Lừa đảo tuyển dụng và visa khiến di dân bị móc túi $50,000 – kẻ lừa đảo lái xe đắt tiền và ở biệt thự

Một vụ lừa đảo việc làm và visa trị giá hàng triệu đôla hứa hẹn tìm việc cho di dân ở vùng quê đã khiến nhiều chục người bị móc túi $50,000 mỗi trường hợp trong khi kẻ lừa đảo ở trong dinh thự trị giá $3 triệu đôla và lái xe Porsche.

Lubo Jack Raskovic exits his car. Pic Nick Moir 10 nov 2017

Lubo Jack Raskovic exits his car. Pic Nick Moir 10 nov 2017 Source: Fairfax

Một công ty tuyển dụng có văn phòng ở Tây Bắc Sydney do Lubo Jack Raskovic điều hành, một cựu giám đốc của một công ty bị cấm hoạt động, hứa hẹn tìm công việc có chủ nhân bảo lãnh cho di dân và một con đường chuyển tiếp đến visa với mức phí cao đến 70,000 đôla.

“Ông ấy nói ông ấy có thể tìm được một người phù hợp trong lĩnh vực của tôi – nếu tôi muốn được bảo lãnh để có visa, ông ấy có thể giúp,” Harmandeep Brar, một kỹ sư cơ khí sống ở Melbourne, cựu khách hàng của công ty này cho biết.

còn tiết lộ ông Raskovic, 59 tuổi, và công ty của ông, Global Skills and Business Services Pty Ltd, đã đề nghị trả tiền cho các nhà nhân dụng ở khu vực nông thôn đổi lấy việc làm và visa cho di dân.
Nhà nhân dụng Chris Olm, từ công ty Chris's Welding & Steel, ở Chinchilla, khu vực Western Downs Region của Queensland, cho biết ông được chào mời bỏ túi 10,000 đôla nếu chịu nhận một công nhân và bảo lãnh cho người này có visa. Sau khi hỏi rõ Raskovic về cách thanh toán, Olm được biết mình sẽ nhận tiền mặt.

“Ông ta nói, ‘anh muốn tiền mặt không’ và tôi nói, ‘chỉ cần chuyển vào tài khoản ngân hàng của tôi. Đời nay làm ăn ai giao dịch bằng tiền mặt nữa, sao vụ này mờ ám vậy,” ông Olm nói.

Khách hàng trước đây cho biết họ phát hiện ra dịch vụ này thông qua lời truyền miệng hay các bài viết trên Facebook. Hầu hết khách hàng theo đuổi hàng tháng trời tìm kiếm công việc từ ông Raskovic nhưng cuối cùng lại là một hành trình đòi tiền bồi hoàn, và không bao giờ lấy lại được đầy đủ, trong nhiều trường hợp, không lấy lại được đồng nào. Nhiều người phải rời nước Úc trắng tay.

Tháng trước, ông Raskovic đặt công ty Global Skills mà ông là giám đốc và cổ đông duy nhất vào tình trạng thanh lý với tiền nợ khoảng 2,5 triệu đôla, khiến  45 chủ nợ, chủ yếu là người di dân Ấn Độ, rỗng túi.

Theo hồ sơ của công ty, công ty này ‘không có tài sản nào’ khi đem ra thanh lý. Nhưng trước đó chỉ 10 tháng, ông Raskovic đã mua một căn biệt thự trị giá 3 triệu đôla ở Bella Vista – theo mô tả của các công ty địa ốc là ‘một trong những căn nhà tuyệt vời nhất vùng Hills’ – và mua một chiếc xe mới cáu Porsche Cayenne màu đen trị giá 100,000 đôla, nhưng chủ sở hữu của hai tài sản này là một doanh nghiệp khác.

Raskovic làm việc cho một công ty khác, All Borders Pty Limited – mới thành lập chỉ vài tuần trước khi Global Skills bị phá sản – và hoạt động ở cùng một địa chỉ văn phòng với mô hình kinh doanh tương tự Global Skills. Công ty mới thuộc sở hữu của người đối tác, Neo Tau, người có phần chia trong căn biệt thự ở Bella Vista.

Bị buộc phải quay về Ấn Độ

Suneel Kumar Kocherla, 41 tuổi, cho biết ông đã mất khoảng 30,000 đôla cho Global Skills, khi công ty này hứa hẹn giúp ông tìm được một công việc ở khu vực nhà quê Úc.

Ông đã ở trong tình trạng tuyệt vọng tìm mọi cách để ở lại Úc hai năm trước đây và tìm đến rất nhiều công ty tuyển dụng. Ông chấp nhận hợp đồng với Global Skills và đồng ý trả 40,000 đôla.

Đổi lại, Global Skills đồng ý cung cấp ‘các dịch vụ tuyển dụng’ bao gồm ‘thu thập CV và yêu cầu tham khảo’, ‘tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc phỏng vấn và sắp đặt các cơ hội’, và ‘hỗ trợ quá trình mới làm việc và nhận việc’. Không chắc chắn sẽ có được một công việc, tuy nhiên khách hàng có quyền được bồi hoàn chi phí hợp lý nếu việc làm chỉ kéo dài dưới 12 tháng.

Tháng 4 năm 2015, ông nhận được một lời mời làm việc từ giám đốc điều hành của một công ty cảnh quan ở Sunshine Coast, Queensland.

SBS và Fairfax Media nhìn thấy một ‘lá thư cam kết’ mà theo những gì viết trên đó, ông được công ty cảnh quan mời làm việc. Nhưng sếp của công ty này cho biết ông chưa bao giờ nghe nói đến ông Raskovic hay công ty Global Skills.

“Tôi không bao giờ ký hợp đồng với bất cứ ai liên quan đến những thứ đó”, ông chủ của công ty cảnh quan nói.

Khi được yêu cầu phản hồi trước các cáo buộc, Raskovic cho biết ông được tham vấn là không nói gì cả. đã có lời khuyên để không nói chuyện. Raskovic cũng không trả lời những câu hỏi bằng văn bản.

Sau khi thất bại trong một số công việc khác nữa, ông Kocherla, người có hai con nhỏ, buộc phải rời khỏi Úc và trở về Ấn Độ.

Khách hàng và công ty nhân dụng ngồi chung một thuyền

Khách hàng không phải là những người duy nhất bị ông Raskovic làm tức giận. Các nhà nhân dụng cho biết họ được mời chào trả tiền mặt để nhận công nhân ngoại quốc hoặc tài trợ hồ sơ visa, nhưng không bao giờ nhận được tiền.

Theo các luật mới được đưa ra vào tháng 12 năm 2015, việc mời chào hoặc cung cấp tiền để đổi lấy một thỏa thuận bảo lãnh cho người ngoại quốc có visa làm việc là bất hợp pháp. Hình phạt cao nhất cho cá nhân là 50,400 đôla mỗi vi phạm, và lên đến 252,000 đôla đối với công ty.

Ông Raskovic từ chối trả lời các câu hỏi về việc trả lệ phí, tuy nhiên các tài liệu nội bộ mà SBS và Fairfax Media có được cho thấy có nói đến một ‘chi phí đào tạo’ là 10,000 đôla trả cho nhà nhân dụng.

Ông Olm cho biết 1,000 đô la mà ông được hứa hẹn sẽ chỉ đến tay ông sau khi công nhân được cấp visa. “Một khi visa được chấp thuận, chúng tôi hiểu là mình sẽ nhận được 10 ngàn đô”, ông nói.

Khi gặp người công nhân, Olm cho biết người lao động không có những kinh nghiệm cần thiết, nhưng vẫn nhận anh ta. “Tôi bằng lòng nhận anh ta, ý tôi là công ty môi giới đã lấy đi 50 ngàn đô của người này,” Olm nói.

Sau khi người công nhân ngoại quốc có visa, Olm đã gọi ông Raskovic để thu tiền. Nhưng ông Olm cho biết ông không bao giờ nhận được tiền, và hiện đang xem xét hành động pháp lý.

Một chủ doanh nghiệp khác là Garry Rogers, người điều hành Noosaville Meat Markets ở phía bắc Brisbane, cho biết ông cũng được mời chào 10,000 đôla nếu chịu nhận một công nhân ngoại quốc vào làm.

“Họ nói rằng tôi có thể có được 5 ngàn, có thể là 10 ngàn, nếu công nhân ở lại làm việc,” ông nói.
Ankur
Ankur paid $50,000 to Global Skills and Business Services for a job that never eventuated. Source: SBS
Vanni, một cựu khách hàng cho rằng ông Raskovic đánh vào tâm lý khát khao được ở lại Úc của di dân.

“Ông ta nói với bạn là, nếu bạn bắt đầu với công việc này, thì bạn sẽ bắt đầu ổn định cuộc sống định cư ở đây, bởi vì có một số loại visa mà bạn có thể tìm được sự bảo lãnh,” cô kể.

“Và ông ta hay đem ra những vụ đã thành công… những yêu cầu di trú, ví dụ như doanh nghiệp đủ điều kiện để bảo lãnh một sinh viên. Đó là cách ông ta khiến bạn rơi vào bẫy.”

Một cựu khách hàng khác, Ankur, đang phải lái xe Uber để kiếm tiền trả nợ khoản tiền 50,000 đôla mà anh đã nộp cho ông Raskovic. Cha của Ankur đã phải đi vay nợ để gom đủ số tiền cho con lo giấy tờ.

“Nếu ông ta không chịu trả lại tiền cho tôi thì tôi biết nói gì với cha mình bây giờ? Số tiền cả đời đi làm dành dụm của ông ấy?” anh nói.

‘Tôi đánh liều mạo hiểm một cú lớn trong đời mình’

Khách hàng cho biết hậu quả mà họ phải chịu rất nặng nề.

Harmandeep Brar, một thợ máy đã được đào tạo trường lớp đàng hoàng, cho biết ông đã trả 45,000 đôla đổi lấy một công việc cơ khí trong công ty dịch vụ chất thải tên We Kando Pty Ltd ở Chinchilla.

“Tôi đánh liều mạo hiểm một cú lớn trong đời mình. Đó là một thị trấn nhỏ,” ông nói.

Cuối cùng ông bị sa thải chỉ sau hai tháng. Ông tuyên bố rằng công việc chủ yếu là lao động thủ công mặc dù hợp đồng lao động mô tả đó là việc của một thợ cơ khí. “Tôi nói với họ 'quý vị tìm sai việc cho chúng tôi'... Tôi chưa từng làm việc với máy diesel,” ông nói.

Ông đòi lại tiền đã nộp cho công ty của ông Raskovic nhưng cho biết chẳng đòi được gì cả.

Một cáo buộc khác đến từ một người đàn ông không muốn để lộ tên tuổi vì gia đình ở Ấn Độ vẫn chưa biết ông bị gạt tiền, nói rằng Raskovic đã lấy 35,000 và hứa hẹn một công việc quản lý cho ông.

Nhưng kết cuộc là ông này chạy đi chạy về đoạn đường 500 cây số giữa Brisbane và Roma, gõ cửa từng doanh nghiệp xin việc.

“Tôi ngủ trong xe và tôi cứ chạy đi chạy về như vậy”, ông nói.

'Một cách làm ăn hợp pháp hơn’

Schon Condon được bổ nhiệm là người thanh lý công ty Global Skills và có cuộc gặp gỡ với ông Raskovic tháng trước.

“Ông ta cho biết ông ta đã thua trong một hành động pháp lý và đang tìm cách tái tạo lại một cách tốt hơn, và có lẽ là một cách hợp pháp hơn, để thực hiện công việc kinh doanh của mình,” ông Condon nói.

Trong cuộc họp, Raskovic cho biết công ty không có tài sản. Nhưng cuộc điều tra phối hợp của SBS – Fairfax Media đã phát hiện các tin nhắn và email từ tháng 1 năm 2017 từ công ty của Raskovic yêu cầu khách hàng trả tiền vào một tài khoản ở ngân hàng Westpac.
Refund
Ankur has never received a refund. His calls to Jack Raskovic go unanswered. Source: SBS
Theo các hóa đơn mà SBS – Fairfax Media có được, trong vòng 6 tháng trước khi Global Skills phá sản, hai công ty liên quan đến ông Raskovic đã yêu cầu thanh toán gần 1 triệu đôla cho các dịch vụ bao gồm tiền thuê, phí quản lý và phí tư vấn cho chính ông Raskovic.

Trong khi tình hình tài chính của Global Skills vẫn không có gì đáng báo động, khách hàng được yêu cầu phải chuyển tiền vào một tài khoản của một công ty khác, do ông Raskovic sở hữu, công ty sau này đứng tên ngôi nhà ở Bella Vista Waters trị giá 3 triệu đôla, và mấy chiếc xe, trong đó có chiếc Porsche Cayenne màu đen mới mua vào đầu năm nay.

Đã bị tước quyền trước đó

Trước đây, ông Raskovic đã bị truất quyền quản lý các công ty trong 4 năm kể từ năm 2008, sau khi Ủy ban Chứng khoán và Đầu tư Úc phát hiện ra ông cho phép ba công ty giao dịch trong tình trạng không có khả năng thanh toán.

Global Skills and Business Services Pty Ltd cũng tiếp tục được xác định đang điều hành một trang mạng tuyển dụng khác - - hứa hẹn sẽ kết nối người tìm việc với chủ nhân ‘trong nhiều trường hợp... có thể bảo lãnh cho Regional Sponsored Migration Scheme (visa 187) và visa 457”.

Theo các hợp đồng mà SBS – Fairfax Media nhìn thấy, một công ty liên kết với ông Raskovic sẽ trả 2,000 đôla cho người nào tìm được việc cho di dân mà có thể dẫn đến có visa. Một khoản chi phí sẽ được trả trước khi di dân nhận việc, và phần còn lại ‘khi hoàn thành, nộp và được chấp thuận các giấy tờ bảo lãnh theo hướng dẫn’.

Jee Eun Han, giám đốc điều hành của Australian Immigration Law Services, cho biết những người di dân muốn xin visa rồi bị bóc lột hoặc mất tiền thông qua các hình thức như vậy không phải là chuyện hiếm hoi.

“Câu chuyện phổ biến nhất của di dân là, ‘tôi đã trả rất nhiều tiền cho người môi giới việc làm hoặc đại lý tuyển dụng, để nhà nhân dụng làm hồ sơ bảo lãnh cho họ có visa, mặc dù công việc không bao giờ tồn tại, và nhiều khi họ phải trả nhiều hơn 50,000 đôla,” cô nói.

“Chỉ cần đặt mình vào hoàn cảnh của họ – bạn đang ở nước ngoài, sống ở đó vài năm, bạn cũng có thể có con, và bạn đang tìm kiếm việc làm và muốn có tấm visa chắc chắn, và rồi kẻ lừa đảo nhắm đến bạn.”

You can watch SBS' full investigation of Australia's underground visa market at 7.30pm tonight on SBS VICELAND or 10pm on SBS TV.


Share
Published 14 November 2017 7:13pm
Updated 12 August 2022 3:54pm
By Elise Potaka, Mario Christodoulou
Presented by Trinh Nguyen
Source: The Feed, Fairfax Media


Share this with family and friends