Chuyện Queensland: Cựu Dân biểu Canada Nguyễn Cao Cảo

04 - Ủy lạo binh sĩ Canada 2014.jpg

Ông Nguyễn Cao Cảo trong chuyến ủy lạo binh sĩ Canada 2014

Gần đây, chúng ta thấy có sự tham gia của nhiều người Úc gốc Việt vào chính trường Úc. Đó là một dấu hiệu rất đáng khích lệ. Nhưng sự kiện này đã xảy ra từ nhiều thập niên trước đây đối với các đồng hương sinh sống ở Hoa Kỳ, Canada và các nước Tây phương khác.


Đầu tháng này, chúng tôi đã được hân hạnh tiếp xúc với ông Nguyễn Cao Cảo, cựu Phó Chủ tịch quốc hội tỉnh bang Alberta của Canada nhân chuyến ông và phu nhân viếng thăm Brisbane.

Kính mời quý thính giả theo dõi cuộc mạn đàm sau đây của chúng tôi với ông Nguyễn Cao Cảo về sự nghiệp chính trị kéo dài 20 năm của ông.

Hưng Việt: Dạ, xin kính chào ông Wayne Nguyễn Cao Cảo ạ.

Nguyễn Cao Cảo: Dạ, tôi kính chào quý vị thính giả của đài SBS và anh Trần Hưng Việt.

Hưng Việt: Dạ trước hết xin cảm ơn ông Cảo nhân chuyến viếng thăm Brisbane này và được hân hạnh gặp ông. Thì đầu tiên xin ông có thể vui lòng cho biết là ông đã gia nhập chính trường Canada vào năm nào ạ?

Nguyễn Cao Cảo: Tôi có cơ hội tham gia chính trị ở Canada chính thức là từ năm 1996 và tới năm 2016 thì về hưu.

Hưng Việt: Thưa lý do tại sao ông tham gia vào chính trường Canada và ông có những nguyện vọng gì mà ông gia nhập chính trường để thực hiện những cái điều gì?

Nguyễn Cao Cảo: Tôi có cái quan niệm sống là tới đâu đi thì nhập gia tùy tục thành ra khi mà tới Canada thì nhập vô cái cuộc sống địa phương ở đó. Và đó cũng là một cái chiều hướng của cuộc sống và thứ hai nữa là tôi thấy chính trị ở Canada dễ dàng hơn là chính trị ở những cái nơi mà tôi đã từng sống mà nguy hiểm.

Hưng Việt: Thưa ông, ông gia nhập vào chính trị ở Canada như vậy thì ông tham gia vào cái đảng nào và lý do tại sao?

Nguyễn Cao Cảo: Hồi tôi tham gia thì có cái đảng gọi là Progressive Conservative, tức là Cấp tiến Bảo thủ thì nó có cái nghĩa là hai phương diện là cấp tiến về các chương trình về xã hội mà bảo thủ về vấn đề tài chánh, thuế má, giữ gìn cho tiền thuế của dân chúng không bị phí phạm.

Hưng Việt: Thưa ông có thể nói một cách công bằng là đảng Progressive Conservative là một đảng thuộc cánh hữu và chính trường Canada có cái đảng lớn nào ở bên cánh tả hay không và đảng nào trung dung hay không?

Nguyễn Cao Cảo: Ở bên Canada thì cánh hữu là có cái đảng Conservative như tụi này và bên cánh tả thì có cái đảng New Democrats, đảng Tân Dân chủ và đứng giữa thì có cái đảng Liberal đảng Tự do thì đại khái là có ba đảng chính ở Canada còn rất nhiều đảng phụ nữa. Thí dụ như đảng Xanh hoặc là đảng Nhân dân People's Party.

Hưng Việt: Thưa ông, như vậy đó theo chỗ chúng tôi tìm hiểu thì ông đã đắc cử năm lần vào trong quốc hội của tiểu bang Alberta phải không ạ?

Nguyễn Cao Cảo: Dạ, tôi cũng may mắn là thắng cử được năm lần. Năm 1996 cứ bốn năm một lần tới năm 2016 là đủ 20 năm thành ra tôi về hưu luôn, không có ra nữa.

Hưng Việt: Lý do tại sao ông về hưu? Thấy có vẻ ông vẫn còn năng động lắm mà, vẫn còn có thể tiếp tục làm việc mà.

Nguyễn Cao Cảo: Có thể là cái đầu thì năng động nhưng mà cái thân thể nó không cho phép. Thành ra mình thấy 20 năm rồi, nói thẳng ra là cũng 72 tuổi thành ra để cho giới trẻ, lớp trẻ nó hay hơn, nó thế mình.

Hưng Việt: Năm nhiệm kỳ thì bắt đầu từ 1997, 2001, 2004, 2008, 2012 thì thưa hình như ở nhiệm kỳ chót năm 2012 ông được bầu làm Phó Chủ tịch Quốc hội phải không ạ?

Nguyễn Cao Cảo: Wow, anh Việt nghiên cứu dữ à! Đúng ạ! Tôi ra tranh cử sau khi bầu cử, thì những dân biểu họp lại, rồi bầu lên, có ông chủ tịch quốc hội, rồi phó chủ tịch quốc hội, và trưởng các Ủy ban, tức là có ba chức vụ được những dân biểu bầu lên. Tôi ra ứng cử, làm hăng máu, thành ra thử làm chủ tịch nhưng mà thua, thành ra tôi ra cái chức thứ nhì thì lại thắng tức là làm phó chủ tịch tức là Deputy House Speaker.

Hưng Việt: Ông đắc cử luôn cái chức mà Committee Chairman luôn phải không ạ?

Nguyễn Cao Cảo: Dạ đại khái là Deputy House Speaker thì mình kiêm luôn cả cái chức Chairman of committee của quốc hội.

Hưng Việt: Wow cái đó là quá ngưỡng mộ. Thưa ông ở Quốc hội Alberta thì có hạ viện và thượng viện không hay là chỉ có một viện thôi?

Nguyễn Cao Cảo: Ở Alberta hay toàn thể Canada mỗi một tiểu bang thì chỉ có một viện thôi, unicameral, không có senate như các nơi khác.

Hưng Việt: Nhưng mà còn Liên bang thì sao kìa?

Nguyễn Cao Cảo: Ở Liên bang thì có senate, nhưng mà senate ở Liên bang là không phải do dân chúng bầu mà do đảng đang cầm quyền bổ nhiệm những người đó.

Hưng Việt: Ok, thưa Chúng tôi hôm nay học hỏi được rất nhiều từ chính trường ở Canada. Khi mà ông ở trong quốc hội, nhất là ở trong cái nhiệm kỳ chót đó, chắc chắn là ông cũng đưa ra là nhiều cái bills, đưa ra nhiều cái legislative bills thì theo ông đó, trước nhất là xin hỏi ông… chắc là khó mà nói được là bao nhiêu đâu, theo ông thì cái bills nào đối với ông đã đưa ra là quan trọng nhất trong cái sự nghiệp chính trị của ông?

Nguyễn Cao Cảo: Anh nói rất đúng là làm dân biểu thì mình có quyền đề nghị ra những cái bills, những dự luật, rồi mình bầu phiếu cái dự luật đó để thành luật. Tôi nghĩ lại tôi nặng về vấn đề chương trình an sinh xã hội thành ra tôi để ý về luật lao động. Tôi cũng nói thẳng là tôi cũng làm được nhiều chuyện trong cái luật lao động để cho đời sống dân chúng tốt hơn, thí dụ như cái Luật cho nghỉ hộ sinh một năm thay vì hồi đó nó nghỉ có bốn tuần. Thì cũng xất bất xang bang tôi mới thành công.

Và cái luật nữa là luật lương tối thiểu. Tôi đề nghị là bây giờ lương tối thiểu phải index theo inflation, tức là lạm phát, thì lương cứ tăng theo mức đó, chứ không phải là giữ nguyên, hồi trước nó giữ nguyên. Với lại chi tiết chút nữa là những người làm vị thành niên dưới 18 tuổi thì bớt lương, còn trên 18 tuổi thì cái lương tối thiểu nó khác thì tôi cũng bỏ cái đó. Tôi bảo là việc là việc chứ không phải là tuổi. Thành ra bỏ đi cái đó. Đại khái dự luật khác tôi đề nghị nhưng mà đó là những cái chính mà tôi thấy rất là happy. Khi mà đi ra tranh cử gõ cửa nhà người ta mấy người người ta bế con nít, người ta gặp, người ta nhận ra mình, người ta nói, “Ô, anh này, ông này làm cho tôi nhớ ông cho tôi … Cảm ơn ông, tôi sẽ bầu cho ông.”
06 - Ông bà Nguyễn Cao Cảo thăm viếng Brisbane.jpg
Ông bà Nguyễn Cao Cảo thăm viếng Brisbane
Hưng Việt: Thưa anh, mới nói tới cái chuyện mà đi ứng cử rồi gõ cửa từng nhà như vậy, ông ra ứng cử là khoảng ông 50 tuổi nhưng mà có lẽ là một trong những người Việt đầu tiên nếu không muốn nói là người gốc Việt đầu tiên ứng cử ở Canada thì thưa ông nghĩ sao về cái vấn đề ông ra tranh cử lúc đó là một cái hiện tượng có thể là ground-breaking mở đường cho những bạn trẻ hơn, gốc Việt của chúng ta đi theo, thì theo ông cái chuyện đó có được tiếp nối hay không ạ?

Nguyễn Cao Cảo: Dạ tôi cũng không dám nghĩ mình là người mở đường nhưng mà tôi chỉ nhớ là sang đó thì mình nhập gia tùy tục thành ra tôi cứ làm những cái chuyện mà tôi thấy tôi có thể làm được là ra tranh cử và thứ nhất mình phải tranh cử ở trong cái đảng để được đại diện đảng ra tranh cử bên ngoài nữa. Cái chuyện đó là khó nhất tại vì cùng cái đảng tranh với nhau. Và cái chuyện thứ nhì là khi ra bên ngoài tranh cử thì cái đảng nó cũng giúp mình nữa. Còn cái phần đầu là tự mình không ai giúp mình. Tự mình mình phải tranh đấu trong cái đảng để cho mình được đề cử. Đó là một cái ai muốn tham gia chính trị phải để ý cái chuyện đó.

Hưng Việt: Từ lúc mà ông gia nhập đảng Progressive Conservative tới lúc ông được đề cử ra ứng cử là lần đầu tiên năm 1997 đó là mất bao lâu thưa ông?

Nguyễn Cao Cảo: Thì cũng mất một năm trời đó.

Hưng Việt: Có một năm thôi là ít đấy chứ à?

Nguyễn Cao Cảo: Thì cũng may là lúc thời gian làm việc tôi cũng quen biết rồi. Tôi cũng đi đóng cọc, biển tranh cử, dán affiche trên tường cho mấy ông dân biểu khác. Thành ra lúc bây giờ mình chưa có nghĩ là tới mình ra, nhưng mà mình thấy mấy ông đó làm được thì mình nghĩ sao mình không làm được? Mình làm cho người ta, bây giờ mình làm cho mình coi. Tôi nghĩ như vậy, thành ra cũng may.

Hưng Việt: Tại chúng tôi hỏi câu đó là tại vì ở Queensland và đặc biệt là ở Brisbane có những cuộc bầu cử chắc ông có thể đã nghe nói tới là cuộc bầu cử Local Council là Hội đồng địa phương và một cuộc bầu cử bổ túc By election ở một đơn vị quốc hội tiểu bang thì có bốn bạn trẻ Việt Nam ra ứng cử, bạn trẻ nha, gốc Việt, thì hai người ứng cử hội đồng thành phố và hai người ứng cử cái by election cho state government dạ thì ông nghĩ đó là một điều đáng khích lệ và đáng phấn khởi không ạ?

Nguyễn Cao Cảo: Dạ cái điều đó là rất rất khích lệ và làm phấn khởi những người di dân mới tới, nhưng mà chắc là mấy bạn trẻ đó là cũng sanh đẻ ở đây.

Hưng Việt: Có người cũng sanh ở Việt Nam.

Nguyễn Cao Cảo: Có lẽ là mấy vị đó là cũng hiểu biết. Có lẽ là hơn tôi lúc tôi mới ra tranh cử.

Hưng Việt: Không có đâu, lúc ông ra là cũng 50 rồi phải không?

Nguyễn Cao Cảo: Dạ 50, nhưng mà hiểu về vấn đề chính trị thì có khi người ta có hiểu biết nhiều hơn. Cái mà tôi thấy cũng may mắn cho tôi là tôi có nhiều người giúp. Người địa phương, người dân Canadian. Thời gian mình làm việc cũng như mình đi tham gia nọ kia thì người ta biết tới mình và người ta thích mình, thành ra lúc mà mình ra tranh cử trong đảng thì người ta cũng giúp mình. Rồi khi mà mình tranh cử ra bên ngoài, mấy người đó cũng giúp mình, cũng cả một chục người đó. Dạ.

Hưng Việt: Dạ vậy thì tốt quá ha.

Nguyễn Cao Cảo: Dạ, vậy cũng may mắn là có những người đó.

Hưng Việt: Dạ. Thưa ông, khi mà mình làm dân biểu, tức là đại diện cho dân chúng ở địa phương đó, thì quốc hội ở Canada thì chắc cũng giống như quốc hội ở Úc thôi là thế nào cũng sẽ có những liên lạc với các cấp chính quyền của những quốc gia khác. Thì thưa ông, trong cái thời gian ông làm dân biểu ở Alberta đó có những cái phái đoàn của Việt Nam qua để mà công du và ông có phải tiếp xúc đối xử với họ hay không ạ?

Nguyễn Cao Cảo: Dạ có những cái phái đoàn từ các nước theo chương trình viện trợ của Canada. Canada viện trợ cho nhiều nước thì trong đó có Việt Nam. Có những phái đoàn từ Việt Nam sang để giao hảo về cái chuyện viện trợ, thí dụ như chính phủ Canada viện trợ cho quốc hội Việt Nam cách điều hành cái quốc hội, thành ra mấy người điều hành quốc hội Việt Nam sang Canada xem quốc hội Canada hoạt động như thế nào và quốc hội Canada chỉ dẫn những chuyện điều hành quốc hội Canada thì hai bên học hỏi, chỉ dẫn lẫn nhau. Đó là trong chương trình viện trợ của Canada. Tại vì người ta biết tôi là người Việt Nam, Quốc hội Canada mời tôi tham gia vào cái chương trình đó, thì tôi có trình bày Quốc hội Canada hoạt động như thế nào bằng tiếng Việt cho những vị, những ban hành chánh của Quốc hội Việt Nam.
01 - Ông Nguyễn Cao Cảo Remembrance Day 2021.jpg
Ông Nguyễn Cao Cảo dự lễ Remembrance Day 2021
Hưng Việt: Rồi ngược lại, có khi nào ông được mời về Việt Nam để quan sát những hoạt động của Quốc hội Việt Nam hay không ạ?

Nguyễn Cao Cảo: Tôi không hân hạnh được mời, Canada chỉ cử tôi đi thôi.

Hưng Việt: Nhưng mà ông có đi?

Nguyễn Cao Cảo: Dạ, có đi. Tôi có đi theo phái đoàn Canada về để làm một cái seminar chỉ dẫn cho những người địa phương là Canada làm như thế này, làm như thế kia trong quốc hội, tôi cũng nhớ tôi nói bằng tiếng Việt, thì trong đó cũng nhắc về vấn đề là dân biểu ở Canada là đại diện cho dân chúng, phải lo cho đời sống dân chúng và dân biểu ở Canada kiểm soát sự chi tiêu của chính phủ theo kêu là Auditor General. Thành ra tôi cũng nói về vấn đề hoạt động, về chuyện đó thôi.

Hưng Việt: Thưa theo ông nhận xét thì tình hình chính trị ở Canada hiện nay ra sao? Nó có khác gì với thời điểm mà ông bước chân vào chính trường hay không?

Nguyễn Cao Cảo: Dạ thì tôi thấy nó cũng khác, nó khác về vấn đề là bây giờ nó gay go hơn, gay gắt hơn với nhau.

Hưng Việt: Về phương diện gì ạ?

Nguyễn Cao Cảo: Về phương diện tranh cử với lại chính sách. Theo như tôi thấy là cực hữu, cực tả bây giờ nó không có cái đứng ở giữa nữa, không có du di nữa hai bên cọ sát mạnh thì khó hơn thời xưa. Khó khăn không phải là nó khó làm, nhưng mà…kêu là gay gắt, mệt cho người làm chính trị. Hồi trước, thí dụ như sau khi họp quốc hội phe đối lập với phe của chúng tôi cãi nhau, bỏ phiếu chống nhau ở trong quốc hội nhưng mà đi ra ngoài uống bia với nhau, thì bây giờ nếu mà làm như vậy là sẽ bị chửi là, “mày đi chơi với thằng kia, không được”. Nó có những cái chuyện gay gắt như vậy, tôi hy vọng là dần dần nó trở lại bình thường hóa như thời xưa.

Hưng Việt: Thưa ông, người ta thường nói Mỹ với Canada là hai nước gần như là anh em với nhau cũng như Úc với Tân Tây Lan vậy đó thì thưa ông nhận xét như thế có đúng không, là chính trường của hai bên thường môi hở răng lạnh hay không ạ?

Nguyễn Cao Cảo: Chính trường của Mỹ với lại Canada hai nước sát nhau ảnh hưởng rất nhiều tới nhau. Thường phần lớn là ảnh hưởng từ Mỹ sang. Canada thì nước nhỏ có 38 triệu dân, Mỹ tới 360 triệu dân. Và chính trị ở bên đó, thứ nhất là tiền nong nhiều hơn. Thành ra cái sự ảnh hưởng là một chiều thôi. Tức là Canada bị Mỹ ảnh hưởng nhiều và tùy theo phe chính trị ở bên Mỹ nó có ảnh hưởng tới bên Canada rất nhiều.

Hưng Việt: Thưa thay mặt cho thính giả của đài SBS chúng tôi thành thật cảm ơn ông Nguyễn Cao Cảo rất là nhiều, chỉ ghé chơi ở Brisbane thôi mà chúng tôi may mắn được gặp nên làm mất thời giờ của ông đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn quý báu này. Xin chúc ông bà một chuyến viếng thăm Brisbane được nhiều vui vẻ và trở về Canada thượng lộ bình an.

Nguyễn Cao Cảo: Tôi cũng xin chúc quý vị thính giả mọi sự an bình. Và chúc anh Việt, tôi cũng nhắc luôn là chị của anh Việt học chung với tôi, thành ra cũng biết nhau. Thì anh bây giờ mới gặp mặt, thành ra rất là vui. Thì cũng chuyện gọi là đi chơi mà được phỏng vấn như thế này thì cũng khác thường. Bất ngờ, bất ngờ. Cảm ơn, cảm ơn anh rất nhiều.

Hưng Việt: Dạ xin cảm ơn ông Cảo ạ.

Mời vào phần audio để nghe toàn bộ nội dung


Share