Giá vé máy bay cao và tình trạng huỷ chuyến sẽ còn tiếp tục đến bao giờ?

Sau hai năm đóng cửa biên giới do đại dịch COVID-19, nhiều người Úc đang háo hức đặt vé máy bay đi nước ngoài. Thế nhưng họ phải đối mặt với giá vé máy bay tăng vọt, số chuyến bay hạn chế, và tình trạng huỷ chuyến thường xuyên.

People waiting in an airport

Customers trying to book flights are reporting high airfares, limited options, and frequent cancellations from airlines. Source: AAP / Bianca de Marchi

Key points
  • ACCC cho biết giá vé máy bay nội địa đã tăng đáng kể.
  • Các hãng hàng không tăng giá vé để giảm bớt số nợ gây ra bởi đại dịch COVID-19.
  • Các chuyên gia cho rằng giá vé máy bay sẽ tiếp tục cao trong thời gian tới.
Các chuyên gia và hãng hàng không nói với rằng tình hình này sẽ khó thay đổi trong một sớm một chiều.

Thế nhưng nguyên nhân là do đâu?

Nhu cầu cao và nguồn lực hạn chế

Hồi tháng Chín, Uỷ ban Giám sát Cạnh tranh và Người Tiêu thụ Úc (ACCC) đã công bố báo cáo hàng quý về các hãng hàng không tại Úc, trong đó cho thấy giá vé máy bay nội địa đã tăng đáng kể trong khoảng thời gian từ tháng Tư đến tháng Tám năm nay.

Theo ACCC, giá vé máy bay hạng phổ thông rẻ nhất vào tháng 8/2022 cao hơn 56% so với tháng 4/2022, trong khi giá vé máy bay hạng thương gia tăng 17% từ tháng Sáu đến tháng Tám.

Ông David Beirman, tác giả quyển sách Tourism Crises and Destination Recovery (tạm dịch: Khủng hoảng du lịch và sự phục hồi của các điểm đến), cho biết đại dịch COVID-19 đã góp phần làm tăng giá vé máy bay nội địa và quốc tế.

“Về cơ bản trong 50 năm, khoảng từ năm 1970 đến khi bắt đầu đại dịch COVID-19 vào năm 2020, giá vé máy bay mỗi năm đều giảm,” ông nói.

“COVID-19 đã phá hỏng điều đó… vì những hạn chế gắt gao đối với hoạt động của các hãng hàng không, các hãng hàng không về cơ bản đã thua trắng tay… vì vậy họ đã tích luỹ một khoản nợ khổng lồ, và hầu hết họ phải trả lại.”

Ông Beirman cho biết nhiều hãng hàng không hiện đang tăng giá vé máy bay nhằm giảm bớt nợ, đồng thời đối mặt với tình trạng thiếu nhân viên do việc sa thải trong đại dịch, điều này góp phần gây ra các vấn đề như số lượng chuyến bay ít và hủy chuyến thường xuyên.

“Các hãng hàng không phải đối mặt với rất nhiều khó khăn,” ông nói.

“Các yếu tố đáng lưu ý khác bao gồm giá nhiên liệu tăng, cố gắng bù lỗ, trả lương cho nhân viên mới… rất nhiều yếu tố khác nhau khiến cho giá vé máy bay tăng vọt.”
Chuyên gia hàng không của Đại học Monash, Giáo sư Greg Bamber, đồng ý rằng nhu cầu gia tăng sau đại dịch, cộng với việc thiếu nhân viên, đã khiến giá vé máy bay tăng.

“Nhu cầu hiện rất cao; mọi người đã không thể bay ra nước ngoài để gặp gỡ bạn bè, gia đình, khách hàng hoặc đối tác của họ trong gần ba năm, và có một nhu cầu lớn bị dồn nén,” ông nói.

“Mọi người muốn đi du lịch nhưng nguồn lực bị hạn chế… các hãng hàng không cắt giảm số lượng chuyến bay. Nhu cầu cao mà lại có ít chỗ ngồi hơn, thế là các hãng hàng không tăng giá.

“Các hãng hàng không đang ưu tiên lợi nhuận hơn con người.”

Tỷ lệ huỷ chuyến cao gấp ba lần

Trong những tháng gần đây, các hành khách cũng đã phàn nàn về việc hủy chuyến thường xuyên.

Theo ACCC, vào tháng 7/2022, ngành hàng không nội địa đã ghi nhận chỉ số bay đúng giờ (on-time performance) tồi tệ nhất trong lịch sử, và tỷ lệ huỷ chuyến cao hơn gấp ba lần so với mức trung bình dài hạn.
Về vấn đề huỷ chuyến, Giáo sư Bamber nói rằng các hãng hàng không cần phải làm tốt hơn.

“Một hãng hàng không khổng lồ như Qantas có thể hủy các chuyến bay ngay lập tức, gây bất tiện cho chúng ta, và chúng ta chỉ biết chịu đựng và không được bồi thường,” ông nói.

“Tuy nhiên, nếu hành khách muốn đổi chuyến bay của họ vì một lý do chính đáng, thì Qantas sẽ tính tiền phạt cao, mặc dù việc đổi chuyến bay không làm tốn nhiều tiền của hãng.”

Giáo sư Bamber nói rằng các hãng hàng không cần tập trung vào việc xây dựng lại đội ngũ nhân viên sau đại dịch, và đối xử tốt hơn với nhân viên.

“[Các hãng hàng không] cần phải hiểu rằng dịch bệnh vẫn còn đó, và các nhân viên đôi khi sẽ phải vắng mặt, vì vậy họ cần chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực dự phòng,” ông nói.

“Đối xử tốt với lực lượng lao động là vì lợi ích của khách hàng và của hãng hàng không, nhưng hiện tại, nhiều nhân viên cảm thấy rằng họ không được đối xử tốt.”

Các hãng hàng không đã nói gì?

Một phát ngôn nhân của Virgin Australia nói với SBS News rằng hãng đang tập trung vào việc cung cấp giá trị và sự lựa chọn cho khách hàng, trong tình hình nhu cầu ngày càng tăng, áp lực lạm phát và chi phí nhiên liệu cao như hiện nay.

“Chúng tôi nhận thấy nhu cầu rất lớn khi người Úc đi máy bay trở lại để kết nối lại với bạn bè và gia đình và tận hưởng những trải nghiệm du lịch mà tất cả chúng ta đã bỏ lỡ trong đại dịch.

“Virgin Australia tiếp tục tăng cường các chuyến bay trong nước, và chúng tôi hy vọng công suất sẽ trở lại khoảng 100% so với mức trước COVID vào tháng Mười hai và tháng Giêng.”

Virgin Australia cũng đang tăng cường các đường bay quốc tế ngắn.
Vào ngày 13/10, trong một báo cáo hiệu suất hoạt động, Qantas cho biết tỷ lệ huỷ chuyến đã giảm từ 4% trong tháng Tám xuống còn 2,4% trong tháng Chín.

Hãng cũng cho biết tỷ lệ thất lạc hành lý vẫn ở mức 6 trên 1.000 hành khách trong tháng Chín và tháng Mười.

Vào ngày 23/11, Qantas cho biết mặc dù giá nhiên liệu vẫn còn cao, nhưng hiệu suất hoạt động đang được cải thiện.

Hãng hy vọng khoản đầu tư 200 triệu đô la vào nhân sự và đội tàu bay sẽ duy trì mức hiệu suất này trong các đợt bùng phát COVID-19 hiện tại và tương lai.

Bất chấp sự lạc quan từ các hãng hàng không, ông Beirman nói rằng khách hàng khó có thể thấy giá vé máy bay giảm trong tương lai gần.

“Không chỉ là vấn đề nợ nần, mà còn bởi vì trừ khi chúng ta đạt được một số giải pháp trong cuộc xung đột giữa Ukraine và Nga, điều đó sẽ tiếp tục tác động đến giá nhiên liệu,” ông nói.

Thêm thông tin và cập nhật Like 
Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 

Share
Published 28 November 2022 9:21pm
By Jessica Bahr
Presented by Đăng Trình
Source: SBS


Share this with family and friends