Đâu là ranh giới giữa tự do ngôn luận và ngôn từ kích động thù ghét trên mạng xã hội?

Facebook campus in Meno Park, California

Facebook campus in Meno Park, California Source: Getty

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Facebook gần đây công bố hai lệnh cấm lớn đối với nội dung phủ nhận vụ thảm sát Holocaust và các quảng cáo về phản đối chủng ngừa. Nhưng các bài đăng không tốn phí của cá nhân về chống chủng ngừa vẫn được chấp nhận. Những thay đổi này có ý nghĩa gì? Và đâu là ranh giới giữa tự do ngôn luận và ngôn từ kích động thù ghét? Người dùng mạng xã hội trên thế giới đều muốn biết rõ câu trả lời.


Sau khi chịu áp lực phải hạn chế nội dung có hại, Facebook đang loại bỏ nội dung kích động thù địch xuất hiện trên nền tảng của mình.

Hôm 12 tháng 10, Facebook thông báo cấm nội dung "phủ nhận hoặc xuyên tạc vụ thảm sát người Do Thái Holocaust." Ngay ngày hôm sau, Facebook thông báo cấm các quảng cáo "không khuyến khích mọi người tiêm vắc-xin".

Như vậy, những nội dung nào được phép và không được phép đăng tải trên facebook?

Chuyên gia về sử dụng phương tiện truyền thông xã hội và kỹ thuật số trong lĩnh vực chính trị từ Đại học Công nghệ Sydney, Francesco Bailo giải thích.

“Vấn đề là những gì họ đang áp dụng hoàn toàn khác với chính sách của họ chỉ vài năm trước đây. Người dùng nên mong đợi nội dung được chia sẻ thông qua facebook sẽ được bảo vệ nhiều hơn.”

Facebook sẽ cấm các quảng cáo không khuyến khích mọi người tiêm vắc-xin; hoặc mô tả vắc xin là không an toàn hoặc không hiệu quả; hoặc khẳng định các bệnh mà vắc xin phòng ngừa là vô hại.

Facebook đang làm việc với Tổ chức Y tế Thế giới và UNICEF để chia sẻ thông điệp ủng hộ vắc xin. Nhưng chính sách mới chỉ áp dụng cho các quảng cáo trả phí, còn các bài đăng không trả tiền của cá nhân hoặc nhóm không khuyến khích tiêm chủng vẫn được cho phép.

SBS đã liên hệ với Mạng lưới về các rủi ro trong tiêm chủng của Úc để xin bình luận nhưng chưa có phản hồi.

Giảng viên về Truyền thông Trực tuyến và Nhà nghiên cứu Internet tại Đại học Sydney, Tiến sĩ Jonathon Hutchinson cho biết các cuộc thảo luận tiêm chủng trực tuyến trên mạng thường không có hồi kết.

“Hiếm khi có một cuộc thảo luận hữu ích trong không gian mà một người chống tiêm chủng tiếp xúc với một người ủng hộ tiêm chủng. Bên nào cũng nói là mình đúng và bên kia sai. Đó là loại sân chơi mà những cuộc thảo luận như vậy tiếp diễn.”

Nhà nghiên cứu về Truyền thông Kỹ thuật số và Dân tộc học tại Đại học Sydney, Tiến sĩ Jolynna Sinanan nói rằng hai lệnh cấm mới của facebook vẽ ra ranh giới mơ hồ giữa quyền tự do ngôn luận và ngôn ngữ thù địch.
“Ranh giới khá mơ hồ, mặc dù có những giải thích và danh mục cụ thể về những nội dung mà họ cấm. Các tập đoàn truyền thông xã hội như Facebook đã quan tâm nhiều hơn đến nhận thức của công chúng hơn là sự tham gia của công chúng.”
Ông Bailo cảnh báo khả năng để facebook xác định nội dung bài đăng của mọi người là rất lớn.

“Họ là thế lực mạnh mẽ bởi vì sự can thiệp của họ dẫn đến việc quyết định hàng tỷ người thực sự nhìn thấy gì. Chúng ta đang nói về sự tập trung quyền lực chưa từng có trong lịch sử loài người, để thiết lập nội dung, lọc ra những gì là sự thật và những gì không phải sự thật.”

The Social Dilemma-Tình huống xã hội khó xử - là một trong những series nổi tiếng nhất trên Netflix vào thời điểm hiện tại. Loạt phim cảnh báo về sự nguy hiểm của mạng xã hội, tập trung vào việc thao túng người dùng bằng các thuật toán và hệ thống trí tuệ nhân tạo khuyến khích việc nghiện nền tảng của họ.

Bà Sinanan nói rằng các sự kiện gần đây như đại dịch coronavirus và các cuộc biểu tình Black Lives Matters là chất xúc tác giải thích tại sao Facebook và các nền tảng khác đang phản ứng lại việc lan truyền thông tin sai lệch và nội dung thù địch.

“Năm nay với nhiều vấn đề thu hút sự chú ý toàn cầu như các cuộc biểu tình Black Lives Matters, những cáo buộc đối với tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và sự lan truyền thông tin sai lệch về biện pháp phòng ngừa COVID-19, nhận thức của công chúng có khả năng đã thay đổi.”

Các nhà lập pháp đã kêu gọi quy định mạnh mẽ hơn trên mạng xã hội trong nhiều năm qua. Hầu hết các tập đoàn truyền thông xã hội đều tự quản mà không cần bất kỳ cơ quan quản lý nào báo cáo hoặc bảo đảm trách nhiệm giải trình.

Tiến sĩ Hutchinson nói rằng họ có quyền tự do tuyệt đối trong lĩnh vực của mình.

“Những người khổng lồ về truyền thông xã hội không phải là tổ chức truyền thông. Họ đang hoạt động bên ngoài các cơ chế quản lý tiêu chuẩn. Điều đó sau đó làm sai lệch ranh giới tự do ngôn luận. “

Bà Sinanan nói rằng sự minh bạch hơn sẽ làm rõ ranh giới giữa những gì được và không được phép đối với người dùng.

“Sau khi đạt được sự đồng thuận, chúng ta sẽ thấy hành động cụ thể hơn về điều gì được chấp nhận và điều gì không được chấp nhận, điều gì cấu thành tự do ngôn luận và điều gì cấu thành lời nói thù địch, ở cấp độ chính sách mang tính quyết định hơn.”

Share