2020 – một năm biến động khắp thế giới

Revelers Celebrate New Year's Eve In New York's Times Square

NEW YORK, NY - JANUARY 1: Confetti fills the air over top of revelers during New Year's Eve celebrations in Times Square on January 1, 2020 Source: Corbis News

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Khi thế giới đón chào năm mới 2020, chỉ có một vài dấu hiệu dự báo về những điều tồi tệ sẽ xảy ra ở phía trước. Ám sát, phá vỡ luật lệ, Hoàng gia bất bình, Brexit và một đại dịch toàn cầu – tất cả đều xảy ra trước Lễ Phục Sinh năm nay.


Những người có mặt tại Quảng trường Thời đại ở New York rung chuông báo hiệu một năm mới và một thập kỷ mới.

Nhưng mấy ai trong số họ có thể đoán trước ’sự hỗn loạn’ sẽ trở thành một từ dùng để miêu tả năm 2020.

Vào ngày 3/1, căng thẳng tại Trung Đông đã dâng cao chóng vánh.

Đêm qua theo chỉ đạo của tôi, binh sĩ Mỹ đã thành công thực hiện một cuộc tấn công chính xác và hoàn hảo, đã giết chết tên khủng bố số một trên thế giới, Qassem Soleimani.

Tổng thống Donald Trump tiết lộ Hoa Kỳ đã ám sát nhân vật quyền lực thứ hai của Iran.

Sau một thời gian dài chờ đợi, Vương quốc Anh cuối cùng đã chính thức rời khỏi Liên hiệp Âu châu vào tháng Hai.

Nhưng một sự chia tay khác đã khiến cả nước Anh choáng váng, đó là hoàng tử Harry và người vợ Meghan Markle đã từ bỏ các tước hiệu hoàng gia.

Chuyên gia phân tích các sự kiện hoàng gia Russell Myers nói:

‘Tôi hiểu rằng những thành viên kỳ cựu của gia đình hoàng gia đã nổi cơn thịnh nộ, đây là một vấn đề thật sự nghiêm trọng, họ đã chọn để bước đi trên một con đường riêng’.

Trong khi đó tại nước Mỹ, việc luận tội tổng thống Donald Trump về các tội danh nặng và khinh tội đã kết thúc với kết quả trắng án ngay trên một sân đấu do các Thượng nghị sĩ Cộng hòa kiểm soát.

Tuy nhiên những sự kiện này đã nhanh chóng chìm vào quên lãng chỉ vài tháng sau đó.

Khi Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố hồi tháng Ba rằng coronavirus đã lan tràn khắp thế giới.

Vì vậy chúng tôi đã kiểm tra và đánh giá rằng COVID-19 có những đặc điểm của một đại dịch toàn cầu.

Virus này nổi lên tại trung tâm thành phố Vũ Hán của Trung Quốc, khi đó nhà chức trách đã xây dựng các bệnh viện dã chiến trong vài tuần để chống lại dịch bệnh bùng nổ.

Virus nhanh chóng lan ra các quốc gia Á Châu lân cận, sau đó lan sang Trung Đông trước khi đi vào Âu Châu và Mỹ.

Các bệnh viện tại Ý bị quá tải, các khu vực chăm sóc tích cực hoạt động hết công suất, nhân viên y tế kiệt sức vì không thể cứu chữa cho hàng ngàn người bệnh.

Đến lúc cả Vương quốc Anh chao đảo khi dịch bệnh tấn công ngay ngôi nhà Số 10 đường Downing.

Thủ tướng Boris Johnson trở thành chính khách thế giới đầu tiên xét nghiệm dương tính với virus, ông được chữa trị trong khu vực chăm sóc đặc biệt, giống như hàng ngàn người Anh khác.

Dịch bệnh khiến nhiều quốc gia phải phong tỏa các thành phố, bắt buộc người dân ở yên trong nhà để ngăn chặn sự lây lan trong cộng đồng.

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern muốn ngăn chặn virus từ ngoài biên giới.

Chúng ta phải hành động quyết liệt và nhanh chóng. Chúng ta phải làm mọi điều có thể để bảo vệ sức khỏe người dân New Zealand.

Đó là một kế hoạch thành công, New Zealand là một trong những quốc gia Tây Phương đầu tiên mà coronavirus không thể xâm nhập vào biên giới quốc gia.

Trong khi đó Hoa Kỳ hứng chịu tổn thất nặng nề nhất.

Chỉ tính tới ngày 11/12 vừa qua, Mỹ đã ghi nhận số ca nhiễm kỷ lục hơn 15 triệu ca nhiễm và 290,000 người tử vong. Số người tử vong vì COVID tại Mỹ dự đoán sẽ lên tới 300,000 trước khi năm 2020 kết thúc.

Khi bệnh viện đã không còn chỗ chứa, các nhà xác di động được dựng lên tại vài thành phố để giải quyết số lượng tử vong tăng lên liên tục.

Trong khi đó, Ấn Độ với dân số hơn 1 tỷ người, là quốc gia có số ca nhiễm cao thứ 2 trên thế giới. Còn Brazil là quốc gia có số ca tử vong cao thứ hai thế giới, chỉ đứng sau Mỹ. Nhà lãnh đạo của Brazil Jair Bolsonaro cũng bị nhiễm virus.

Giữa sự chao đảo do virus gây ra, thì còn cộng thêm nỗi bất ổn và biến động, vì những người biểu tình bảo vệ giá trị của nền dân chủ.

Tại Hồng Kông, đạo luật an ninh mới được nhà nước Trung Quốc thông qua, nhằm kết án những hành động ly khai, lật đổ, cấu kết với ngoại quốc và khủng bố.

Dựa vào đó, một cuộc đàn áp nhanh chóng nổ ra nhắm đến những người biểu tình và những tiếng nói bất đồng chính kiến chống chính phủ.

Ông trùm truyền thông Jimmy Lai và các nhà hoạt động Agnes Chow và Joshua Wong, đều bị kết tội dựa trên đạo luật mới này.

Không một song sắt nhà tù nào, không một sự cấm đoán bầu cử nào, và không một hệ thống chuyên chế nào có thể ngăn cản hoạt động của chúng tôi. Những gì chúng tôi làm là giải thích về giá trị của tự do đến cho thế giới, bằng niềm đam mê của chúng tôi đối với những gì chúng tôi yêu mến, chúng tôi yêu mến điều đó đến nỗi sẽ sẵn sàng hy sinh tự do của cá nhân mình.  

Còn tại Belarus, những cuộc biểu tình lan rộng theo sau cuộc bầu cử gây tranh cãi, đã đưa chế độ của tổng thống Alexander Lukashenko quay lại nắm quyền, ông này từng được biết đến với tên gọi “kẻ độc tài cuối cùng của Âu Châu”.

Trong khi đó, ở Thái Lan, hàng ngàn thanh niên kêu gọi những cải cách chưa từng có đối với nền quân chủ. Họ lên tiếng phản đối sự cầm quyền của quốc vương Maha Vajiralongkorn.

Còn tại Trung Đông, Lebanon liên tiếp nổ ra những cuộc khủng hoảng mới.

Một vụ nổ kinh hoàng đã phá tan tành thành phố Beirut, sau khi 2.750 tấn amoni nitrat, được cất giữ trong một nhà kho ngoài bến cảng, bị bốc cháy.

Vụ nổ khiến 204 người bị thiệt mạng, hơn 7,500 người bị thương và ước tính khiến 300 ngàn người bị vô gia cư, tại một quốc gia vốn có nền kinh tế kiệt quệ, là kết quả của hàng thập kỷ tham nhũng và chính quyền yếu ớt.

Nước Mỹ, vốn đã bị dịch bệnh làm thương tổn nặng nề, vẫn còn chưa thoát ra khỏi cuộc bầu cử tổng thống cay đắng và xấu xí, giờ đây còn chứng kiến sự bất ổn dân sự trầm trọng.

Tôi không thể thở nổi ông cảnh sát ơi

Vào tháng Năm, những lời nói cuối cùng khi hấp hối của George Floyd đã vang vọng khắp nước Mỹ và thế giới.

Cái chết của anh khi bị cảnh sát bắt giữ tại Minneapolis đã dẫn tới những cuộc biểu tình lan rộng khắp nước Mỹ và trên thế giới, khơi lại phong trào Black Lives Matter đòi quyền bình đẳng.

Tại nước Anh, ngôi sao của phim Star Wars tài tử John Boyega đã phát biểu đầy xúc động trước hàng ngàn người biểu tình.

Tôi muốn bạn hiểu rằng điều đó đau đớn như thế nào, nó nhắc nhở bạn mỗi ngày rằng màu da của bạn không là gì hết. Đây không phải là một trường hợp cá biệt. Mạng sống của mỗingười da đen đều đáng giá. Chúng ta đều quan trọng như nhau, chúng ta đều có một ý nghĩa nào đó. Chúng ta sẽ luôn luôn thành công bất kể chuyện gì xảy ra. Và đã đến lúc rồi. Tôi không thể đợi thêm nữa. tôi không thể đợi thêm nữa.

Những người biểu tình ôn hòa bắt đầu chuyển hướng sang cướp bóc và tàn phá tại thủ phủ Minnesota, trong khi đó tại thủ đô Washington, một bức tường thép đã chia cách tổng thống và đám đông giận dữ bên ngoài.

Ông Trump đe dọa sẽ đưa binh sĩ Hộ Quốc đến để giải tán những người biểu tình.

Tôi là tổng thống của luật pháp và mệnh lệnh, và là bạn của những người biểu tình thân thiện.

Sau đó tổng thống đã dàn dựng một cảnh đóng thế gây tranh cãi.

Đó là hình ảnh tổng thống ôm chặt một cuốn kinh thánh bên ngoài một nhà thờ tại Washington, trong khi cảnh sát sử dụng hơi cay lên đám đông biểu tình để mở đường cho ông.

Sự biểu diễn này dường như không giúp ích gì nhiều nhằm tăng số lượng cử tri ủng hộ ông trong cuộc bầu cử.

Tổng thống đã bị thách thức bởi cựu phó tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden, ông Biden ra ứng cử với cam kết sẽ hàn gắn đất nước.

Nếu các bạn tin tưởng tôi với chức vị tổng thống, tôi sẽ hành động dựa trên những gì tốt nhất của chúng ta, mà không phải là những điều tồi tệ nhất. Tôi sẽ là đồng minh của ánh sáng, mà không phải bóng tối. Chúng ta có thể hòa hợp và chúng ta sẽ vượt qua một mùa đầy tăm tối của nước Mỹ.

Ủng hộ ông là ứng cử viên cho vị trí Phó tổng thống – thượng nghị sĩ của California, bà Kamala Harris. Bà là người phụ nữ và cũng là người da màu đầu tiên chạy đua vào vị trí này trong lịch sử Mỹ.

Hãy cùng đấu tranh với niềm hy vọng. Hãy tranh đấu một cách tự tin và cam kết cùng sát cánh bên nhau.

Sau đó cơ hội của Tổng thống lại bị cản trở một lần nữa, khi chính ông phải nhập viện vì nhiễm COVID-19 một tháng sau cuộc bỏ phiếu hồi tháng 10.

Sau khi lưu lại trong một thời gian rất ngắn tại trung tâm y tế Walter Reed, và nhận một liều thuốc thử nghiệm nhằm cải thiện tình trạng sức khỏe, tổng thống Trump nhanh chóng thúc đẩy cuộc vận động bầu cử trong những tuần cuối cùng, ông thực hiện tới vài chuyến viếng thăm một ngày, trong khi đó ông Biden xa lánh đám đông, nhằm tuân thủ các hướng dẫn coronavirus.

Vào đêm bầu cử, cuộc đua sít sao tới nỗi giới truyền thông không thể gọi tên người nào đã giành chiến thắng, còn tổng thống tự tin cho rằng mình đã tái đắc cử sau khi dẫn trước tại vài bang then chốt.

Đây là cú lừa đối với công chúng Mỹ. Đây là nỗi hổ thẹn của quốc gia, chúng tôi đã sẵn sàng chiến thắng cuộc bầu cử. Rõ ràng chúng tôi đã thắng.

Tuy nhiên trong những ngày sau đó, ông đã không còn dẫn trước đối thủ, khi các lá phiếu gởi qua đường bưu điện ủng hộ ông Biden một cách áp đảo.

Tổng thống đắc cử Joe Biden tuyên thệ sẽ chấm dứt sự chia rẽ.

Đây là lúc hàn gắn nước Mỹ, hãy để cho giai đoạn quỷ dữ và nghiệt ngã này kết thúc ngay bây giờ và chính tại nơi đây.

Khi năm 2020 sắp kết thúc, niềm hy vọng mới được dâng lên, cho một hồi kết của dịch bệnh đã khiến thế giới thay đổi, đó là hàng loạt ứng cử viên về vaccine công bố tỷ lệ thành công đầy thuyết phục.

Vương quốc Anh là nước đầu tiên phát động chương trình tiêm chủng coronavirus toàn quốc.

Người phụ nữ 91 tuổi Margaret Keenan là người đầu tiên trên thế giới tiêm vaccine do Pfizer sản xuất.

Thật sự rất tuyệt vời. Đây là hành động vì một mục đích cao đẹp nên tôi cảm thấy mãn nguyện lắm. Trận dịch này quả là khủng khiếp. Chúng ta đều muốn nó chấm dứt, vì vậy bất kỳ điều gì có thể làm được để chấm dứt nó đều là một ân điển, có phải không nào?

Và quý vị có thể cập nhật tin tức mới nhất về coronavirus bằng tiếng Việt tại sbs.com.au/coronavirus

Share