Thêm 2,5 triệu đô hỗ trợ bệnh nhân mắc đau mãn tính: Cần nhưng chưa đủ

Chronic back pain

Source: dpa/AP Images

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Tổng trưởng Y tế Greg Hunt đã công bố, sẽ tài trợ thêm 2,5 triệu đô la trong 4 năm tới để nâng cao nhận thức và điều trị chứng đau mãn tính. Quyết định trên đưa ra giữa khi, một phúc trình công bố hôm 4/4 cho thấy, chứng này đang khiến nền kinh tế Úc thiệt hại tới hơn 150 tỉ Úc kim mỗi năm, và con số này dự kiến còn sẽ tăng. Tuy nhiên, những người đang sống chung với đâu mãn tính nói rằng, tài trợ là một chuyện tốt, nhưng bấy nhiêu vẫn chưa đủ.


"Đau mãn tính là cơn đau kéo dài trong hơn 3 tháng. Trong rất nhiều trường hợp, hệ thống thần kinh cứ tiếp tục gửi tín hiệu cảnh báo như vậy của cơ thể. Đau mãn tính có thể xuất hiện dưới nhiều hình thức, trong những điều kiện khác nhau” - Sarah Fowler cho biết vậy.

Cô gái mới 20 tuổi này bị chẩn đoán là mắc hội chứng đau cục bộ phức tạp (CRPS), còn gọi là chứng Loạn dưỡng giao cảm phản xạ (RSD) từ năm cô mới 12 tuổi.

Sarah nói rằng, dẫu cô thấy đau từ rất lâu, nhưng mãi sau này, cô mới được chính thức chuản đoán là mắc chứng đau mãn tính.

"Có lẽ, tôi đã bị đau mãn tính từ khi còn học tiểu học. Vào năm lớp 5, tôi đã bị đau đến mức phải ngồi xe lăn. Điều không may là khi ấy, tôi không được chẩn đoán mắc chứng này. Tuy nhiên, khi ấy, tôi đã hồi phục nhờ vào sự nỗ lực và hỗ trợ của người thân. Sau đó, năm lớp 7, tôi lại phải ngồi xe lăn lần nữa, nhưng những cơn đau trở nên trầm trọng hơn rất nhiều"

Fowler cho biết kỹ hơn về quá trình khởi phát của 2 lần đó: “Trong lần đầu, cơn đau bị kích hoạt bởi một chấn thương; sau đó cơn đau cứ tiếp diễn và lan rộng. Còn lần thứ nhì, tôi thấy không khỏe, mắc bệnh cúm và phải nằm trên giường trong vài tuần. Cuối cùng, tôi bị đau ở mắt cá chân và cơn đau lan từ đó".

Bà Carol Bennett là Giám đốc điều hành của Painaustralia, một tổ chức hoạt động với mục tiêu cải thiện chất lượng cuộc sống của những người mắc chứng đau mãn tính và người thân của họ.

Bà Bennett nói rằng, có tới hơn 3 triệu người Úc bị ảnh hưởng bởi chứng này, mà hơn một nửa số đó là phụ nữ trong độ tuổi lao động.

Bà nói:  “Đau mãn tính có thể ảnh hưởng tới bất kỳ ai, thậm chí cả trẻ em, thanh thiếu niên hay thanh niên, ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Và rõ ràng là chứng này ảnh hưởng rất lớn đến người cao niên. Cứ ba người sống trong các viện dưỡng lão, thì có một người đang sống chung với chứng này”.

Dựa theo một phúc trình về chi phí của chứng đau mãn tính, được thực hiện với sự ủy quyền bởi Painaustralia, dự kiến đến năm 2050, số người mắc chứng đau mãn tính ở Úc sẽ lên đến hơn 5 triệu người.

Tuy nhiên, trong khi có rất nhiều người Úc đang phải sống chúng với chứng đau mãn tính, thì Sarah cho biết là rất nhiều người chưa ý thức về chuyện đó và chưa thấu hiểu nỗi đau đớn của những người mắc chứng này đang sống quanh họ. 

Bởi vậy nên, có gần một nửa số người hiện đang sống chung với chứng nỗi đau mãn tính hiện cũng sống với chứng trầm cảm và lo lắng. Và dự đoán, con số này sẽ tăng lên tới 2,3 triệu người vào năm 2050.

Trung bình mỗi người mắc chứng đau mãn tính này làm việc ít hơn 8 ngày mỗi năm so với những người không mắc chứng này. Tính ra, tổng chi phí thực mà họ phải trả lên tới khoảng 2,7 tỉ đô la.

Với trường hợp của Sarah Fowler, cô tự xem mình là người may mắn bởi gia đình cô có thể chu cấp cho cô chi phí cho việc đi lại và điều trị liên tục.

Sarah kể: "Phải hẹn gặp bác sĩ rất nhiều lần, cố gắng tìm đến các bác sĩ chuyên khoa; nhưng sau đó cũng không hiệu quả mà phải vào bệnh viện, chụp cộng hưởng từ trường, nói chung là rất nhiều thứ như vậy. Tất cả những chuyện đó cứ gia tăng về mức độ. Tôi phải đi Sydney khá thường xuyên và điều đó khiến mẹ tôi phải bỏ việc”.

Còn với toàn bộ nền kinh tế, chi phí ấy trở nên đắt đỏ hơn nhiều. Số liệu cho thấy, năm 2018, chứng đau mãn tính này đã gây thiệt hại hơn 139 tỷ đô la với toàn bộ nền kinh tế. Và con số này dự kiến sẽ tăng lên tới hơn 215 tỷ đô la vào năm 2050.

Ngoài ra, chứng bệnh này còn đặt ra nhiều vấn đề với hệ thống y tế hiện tại. Bà Carol Bennett thuộc tổ chức Painaustralia nói rằng, những người dân sống trong các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa có rất ít hoặc không có cơ hội tiếp cận với các chuyên gia điều trị chứng bệnh này.
Năm 2018, chứng đau mãn tính đã gây thiệt hại hơn 139 tỷ đô la với toàn bộ nền kinh tế Úc. Và con số này dự kiến sẽ tăng lên tới hơn 215 tỷ đô la vào năm 2050.
Thế nhưng ngay cả với những người sống tại các đô thị như Sarah Fowler, một cư dân Canberra, cô nói rằng, cô vẫn phải đi lại rất nhiều hoặc phải chờ trong một thời gian dài mới được gặp các chuyên gia để trị.

Nhưng bà Carol Bennett cảnh báo, với người Úc thổ dân và người di cư, tình trạng đó thậm chí còn tồi tệ hơn: "Nếu quý vị mắc chứng này và sống ở vùng nông thôn hay vùng sâu, vùng xa của nước Úc, gần như quý vị sẽ không thể tiếp cận được các dịch vụ chăm sóc và điều trị tốt nhất. Hơn thế, nếu quý vị gặp những rào cản về ngôn ngữ hay văn hóa, điều đó còn khó khăn hơn rất nhiều"

Ngay cả khi mọi người được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc và điều trị, điều đó không phải lúc nào cũng hiệu quả.  Bà Carol Bennett cho biết, theo phúc trình mới, opioid - một loại thuốc giảm đau gây nghiện - thường được sử dụng trong rất nhiều trường hợp, trong khi vẫn có các phương pháp điều trị khác, ít rủi ro hơn mà có hiệu quả hơn.

Bà nói: “Với nhiều người, việc điều trị chỉ dựa trên thuốc được kê theo toa. Và loại thuốc được sử dụng rất nhiều là opioids. Chúng tôi biết rằng, 70% tất cả các lần thăm khám, bác sĩ gia đình đều cho thuốc giảm đau. Và chúng tôi cũng biết rằng, thuốc giảm đâu không phải là cách điều trị tốt nhất và không nên sử dụng lâu dài”.

Trong năm 2017-2018, có 823 người Úc được cho là đã thiệt mạng do lạm dụng opiod được kê toa.

Ngày 4/4 vừa qua, chính phủ liên bang đã cam kết sẽ tài trợ thêm 2,5 triệu đô la trong 4 năm tới nhằm nâng cao nhận thức về chứng đau mãn tính.

Ngân khoản trên sẽ bổ sung vào khoản 4,3 triệu đô la vốn đã được đưa ra trong bản ngân sách công bố ngày 2/4, nhằm nâng cao nhận thức và cải thiện dịch vụ cho người dân bị đau mãn tính hiện sống ở vùng nông thôn nước Úc.

Bà Carol Bennett nói rằng, đây là khoản tài trợ triệu đô la cho một vấn đề trị giá hàng tỷ đô la. Bà cho rằng, khoản tài trợ như vậy không đủ. “Những gì mà chúng tôi có thể làm với ngân khoản đó là, nâng cao nhận thức trong cộng đồng về vấn đề này. Chúng tôi muốn khoản đầu tư này sẽ tạo ra những địa điểm giống như kiểu cửa hàng một điểm đến, và tất cả mọi người đều có thể đến đó tìm hiểu về chứng đau mãn tính"- bà nói.

Còn với Sarah Fowler, cô nói rằng, cô hy vọng có thể thấy sự đổi thay về lâu về dài: “Tôi muốn những người nắm giữ quyền lực, những người đưa ra quyết định không chỉ nhận thấy rằng, có hàng triệu người đang sống chung trong tình trạng đau đớn cần được giúp đỡ. Bên cạnh đó, họ cũng phải nhìn nhận thấy một thực tế là, chứng bệnh này đang khiến nền kinh tế của chúng ta thiệt hại nặng. Và các phúc trình đã cho thấy rằng, số tiền mà chúng ta đầu tư bây giờ, hiệu quả để lại về sau là vô cùng lớn".


Share