Vitamin và dầu dưỡng da của Úc

Vitamin, thực phẩm bổ sung được sản xuất tại Úc đang rất được ưa chuộng, nhưng các sản phẩm này có tác dụng thật sự đến sức khoẻ như thế nào? Và các loại dầu dưỡng da organic của Úc được sử dụng như thế nào trong việc làm đẹp?

Popular vitamins

Source: Chemists

Hơn 60% người dân Úc đang dùng các loại vitamin và thực phẩm bổ sung của Úc. Ngành công nghiệp này cũng báo cáo đạt doanh thu $4.7 tỷ trong năm 2016, tăng thêm $1.2 tỷ so với năm trước đó.

Rõ ràng, người dân có vẻ đang ngày càng trở nên ‘nghiện’ vitamin hơn. Không chỉ người Úc, mà phần lớn doanh thu của ngành này đến từ các khách hàng nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc. Họ lo lắng thức ăn hàng ngày không đủ cung cấp vitamin cần thiết cho cơ thể, và bởi lý do danh tiếng của các sản phẩm vitamin Úc.

Nhiều người uống vitamin theo chỉ định của bác sĩ, nhưng còn rất nhiều người khác uống vitamin chỉ do bạn bè hoặc người quen truyền miệng.

Và chưa một ai dám khẳng định rằng vitamin bổ sung hoặc thực phẩm chức năng đã được kiểm nghiệm theo đúng tiêu chuẩn của thuốc kê toa hay chưa? hoặc các loại vitamin này có chứa thành phần nào gây phản ứng với các loại thuốc thông thường khác đang sử dụng không?

A/Những loại vitamin phổ biến hiện nay có thực sự cần thiết không?

1. Vitamin C

Không thể kể hết những lợi ích của vitamin C, từ việc tăng cường hệ miễn dịch đến chống lão hoá. Thiếu hụt vitamin C cũng dẫn đến việc chảy máu nướu răng và chậm lành vết thương.

Vitamin C có nhiều trong cam, chanh, berries, rau cải kale; tuy nhiên chúng ta thường ít để ý điều này và chế độ ăn uống thường thiếu những loại thực phẩm chứa vitamin C.

Một viên vitamin C bổ sung mỗi ngày khá an toàn cho sức khoẻ và sẽ cung cấp đủ lượng vitamin C thiếu hụt trong cơ thể, giúp rút ngắn thời gian bị cảm lạnh. Ngoài ra còn đóng góp rất nhiều trong việc cải thiện làn da giúp da sáng đều màu hơn.
Vitamin C food sources
Source: pinterest

2. Calcium và vitamin D

Mọi người vẫn luôn tin rằng uống can-xi để phòng bệnh loãng xương. Điều này đúng. Thế nhưng các sản phẩm can-xi bổ sung không giúp ích gì thêm cho những người bình thường khoẻ mạnh.

Theo lời Tiến sĩ Ken Harvey về Y tế cộng đồng tại Đại học Monash, thì chỉ cần dùng các sản phẩm làm từ sữa là đã đủ lượng can-xi cần thiết, và ánh nắng mặt trời là nguồn cung cấp vitamin D dồi dào mà không cần phải bổ sung thêm.

Tất nhiên trừ trường hợp những người không bao giờ uống sữa, hoặc những người vì tính chất công việc hoặc vì lý do nào đó phải ở trong nhà không bao giờ bước chân ra ngoài và có các hoạt động thể chất.

3. Dầu cá

Dầu cá chứa omega – 3, loại axit béo tốt cho tim mạch, hệ miễn dịch và chống viêm khớp.

Đã có một số nghiên cứu cho thấy viên dầu cá giúp làm giảm triglycerides ( một loại mỡ trong máu), thế nhưng loại thuốc này có giúp giảm bệnh tim mạch hay không hiện vẫn chưa được rõ.

Và các chuyên gia cũng khuyên rằng, nếu chúng ta ăn cá tươi (như cá hồi) lượng dầu cá này còn nhiều hơn lượng dầu trong viên uống bổ sung, vì thế, nếu đã ăn cá hàng ngày thì không cần phải uống thêm viên dầu cá.
Fish oil
Source: pinterest

4. Glucosamine

Một thành phần bổ sung phổ biến khác là glucosamine, có tác dụng phục hồi cấu trúc sụn khớp, giảm thoái hoá hớp. Glucosamine có nhiều trong cua, lobster và vỏ tôm.

Mặc dù không có nhiều nghiên cứu chứng minh thuốc glucosamine có tác dụng trong việc chữa trị bệnh khớp, và dù giá thành khá cao, nhưng loại thực phẩm bổ sung này khá an toàn cho người sử dụng.

5. Bio Zinc

Bio Zinc giúp bổ sung kẽm, tăng sức đề kháng của cơ thể, tăng cường hệ miễn dịch giúp vết thương mau lành và rút ngắn thời gian lành bệnh.

Bổ sung kẽm cũng giúp da khoẻ hơn, đặc biệt những bạn nào cần trị mụn thì đây cũng là một sản phẩm hữu ích.
Blackmores Bio Zinc
Source: Blackmores

6. Liver detox

Các chuyên gia dinh dưỡng đều không khuyến khích bạn dùng thêm các sản phẩm can thiệp vào quá trình giúp thận thải độc tố. Việc thải độc là một quá trình đơn giản, tự thân cơ thể chúng ta có thể tự làm điều đó mỗi ngày mà không cần bất kỳ sự trợ giúp của các sản phẩm khác.

Tất cả những gì chúng ta cần làm là tránh không uống quá nhiều rượu bia, caffeine, và các chất béo bão hoà (có nhiều trong mỡ động vật, thức ăn chiên rán, thịt đỏ…)

7. Vitamin E

Viên bổ sung vitamin E là một ví dụ điển hình của việc dùng vitamin quá liều không cần thiết. Lượng vitamin E được khuyến khích dùng mỗi ngày và an toàn cho cơ thể là từ 100IU - 400IU. Nhưng đa số các loại vitamin E bổ sung trên thị trường hiện nay đều là 400IU hoặc hơn. Ở liều cao (trên 400IU/ngày), vitamin E lại thúc đẩy các tổn hại do quá trình ôxy hóa gây ra và khống chế các tác nhân chống lão hóa khác. Biểu hiện dễ nhận thấy nhất khi dùng vitamin E quá liều là tiêu chảy, đau bụng, rối loạn tiêu hóa, mệt mỏi, suy nhược... Những triệu chứng này sẽ nhanh chóng mất đi sau khi ngừng thuốc.

Và nếu dùng hơn 1,500IU mỗi ngày, vitamin E thậm chí gây ra tình trạng máu không đông và đảo ngược tác dụng của vitamin K.

Do đó, các chuyên gia dinh dưỡng đều khuyên bổ sung vitamin E bằng chế độ dinh dưỡng mỗi ngày là đã đủ lượng vitamin E cần thiết. Vitamin E có rất nhiều trong các thực phẩm nguồn gốc thiên nhiên có nhiều chất béo như: đậu tương, giá đỗ, vừng, lạc, mầm lúa mạch, hạt hướng dương, dầu ôliu, hoa quả
Vitamin E food sources
Source: pinterest

B/Các loại dầu dưỡng da

Dầu dưỡng da (facial oil) chứa nhiều axit béo có lợi cho da, nhưng không phải loại dầu dưỡng da nào cũng tốt cho mọi loại da, mà mỗi loại dầu sẽ phù hợp với từng loại da khác nhau, cho nên trước khi chọn được loại dầu dưỡng da phù hợp, bạn cần hiểu làn da mình thuộc loại nào.

Có 3 loại dầu dưỡng da phổ biến nhất

  1. 100% Pure: đây là loại dầu được ép hoặc chiết xuất từ một loại hạt duy nhất và không trộn chung với bất kỳ loại dầu nào khác.
  2. Pure Blended Oil: loại dầu dưỡng da này được pha trộn vài loại dầu lại với nhau, nhưng cũng không có thêm các thành phần nào khác chẳng hạn hương liệu hoặc chất bảo quản.
  3. Oil/Blended Oil with Active Ingredients: ngoài thành phần dầu chính còn được bổ sung thêm các dưỡng chất khác như vitamin C, E, hương liệu, các hoạt chất dưỡng da như retinol…

1. Da khô, da bắt đầu lão hoá

  • Dầu quả bơ (Avocado oil)
  • Dầu hạt mỡ (Shea nut oil)
  • Dầu hạt mắc ca (Macadamia oil)
  • Dầu olive (Olive oil)
  • Dầu hạt hạnh nhân (Sweet almond oil)
  • Dầu quả cọ (Palm fruit oil)
  • Dầu hoa trà (Camellia oil)

2. Da dầu, da mụn

  • Dầu hạt thì là đen (Black cumin seed oil)
  • Dầu hạt gai (Hemp seed oil)
  • Dầu hoa anh thảo (Evening primrose oil)
  • Dầu hạt bí đỏ (Punpkin seed oil)
  • Dầu hạt tầm xuân (Rosehip oil)
  • Dầu hạt nho (Grapeseed oil)
A'kin Certified Organic Rosehip Oil
Rosehip oil
Source: chemists

3. Da hỗn hợp, da thường

  • Dầu jojoba (Jojoba oil)
  • Dầu argan (Argan oil)
  • Dầu dừa (Coconut oil)
Jojoba Oil
Jojoba oil
Source: nourishedlife

4. Sử dụng dầu dưỡng da đúng cách

Thông thường dầu dưỡng được sử dụng sau toner, serum, và trước cream. Tuy nhiên tuỳ vào các sản phẩm bạn đang sử dụng, hãy tuân theo nguyên tắc ‘từ lỏng đến đặc’, sản phẩm nào lỏng hơn sẽ được dùng trước.

Cho 3 – 5 giọt vào lòng bàn tay, xoa đều rồi masage nhẹ nhàng lên mặt, kết thúc bằng cách vỗ nhẹ lên mặt, sức nóng của bàn tay sẽ giúp dầu thấm vào da nhanh hơn.

Bạn cũng có thể trộn 1 – 2 giọt dầu với foundation để làm thành lớp nền tươi sáng hơn.


Share
Published 16 November 2017 8:08pm
By Hương Lan

Share this with family and friends