Cư dân chung cư xã hội tiếp tục bị căng thẳng tâm lý sau thời gian phong tỏa tuyệt đối

Exterior of one of the housing commission towers in North Melbourne, sign reads OUR HOME.

Exterior of one of the housing commission towers in North Melbourne, sign reads OUR HOME. Source: SBS

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Trong những tuần qua, hàng trăm đơn khiếu nại đã được chuyển đến tổ chức thanh tra Ombudsman Victoria. Những đơn thư đến từ các cư dân sinh sống tại các chung cư chính phủ ở Melbourne, cho biết rằng họ vẫn đang trải qua các vấn đề tâm lý kéo dài theo sau đợt phong tỏa tuyệt đối hồi tháng trước.


Một tháng sau khi các chung cư xã hội trở thành điểm nóng lây lan coronavirus tại tiểu bang, các nhân viên trợ y và xét nghiệm coronavirus vẫn tiếp tục có mặt trước các tòa nhà ở North Melbourne.

Achol Aluier nhiễm virus từ làn sóng lây nhiễm đầu tiên.

Với bảy người cùng sinh sống trong căn hộ ba phòng ngủ, cô cho hay không có cách nào để ngăn chặn việc lây nhiễm bệnh cho tất cả mọi người trong nhà.
Nếu ai đó nhiễm coronavirus, chúng tôi không thể tự cách ly. Mọi người dùng chung mọi thứ. Căn hộ quá nhỏ, và đó là lý do tất cả chúng tôi đều bị lây virus.
Cô Aluier đến Úc từ Nam Sudan vào năm 2003.

Cô đã sống trong tòa nhà chính phủ trong 13 năm qua cùng với 5 người con trong độ tuổi từ 7 đến 19, và người cô của mình.

Gia đình cô đã đăng ký vào danh sách để được chuyển vào căn hộ lớn hơn trong 11 năm, nhưng cô nói các hạn chế giai đoạn bốn đã khiến cô tuyệt vọng mong muốn được ra khỏi không gian chật chội hiện tại.

“Họ nói rằng chúng tôi sẽ phải đợi 10 năm để có một căn nhà, và chúng tôi đã đợi lâu hơn thế nhưng vẫn không có một căn nhà nào cho chúng tôi.”

Mary Ajueth cũng đã chờ đợi trong hơn một thập niên.

Cô tới Úc từ Nam Sudan hồi năm 2008.

Năm trong số tám người con của cô vẫn đang sống cùng mẹ trong căn chung cư ba phòng ngủ. Ajueth không thể đọc, viết hay nói tiếng Anh.

Cả gia đình cô xét nghiệm dương tính với covid hồi tháng trước, trong khi cô và người con út đều có bệnh hen suyễn.

Cô nói rằng, sau khi gia đình cô biết tin đã nhiễm virus, phải mấy ngày sau giới chức y tế mới liên lạc với cô. Thời gian đó đã vẫn còn để lại trong gia đình Ajueth một nỗi ám ảnh.
Trong hai ngày liền chúng tôi không có đồ ăn. Khi họ gọi đến, tôi đã khóc ròng, tôi nói với họ rằng không có ai giúp đỡ tôi, tôi ở nhà với con tôi và tôi không thể làm điều gì.
Cô cho hay nhiều gia đình lớn đang chung sống trong những căn chung cư chật chội trong tòa nhà này, với toàn bộ cư dân ở cùng một tầng dùng chung các đồ dùng giặt là và thang máy.

Điều phối viên về nhà ở của Trung tâm hỗ trợ người tị nạn, bà Skye McElvenny nói rằng đại dịch đã cho thấy một hệ thống nhà ở xã hội không thể đáp ứng điều kiện hiện tại.

“Một trong số những điều mà cuộc khủng hoảng y tế này đã lầm đó là khiến lộ ra những vết rạn nứt vốn dĩ đã tồn tại, nhưng chúng ta đã lảng tránh nó trước khi nó vượt ra ngoài tầm kiểm soát.”

Số liệu thống kê do Viện Y tế và Phúc lợi Úc công bố chỉ ra rằng gần 800,000 người hiện đang sống trong các khu nhà ở chính phủ.

Trong số đó, 5 phần trăm được cho là sống trong các nơi ở quá chật chội đối với gia đình họ, và có thêm 150,000 người khác đang ở trong danh sách chờ được phân bổ nhà ở.

Gần 150 đơn khiếu nại đã được trình lên cơ quan thanh tra Ombudsman của Victoria, liên quan đến các đối xử đối với cư dân các tòa nhà chung cư xã hội trong cuộc phong tỏa hồi tháng trước, và những căng thẳng về tinh thần mà họ vẫn đang tiếp tục trải qua.

Vẫn còn hơn ba tuần lễ cho tới thời hạn phong tỏa giai đoạn bốn, một số cư dân trong các khu nhà ở này nói rằng họ không chắc họ sẽ đối mặt như thế nào trong thời gian tới.

Người mẹ năm con Lucy Lueth là một trong số đó. 

Sinh ra tại Ethiopia, cô đến Úc năm 2008 khi cô 16 tuổi.

Năm ngoái cô được chuyển đến căn hộ lớn hơn 3 phòng ngủ, nơi cô sống với năm người con, người con út chỉ mới 5 tháng tuổi.

Lucy nói rằng việc phong tỏa đã vô cùng khó khăn đối với họ.
Tôi cảm thấy như chúng tôi sống trong tù giam vậy, tôi thương những đứa con tôi vì tôi không thể đưa chúng ra ngoài, chúng không thể ra ngoài và chơi ngoài đó, chúng chỉ có thể chạy xung quanh một khu vực chật hẹp.
Gia đình cô cho tới nay đã tránh được việc lây nhiễm virus, nhưng Lucy nói rằng cô vẫn đang sống trong sợ hãi.

“Nếu tôi nhiễm coronavirus và mang bệnh về cho các tôi ở nhà, nó sẽ thực sự khó khăn. Vậy nên tôi tự đóng cửa ở trong nhà với các con tôi, sự giúp đỡ mà tôi từng có từ gia đình, tôi không còn dùng đến nữa.”

Tòa chung cư bị tác động mạnh nhất ở Melbourne, thống kê rằng có 1/3 số cư dân bị nhiễm covid-19 hồi tháng trước.

Giáo sư Wendy Stone từ Viện Nghiên cứu Nhà ở và Đô thị Úc nói rằng, tiến trình phục hồi hậu đại dịch của Úc cần phải bao gồm các cải cách đối với chính sách nhà ở xã hội.

“Chúng ta chưa từng có một chiến lược nhà ở xã hội quy mô lớn ở Úc, một chính sách về nhà ở quốc gia, từ thế kỷ trước. Điều mà đại dịch cho chúng ta thấy đó là, giờ đã đến lúc làm điều đó.”

Một phát ngôn nhân của chính phủ tiểu bang Victoria nói với SBS rằng, họ đang làm việc với các cư dân tại các khu nhà ở chính phủ và lĩnh vực nhà ở để giải quyết các vấn đề về dân số quá đông đúc ở đây.

Bộ Y tế cho hay họ đã tăng thêm các cuộc gọi điện đến những cư dân có điều kiện sống khó khăn để hỗ trợ.

Thế nhưng đối với nhiều cư dân trong các nơi ở chật chội, họ nói rằng chỉ có một sự kết thúc của phong tỏa giai đoạn bốn mới có thể giúp họ giải tỏa phần nào.

Thêm thông tin và cập nhật Like Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 

Share