Đời sống Úc: Hội Khuyết tật Việt Úc

VSFN.jpg

Một buổi họp mặt của Hội khuyết tật Việt Úc. Source: VSFN

Là một tổ chức phi lợi nhuận do người Việt thành lập ở miền Tây Melbourne, Hội khuyết tật Việt Úc hướng tới việc nâng cao phúc lợi xã hội và tinh thần của các gia đình Việt Nam có con bị khuyết tật.


Sau biến cố một người cha Việt Nam có con khuyết tật đã tự tử vì cảm thấy bị cô lập và tuyệt vọng, hội Khuyết tật Việt Úc đã được thành lập vào năm 2003 và đến nay có 130 gia đình là thành viên.

Chị Thủy Dương, hiện là hội trưởng Hội Khuyết tật Việt Úc (VFSN) cho biết, những người sáng lập cũng như các thành viên của hội qua nhiều thời kỳ đã cố gắng duy trì hội để là nơi mà các gia đình Việt Nam có người thân khuyết tật có thể gặp gỡ, kết nối hỗ trợ nhau, chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi từ các chuyên gia được mời đến để giúp các gia đình phát huy khả năng của con, để có một cuộc sống dễ dàng hơn, hạnh phúc hơn, không còn cảm giác bị loại trừ, bị phân biệt.

Chia sẻ về các hoạt động thường xuyên của hội, chị Thủy cho biết, hội tổ chức cho các phụ huynh gặp gỡ vào 2 lần/tháng, vào các ngày thứ Năm. Hàng năm, hội cũng tổ chức những buổi đi cắm trại trong 3 ngày cuối tuần.

Đặc biệt, vào ngày 25 tháng 4 sắp tới, hội tổ chức một ngày gặp gỡ ở Brimbank Park để các gia đình có thể kết nối với nhau, vui chơi, thư giãn giảm stress.

Chị Tú là một người mẹ có con khuyết tật đã tham gia hội được 10 năm. Chị cho biết, trước khi tham gia hội, chị chỉ ở nhà chăm sóc con với các nhu cầu căn bản hàng ngày của con như là tắm rửa, ăn uống.

"Em không có biết một chút gì về các triệu chứng của con, nên việc chăm sóc con của em rất khó khăn. Sau khi tham gia hội, em học được rất nhiều về bệnh của con, về các dịch vụ của chính phủ để giúp con và giúp cho người chăm sóc."

"Em nhận được sự quan tâm, giúp đỡ, cảm thông từ các người mẹ khác... được các chị em chia sẻ, em cảm thấy đỡ căng thẳng hơn"

"Điều quan trọng là sau khi tham gia hội thì em cảm thấy tự tin hơn trong việc chăm sóc con, hiểu con nhiều hơn và cảm thấy được an ủi hơn."

"Lúc chưa tham gia hội, em cứ nghĩ trên đời này chỉ có một mình em kém may mắn, nhưng khi tham gia hội và gặp những người mẹ khác, em mới thấy trên đời này có rất rất nhiều gia đình cũng kém may mắn như mình, có thể kém hơn mình. Điều này giúp em cảm thấy đỡ buồn tủi."

"Và em nhận ra được một điều: chăm sóc con trong lúc mình căng thẳng thì mình nhìn chỉ toàn thấy những điểm xấu của con, chỉ thấy con làm những chuyện khiến mình khó chịu, bực bội. Mình chỉ thấy điều không bình thường của con. Nhưng khi mình chăm sóc con trong cái trạng thái chấp nhận và vui vẻ, thì mình thấy con mình sao dễ thương quá, mình toàn thấy những điểm tốt của con. Và những điểm tốt này chỉ riêng con mình có thôi, những người khác không có. Vì vậy, mình cảm thấy gần gũi con nhiều hơn, thương con nhiều hơn."
Mình chăm sóc con trong lúc mình căng thẳng bực bội thì con cũng bực bội theo mình. Nhưng khi mình nhìn chăm sóc trong trạng thái vui vẻ, yêu thương, thì con cũng vui vẻ và biết yêu thương lại mình, biết yêu thương những người xung quanh.
Chị Tú - Hội Khuyết tật Việt Úc
"Em muốn hội khuyết tật Việt Úc mãi mãi tồn tại và phát triển hơn, để cho những gia đình có con cần chăm sóc đặc biệt có thể tham gia, có cơ hội học hỏi, hiểu biết con hơn, và giúp cho con có cuộc sống tốt đẹp hơn. Và những người mẹ sẽ có tinh thần lạc quan hơn, yêu đời hơn, và yêu con mình nhiều hơn."

Chị Diễm, một người mẹ có con bị tự kỷ, chia sẻ rằng chị được các thành viên trong hội giúp đỡ rất nhiều, từ việc cung cấp thông tin về dịch vụ của chính phủ, liên lạc với trường học, chia sẻ kinh nghiệm để giúp cả con lẫn mẹ có thể sống khỏe hơn, vui vẻ hơn, giúp mẹ khỏe để có thể chăm sóc con tốt hơn.

"Gia đình em có con bị khuyết tật thì lúc nào cũng bận rộn, và cũng gặp nhiều khó khăn. Đôi khi rất mệt mỏi, căng thắng. Em nghĩ sức khỏe của mình là điều quan trọng nhất... Khi mình có sức khỏe và có niềm vui thì mình sẽ chăm sóc con tốt hơn. Mình cảm thấy con của mình cũng vui và cuộc sống của gia đình mình bình an hơn."

Chị Thủy nhận thấy từ tấm gương của mẹ và các thế hệ trước thì "mình thường chăm sóc người thân mà quên chăm sóc bản thân."

"Phải mất một thời gian rất lâu để mình nhận ra rằng: mình cần phải chăm sóc bản thân, để có nghị lực, sức khỏe, sự yêu đời, không bị kiệt sức trong vai trò chăm sóc của mình, để có thể đem nghị lực vui tươi cho con và cho cả gia đình của mình."

Chính vì lẽ đó, hội Khuyết tật Việt Úc cố gắng tạo ra môi trường để các phụ huynh đến và cảm thấy được nâng đỡ, quan tâm, chia sẻ, học hỏi.
VSFN event.jpg
Chị Thủy cũng gửi lời mời tất cả các gia đình người Việt có người thân bị khuyết tật có thể liên lạc qua số điện thoại 0448 417 513 để hẹn đến tham gia giao lưu với của hội Khuyết tật Việt Úc vào ngày 25 tháng 4.

Mời quý vị vào phần Audio để nghe toàn bộ cuộc phỏng vấn chị Thủy, chị Tú và chị Diễm.

Share