Một số hội đồng thành phố sử dụng âm nhạc và nhiều cách ‘có vấn đề’ khác để xua đuổi người vô gia cư

Một hội đồng thành phố ở Tây Úc đã bị chỉ trích vì phát bài hát của nhóm The Wiggles để xua đuổi những người vô gia cư ra khỏi không gian công cộng. Đây chỉ là một trong nhiều cách mà các chính quyền địa phương áp dụng để “quản lý” tình trạng vô gia cư.

A homeless person is seen sleeping on a park bench

A council in Western Australia was criticised this week for playing Hot Potato by the Wiggles on loop to deter homeless people. Source: AAP / Dave Hunt

Key Points
  • Một hội đồng thành phố ở Tây Úc đã ngừng phát một bài hát của nhóm The Wiggles nhằm ngăn cản những người vô gia cư sử dụng không gian công cộng.
  • Một số người cho rằng âm nhạc không phải là cách duy nhất mà các hội đồng áp dụng để xua đuổi người vô gia cư.
  • Tình trạng vô gia cư đang gia tăng, khiến nhiều người Úc phải vật lộn với khả năng chi trả nhà ở và chi phí sinh hoạt.
Hồi tuần trước, một hội đồng thành phố ở Tây Úc đã bị chỉ trích vì phát đi phát lại bài hát Hot Potato của nhóm The Wiggles để xua đuổi những người vô gia cư khỏi một địa điểm công cộng.

The Wiggles đã phản đối việc sử dụng âm nhạc của họ cho mục đích này.

Đây không phải là lần đầu tiên các hội đồng hoặc chính quyền địa phương cố gắng làm cho không gian công cộng trở nên kém thoải mái hơn đối với những người vô gia cư.

Vì sao hội đồng thành phố Bunbury lại bật bài hát của The Wiggles?

Hội đồng thành phố Bunbury đã cố gắng xua đuổi những người vô gia cư khỏi Graham Bricknell Music Shell.

Hôm thứ Năm tuần trước, nhóm The Wiggles đã yêu cầu hội đồng thành phố ngừng chơi nhạc của họ.

Ban nhạc cho biết âm nhạc của họ được tạo ra để mang lại niềm vui cho trẻ em và rất thất vọng khi biết nó được sử dụng cho mục đích khác.

Vào thứ Sáu, hội đồng thành phố Bunbury xác nhận bài hát đã bị tắt sau khi “cân nhắc cẩn thận”.

“Một phương pháp phổ biến được sử dụng trên toàn tiểu bang, âm nhạc là một cách thụ động để ngăn cản mọi người tụ tập lâu dài trong một khu vực và ngăn chặn hành vi chống đối xã hội,” hội đồng thành phố cho biết trong một thông cáo.

“The Shell là một không gian công cộng nổi tiếng được sử dụng cho các sự kiện địa phương và là nơi mọi người nên cảm thấy an toàn khi ghé thăm và gặp gỡ lẫn nhau.

“Thật không may, hội đồng thành phố tiếp tục nhận được các báo cáo về hành vi chống đối xã hội tại địa điểm này. Ngoài ra toà nhà còn bị hư hại liên tục, gây thiệt hại về mặt tài chính cho người nộp thuế và hội đồng thành phố.”

Thông cáo cho biết hội đồng thành phố đang làm việc với cảnh sát và các cơ quan liên quan về tình trạng vô gia cư, và gọi đây là một “vấn đề nhạy cảm và phức tạp”.

Các hội đồng thành phố ngăn cản người vô gia cư bằng cách nào?

Giáo sư Cameron Parcell thuộc Hội đồng Nghiên cứu Úc chuyên về tình trạng nghèo đói và vô gia cư, cho biết âm nhạc là một phương pháp “có vấn đề sâu sắc” để ngăn cản những người vô gia cư sử dụng không gian công cộng.

Tuy nhiên, ông cho biết đây chỉ là một trong những cách thức được áp dụng bởi các hội đồng thành phố.

“Thỉnh thoảng chúng tôi nghe thấy những trường hợp như vậy, nhưng những gì chúng tôi biết phổ biến hơn nhiều là kiểu kiến trúc gây khó chịu cho người vô gia cư,” ông nói.

“Một số hội đồng có thể bật vòi phun nước trong công viên suốt buổi tối, đặt tay vịn giữa các băng ghế và đôi khi việc này có thể được tiến hành thông qua sự cưỡng chế của chính quyền địa phương hoặc cảnh sát.”
Joseph Ireland, trưởng nhóm thuộc chi nhánh Bondi của tổ chức thiện nguyện Wayside Chapel Charity, đã mô tả các phương pháp này là “vô nhân tính”.

“Tôi nghĩ nó thể hiện sự thiếu hiểu biết về tình trạng vô gia cư và những trải nghiệm cũng như điều gì khiến mọi người lâm vào cảnh màn trời chiếu đất,” ông nói.

“Có rất nhiều người vô gia cư trong khu vực, chúng tôi hiểu tình trạng căng thẳng giữa hội đồng địa phương và người vô gia cư và chúng tôi thường ủng hộ cả hai phương pháp, nhưng điều đó có thể được thực hiện theo cách nhân đạo hơn.”

Theo Điều tra dân số năm 2021, mỗi đêm có 122.494 người vô gia cư tại Úc, tăng 5,2% so với năm 2016.

Giáo sư Parcell cho biết khi tình trạng vô gia cư đang trở nên phổ biến hơn, các nguồn lực và biện pháp phòng ngừa đã phải vật lộn để theo kịp mặc dù nhận thức về vấn đề này ngày càng tăng.

Ông chỉ ra rằng các hội đồng không được tài trợ thông qua các cơ chế hỗ trợ giống như chính quyền tiểu bang và thường thiếu kinh phí để cung cấp dịch vụ đầy đủ cho người vô gia cư.

“Các hội đồng thành phố đôi khi ở trong tình thế khó khăn khi cố gắng giải quyết một vấn đề mà họ không có đủ nguồn lực để giải quyết một cách có ý nghĩa,” ông nói.

“Tất nhiên, điều đó không thể biện minh hay bình thường hóa các thông điệp trừng phạt hoặc cưỡng chế mà chúng tôi thấy được báo cáo.”

Làm thế nào để giải quyết tình trạng vô gia cư tại Úc?

Bà Sharon Callister, Giám đốc điều hành của tổ chức từ thiện hỗ trợ người vô gia cư Mission Australia, cho biết sự kết hợp giữa chi phí sinh hoạt ngày càng tăng và tình trạng thiếu nhà ở giá rẻ đã góp phần làm tăng số lượng người vô gia cư.

“Giai đoạn kinh tế khó khăn mà mọi người phải đối mặt với chi phí sinh hoạt và giá thuê nhà ngày càng tăng, cũng như những thách thức như bạo hành gia đình, các vấn đề về sức khỏe tâm thần và thiên tai sẽ không thể được giải quyết nếu không có sự đầu tư đáng kể để khắc phục tình trạng thiếu trầm trọng nhà ở xã hội và nhà ở giá rẻ,” bà nói.

“Chúng tôi luôn cố gắng hết sức để hỗ trợ và chăm sóc mọi người, nhưng ngày càng nhận thấy rằng khi ai đó đến nhờ chúng tôi giúp đỡ, chỉ đơn giản là không có đủ nhà ở phù hợp và giá cả phải chăng để kết nối họ.”

Giáo sư Parcell cho biết nhà ở có giá phải chăng là yếu tố chính quyết định tình trạng vô gia cư và tin rằng vấn đề này cần được giải quyết ở cấp chính sách nhằm giảm tỷ lệ vô gia cư ở Úc.

“Chúng ta cần nghĩ đến việc chấm dứt và ngăn chặn tình trạng vô gia cư thay vì chỉ quản lý hoặc giải quyết nó,” ông nói.

“Để đạt được mục tiêu ngăn chặn và chấm dứt tình trạng vô gia cư, chúng ta cần một sự chuyển đổi căn bản trong xã hội… chúng ta cần thay đổi cách chúng ta suy nghĩ về nhà ở có giá phải chăng trong xã hội.”

Đồng hành cùng chúng tôi, Follow & Like 
Cập nhật tin tức mọi lúc mọi nơi tại 
Nghe SBS tiếng Việt trên trang mạng, hay trên ứng dụng SBS Radio, tải về từ hay 

Share
Published 7 November 2023 10:38am
Updated 7 November 2023 10:41am
By Jessica Bahr
Presented by Đăng Trình
Source: SBS


Share this with family and friends