng số tiền bị lừa nhiều nhất, chiếm tới hơn 45 triệu đô la vào năm ngoái.

Nhưng nếu xét về số lượng các vụ bị dính bẫy lừa, trong năm 2018, những người trên 65 tuổi bị lừa nhiều nhất so với bất kỳ nhóm tuổi nào khác.

Còn năm ngoái, báo cáo của Ngân hàng Commonwealth công bố tại Hội nghị Quốc gia về Lợi dụng Người cao niên cũng cho thấy, những người trên 50 tuổi ở Úc có nguy cơ bị lừa đảo nhiều hơn 3 lần so với những người trẻ tuổi.

Và các vụ lừa đảo mà nạn nhân là những người trên 50 tuổi chiếm đến 76 phần trăm số nạn nhân trong các trò gian lận và lừa đảo được trình báo.

Cũng theo thống kê thì đàn ông dễ bị lừa gạt hơn phụ nữ, và những người ở nông thôn và vùng xa xôi hẻo lánh thì dễ bị dính bẫy lừa đảo hơn.

Các dạng lừa đảo phổ biến

Ba dạng lừa đảo phổ biến nhắm vào người trên 55 tuổi, là lừa đảo đầu tư, hẹn hò và lừa đảo lãng mạn và lừa đảo để lấy thông tin cá nhân.

Phó Chủ tịch ACCC Delia Rickard giải thích rằng, nhiều kẻ lừa đảo nhắm vào người già vì người già thường có điện thoại cố định và họ cũng thường là người trả lời các cuộc goi đến trên điện thoại cố định vào ban ngày.

Điều đó có nghĩa là, khả năng những người cao niên thường tiếp xúc với các trò gian lận hay lừa bịp là nhiều hơn các nhóm tuổi khác.

Và việc các ngân hàng trong những năm gần đây hạ thấp lãi suất tiền gửi cũng đã khuyến khích những kẻ lừa đảo tìm đến những người cao niên có tiền bằng dạng lừa đảo đầu tư với lời hứa có cánh về cơ hội kiếm tiền hiếm có.

Còn sự phát triển phương tiện truyền thông xã hội cũng như các ứng dụng trực tuyến đã cho những kẻ lừa đảo một con đường mới tiếp cận những người cao niên, thay vì qua điện thoại như trước đây. Và xuất hiện hình thức lừa đảo qua việc hẹn hò trên mạng và lừa để lấy thông tin cá nhân,

Trong đó, những kẻ lừa đảo qua việc hẹn hò trên mạng thường nhắm vào những người cao tuổi vì họ nhiều khả năng có tiền và có thể đang sống cô đơn. Những kẻ lừa đảo lợi dụng việc những người này đang muốn tìm một người để tâm tình, thường là qua các trang web hay ứng dụng hẹn hò, hoặc phương tiện truyền thông xã hội. Sau khi trao đổi qua lại trên mạng, chúng sẽ khiến những người cao niên thấy mủi lòng và chuyển tiền, quà hay thông tin cá nhân cho chúng.

Với phương tiện truyền thông xã hội, những kẻ lừa đảo có thể ẩn nấp và rình rập và nếu mọi người không cài đặt quyền riêng tư một cách chặt chẽ, chúng sẽ lợi dụng điều đó để nắm những thông tin của quý vị và hành động. Mà chúng ta cũng biết, người cao niên nhiều khi chưa thật sự rành việc cài đặt các tính năng này khi họ sử dụng mạng xã hội.

Bên cạnh bị mất tiền bạc, người cao niên bị dính bẫy lừa cũng có nhiều hệ lụy khác. Đó là, như bà Laura Higgins, một nhà điều hành của Ủy ban Chứng khoán và Đầu tư Úc (ASIC) cho biết, người cao niên có thể gặp khó khăn hơn so với các nhóm khác trong việc phục hồi sau các lừa đảo. Đó chính là nỗi thương tổn để lại trong họ. Đây là điều khó có gì bù đắp được.

Để tránh "bẫy lừa"

Để tránh không bị “dính bẫy” của những kẻ lừa đảo, theo bà Higgins, mọi người nên tránh tham gia bất kỳ thỏa thuận nào với người lạ qua điện thoại, nhất là những người gọi điện với danh nghĩa là muốn tiếp cận khách hàng tiềm năng qua điện thoại.

Bà Higgins nói, nếu ai đó cố gắng bán cho quý vị thứ gì đó qua điện thoại, điều tốt nhất nên làm là hãy nói: ‘không, cảm ơn ông hay bà rồi gác máy.

Hãy đế mắt tới bảng sao kê ngân hàng, thẻ tín dụng của quý vị và cảnh giác với các giao dịch đáng ngờ. Người cao niên cũng nên tìm hiểu về cài đặt quyền riêng tư và bảo mật thông tin cá nhân của quý vị trên mạng xã hội và các trang web trực tuyến.

Đồng thời, nhớ cập nhật danh sách các công ty được khuyến cáo không nên giao dịch được công bố trên trang web moneysmart.gov.au.

Còn đây là tư vấn của bà Delia Rickard, Phó Chủ tịch ACCC:

• Một là, không bao giờ cho bất kỳ ai tiếp cận thông tin cá nhân của quý vị từ đó họ có thể truy cập vào tài khoản trên mạng, bất kể họ nói họ đến từ cơ quan nào, bởi những kẻ lừa đảo thường núp bóng những tổ chức mà mới nghe qua là rất đáng tin cậy.

• Thứ hai, hãy cảnh giác với bất kỳ người lạ nào tiếp cận quý vị từ xa mà không gặp mặt trực tiếp quý vị.

• Thứ nữa, hãy thường xuyên truy cập trang web scamwatch.gov.au, để biết thêm thông tin và cập nhật những thông tin mới nhằm nâng cao cảnh giác.

• Thứ tư, hãy nhớ rằng, không cơ quan nào của chính phủ hoặc doanh nghiệp có uy tín nào lại yêu cầu quý vị thanh toán bằng tiền ảo hay bằng thẻ quà tặng cả.

• Thứ năm, đừng bao giờ gửi tiền cho những người mà quý vị mới gặp trên mạng chứ chưa gặp trực tiếp ngoài đời.


Share
Published 15 May 2019 6:27pm
Updated 16 May 2019 6:13pm
By Nam Sơn

Share this with family and friends