Latest

Những 'cú sốc' địa chính trị quốc tế sẽ kéo dài thêm chuỗi ngày lạm phát tại Úc

Lạm phát giá hàng hóa, dịch vụ, giá nhà tăng và việc làm dồi dào trong nước, cộng hưởng với các biến cố địa chính trị gần đây, có thể duy trì mức tăng giá, khiến mục tiêu lạm phát 2-3% của RBA sẽ còn lâu mới đạt được.

Inflation chart

Digital generated image of vertical bar graph made out of golden cubic blocks with shopping carts standing on them against light blue background. Inflation concept. Source: Moment RF / Andriy Onufriyenko/Getty Images

Tân Thống đốc Ngân hàng Trung ương Úc châu Michele Bullock cho biết việc tăng lãi suất đang làm nền kinh tế chậm lại, nhưng vẫn sẽ chứng tiếp tục chứng kiến những cú sốc toàn cầu, chẳng hạn như cuộc xung đột mới nhất giữa Israel và Palestine, có nguy cơ khiến lạm phát và lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn.

Kinh tế trong nước chưa ổn định

Bà Bullock đã đảm nhận vị trí lãnh đạo tại RBA khoảng một tháng trước.

Bà cho rằng, giống như người tiền nhiệm Philip Lowe, bà đang phải đối mặt với một loạt những hoàn cảnh kinh tế đầy thách thức.

Sau khi nâng lãi suất cơ bản từ mức thấp của đại dịch là 0,1% lên mức hiện tại là 4,1% trong vòng chưa đầy một năm rưỡi, người đứng đầu RBA cho biết lãi suất vay thế chấp mua nhà cao hơn, đã có tác dụng làm chậm lại nền kinh tế.

“Chúng tôi nghĩ rằng chính sách tiền tệ đang bắt đầu có tác dụng,” bà nói trong một “cuộc trò chuyện bên lề” tại hội nghị thượng đỉnh thường niên khai mạc của Cơ quan An ninh Tài chính Úc (AFSA) tại Sydney.

"Chúng ta đang thấy mức tiêu dùng chậm lại. Trên thực tế, chúng ta đang thấy mức tiêu dùng bình quân đầu người giảm.”

“Thực tế điều khiến tổng mức tiêu dùng tăng lên chính là sự gia tăng dân số," bà Bullock nói.

Theo đúng tác động của chính sách tiền tệ, sự chậm lại trong chi tiêu đang góp phần làm giảm lạm phát.

Thế nhưng, cũng chính từ điều này, theo bà Bullock, khi nhu cầu bắt đầu chậm lại, các doanh nghiệp đang gặp khó khăn hơn trong việc tăng giá sản phẩm để bù chi phí từ lãi suất.

Không loại trừ khả năng tăng lãi suất

Tuy nhiên, bà Bullock đưa ra lời cảnh báo cho bất kỳ ai bác bỏ khả năng tăng lãi suất thêm nữa hoặc trông chờ vào việc cắt giảm lãi suất sắp xảy ra.

“Có một số điều cho thấy rằng sẽ khó có thể giảm lạm phát,” Bà cảnh báo.

Bà Bullock chỉ ra lạm phát giá dịch vụ, giá nhà tăng và việc làm đang dồi dào là những yếu tố chính trong nước có khả năng duy trì mức tăng giá trên mức mục tiêu 2-3% của RBA, lâu hơn mong muốn.

Bà cũng lưu ý rằng các sự kiện nằm ngoài tầm kiểm soát của RBA tiếp tục gây áp lực tăng giá các mặt hàng quan trọng trên toàn cầu, chẳng hạn như chi phí nhiên liệu, vốn đã tăng mạnh do cuộc xung đột Israel-Gaza mới nhất.

Bà Bullock lo lắng rằng việc giá cả tăng liên tục do những cú sốc về nguồn cung cuối cùng sẽ kéo theo lạm phát cao hơn trong dài hạn.

“Vấn đề là chúng ta vừa bị sốc, hết cú sốc này đến cú sốc khác.”

“Và điều đó càng khiến lạm phát tăng cao, ngay cả khi đó là do cú sốc nguồn cung, thì mọi người càng điều chỉnh kỳ vọng của mình.”

“Mọi người càng điều chỉnh kỳ vọng lạm phát của mình thì lạm phát càng có khả năng kéo dài.”

Nếu kỳ vọng lạm phát dài hạn ở mức cao hơn thì bà Bullock cảnh báo Ngân hàng Trung ương Úc châu sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc tăng lãi suất hơn nữa, và có khả năng là tăng mạnh.


Đồng hành cùng chúng tôi, Follow & Like  Cập nhật tin tức mọi lúc mọi nơi tại 
Nghe SBS tiếng Việt trên trang mạng, hay trên ứng dụng SBS Radio, tải về từ hay 

Share
Published 18 October 2023 10:47am
By Xuân Ngọc
Source: SBS

Share this with family and friends