Sức khỏe là vàng (29): Nguy cơ đột quỵ gia tăng trong giới trẻ

Most strokes are caused by a blocked blood vessel so not enough blood getting to parts of the brain

Most strokes are caused by a blocked blood vessel so not enough blood getting to parts of the brain Source: Public Domain

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Theo Quỹ đột quỵ Úc châu, cứ khoảng 10 phút lại có một người Úc bị đột quỵ. Căn bệnh này có xu hướng gia tăng trong giới trẻ do thái độ chủ quan và lối sống ít vận động.


Nâng cao nhận thức về đột quỵ

Cô Cheryl Chin, năm nay 34 tuổi, là một bà mẹ năm con tại Úc đã từng sống sót qua cơn đột quỵ.

"Tôi nói với ông xã là mình bị nhức đầu. Thế là tôi ngồi xuống và uống viên Panadol, rồi ra ngoài hóng gió. Đó là khi tôi cảm thấy choáng váng và ngã xuống đất. Mọi thứ đều mờ đi."

Cheryl không nghĩ những triệu chứng ấy nghiêm trọng đến mức phải gọi xe cứu thương, nhưng may mắn là chồng cô đã làm việc ấy. Cheryl đã không thể nói chuyện và bị liệt nửa người bên phải. Cô ta những tưởng còn không thể tham dự lễ cưới của mình hồi tháng Năm vừa qua. 

"Tôi muốn nắm tay chồng đi trong giáo đường. Tôi thậm chí nghĩ đến việc ngồi xe lăn hoặc nhờ ai đó đỡ đi. Họ muốn dời lại đám cưới của tôi, nhưng tôi quyết tâm làm điều đó."

Từ đó đến nay, Cheryl đã hồi phục gần như hoàn toàn, và thậm chí có thể tự lái xe. 

"Tôi nghĩ đó là nhờ quyết tâm của mình. Tôi đặt ra những mục tiêu và viết chúng ra giấy, và rồi thực hiện chúng hằng ngày như những gì mình vẫn làm." 

Đột quỵ là một trong những nguyên nhân lớn nhất gây tử vong và bại liệt tại Úc.

Tiến sĩ Thần kinh học Bruce Campbell là chủ tịch của hội đồng lâm sàng thuộc Quỹ đột quỵ Úc châu. Ông cho biết, khoảng 2/3 nạn nhân đột quỵ đều gặp một số khó khăn khi cử động hoặc giao tiếp. 

"Nhìn chung tỷ lệ tử vong sau đột quỵ rơi vào khoảng 10 đến 15%. Nhưng điều không may là phần lớn nạn nhân sẽ bị khuyết tật đáng kể, chẳng hạn như không thể đi đứng hay trò chuyện như bình thường, hoặc họ có thể gặp một số khó khăn trong việc ghi nhớ hoặc suy nghĩ. Do đó, họ có thể mất khả năng lái xe, tự chủ tài chánh, hoặc những nhiệm vụ cần động não khác." 

Mặc dù người cao tuổi dễ có nguy cơ mắc bệnh đột quỵ, căn bệnh này không từ bất kỳ độ tuổi nào. 

"Độ tuổi trung bình của bệnh nhân là khoảng 70. Khoảng 1/3 bệnh nhân nằm trong độ tuổi đi làm, tức là dưới 65 tuổi. Đột quỵ có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào. Đã từng có những em bé, trẻ thơ, và thiếu niên bị đột quỵ." 

Tiến sĩ Bruce nhấn mạnh, khi có ai đó bị đột quỵ, việc cần thiết là gọi xe cứu thương và không nên cho người bệnh uống bất kỳ loại thuốc nào. 

"Việc duy nhất quý vị nên làm là gọi xe cứu thương và để cho người bệnh nằm nghỉ. Đừng cho họ uống aspirin, bởi đột quỵ khác với trụy tim, chúng ta không chắc rằng não bệnh nhân có bị chảy máu hay không, cho đến khi đưa họ đến bệnh viện và chụp cắt lớp vi tính não.

"Nếu quý vị cho bệnh nhân uống aspirin mà chẳng may họ đã bị chảy máu não, thì việc ấy hại nhiều hơn lợi. Quý vị cũng không nên cho họ ăn uống, vì chúng ta không chắc họ có thể thực hiện hành động nuốt hay không."

Cô Lisa Mangwiro làm việc cho chương trình của Quỹ đột quỵ Úc châu. Nhiệm vụ của cô là liên lạc với bệnh nhân sau khi họ đã xuất viện đễ hỗ trợ và tư vấn trong quá trình hồi phục.

Cô cho biết, việc hồi phục có thể trở nên rất khó khăn đối với những bệnh nhân gốc di dân, bởi văn hóa và ngôn ngữ có thể trở thành những rào cản giữa họ và các dịch vụ y tế. 

"Những vấn đề đó bao gồm phái tính, thế hệ, tôn giáo, vân vân. Một số bệnh nhân cho chúng tôi biết là họ cảm thấy không được nhận đầy đủ thông tin về bệnh trạng của mình. Có một số người cảm thấy lạc lõng và không biết cách tiếp cận hệ thống y tế sau khi xuất viện." 

Một vấn đề phổ biến khác là sự thiếu hụt thông ngôn tại một số cộng đồng sắc tộc. 

"Trong những trường hợp đó, gia đình thường là chỗ dựa cho bệnh nhân, mặc dù đây không phải là giải pháp lý tưởng và thường gây ra một số khó khăn trong việc giao tiếp với các nhân viên chăm sóc y tế."

Còn cô Dung Phạm là một chuyên gia dinh dưỡng, chuyên điều hành các khóa học giúp mọi người phòng ngừa bệnh tim mạch, béo phì và đột quỵ, thông qua ở tiểu bang Victoria. 

Cô cho biết các di dân đến Úc cũng mắc phải các nguy cơ đột quỵ tương tự, do việc áp dụng chế độ ăn uống kiểu Tây phương.

"Chế độ ăn uống thay đổi khi họ chuyển từ các món ăn truyền thống sang các món ăn tây phương, thường chứa nhiều chất bảo quản và chất béo, đó là lý do vì sao nguy cơ đột quỵ tăng cao."

Theo cô Dung, một chế độ ăn theo phong cách Địa Trung Hải, thêm cá và bớt các loại thịt đỏ, có thể giúp giảm nguy cơ đột quỵ. 

"Chẳng hạn, quý vị có thể đổi qua sử dụng dầu olive đặc biệt nguyên chất (tiếng Anh là extra virgin olive oil).

"Có rất nhiều bằng chứng cho thấy việc sử dụng 3 đến 4 muỗng dầu olive mỗi ngày có thể giảm đáng kể nguy cơ đột quỵ và các bệnh tim khác. Nên ăn nhiều đậu và các loại hạt để bổ sung chất xơ và cũng giúp giảm nguy cơ đột quỵ nữa."

Và dĩ nhiên, cô cũng đề nghị một lối sống lành mạnh với các bài tập thể thao có cường độ vừa phải. 

"Chúng tôi khuyến khích quý vị tập thể dục 150 phút mỗi tuần, tức là khoảng 30 phút chia cho 5 ngày. Các bài tập có cường độ trung bình, làm tăng nhịp tim vừa phải, là khi bạn có thể vừa tập vừa nói chuyện, nhưng không thể hát."

Đột quỵ khác với trúng gió như thế nào?

Một nghiên cứu gần đây của các nhà khoa học tại Đại học Nam California, Hoa Kỳ, cho thấy tỉ lệ nhập viện vì đột quỵ ở nhóm tuổi 65-84 đã giảm 28%, và với nhóm tuổi trên 85 thì giảm 22,1% kể từ năm 2000 - 2010. Thế nhưng, tỉ lệ tai biến mạch máu não lại tăng đến 43,8% ở nhóm tuổi 25-44, tức những người trẻ tuổi.

Họ vẫn chưa thể khẳng định nguyên nhân đằng sau những thay đổi này, nhưng giả thuyết được đặt ra là có thể do lối sống cũng như chế độ ăn uống không được giới trẻ quan tâm đúng mức.

Bên cạnh huyết áp cao là nguyên nhân chủ yếu gây tai biến mạch máu não, thì lối sống không lành mạnh như hút thuốc, lười vận động và chế độ ăn uống thừa mứa cũng là những nguyên nhân góp phần dẫn đến đột quỵ. 

Nói về thái độ chủ quan, hồi tháng Năm vừa qua, truyền thông Việt Nam đưa tin một phụ nữ trở dậy lúc 5g sáng để tập thể dục thì thấy chóng mặt và nửa người bên trái tê yếu. Cho rằng mình bị trúng gió, chị tự lấy dầu gió xoa bóp và nằm nghỉ một lúc thì thấy bình thường trở lại.

Thế nhưng, khoảng vài tiếng sau, cảm giác tê yếu chân tay lại quay trở lại. Chị định nhờ chồng cạo gió tiếp nhưng anh không yên tâm nên đưa chị vào viện kiểm tra. Tại đây, bác sĩ phát hiện nguyên nhân của tình trạng tê yếu nửa người là do tắc động mạch não.

Theo Trần Thị Thanh Hà, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, bệnh viện Tim Hà Nội, thì đột quỵ và trúng gió có nhiều biểu hiện giống nhau như nhức đầu, xây xẩm mặt mày, chóng mặt hoặc nặng hơn là méo miệng, liệt chi. Điều này dễ dẫn đến nhầm lẫn, và chậm trễ sơ cứu, khiến gây hậu quả đáng tiếc. 

Trường hợp của chị bệnh nhân trên được gọi là đột quỵ thoáng qua với các biểu hiện: đột ngột chóng mặt, yếu hoặc liệt nửa người cùng một bên cơ thể, méo miệng, nói không được hoặc khó nói, giọng nói thay đổi… Các triệu chứng này nhanh chóng mất đi, bệnh nhân trở lại bình thường.

Thế nhưng, khoảng 20% bệnh nhân sẽ xảy ra đột quỵ thật sự ngay sau đó. Lúc này tình trạng thường sẽ diễn tiến nặng hơn, dễ dẫn đến những di chứng nặng nề và có thể nguy hiểm tính mạng nếu như không được điều trị sớm trong thời gian vàng 3 giờ đầu. 

Khác với trúng gió, những phương pháp điều trị dân gian như xoa dầu, cạo gió, bế thốc người đột quỵ chỉ khiến căn bệnh trở nên nặng nề hơn. Trong trường hợp này, các bác sĩ khuyên nên đặt bệnh nhân nằm yên, đầu nâng cao nhẹ và nhanh chóng gọi xe cứu thương đưa vào bệnh viện.

Cần làm gì khi có người đột quỵ? 

 

Cơn đột quỵ xảy ra khi việc cung cấp máu đến não bị gián đoạn. Máu được đưa tới não thông qua mạch máu, được gọi là động mạch. Máu có chứa oxy và các dưỡng chất quan trọng cho các tế bào não của bạn. Dòng máu có thể bị gián đoạn hoặc ngừng di chuyển trong động mạch do động mạch bị tắc nghẽn (nhồi máu não) hoặc bị vỡ (chảy máu não). Khi các tế bào não không nhận đủ oxy hoặc các dưỡng chất, chúng sẽ chết đi. Khu vực não bị tổn thương được gọi là ổ nhồi máu não. 

Các tế bào não thường chết rất nhanh sau khi khởi phát đột quỵ. Tuy nhiên, một số có thể kéo dài một vài giờ nếu việc cung cấp máu không bị cắt đứt hoàn toàn. Nếu máu tiếp tục được cung cấp trở lại trong vài phút hoặc vài giờ sau khi đột quỵ, một số tế bào não có thể phục hồi. Nếu quý vị thấy ai đó đang bị đột quỵ, hãy gọi ngay cho số 000 để họ nhận được sự điều trị càng nhanh càng tốt.
Vậy làm sao để nhận biết bệnh nhân đột quỵ khi quá trình phát khởi diễn ra rất nhanh? Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đang áp dụng khẩu hiệu FAST: 

  • F: Face khuôn mặt của người bệnh bị méo một bên, có thể nhìn rõ khi bệnh nhân cười, nhe răng hoặc khi nói chuyện. Hãy bảo người đó cười mở miệng hết cỡ và quan sát khuôn mặt.
  • A: Arm yếu tay chân. Đa số bệnh nhân đột quỵ sẽ có dấu hiệu yếu tay chân cùng bên (nửa bên trái hoặc nửa bên phải). Nếu có yếu liệt nửa bên cơ thể thì gần như chắc chắn bệnh nhân bị đột quỵ chứ không phải là trúng gió. Hãy bảo người đó đưa tay, chân lên và quan sát.
  • S: Speech giọng nói. Người bị đột quỵ gặp trục trặc khi nói, nói không thành tiếng hay phát âm không rõ ràng. Nhất là với các từ khó như: tre, trung, trúc... thường là người bệnh sẽ không phát âm được. Trong trường hợp đột quỵ nặng, người bệnh không nói được và thậm chí hôn mê.
  • T: Time thời gian. Nếu bệnh nhân có những dấu hiệu như trên thì thời gian là vàng bạc, Hãy nhanh chóng đưa bệnh nhân đến "trung tâm đột quỵ gần nhất". 
Bên cạnh đó còn có một số triệu chứng hoặc dấu hiệu khác cảnh báo đột quỵ, chẳng hạn như:

  • Đột ngột cảm thấy đau đầu như búa bổ.
  • Mất thăng bằng mà không có tiền căn rối loạn tiền đình
  • Ù tai, điếc đột ngột.
  • Gặp một số vấn đề về mắt như: song thị (nhìn 1 hình thành 2 hình); bán manh (chỉ thấy phía trước, không nhìn được hai bên hoặc chỉ thấy về một bên). 
  • Chậm hiểu bất thường, phải nói đi nói lại nhiều lần mới nắm được vấn đề.
  • Ngoài ra, bệnh nhân có thể gặp khó khăn khi ăn uống: nuốt khó, dễ sặc; thức ăn đọng một bên má khi ăn. Khi súc miệng, đánh răng cũng có những trục trặc như nước chảy qua một bên mà không kềm lại được. 
Quá trình đột quỵ diễn ra rất nhanh, nếu không được kịp thời phát hiện, cấp cứu và điều trị đúng cách có thể tàn tật suốt đời hoặc tử vong. Vì thế, việc nắm rõ tất cả triệu chứng kể trên là rất cần thiết, đặc biệt nếu trong gia đình quý vị có người cao tuổi, người có tiền sử bệnh tim, cao huyết áp, tiểu đường... 

Quỹ Đột quỵ Úc châu là tổ chức phi lợi nhuận làm việc với những người sống sót được đột quỵ, người chăm sóc, nhân viên y tế, chính phủ và công chúng để giảm sự tác động của đột quỵ đến cộng đồng Úc. Xin ghé thăm trang mạng  để biết thêm thông tin.


Share