Người Úc mất gần nửa tỷ đô la vì những vụ lừa đảo trong năm 2018

Những kẻ lừa đảo đã gây tổn thất cho người dân Úc gần nửa tỷ đô la trong năm 2018, nhưng con số này chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”, theo ACCC.

The ACCC reported an increase in loss from scams throughout Australia in 2018

The ACCC reported an increase in loss from scams throughout Australia in 2018 Source: Getty

Trong năm 2018, người Úc đã mất gần nửa tỷ đô la vào tay những kẻ lừa đảo, theo số liệu mới nhất từ bản phúc trình  do ACCC công bố hôm 29/4.

“Tổng số tổn thất được báo cáo cho Scamwatch và các cơ quan chính phủ khác vượt quá 489 triệu đô la – hơn 149 triệu đô la so với năm 2017,” Phó chủ tịch ACCC, bà Delia Rickard cho biết.

“Và những con số kỷ lục này có thể chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Chúng tôi biết rằng không phải nạn nhân của vụ lừa đảo nào cũng báo cáo cho cơ quan chính phủ.”

Những vụ lừa đảo đầu tư gây thiệt hại nhiều nhất – lên đến 86 triệu đô la, tăng hơn 34% so với năm 2017.

Những vụ lừa tình cũng tăng từ 42 triệu đô la trong năm 2017, lên đến 60.5 triệu đô la trong năm 2018.

“Những tổn thất khủng khiếp này cho thấy những kẻ lừa đảo đang gây hại đáng kể về mặt tài chính và cảm xúc cho nhiều người dân Úc,” bà Rickard nói thêm.

“Những kẻ này đang áp dụng công nghệ mới vào những chiêu lừa đảo cũ, tìm cách thanh toán thông qua các phương thức bất thường và tự động hóa các cuộc gọi lừa đảo, nhằm gia tăng khả năng tiếp cận với các nạn nhân tiềm năng.”

Trong năm 2018, hơn 378,000 báo cáo lừa đảo đã được gửi tới Scamwatch, Mạng lưới Báo cáo Trực tuyến về Tội phạm mạng ở Úc (ACORN) và các cơ quan chính phủ liên bang và tiểu bang khác như Sở Thuế (ATO).
Hồi cuối năm 2018, nhiều người Úc đã nhận được những cuộc gọi tự động từ những kẻ mạo danh ATO, đe dọa bắt giữ họ vì những khoản nợ thuế chưa nộp.

Đến tháng 11, báo cáo về các cuộc gọi mạo danh ATO đã tăng hơn 900%, cho thấy những kẻ lừa đảo đang thực hiện một chiến dịch nhằm lừa gạt càng nhiều người càng tốt.

“Những kẻ lừa đảo đang sử dụng các chiến thuật gây áp lực và sợ hãi kết hợp với công nghệ để lừa tiền mọi người,” bà Rickard giải thích.

“Chúng yêu cầu nạn nhân chuyển tiền thông qua thẻ iTunes, thẻ Google Play và tiền điện tử, nhằm tránh các biện pháp chống lừa đảo do các ngân hàng và hệ thống phát hiện rửa tiền áp dụng.”

Các doanh vụ Úc cũng đang bị những kẻ lừa đảo nhắm mục tiêu, với tổn thất được báo cáo cho Scamwatch và các cơ quan khác vượt quá 60 triệu đô la trong năm 2018.

Một số tin tặc đã tấn công hệ thống email của các doanh vụ và mạo nhận nhân sự chủ chốt, nhằm yêu cầu thay đổi chi tiết tài khoản ngân hàng nơi tiền được chuyển vào. Nhiều công ty đã mắc lừa vì các email giả mạo trông rất giống email thật.

“ACCC đã làm việc với các ngân hàng, tổ chức tài chính trung gian và các trang mua bán trực tuyến nhằm chống lại các vụ lừa đảo, nhưng năm nay chúng tôi cùng với ACMA và ACSC cũng muốn thấy các mạng xã hội và các công ty viễn thông hành động nhiều hơn nhằm hạn chế khả năng những kẻ lừa đảo tiếp cận với nạn nhân,” bà Rickard nói.  

ACCC khuyến khích người dân ghé thăm trang mạng để báo cáo các vụ lừa đảo, cũng như tìm hiểu thêm về cách để bảo vệ bản thân.

Làm thế nào để tránh bị lừa đảo?

  • Nếu bạn nhận được một cuộc gọi hoặc email bất ngờ từ một người tự xưng là đại diện cho Giám đốc Công tố viện Liên bang hoặc ATO và đe dọa bắt giữ bạn, hãy gác máy ngay.
  • Nếu người gọi tuyên bố rằng họ đại diện cho một cơ quan chính phủ nào đó, và bạn nghi ngờ về điều này, hãy liên lạc trực tiếp với cơ quan đó.
  • Đừng vội tin vào số điện thoại, email hay địa chỉ website do người gọi cung cấp – hãy kiểm tra chúng thông qua một nguồn độc lập, như danh bạ điện thoại hoặc mạng internet.
  • Không bao giờ chuyển tiền qua ngân hàng cho bất kỳ ai mà bạn không biết hoặc không tin tưởng.
  • Không bao giờ cung cấp chi tiết trương mục cá nhân, thẻ tín dụng hoặc tài khoản trực tuyến của bạn qua điện thoại, trừ khi bạn thực hiện cuộc gọi và số điện thoại đến từ một nguồn đáng tin cậy
  • Nếu bạn nghĩ rằng bạn đã cung cấp chi tiết tài khoản của mình cho kẻ lừa đảo, hãy liên lạc với ngân hàng hoặc tổ chức tài chính của mình ngay lập tức.
(Nguồn: Scamwatch, ACCC)

Thêm thông tin và cập nhật Like 

Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 

Share
Published 30 April 2019 3:39pm
By Đăng Trình

Share this with family and friends