Học thạc sĩ kỹ thuật ở Mỹ, về Việt Nam được phân công… truy xuất nguồn gốc thịt heo

Anh Phạm Quốc Thái được cấp học bổng du học Mỹ theo đề án Đô thị thông minh, nhưng sau khi tốt nghiệp trở về nước, anh lại được phân công làm quản lý thực phẩm và truy xuất nguồn gốc thịt heo với mức lương chỉ 2,8 triệu đồng/tháng. Liệu Việt Nam có đang lãng phí nhân tài?

Vietnamese scholars studied at ASU to advance Ho Chi Minh City’s Smart City efforts.

Vietnamese scholars studied at ASU to advance Ho Chi Minh City’s Smart City efforts. Source: Arizona State University

Trường hợp của anh Phạm Quốc Thái, 26 tuổi, được báo loan tin hôm 24/6 vừa qua đã gây xôn xao trên mạng xã hội.

Theo đó, vào năm 2017, công ty Intel Products Vietnam phối hợp cùng Đại học Tiểu bang Arizona (ASU), Hoa Kỳ, cấp 19 học bổng Thạc sĩ cho sinh viên Việt Nam, với tổng trị giá 1 triệu USD.

Đây là một phần của dự án đô thị thông minh của thành phố Hồ Chí Minh, và theo thỏa thuận, các sinh viên tốt nghiệp phải làm việc ít nhất 3 năm cho dự án này.

Anh Thái là một trong 6 người được trao học bổng này. Anh theo học Thạc sĩ ngành kỹ thuật dân dụng, môi trường và bền vững tại ASU trong vòng một năm. Mọi chi phí học hành và sinh hoạt ở Mỹ (khoảng 65.000 USD) đều do Intel đài thọ.

Sau khi tốt nghiệp trở về nước, nhóm sinh viên này được lãnh đạo TP.HCM đón tiếp khá nồng hậu.

“Khi học về tháng 8.2018 thì tháng 9.2018, chúng tôi được Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong gặp gỡ để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng cũng như yêu cầu các sở ban ngành liên quan phải tiếp nhận, tạo điều kiện trong công việc,” anh Thái kể với báo Thanh Niên.

“Thấy được sự trọng thị mà lãnh đạo TP.HCM dành cho mình, ai cũng cảm thấy phấn chấn và tự hứa sẽ đóng góp cho các chương trình đô thị thông minh của TP.HCM.”
Dù tốt nghiệp thạc sĩ tại Mỹ nhưng anh Thái phải chạy xe ôm Grab để kiếm thêm thu nhập.
Dù tốt nghiệp thạc sĩ tại Mỹ nhưng anh Thái phải chạy xe ôm Grab để kiếm thêm thu nhập. (Ảnh: Thanh Niên) Source: Thanh Nien
Thế nhưng chỉ vài tháng sau, anh Thái lại được phân công về Phòng Quản lý chất lượng thực phẩm thuộc Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TP.HCM, tức hoàn toàn không liên quan gì đến chuyên ngành kỹ thuật của anh.

Công việc hàng ngày của cựu du học sinh Mỹ này là nhận tờ khai của doanh nghiệp thực phẩm, kiểm tra việc điền thông tin về truy xuất nguồn gốc có khớp không, và nếu không khớp thì hướng dẫn điền cho đúng.

“Công việc giống như lao động phổ thông mà một người trình độ lớp 9 cũng có thể làm được,” anh nói.

“Điều tôi bức xúc đó là việc tôi học về kỹ thuật xây dựng công trình nhưng lại phân về quản lý thực phẩm, truy xuất nguồn gốc thịt heo – một lĩnh vực mà tôi không hề có kiến thức gì cả.”

Đáng buồn hơn là tiền lương mỗi tháng của anh Thái chỉ ở mức 2,8 triệu đồng – thấp hơn nhiều so với mức lương trung bình 4 triệu đồng ở Sài Gòn.

Trong suốt nửa năm qua, anh phải xin thêm tiền từ gia đình, cuối tuần làm thêm ở Tây Ninh, và đăng ký chạy Grab vào buổi tối để kiếm thêm thu nhập.

Mỗi buổi chạy Grab, anh kiếm được khoảng 100.000 – 150.000 đồng.
“Điều tôi bức xúc đó là việc tôi học về kỹ thuật xây dựng công trình nhưng lại phân về quản lý thực phẩm, truy xuất nguồn gốc thịt heo – một lĩnh vực mà tôi không hề có kiến thức gì cả.” – Phạm Quốc Thái
Câu chuyện đáng buồn của anh Phạm Quốc Thái làm dấy lên nhiều cuộc thảo luận sôi nổi về tình trạng lãng phí nhân tài ở Việt Nam. Phân công không đúng chuyên môn, và trả lương không đúng với năng lực là những vấn đề nổi bật.

Ngay trên bài báo của Thanh Niên, độc giả Châu Quang Nhật Ngân nhận xét: “Không đủ tiền sống cuộc sống bình thường mà phải chạy xe ôm để kiếm thêm thu nhập cho cuộc sống thì lấy gì nghiên cứu? Đừng nghĩ người ta không muốn nghiên cứu hoặc học cao hơn để có được vinh dự về nhiều mặt.”

Còn độc giả Cao Hồ Nghĩa thì chua chát: “Đúng quy trình rồi. Cậu ấy có bằng tin học nên có thể nhập liệu được. Cơ quan đang thiếu người có chuyên môn về lĩnh vực nhập liệu. Chuẩn quy trình luôn.”

Cũng liên quan đến việc lãng phí nhân tài hay lãng phí chất xám, độc giả Hoàng Văn bình luận: “Có ai thử làm thống kê xem trong những người chạy Grab có bao nhiêu là sinh viên, cử nhân, thạc sĩ... được đào tạo đại học, sau đại học mà ra trường chạy chạy xe ôm thì có lãng phí quá không? Lỗi tại ai? Tại người học? Tại nhà trường? Tại doanh nghiệp?”

Trong một bài viết trên , Luật sư Nguyễn Văn Đài bày tỏ quan điểm: “Những nhân tài do chính Nhà nước Cộng sản […]đưa ra nước ngoài đào tạo, khi họ trở về còn không được sử dụng, hoặc sử dụng không hiệu quả thì còn nói gì tới việc thu hút nhân tài, chất xám từ hải ngoại hoặc từ những người đi du học tự túc.”

Thêm thông tin và cập nhật Like Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 

Share
Published 26 June 2019 7:01pm
By Đăng Trình

Share this with family and friends