Điều gì sẽ giúp giải quyết cuộc khủng hoảng nhà ở tại Úc?

Thống đốc RBA Philip Lowe hồi tuần trước đã bị chỉ trích vì gợi ý rằng việc cho thuê phòng trống trong nhà hoặc sống với cha mẹ lâu hơn có thể giúp giải quyết cuộc khủng hoảng nhà ở tại Úc. Vậy điều đó có đúng hay không?

Houses on a street.

Australians are already living with their parents or in sharehouses for longer than previous generations. Source: AAP / Jono Searle

Thống đốc Ngân hàng Trữ kim Philip Lowe hồi tuần trước đã cảnh báo rằng sẽ trở nên tồi tệ hơn.

Ông cũng đưa ra giải pháp cho những người đang gặp khó khăn với chi phí sinh hoạt leo thang, rằng hãy cho thuê phòng trống trong nhà, hoặc sống với cha mẹ lâu hơn.

“Trung bình, chúng ta cần nhiều người sống chung dưới một mái nhà hơn,” ông phát biểu tại Thượng viện hồi tuần trước.

Ý kiến trên đã bị nhiều người chỉ trích.
Phát ngôn nhân của chiến dịch Everybody’s Home, bà Maiy Azize, cho biết hầu hết mọi người đã làm những gì họ cần để “có một mái nhà để ở”.

“Những người trẻ tuổi đã sống với cha mẹ trong khoảng thời gian kỷ lục; họ sống ở đó lâu hơn khoảng bốn năm so với thời của cha mẹ họ, và lâu hơn bất kỳ thế hệ nào trước đây,” bà nói.

“Và chúng tôi biết rằng những người lao động ở trọ chung với người khác ngày càng lâu hơn. Ví dụ, lần đầu tiên tại Úc, những người lao động thiết yếu đang sống chung trong những căn nhà trọ ở độ tuổi 30 và 40.

“Hành động của những cá nhân này không tạo ra cuộc khủng hoảng nhà ở, và họ sẽ không giải quyết nó.”

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nhà ở Úc, bà Emma Baker, nhận định thay vì đưa ra một giải pháp hợp lý cho cuộc khủng hoảng, lời khuyên của ông Lowe mang tính “chối bỏ trách nhiệm”.

“Đó không phải là vấn đề mà họ cần phải giải quyết,” bà nói.

Giải pháp cho cuộc khủng hoảng nhà ở tại Úc là gì?

“Những gì chúng ta đang thấy ở đây là hai cuộc khủng hoảng đối đầu, một cuộc khủng hoảng về nguồn cung và một cuộc khủng hoảng về khả năng chi trả,” bà Baker nói.

“Khi bạn thiếu nguồn cung, ai đó sẽ bị đẩy xuống. Trước đây, nếu họ không đủ tiền thuê nhà thì còn có nhà ở xã hội, nhưng mạng lưới an toàn hiện không còn như xưa.

“Có rất nhiều người thuê nhà ở thị trường tư nhân mà 20 năm trước, họ hội đủ điều kiện để thuê nhà ở xã hội.”

Phân tích từ Trung tâm Nghiên cứu Tương lai Thành phố thuộc Đại học UNSW năm ngoái cho thấy 640.000 hộ gia đình trên khắp nước Úc đang gặp căng thẳng về nhà ở.

Bà Azize cho rằng việc xây thêm nhà ở không phải là giải pháp.

“Chúng ta chưa bao giờ có nhiều nhà trên đầu người hơn bây giờ. Chúng ta đã xây dựng từ 150.000 đến 240.000 ngôi nhà mới mỗi năm trong thập niên qua và bạn biết không, điều đó không làm cho giá nhà rẻ hơn chút nào,” bà nói.

“Lý do không phải là vì mọi người dọn ra khỏi nhà của cha mẹ họ quá sớm, hoặc ngừng ở trọ chung với người khác quá sớm, mà là những người giàu có đang chiếm nhiều không gian hơn và mua nhà nhiều hơn.”

Bà Azize cho biết cần có một kế hoạch để bảo đảm rằng những ngôi nhà mới xây sẽ đến tay những người cần chúng.

“Trong 40 năm qua, điều đó đã không xảy ra,” bà nói.

“Chúng ta đã phó mặc hoàn toàn cho thị trường tư nhân, và họ đã không phân phối nhà ở một cách công bằng.”
Đảng Lao động và Đảng Xanh vẫn đang tranh luận về Quỹ Tương lai Nhà ở Úc (Housing Australia Future Fund) trị giá 10 tỷ đô la của chính phủ liên bang, nhằm xây dựng .

Bà Baker cho biết mặc dù đây là một ví dụ về các loại chính sách mà Úc cần trong một thời gian dài, nhưng nếu được thông qua với hình thức hiện tại, thì nó chỉ giống như muối bỏ biển.

“Thật tuyệt vời khi một điều gì đó đang được thực hiện… nhưng nó không đủ tầm cỡ,” bà nói.

Bà Azize cũng có cùng quan điểm, và cho rằng con số này rất nhỏ so với số lượng nhà ở xã hội có giá phải chăng cần thiết.

“Quỹ nhà ở này là một điều tốt đẹp cho những người có được nhà từ nó, nhưng nó không phải là câu trả lời cho sự thiếu hụt này,” bà nói.

Bà Azize cho biết nhà ở trước đây có giá phải chăng hơn là do các chính phủ đã can thiệp nhiều hơn.

“Nếu [quỹ nhà ở] không lớn hơn, thì đó không thể là điều duy nhất mà chính phủ thực hiện trong lĩnh vựcnày,” bà nói.

“Cuộc khủng hoảng giá nhà quá lớn, chúng ta cần tìm cách hạn chế khả năng của chủ nhà trong việc tăng tiền trọ không công bằng đối với người thuê nhà, chúng ta cần xem xét Airbnb và xem liệu có thể biến những ngôi nhà đó thành nhà cho thuê có giá phải chăng hay không.

“Mọi người không nên dễ dàng mua căn nhà thứ hai và thứ ba rồi để trống, trong khi có rất nhiều người cần chỗ ở.”

Việc cải tổ hệ thống thuế để hạn chế một số người “kiếm lợi từ cuộc khủng hoảng tiền thuê nhà” cũng sẽ rất hữu ích.

“Hãy nhìn vào thuế lợi vốn (capital gains tax), hãy nhìn vào khấu trừ đầu tư thua lỗ (negative gearing) – chúng không chỉ đẩy giá nhà lên cao mà còn khiến chính phủ mất rất nhiều tiền,” bà nói.

“Chính phủ dự kiến sẽ mất 157 tỷ đô la trong 10 năm tới cho việc khấu trừ đầu tư thua lỗ, trợ cấp cho chủ nhà, và số tiền đó lẽ ra nên được dùng để đầu tư vào nhà ở xã hội và giúp đỡ những người đang gặp khó khăn.”

Một giải pháp khác là khuyến khích các công ty địa ốc xây dựng những ngôi nhà có giá phải chăng hơn.

“Chúng ta cần nhiều lựa chọn hợp túi tiền hơn cho những nhóm người khác nhau, bạn biết đấy, hình dạng khác nhau, địa điểm khác nhau, kiểu dáng khác nhau, có thể là những thứ mà chúng ta chưa từng thử trước đây,” bà nói.

“Chúng ta cần phải làm gì để khuyến khích khu vực tư nhân xây dựng trong lĩnh vực đó hoặc giúp đỡ theo một cách nào đó?”

Đồng hành cùng chúng tôi, Follow & Like 
Cập nhật tin tức mọi lúc mọi nơi tại 
Nghe SBS tiếng Việt trên trang mạng, hay trên ứng dụng SBS Radio, tải về từ hay 

Share
Published 7 June 2023 12:34am
By Amy Hall
Presented by Đăng Trình
Source: SBS


Share this with family and friends