Cần thêm nhiều nữ hộ sinh và tình nguyện viên đa ngôn ngữ trong cộng đồng sắc tộc Úc

The office of WSU Professor Hannah Dahlen

Source: SBS

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Hiện nay đang có những vấn đề lo ngại trong việc cung cấp đầy đủ các dịch vụ phiên dịch quan trọng cho những người di dân và người tị nạn đang mang thai.


Các nữ hộ sinh và những người ủng hộ đa văn hóa đang kêu gọi Chính phủ Liên bang mở rộng các phòng khám và đào tạo văn hóa song ngữ như là một phần của kế hoạch quốc gia về các dịch vụ thai sản.
 
Nữ hộ sinh Ismat Audi đã điều hành một phòng khám chủ yếu cho sản phụ người Ả Rập, ở phía tây Sydney, trong gần hai thập kỷ. 
 
Kiểm tra sức khỏe thường xuyên giúp sản phụ có cơ hội để đặt câu hỏi về việc cho con bú, dinh dưỡng và các biện pháp tránh thai - đôi khi những cuộc trò chuyện rất nhạy cảm và thậm chí sẽ không cung cấp đầy đủ kiến thức nếu nữ hộ sinh không nói tiếng Ả Rập vì sản phụ là những người di dân với tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai của họ. 
 
"Tôi có thể biết họ đến từ đâu. Giống như đôi khi họ đặt câu hỏi thì tôi có thể đoán trước được họ sẽ hỏi điều gì vì họ đã được chỉ dẫn làm điều này, điều kia... hoặc họ nghe được rằng họ nên làm điều này hay điều kia, nhưng họ lại không muốn làm bởi vì đó không phải là những gì mẹ hoặc bà của họ nói."
 
Bà tận mắt chứng kiến nhiều phụ nữ còn trẻ đã rời bỏ gia đình sau khi chuyển đến Úc sinh sống.
"Những phụ nữ trẻ này họ đến đây không có ai, vì vậy họ phải tự làm tất cả, nhưng điều này không hề dễ dàng. Khi cô gái mới 19 tuổi, có đứa thứ nhất và đang mang thai đứa con thứ hai, điều này thật không dễ chút nào."

Một phần tư các bà mẹ sinh con tại Úc vào năm 2015 được sinh ra từ một nước không nói tiếng Anh. Đó là mức tăng 17% kể từ năm 2005.
 
Với con số tăng nhanh đó, các nhóm hỗ trợ di dân đang có một kế hoạch quốc gia mới cho các dịch vụ thai sản bao gồm việc mở rộng các phòng khám phụ sản song ngữ và phương cách tiếp cận tốt hơn giữa thai phụ và các thông dịch viên.
 
Các cuộc trò chuyện này chủ yếu thông qua thông dịch viên nhưng không phải lúc nào các thai phụ cũng dùng dịch vụ này, vì nhiều lý do.
Giáo sư khoa Hộ sinh tại Đại học Western Sydney Hannah Dahlen nói rằng điều đó cần phải được thay đổi.
 
 "Chúng ta cần hết sức quan tâm đến việc đó, giữ cho bản thân không quá bận rộn vì chúng ta cần có thời gian để tổ chức một cuộc hẹn và nhận cuộc gọi từ thông dịch viên. Chúng ta phải xem việc sử dụng dịch vụ thông dịch là một phần không thể thiếu trong quá trình chăm sóc sản khoa."
 
Sandra Elhelw Wright, đến từ Liên đoàn các Hội đồng Sắc tộc Úc, nói rằng một số phụ nữ nghĩ họ có các kỹ năng tiếng Anh cơ bản vì vậy mà họ cho rằng họ không cần thiết để có một thông dịch viên.
"Trong khi đó trên thực tế, những người phụ nữ đó không thể giao tiếp khi họ gặp phải sự phức tạp của ngôn ngữ trong y học, hoặc từ vựng chi tiết để giải thích về cảm xúc của họ và các vấn đề y tế mà họ gặp phải trong quá trình mang thai và sinh con."

Và việc thiếu thông tin đó có thể gây ra hậu quả tai hại cho sức khỏe của thai phụ. 
 
 "Nó đặc biệt nguy hiểm, nhất là trong những tình huống khẩn cấp khi có áp lực về thời gian, bạn có thể tưởng tượng ra rằng mọi thứ có thể bị sai lầm khủng khiếp như thế nào khi bệnh nhân không thể liên lạc và trò chuyện được với bác sĩ hoặc thậm chí tệ hơn nữa, là các thai phụ vì thiếu ngôn ngữ nên đã cung cấp những thông tin sai lạc."
 
Trong báo cáo của mình, Liên đoàn các Hội đồng Dân tộc Úc (FECCA) cho biết hiện chưa có kế hoạch cụ thể nào cho các sản phụ di dân- dùng các ngôn ngữ khác (ngoài tiếng Anh) và  đến từ nhiều nền văn hóa đa dạng. 
 
Bà Wright nói đó là một khoảng cách lớn cần được chú ý thêm. 
 
 "Chúng tôi chắc chắn việc ủng hộ việc có được một kế hoạch cụ thể cho thai phụ, những người có nguồn gốc đa văn hóa và ngôn ngữ và chúng tôi nghĩ rằng sự tập trung là thực sự cần thiết, vì những nhu cầu đó là có thật trong dịch vụ thai sản.))
Ngoài ra nên có các chương trình đào tạo văn hóa nhiều hơn để giải quyết tình trạng mà theo Giáo sư Hộ sinh Hannah Dahlen cho là sự phân biệt đối xử không chủ ý theo mô hình Euro-centric."
 
 "Chúng ta biết rằng các trung tâm y tế và nhà hộ sinh thường bị chi phối bởi dịch vụ mà họ cung cấp cho nhiều phụ nữ trung lưu da trắng, nhưng tại sao lại như vậy? Tại sao chúng ta không mở ra thêm những lựa chọn khác và làm điều đó theo hướng đa văn hóa cho các phụ nữ đến từ các nước khác?"
 
Một tổ chức từ thiện ở Melbourne, được gọi là Births for Human Kind, đang giúp đỡ những người di dân hướng họ đến việc sử dụng hệ thống chăm sóc sức khỏe cho các bà mẹ tại Úc.
 
Giám đốc chương trình Jen Branscombe giải thích những phụ nữ nói hai ngôn ngữ sẽ được đào tạo để trở thành tình nguyện viên nhằm cung cấp những hỗ trợ về mặt cảm xúc và xã hội cho những thai phụ. 
 
 "Những tình nguyện viên của chúng tôi sẽ đi cùng với thai phụ đến cuộc hẹn tại bệnh viện và sẽ giúp họ thông dịch; rồi sau đó có thể dành thời gian sau cuộc hẹn để giải thích thêm những điều đã được bác sĩ hoặc nữ hộ sinh giải thích vì trong môi trường bệnh viện nhiều khi những buổi tư vấn hoặc giải thích diễn ra với nhịp độ khá nhanh và thường thường nếu không rành tiếng Anh, những thai phụ sẽ không theo kịp những thông tin đã được cung cấp."
 
Một số tình nguyện viên của nhóm này là nữ hộ sinh đến từ một nước khác trước khi chuyển đến Úc sinh sống. 
Những người khác, như tình nguyện viên Uuduayan Elizabeth Mazeyko, đã có kinh nghiệm làm mẹ và bà ngoại.
"Đôi khi các thai phụ cần một bàn tay để nắm giữ và tôi hy vọng rằng tôi sẽ ở bên cạnh một thai phụ để thấu hiểu. Đó chính là vai trò của tình nguyện viên, nhằm để hỗ trợ tình cảm, thể chất và làm cho các thai phụ cảm thấy thoải mái hơn."

Kế hoạch quốc gia về các dịch vụ thai sản sẽ được hoàn thành vào giữa năm tới.



 


Share