Sinh viên Trung Quốc tại Úc phản đối việc ông Tập làm Chủ tịch ‘suốt đời’

Sinh viên Trung Quốc trên thế giới và Úc đã tham gia biểu tình sau khi Bắc Kinh thông qua chính sách bãi bỏ thời hạn nắm quyền của Chủ tịch, giúp ông Tập Cận Bình có thể thống trị đất nước trọn đời.

Anti-Xi Jinping posters at the University of Sydney

Source: Twitter

Các sinh viên Trung Quốc tại hai trường đại học Sydney và Melbourne mới đây đã lên tiếng phản đối việc bãi bỏ thời hạn nắm quyền chủ tịch,

Một chiến dịch trên mạng xã hội có phạm vi toàn cầu có tên ‘Xi’s Not My President’, sử dụng hashtag #NotMyPresident và #IDisagree, vận động các sinh viên quốc tế sử dụng quyền tự do đang có ở nước ngoài để cất tiếng nói lên những điều không thể nói ra ở quê nhà.

Các sinh viên Trung Quốc tại các trường đại học ở Hồng Kông, Anh Quốc, Hòa Lan, và Canada đã cùng với các bạn đồng môn ở Hoa Kỳ lên tiếng phản đối bằng cách dán áp phích ngay trong khuôn viên trường.
“Chúng tôi rất giận dữ khi người dân trong nước bị buộc phải im lặng, trong khi chiến dịch quảng bá của chính phủ lại cho rằng ông Tập sẽ nắm giữ quyền lực theo ‘nguyện vọng của người dân Trung Quốc’,” người tổ chức chiến dịch trả lời phỏng vấn SBS News.
“Do đó chúng tôi bắt đầu chiến dịch này như là cách đáp trả rằng: vẫn còn có mạng xã hội mà chính phủ không thể kiểm duyệt, và việc một nhà cầm quyền không thông qua bầu cử trở thành một kẻ độc tài suốt đời không phải là nguyện vọng của chúng tôi.”
Chiến dịch này bắt đầu ở Đại học California tại San Diego vào ngày 1 tháng 3, tiếp  đó là các trường đại học ở New York và Columbia.

Đại học Melbourne là đại học nằm ngoài Mỹ đầu tiên tham gia chiến dịch, bắt đầu vào ngày  5 tháng 3.

Vào hôm Chủ nhật, sau khi Quốc hội Nhà nước Nhân dân Trung Hoa  chính thức chấp thuận việc thay đổi hiến pháp cho phép ông Tập tại vị vĩnh viễn, nhiều áp phích phản đối xuất hiện tại khuôn viên đại học Melbourne và Sydney.

Các sinh viên tại đại học Curtin ở Perth, ANU ở Canberra, Đại học Deakin và Monash ở Melbourne cũng đã dán áp phích phản đối.
Việc dỡ bỏ thời hạn nắm quyền đã nhận được sự ủng hộ gần như tuyệt đối trong Quốc hội, nhưng để biết được sự ủng hộ trong dân chúng thì khó hơn nhiều do sự kiểm duyệt của nhà nước.

Một sinh viên giấu tên, nói rằng những sinh viên Trung Quốc tại Úc có quan điểm chính trị bất đồng thường giữ quan điểm đó cho riêng mình vì sợ bị báo cáo cho nhà cầm quyền nếu họ lên tiếng chống đối Bắc Kinh.

Và cũng có những nỗi lo sợ sẽ phải đối mặt với nhiều rào cản công việc khi họ trở về nước nếu bất đồng chính kiến, cũng như nguy cơ phải ngồi tù không qua xét xử, sinh viên này nói.

‘Bảo vệ bản thân để tiếp tục chiến đấu’

Những sinh viên tổ chức chiến dịch này đã chọn cách ẩn danh, nhưng họ nói họ đều là công dân Trung Quốc đang làm việc và học tập ở các nước phương Tây.

Họ sử dụng Twitter ở Mỹ vì sự kiểm duyệt của Trung Quốc đối với các trang mạng xã hội phổ biến như Weibo.

Họ kêu gọi những người ủng hộ ở Trung Quốc không đăng áp phích vì sự an toàn của mọi người

“Phải bảo vệ bản thân để còn tiếp tục chiến đấu,” họ viết trên Twitter.

Họ cũng đề nghị các sinh viên Trung Quốc có nguyện vọng tham gia phản đối cần phải biết cách bảo vệ danh tính. Những người dựng áp phích tại trường đại học nên đeo mặt nạ và làm vào ban đêm để tránh nguy cơ bị báo cáo cho lãnh sự quán.

“Cũng như sinh viên của bao quốc gia khác, sinh viên Trung Quốc cũng có nhiều chính kiến,” người tổ chức chiến dịch nói. “Đây chỉ là do áp lực từ phía Lãnh sự quán Trung Quốc và nỗi sợ đối với nhà cầm quyền trong nước khiến họ không nói lên chính kiến. Chúng tôi biết có rất nhiều sinh viên Trung Quốc lo lắng về những thay đổi trong chính sách gần đây.

“Chúng tôi tổ chức chiến dịch này vì chúng tôi cảm thấy mình có trách nhiệm lên tiếng.”

Việc dỡ bỏ hạn chế về thời hạn nắm quyền và đưa tư tưởng Tập Cận Bình vào hiến pháp đã chính thức được đồng thuận bởi 2,958 thành viên Quốc hội, trong đó có ông Tập, chỉ có 3 phiếu trắng và 2 phiếu chống.

Chính phủ Trung Quốc cho rằng những thay đổi này là cần thiết cho sự ổn định lâu dài của đất nước.

Thêm thông tin và cập nhật Like 

Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 

Share
Published 12 March 2018 6:28pm
Updated 12 August 2022 3:48pm
By Hương Lan, Kelsey Munro


Share this with family and friends