Mái ấm gia đình: Cụ Nguyễn Minh Thông thọ 105 tuổi - ‘Còn yêu đời là còn sống mãi’

Hình ông và gia đình.JPG

Gia đình 5 thế hệ của cụ Nguyễn Minh Thông 105 tuổi tại Springvale, Victoria.

Là bậc cao niên của gia đình ngũ đại đồng đường, cụ Nguyễn Minh Thông (ở Springvale), năm nay 105 tuổi. Cụ đang sống với hai người con đã 80 tuổi. Với sự giúp đỡ của nhân viên chăm sóc cao niên từ hội phụ nữ, cụ vẫn đi câu cá, mua sắm, xem tin tức, tập thể dục mỗi ngày. Chính ý chí kiên cường, nỗ lực vượt qua mọi đau đớn của bệnh tật cùng sự hài hước là bí quyết để cụ tiếp tục vui sống.


Niềm vui sống chưa bao giờ tắt

SBS Việt ngữ ghé thăm cụ Nguyễn Minh Thông vào một ngày đầu thu, tiết trời thanh mát. Biết có phóng viên đến phỏng vấn và chụp hình, cụ Minh Thông đã thay đồ tươm tất, chuẩn bị từ sớm.

Với cụ, việc chỉn chu, ăn mặc chỉnh tề khi ra ngoài hay có khách đến nhà luôn là lẽ thường suốt bao năm qua.

Năm nay cụ Nguyễn Minh Thông đã 105 tuổi, hiện sống cùng con gái là Bà Nguyễn Thị Hợi (77 tuổi) và ông Phạm Luân (84 tuổi) tại Springvale, gia đình các cháu, chắt và chút của cụ đều sống ở gần.

Tuổi tác làm giọng nói của cụ có phần không rõ ràng, nhưng trí óc của cụ Minh Thông vẫn minh mẫn và sáng suốt vô cùng, như chính cái tên của cụ… Cụ có thể kể rành mạch mình có bao nhiêu con, cháu, chắt, chút trong nhà. Cụ cho biết bí quyết để sống thọ là cầu nguyện, không buồn bã hay lo nghĩ, cũng như siêng năng tập thể dục mỗi ngày.

Chia sẻ với SBS, hai người con của cụ Minh Thông là bà Hợi và ông Luân cho biết cụ Thông là người đã sống hơn một thế kỷ, chứng kiến nhiều sự thay đổi của lịch sử, bôn ba ở Việt Nam, sau đó qua Đức, rồi dành những năm tháng cuối đời ở Úc. Cụ Thông cho rằng ‘Úc quả là nơi tuyệt vời, không gì hạnh phúc hơn được ở đây’.

“Quê gốc của ông ở Hà Nam Ninh, sau biến cố chia đôi đất nước, ông vào trong miền Nam, sống ở quận 8 Sài Gòn, làm việc dệt vải, đầu bếp ở sở mỹ. Sau biến cố 1975, các con lớn của ông tìm đường vượt biên sang Đức năm 1984, rồi ông qua Đức ở cùng con.

Năm 1999, người vợ hiền qua đời, cuộc sống ở Đức quá buồn tẻ khi xung quanh không có cộng đồng người Việt, ông xin các con qua Úc để đoàn tụ”, ông Luân, con rể của cụ Thông kể với SBS.

Tháng 5 năm 1991 hai người con của ông qua Úc định cư, rồi bảo lãnh ông vào năm 2000.

“Năm 2000, chúng tôi bảo lãnh cha sang Úc, lúc đó ông đã 80 tuổi. Lần đầu đặt chân lên nước Úc, ông quá mừng và nói đây có lẽ là nơi tốt nhất thế giới”, bà Hợi nói với SBS.

Cụ Minh Thông rất thích mỗi dịp gia đình quây quần, sum họp. Các cháu chắt của ông nhiều người ở gần và thường xuyên đến thăm ông mỗi tuần.
“Mỗi dịp lễ tết, cả nhà cùng sum họp, dù ông mệt mấy ông cũng cố ngồi chơi nói chuyện với các cháu. Có khi các cháu ở chơi đến 10 giờ tối, ông cũng đi ra đi vào để trò chuyện. Các cháu về ông cứ hỏi hoài.
Ông rất vui vào những dịp con cháu ghé chơi. Lâu lâu có đứa nào lâu không đến thăm thì có khi ông nhớ, ông nhắc, có khi ông còn gọi điện thoại Facetime để nhìn mặt qua Ipad cho đỡ nhớ.
Bà Nguyễn Thị Hợi, 77 tuổi, con gái của cụ Thông
Con cháu cũng rất thích trò chuyện với ông vì ông thường hay kể những chuyện ông đã trải qua, nhiều khi còn kể chuyện cười nên con cháu cảm thấy rất gần gũi và thích nói chuyện với ông”, bà Hợi nói với SBS. 
Hình ông và các cháu chắt, chút.JPG
Cụ Minh Thông chụp hình kỷ niệm cùng các cháu, chắt và chút nhân dịp Tết nguyên đán 2024.

Từng bệnh thập tử nhất sinh

Vào năm 2022, sau lễ thượng thọ 103 tuổi, cụ Minh Thông từng trải qua một cơn bạo bệnh rất nặng phải nhập viện 2-3 tuần bằng xe cứu thương.

Ông Luân, con rể của cụ chia sẻ “bác sĩ nói gia đình có muốn cố hay không vì ông yếu rồi, nếu không thì đưa ông vào phòng chờ… nhưng mình nghĩ còn nước thì còn tát”

“Sau khi suất viện thì ông gần như không đi lại được, các bác sỹ và mọi người đều nghĩ rằng ông không thể đi lại được nữa.

Nhưng với ý chí kiên cường, phép màu đã đến, cụ Minh Thông tham gia tích cực vào việc tập vật lý trị liệu bất kể biết bao đau đớn. Sau đó cụ có thể đi lại được. Tuy giờ đây cụ đi lại vẫn còn khó khăn, nhưng cụ luôn ráng tự mình di chuyển và duy trì sự chủ động trong những việc hàng ngày.

“Ông kiên trì lắm, mỗi khi có cô vật lý trị liệu tới, ông rất siêng tập, ông hay hỏi sao cô về sớm vậy. Ngày mai ngày mốt cô nhân viên trị liệu có tới không.

Ông có một đức tin mạnh mẽ, siêng năng cầu nguyện, tôi nghĩ chắc bề trên cũng giúp ông”, bà Hợi - con gái của cụ Thông nói với SBS.

Qua chia sẻ của con cháu, cụ Minh Thông vẫn có những nhận định sáng suốt về cuộc sống của mình và công việc trong gia đình. Cụ vẫn thường xuyên xem tin tức, sử dụng Ipad để nghe những thông tin xảy ra trên thế giới. Cụ vẫn quản lý tài chánh, chi tiêu của mình.
Từ xưa đến nay ông thích tham gia vào các sinh hoạt xã hội và sinh hoạt cộng đồng. Tuy tuổi đã cao nhưng ông không thích ở nhà, ông thích đi ra ngoài hơn. Với sự giúp đỡ của con cháu, hay nhân viên chăm sóc của chương trình chăm sóc cao niên hội phụ nữ Việt Úc, mỗi tuần ông vẫn đi đến nhà thờ, đi đến khu mua sắm cho thoải mái đầu óc.
Ông Phạm Luân, 84 tuổi, con rể của cụ Minh Thông
Đôi khi thì ông cũng yêu cầu nhân viên chăm sóc đưa ông đi câu cá. Ông cũng rất siêng tập thể dục để duy trì khả năng đi lại.

Tuy chân đi không vững nhưng mỗi ngày ông vẫn ráng duy trì đi ra thùng lấy thư để rèn luyện khả năng đi lại, khi có nhân viên vật lý trị liệu đến thì ông tích cực tham gia tập luyện”, bà Hợi chia sẻ với SBS.
Hình ông và cháu chút nhỏ nhất nhà.JPG
Cụ Minh Thông 105 tuổi và chút- thế hệ thứ Năm trong gia đình ngũ đại đồng đường.

Vai trò của người chăm sóc

Ông Luân và bà Hợi là người chăm sóc chính cho cụ Minh Thông. Năm nay ông bà cũng cao tuổi trên dưới 80, nên có những khó khăn nhất định.

Nhờ chương trình chăm sóc cao niên miễn phí được chính phủ hỗ trợ do cung cấp, gia đình của cụ Minh Thông bớt đi một phần vất vả.

Hội gởi nhân viên chăm sóc đến nhà phụ một số công việc như dọn dẹp nhà cửa, tắm rửa cho cụ Minh Thông mỗi tuần.

“Các cháu đi làm, chỉ giúp phần nào thôi. Hai chúng tôi cũng đã ngoài 80 tuổi, không thể nào chăm suốt ngày được.

May có nhân viên chăm sóc từ hội phụ nữ đến tắm rửa, đưa ông đi chơi, đi câu cá, mua sắm. Họ còn cung cấp cho hết tất cả tã, dụng cụ vệ sinh, thiết bị cần thiết cho việc chăm sóc sức khỏe.

Khi ông bệnh nặng, ngày nào nhân viên hội phụ nữ cũng đến tắm cho ông”, bà Hợi cho biết.

Chị Kim Chi, nhân viên chăm sóc của Hội phụ nữ chia sẻ chăm sóc người già cần rất nhiều tình thương.
Khi chăm sóc, quan trọng nhất là tính kiên nhẫn, tôn trọng, động viên khuyến khích các bác. Mỗi cụ già đều khác nhau, mình phải hiểu ý, tinh tế để không gặp trở ngại khi chăm sóc.
Chị Kim Chi, nhân viên chăm sóc người cao niên của AVWA
Người con rể 84 tuổi của cụ, ông Luân chia sẻ chính sự kiên nhẫn, đồng cảm là bị quyết để con cái dù đã ngoài thất thập vẫn có thể chăm sóc cha già trăm tuổi.

Bà Hợi, con gái của cụ Thông bùi ngùi nói với SBS ‘khi nào thấy cha không vừa lòng, thì mình lắng nghe xem cha muốn gì, thích gì, chiều chuộng cha, có như vậy cha mới vui vẻ, sống lâu’.

Mời quý vị nhấn vào audio để nghe bài phỏng vấn.

Share