Visa 485 có thực sự là con đường dễ dàng đi đến thường trú nhân Úc?

Visa 485, loại visa phổ biến cho phép du học sinh tiếp tục ở lại Úc tìm việc làm, thường được xem là con đường chuyển tiếp để đến thường trú. Thế nhưng trên thực tế liệu những người giữ visa này có dễ dàng tìm được việc làm để ổn định cuộc sống hay không?

International students in Australia

Source: Getty Images

Visa tạm thời 485 là yếu tố chính thu hút du học sinh

Giáo dục cho sinh viên quốc tế là ngành xuất khẩu dịch vụ mang lại nguồn lợi nhuận lớn nhất cho nước Úc, đóng góp hơn 40 tỉ đô la cho nền kinh tế và tạo ra khoảng 250,000 việc làm cho người dân Úc trong năm tài khóa 2018-2019.

Do đó, với nỗ lực thu hút sinh viên quốc tế nhằm phục hồi giáo dục đại học do COVID-19, Úc, Canada và Anh đã cố gắng tăng cường tính linh hoạt và các hỗ trợ liên quan đến visa làm việc sau tốt nghiệp. Theo đó, thời gian học trực tuyến và/hoặc học từ nước ngoài trong giai đoạn COVID-19 cũng được tính khi xét visa 485.

Năm 2013, chính phủ Úc đã bắt đầu sửa đổi chính sách về quyền làm việc cho sinh viên quốc tế sau khi tốt nghiệp, và từ đó visa 485 đã trở thành điểm hấp dẫn chính thu hút du học sinh đến Úc.

Việt Nam nằm trong nhóm những quốc gia có số người giữ visa 485 nhiều nhất ở Úc, ngoài ra còn có Trung Quốc, Ấn Độ, Nepal và Pakistan. Đây cũng là những quốc gia cung cấp lượng sinh viên quốc tế cao nhất cho các chương trình Thạc sĩ theo tín chỉ kể từ năm 2013.

Khảo sát của Đại học Deakin trên hơn 1,150 sinh viên quốc tế đã tốt nghiệp cho thấy 76% coi visa 485 là yếu tố quan trọng trong quyết định lựa chọn Úc là điểm đến.

Tuy nhiên, khoảng cách giữa chính sách, kỳ vọng của sinh viên quốc tế và thực tế của thị trường lao động Úc đang cản trở hiệu quả của chính sách visa 485.
International students
Representational image of international students Source: AAP Image/Julian Smith

Nhà tuyển dụng “ngại” tuyển người giữ visa tạm trú 485

Hoàng Dương, một sinh viên tốt nghiệp ngành khoa học máy tính, bắt đầu tìm kiếm việc làm khi được cấp visa tạm thời 485 để ở lại Úc 2 năm sau tốt nghiệp.

Sau nhiều cố gắng, anh vẫn không thể có chỗ đứng trên thị trường lao động.

“Đầu tiên, tôi cố tìm việc qua các trang như seek.com.au hoặc career.com.au, nhưng sau đó tôi nhận ra các công việc ở đó đòi hỏi khá cao,” Dương chia sẻ.

“Vì vậy tôi thay đổi chiến lược và bắt đầu tìm việc trên Gumtree, một cấp thấp hơn và tất nhiên mức lương cũng thấp hơn.”

Dương là một trong số gần 90,000 sinh viên quốc tế ở lại Úc theo diện visa tạm thời sau tốt nghiệp (visa 485). Loại visa này cho phép sinh viên tốt nghiệp từ một cơ sở giáo dục của Úc ở lại từ hai đến bốn năm để tích lũy kinh nghiệm làm việc.
Cũng theo nghiên cứu gần đây của Đại học Deakin, nhiều nhà tuyển dụng không hiểu bản chất và mục đích của visa 485. Một số khác chỉ muốn tuyển thường trú nhân hoặc người có quốc tịch.

Lý do là các nhà tuyển dụng lo ngại sẽ có các thủ tục phức tạp hoặc sẽ phải đóng vai trò là nhà tài trợ.

Một số lại coi đây là một nguồn lao động 'không an toàn' và lo ngại rằng tính tạm thời của visa 485 có thể dẫn đến lãng phí nguồn lực đào tạo, sự thiếu cam kết hoặc thậm chí là thiếu tin cậy từ phía người lao động.

Nhiều sinh viên quốc tế diện visa 485 đã phải chuyển sang các kênh như Gumtree như trường hợp của Dương để tìm việc làm bán thời gian hoặc theo giờ. Đối với những người đã có nhiều năm kinh nghiệm chuyên môn thì việc chấp nhận các công việc trên Gumtree đồng nghĩa với việc đánh đổi mục tiêu nghề nghiệp, làmviệc dưới mức năng lực, không phù hợp chuyên môn hoặc một bước lùi trong sự nghiệp.

Làm thế nào để vượt qua rào cản của visa 485?

Để khắc phục, nhiều người có visa 485 nên cố gắng giải thích khéo léo với các nhà tuyển dụng tiềm năng, ví dụ như ‘Visa của tôi cho phép làm việc không hạn chế ở Úc' thay vì 'Tôi đang giữ visa tạm thời sau tốt nghiệp'.

Một số chuyển hướng sang học các ngành có nhu cầu cao hoặc đào tạo lại kỹ năng. Một số khác tìm cách chứng minh chuyên môn của mình, tìm cơ hội thực tập và xây dựng mối quan hệ. Một số ít tự tạo việc làm cho mình và những người khác.

Theo phúc trình của Bộ Nội vụ, trong số 30,952 người đã chuyển từ visa 485 sang các loại visa khác trong tài khóa 2018-19, có 45.3% chuyển sang diện di cư tay nghề và 34.9% lại trở thành sinh viên quốc tế.

Như trường hợp của Hoàng Dương, sau khi chấp nhận những việc làm bán thời gian tìm được qua Gumtree, Hoàng Dương đã tích luỹ đủ kinh nghiệm và tìm được công việc ổn định đúng chuyên ngành IT của mình và xin được visa lao động có tay nghề được chủ doanh nghiệp Úc bảo lãnh.

Đề xuất của nhóm nghiên cứu cho rằng cần có sự phối hợp tốt hơn giữa chính phủ, các tổ chức nghề nghiệp và các trường đại học để giúp cho người sử dụng lao động hiểu bản chất của visa 485 đồng thời quảng bá nó như một lựa chọn nhân lực khả thi.

Điều quan trọng là chính phủ cùng các trường đại học cần giúp sinh viên quốc tế xây dựng hồ sơ xin việc ngay từ khi vào học cho đến khi có visa 485.

Ngoài ra cũng cần loại bỏ các rào cản, ví dụ như các quảng cáo việc làm chỉ ưu tiên thường trú nhân hay công dân Úc.

Do ảnh hưởng của COVID-19, Chính phủ Úc cũng đã công bố những thay đổi về điều kiện nộp visa 485, nhằm tạo điều kiện tối đa cho du học sinh, cụ thể:

  • Cho phép du học sinh quốc tế được nộp đơn và được cấp visa 485 khi đang ở quốc gia bất kỳ, thay vì phải nộp khi đang ở Úc như trước đây.
  • Tạm miễn điều kiện phải nắm giữ visa du học trong vòng 6 tháng tại thời điểm nộp hồ sơ visa 485.
  • Dời hạn chót phải nộp sơ visa 485 thành 12 tháng sau ngày hoàn tất khoá học, thay vì 6 tháng như trước đây.
  • Thời hạn của visa bắt đầu tính từ ngày sẽ nhập cảnh Úc, thay vì ngày cấp visa.
Tác giả - Giáo sư Ly Tran
Tác giả - Giáo sư Ly Tran Source: Ly Tran
Tác giả - Tiến sỹ Hương Phan
Tác giả - Tiến sỹ Hương Phan Source: Huong Phan
Tác giả bài báo Ly Tran là nhà nghiên cứu tiềm năng, Ủy ban Nghiên cứu khoa học Úc, và là giáo sư ngành giáo dục tại Đại học Deakin. Cô đã có nhiều nghiên cứu về lĩnh vực quốc tế hóa giáo dục và giành được nhiều giải thưởng cho các công trình nghiên cứu, bao gồm giải thưởng Kết nối Toàn cầu A. Noam Chomsky, ở hạng mục Thành tựu trong nghiên cứu khoa học.

Tiến sĩ Hương Phan tốt nghiệp chuyên ngành Giáo dục tại Đại học Deakin. Luận án của cô về vấn đề quốc tế hóa chương trình giảng dạy bậc đại học ở Úc và Việt Nam đã được giải thưởng luận án tiến sĩ xuất sắc do Hiệp hội Giáo dục Quốc tế Úc trao tặng năm 2020.


Share
Published 11 December 2020 7:37pm
Updated 11 December 2020 8:55pm
By Ly Tran


Share this with family and friends