Đại dịch khiến con người phải thay đổi hành vi thế nào?

Revamping Contact Tracing System in Victoria

Revamping Contact Tracing System in Victoria Source: Digital Vision

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Đại dịch coronavirus khiến nhiều người phải cố gắng quen dần với những hành vi mới như giữ khoảng cách về vật lý, đeo khẩu trang và cách ly với người khác. Việc áp đặt những thay đổi này trong xã hội có thể là một thách thức, bởi những quy tắc mới được đặt ra thường trái với bản năng của con người.


Thủ hiến của Victoria, ông Daniel Andrews tuyên bố rõ rằng bất kể động lực như thế nào, mọi người đều phải tuân thủ các quy tắc COVID-19 của tiểu bang.

"Cho dù đó là để bảo vệ gia đình của quý vị và tất cả các gia đình khác, cho dù đó là để tránh bị phạt tiền hay là để giúp khống chế dịch bệnh nhanh hơn, mọi người dân Victoria đều phải làm đúng quy định. Tôi rất tự hào và biết ơn tất cả những ai đã làm đúng."

Ông Andrews kêu gọi bất cứ ai vi phạm các quy tắc trong tiểu bang nên đưa ra quyết định đúng đắn hơn. Nhưng điều gì đang khiến một số cá nhân bất tuân luật pháp?

Ông Charles Abraham là Giám đốc của Trung tâm nghiên cứu về Thay đổi Hành vi tại Đại học Melbourne cho biết:

"Về mặt sức khỏe, nhận thức của con người đối với nguy cơ thực sự về sức khỏe là một động lực khá quan trọng để giúp họ thay đổi hành vi. Chúng ta có xu hướng từ bỏ những thứ mà chúng ta nghĩ rằng mình không thể kiểm soát được."

Điều quan trọng là cộng đồng cần nắm bắt thông tin về các quy tắc được đặt ra trong đại dịch COVID-19.

Đã sáu tháng kể từ khi coronavirus lây lan trên toàn cầu và vẫn chưa biết khi nào đại dịch sẽ kết thúc.

Vậy mất bao lâu để mọi người có thể thay đổi một thói quen?

“Một số mẫu hành vi có thể được thay đổi rất nhanh. Trong đại dịch này, chúng ta đã thấy mọi người thay đổi hành vi của họ khá nhanh chóng. Một số người nói rằng đó chỉ là việc cần làm trong khoảng thời gian sáu đến tám tuần.”

Ông Abraham nói rằng điều quan trọng là phải thường xuyên nhắc nhở bản thân về những gì cần làm, bởi các thói quen mới có thể dễ dàng bị quên mất.

Chẳng hạn như việc quên đeo khẩu trang ở Victoria có thể rất tốn kém, với mức phạt 200 đô la.

Nhưng dữ liệu của Cảnh sát Victoria trong tuần qua cho thấy cảnh sát đang đưa ra khoảng 70 khoản tiền phạt mỗi ngày vì vi phạm lệnh giới nghiêm, con số đó chỉ bằng một nửa so với hình phạt vì không đeo khẩu trang.

Tiến sĩ Michael Kennedy là cựu thám tử cảnh sát và hiện là trợ giảng tại Đại học Western Sydney.

"Những gì chúng tôi ghi nhận ở New South Wales và Victoria là một tỷ lệ rất nhỏ những người dường như nghĩ rằng họ có thể làm bất cứ điều gì họ thích. Họ vô trách nhiệm và họ sử dụng phương tiện truyền thông xã hội để thúc đẩy quan điểm rằng họ là một người hùng theo một cách nào đó. Họ đang thể hiện như một người hùng, nhưng thực ra họ chẳng là gì cả. Phương tiện truyền thông xã hội đang tạo điều kiện cho việc đó."

Ông tin rằng một số cá nhân chỉ đơn giản là dùng nhân quyền của họ để phản đối các quy tắc của chính phủ.

"Họ không nghĩ đến những người cao niên, những người dễ bị nhiễm bệnh và họ chỉ làm những gì họ cảm thấy thích. Đó là chủ nghĩa cá nhân ở một mức độ đáng sợ."

Phó Giáo sư Tâm lý học và Khoa học Thần kinh của Đại học New York, Jay van Bavel đồng ý rằng việc phá vỡ các quy tắc một phần là do nền văn hóa.

"Một số quốc gia, đặc biệt như Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và Canada, có xu hướng cao hơn về chủ nghĩa cá nhân. Và ở những nơi đó, mọi người có khả năng vi phạm các quy tắc nhiều hơn. Trong khi ở các quốc gia khác, như ở Đông Á là một ví dụ điển hình, những người theo chủ nghĩa tập thể có xu hướng làm theo những gì mà người khác đang làm."

Ông nói rằng ở các nước đa nguyên đa đảng, tâm lý chống chính phủ có thể dẫn đến sự khác biệt về hành vi.

"Nếu có sự nghi ngờ về các nhà lãnh đạo chính trị từ đảng đối lập, họ có thể không làm theo những gì được yêu cầu. Và điều thực sự tồi tệ này đang diễn ra ngay tại Hoa Kỳ."

Phó giáo sư van Bavel cho biết trong đại dịch, con người đang chiến đấu chống lại mong muốn tụ tập tại các sự kiện và giao lưu cùng nhau.

Tiến sĩ Kennedy thì nói rằng hành động đeo khẩu trang là biểu tượng chung của công chúng trong thời kỳ đại dịch.

Trong tháng 7 vừa qua, chính phủ Victoria cũng tiết lộ dữ liệu cho thấy một nửa số người dương tính với coronavirus đã không ở nhà trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm.

Để khắc phục những vi phạm này, chính quyền tiểu bang đã đưa ra khoản trợ cấp một lần cho các nhân công phải tự cách ly mà không có chế độ nghỉ phép hoặc không được hỗ trợ thu nhập.

Nhưng bên cạnh sự hỗ trợ về tài chính còn phải đạt được sự chấp thuận của xã hội, khi con người thay đổi hành vi phù hợp với các quy tắc được đặt ra.

Và quý vị có thể cập nhật tin tức về coronavirus bằng tiếng Việt tại sbs.com.au/coronavirus.


Share