Công bố 25 quan chức VN bị đề nghị chế tài theo luật Magnitsky

Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng (phải)

Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng (phải) Source: Supplied

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Hồ sơ đầu tiên những quan chức Việt Nam bị chế tài theo Luật Magnitsky đã được Uỷ ban Cứu người Vượt biển (BPSOS) công bố, gồm 25 quan chức tỉnh Gia Lai, thành Phố Pleiku.


Để mở đầu cuộc tổng vận động Quốc Hội và Hành Pháp Hoa Kỳ năm 2017, tổ chức BPSOS công bố hồ sơ đầu tiên trong tổng cộng 6 hồ sơ đã được hoàn tất với danh sách 168 giới chức chính quyền Việt Nam được đề nghị chế tài theo Luật Magnitsky Toàn Cầu của Hoa Kỳ.

Hồ sơ Số 1 gồm 25 nhân vật BPSOS cáo buộc liên can đến các hành vi tra tấn đối với Mục Sư Nguyễn Công Chính và vợ là Bà Trần Thị Hồng. 

Nhấn vào đây để có mặt trong hồ sơ đầu tiên của BPSOS.

BPSOS lập 6 hồ sơ cho cuộc vận động năm 2017 dựa trên các tiêu chuẩn  như sự đàn áp nghiêm trọng vì xảy ra hành vi tra tấn hay đánh chết người. Nạn nhân là những người tranh đấu cho nhân quyền, hồ sơ khả tín vì đã được quốc tế, nhất là chính quyền Hoa Kỳ, công nhận. Vấn đề trách nhiệm có thể truy cứu đến những giới chức chính quyền.

Cả 6 hồ sơ đã được nộp cho Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và Uỷ ban về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế ngày 17 tháng 3, 2017.

Uỷ ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế của Mỹ chính thức chọn hồ sơ Số 1, tức hồ sơ về Mục Sư Nguyễn Công Chính và vợ, bà Trần Thị Hồng, cho Đề Án Tù Nhân Lương Tâm Tôn Giáo.

Đề án này là nỗ lực của ủy ban để cung cấp dữ kiện cho Hành Pháp Hoa Kỳ trong việc đưa một số quốc gia, trong đó có Việt Nam, vào danh sách Quốc Gia Phải Quan Tâm Đặc Biệt (CPC).
Theo Đạo luật chịu trách nhiệm về Nhân quyền Magnitsky toàn cầu (Global Magnitsky Human Rights Accountability Act), tổng thống Mỹ được quyền chế tài công dân nước ngoài khi có đủ chứng cứ từ các ủy ban đặc biệt của Quốc hội hay Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về các hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của những người đó. Từ ngày 23/12/2016, Hoa Kỳ có quyền không cấp visa nhập cảnh, hủy bỏ visa đã cấp, đóng băng tài sản cũng như không cho phép chuyển nhượng tài sản ở Mỹ của bất kỳ người nào vi phạm quyền con người nghiêm trọng ở bất kỳ đâu trên thế giới, kể cả Việt Nam. Bất kỳ người nào, nghĩa là bao gồm cả quan chức, nhân viên công lực, lãnh đạo và nhân viên các doanh nghiệp lẫn thường dân khác. Trước tháng 12/2016, biện pháp chế tài này chỉ dùng riêng cho công dân Nga. Hiện nay, Hoa Kỳ mở rộng phạm vi áp dụng đối với công dân của tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Uỷ ban sẽ công bố đề án này tại buổi họp báo ngày 6 tháng 4.

Buổi họp báo sẽ được thực hiện ở Quốc Hội Hoa Kỳ với sự yểm trợ của Bàn Tròn Đa Tôn Giáo Hoa Kỳ, mà BPSOS là một thành phần tham gia từ nhiều năm qua.

Đề án này của Uỷ ban về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế  và cuộc vận động chế tài theo Luật Magnitsky Toàn Cầu của BPSOS là hai nỗ lực song song.

Chỉ  định CPC theo Luật Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế có tác dụng chế tài tập thể đối với cả một chính quyền; cùng lúc, BPSOS khai thác Luật Magnitsky Toàn Cầu để chế tài từng cá nhân giới chức chính quyền liên can đến hành vi đàn áp nhân quyền một cách trầm trọng. 

Các biện pháp chế tài bao gồm cấm thủ phạm nhập cảnh và đóng băng tài sản ở Hoa Kỳ của họ.

“Riêng trong trường hợp đàn áp tôn giáo, như hồ sơ của Ms. Nguyễn Công Chính và bà Trần Thị Hồng, thì không chỉ thủ phạm bị cấm nhập cảnh mà cả vợ, chồng, con đều bị cấm nhập cảnh Hoa Kỳ”.

“Nếu những người này đang ở Hoa Kỳ thì sẽ bị trục xuất,” Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch BPSOS, nói.

Ngày 31 tháng 3 vừa qua, Ts. Nguyễn Đình Thắng và cựu Đại Sứ Grover Joseph Rees cùng đại diện cho BPSOS đến họp với Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế về kế hoạch phối hợp hành động.

“Trong những tháng sắp đến chúng tôi sẽ tuần tự công bố các danh sách kế tiếp, vào những thời điểm phù hợp,” Ts. Thắng cho biết.

“Và chúng tôi đang thu thập thêm những hồ sơ mới để ngày càng tăng ảnh hưởng cho cuộc vận động chế tài các thủ phạm đàn áp nhân quyền ở Việt Nam.”

Share