Trung Quốc tố báo chí nước ngoài “dối trá” về các trại cải tạo Tân Cương

Zulfia Erk

Zulfia Erk Source: SBS

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Trong một tuyên bố hiếm hoi trước công chúng, Trung Quốc lần đầu tiên cho biết các trại cải tạo dành cho người Duy Ngô Nhĩ của họ ở phía Tây Bắc của nước này không tồn tại vĩnh viễn. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc cho phép các nhà báo nước ngoài đặt câu hỏi về các trại cải tạo mà nhiều người vẫn gọi là nhà tù, vốn gây tranh cãi. Chính phủ Trung Quốc nói rằng đó chỉ đơn giản là các trung tâm đào tạo nghề và sẽ được đóng cửa khi cần thiết.


Người phụ nữ sống ở Sydney là Zulfia Erk biết rằng mình được an toàn. Nhưng trong lòng cô luôn nơm nớp lo lắng cho những người anh chị em đang bị giam giữ vào mỗi đêm.

“Anh chị em ruột của tôi đều bị bắt vào trại cải tạo này, 5 người cả thảy. Tôi luôn cảm thấy bất an vì có nhiều thứ phải lo lắng. Tôi luôn cảm thấy vô vọng và có lỗi với gia đình”.

Cô Erk là một trong nhiều người Duy Ngô Nhĩ đòi hỏi chính phủ Hoa lục phải có câu trả lời về số phận của gia đình cô.

Người Duy Ngô Nhĩ là một dân tộc thiểu số Thổ Nhĩ Kỳ chủ yếu theo đạo Hồi.

Chính phủ Trung Quốc cho biết các trại cải tạo ở tây bắc Trung Quốc chỉ đơn giản là các trung tâm đào tạo, để người Duy Ngô Nhĩ học tiếng Quan Thoại và các kỹ năng mới.

Shohrat Zakir, chủ tịch Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương, nói rằng báo chí truyền thông nước ngoài đã nói dối về các nhà tù này và biện hộ cho chính phủ.

“Các trung tâm giáo dục mà chính phủ Trung Quốc lập ra không giống như một số báo chí truyền thông mô tả, là nơi lạm dụng sinh viên hoặc hạn chế quyền tự do của họ. Một số người nói rằng Tân Cương có một số nhà tù, hoặc là trại cải tạo. Những bình luận này là bịa đặt, do một số người dựng lện vu khống, rất vô lý.”

Ông Zakir cũng là một trong những người gốc Duy Ngô Nhĩ, khẳng định rằng gần đây không có cuộc tấn công bạo lực nào ở Tân Cương nhờ vào các biện pháp chống khủng bố của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Ông Zakir nói một ngày nào đó, khi xã hội không có nhu cầu nữa, các trung tâm đào tạo sẽ đóng cửa.

Nhưng đối với cô Erk, điều đó đặt ra nhiều câu hỏi hơn nữa.

"Điều đó có nghĩa là gì? Tôi thực sự không hiểu kỳ vọng hay tiêu chí của chính phủ Trung Quốc là gì."

Tân Cương nằm ở phía Tây Bắc Trung Quốc là nơi sinh sống của hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số Thổ Nhĩ Kỳ khác.

Cuộc họp báo của ông Kir, diễn ra trong đêm thứ ba là lần đầu tiên truyền thông nước ngoài được phép đặt câu hỏi về tình hình ở Tân Cương.

Nhiều người Duy Ngô Nhĩ trên khắp thế giới đã chia sẻ những bức ảnh về người thân mất tích của họ và Liên Hợp Quốc cho biết khoảng một triệu người trong số đó bị mắc kẹt trong các trại cải tạo.

Mặc dù  phúc trình cho biết có 17 người Úc nằm trong số này, Bộ Ngoại giao Úc không được phép đến thăm Tân Cương kể từ năm 2016.

Việc không được phép vào khu vực này khiến nhiều gia đình tuyệt vọng trong việc tìm kiếm thông tin về gia đình và người thân, bao gồm cả bà Erk.

"Con của anh tôi, hai đứa bé 1 tuổi và 3 tuổi, chúng tôi không biết chúng ở đâu vì cả cha mẹ đều bị đưa đến trại tập trung, trại nào chúng tôi cũng không biết nữa”.

Các tổ chức hoạt động nhân quyền cho biết, trong nhiều thập kỷ, có khoảng 11 triệu người Duy Ngô Nhĩ bị giám sát, bắt giữ, và bị vi phạm nhân quyền trên rất nhiều phương diện.


Share