Joe Biden: 'Chương trình chủng ngừa của Mỹ quá chậm chạp'

Kamala Harris, a primeira mulher negra vice-presidente dos EUA, toma a vacina contra a COVID-19.

2020: Kamala Harris, a primeira mulher negra vice-presidente dos EUA, toma a vacina contra a COVID-19. Source: AAP

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Tổng thống đắc cử của Mỹ Joe Biden cảnh cáo với mức độ hiện tại, sẽ mất nhiều năm để chủng ngừa vắc xin cho người dân Mỹ chống lại COVID-19. Việc nầy diễn ra khi Belarus và Argentina tiến hành việc tiêm chủng vắc xin Sputnik 5 của Nga và Iran phát động việc thử nghiệm vắc xin của nước nầy trên người.


Ông Joe Biden đã chỉ trích chính phủ Trump đã tụt hậu trong lời hứa, là sẽ nhanh chóng chủng ngừa cho người dân Mỹ.

Tháng 12 được xem là tháng tệ hại nhất trong đại dịch tại Hoa Kỳ, với những con số kỷ lục về tử vong, thế nhưng ông Biden cảnh cáo rằng những tháng sắp tới có thể còn khó khăn hơn nữa.

Cho đến nay có khoảng 2 triệu người được tiêm chủng, phe Dân chủ kêu gọi phải chi tiêu thêm để gia tăng mức độ chủng ngừa, khi ông tuyên thệ nhậm chức.

“Nỗ lực phân phối và tiêm chủng không tiến triển như dự tính".

"Một vài tuần lễ trước, chính phủ Trump đề nghị có 20 triệu người dân Mỹ được chủng ngừa cho đến cuối tháng 12".

"Với chỉ còn vài ngày còn lại trong tháng 12, chúng ta chỉ chích ngừa được một vài triệu mà thôi".

"Tiến độ của chương trình chủng ngừa nếu tiếp tục tiến hành như hiện nay, nó sẽ mất hàng năm chứ không phải hàng tháng, để chủng ngừa cho toàn thể người dân Mỹ”, Joe Biden.

Trong khi đó, vị Phó Tổng Thống Mỹ được xem là đắc cử, bà Kamala Harris trở thành gương mặt nổi bật thứ hai của Mỹ thuộc nguồn gốc sắc tộc thiểu số, đã chủng ngừa.

Bà nầy thuộc nguồn gốc da đen và Á Châu, đã nhận được vắc xin Moderna chống COVID-19, cảnh tượng nầy được trực tiếp truyền hình nhằm gia tăng sự tin tưởng của công chúng vào vắc xin.

Được biết toán vận động của ông Biden hiện khuyến khích việc chủng ngừa trong nhóm những người không phải là da trắng, vốn đặc biệt bị ảnh hưởng trong đại dịch.

Tuyên bố từ một bệnh viện tại khu vực đa số là người da đen ở Washington, bà thúc giục các cộng đồng hãy đi tiêm chủng vắc xin.

"Chúng ta có các bệnh viện, trung tâm y tế và dưỡng đường như thế nầy trên khắp nước, với các nhân viên hiểu biết về cộng đồng".

"Họ thường viếng thăm cộng đồng và thực hiện việc chăm sóc y tế quanh năm".

"Vì vậy tôi muốn nhắc nhở mọi người rằng, quí vị có thể chủng ngừa ngay ở cộng đồng của quí vị, với các nhân viên y tế mà quí vị có thể quen biết, hay những người làm việc tại các bệnh viện, nơi con cái quí vị chào đời”, Kamala Harris.

Trong khi đó, hai nước Belarus và Argentina trở thành các quốc gia đầu tiên sau Nga, bắt đầu việc chủng ngừa qui mô với vắc xin Spunik 5 do Nga chế tạo.

Loại vắc xin nầy dấy lên sự quan ngại của quốc tế, khi các cuộc nghiên cứu qui mô về tính chất an toàn và hữu hiệu của nó vẫn đang được thực hiện.

Nga chấp thuận việc chủng ngừa hồi tháng 8, bất chấp vắc xin chỉ được thử nghiệm trên vài chục người, trong khi Belarus chấp thuận sau khi thử nghiệm với 100 người tình nguyện.

Còn Bộ Trưởng Y tế Argentina là ông Gines Gonzales Garcia ca ngợi hành động nói trên, khi 300 ngàn liều đầu tiên được phân phối trên khắp nước.

“Nỗi lo sợ của tôi và của chính phủ là các quốc gia đầu tiên trên thế giới bắt đầu việc chủng ngừa và do chúng ta ở quá xa, với ít tài nguyên kinh tế, xa các trung tâm quyền lực, chúng ta không thể chích ngừa cùng lúc, thế nhưng tôi nghĩ đó là một thắng lợi cho mọi người dân Argentina”, Gines Gonzales Garcia.
"Đó là những gì đang xảy ra hiện nay tại đây”, Benjamin Netanyahu.
Trong khi đó, hệ thống y tế Anh quốc hiện chịu thêm áp lực nặng nề, khi con số người nhập viện vượt quá mức cao điểm hồi tháng 4.

Một lần nữa Anh quốc vượt quá các kỷ lục về coronavirus, khi báo cáo có hơn 53 ngàn ca nhiễm một ngày, sau khi đạt đến 40 ngàn ca lần đầu tiên vào ngày hôm trước.

Các bác sĩ cảnh cáo rằng áp lực lên các bệnh viện dường như sẽ tệ hại hơn trong một tuần lễ sắp tới, khi dự trù có nhiều người nhiễm bệnh hơn trong kỳ lễ hội.

Một giáo sư tại đại học đào tạo nhân viên cứu thương, ông Will Broughton cho đài Sky News biết rằng, một số bệnh viện đã đông nghẹt và đường giây điện thoại khẩn cấp hiện nhận được các cú gọi kỷ lục.

“Các nhân viên tại phòng kiểm soát hiện có những quyết định hết sức khó khăn, để cấp xe cứu thương và theo thứ tự nào".

"Thường khi với quá nhiều người chờ đợi xe cứu thương, họ chẳng có người để gởi xe đến”, Will Broughton.

Trong khi đó, Iran bắt đầu việc thử nghiệm trên người với loại vắc xin chống coronavirus được sản xuất trong nước.

Quốc gia Trung Đông bị đại dịch hoành hành nặng nhất hiện gặp nhiều khó khăn khi nhập cảng vắc xin từ nước ngoài, do việc cấm vận của Mỹ.

Một tổ hợp do lãnh đạo tối cao Iran kiểm soát có tên là Setad cho biết việc sản xuất 1,5 triệu liều vắc xin mỗi tháng và có thể gia tăng lên 12 triệu.

Bộ Trưởng Y tế Iran là ông Saaed Namaki cho biết, các mũi chích đầu tiên được thử nghiệm lên các viên chức và con gái của người đứng đầu tổ hợp

“Đây là thông điệp gởi đến người dân Iran rằng, chúng ta tin tưởng vào vắc xin sẽ được tiêm chủng trong người dân chúng ta và nếu có bất cứ biến chứng nào, thì mọi người chúng ta cùng gia đình sẽ chấp nhận chuyện nầy một cách sẵn lòng”, Saaed Namaki.

Trong khi đó, Israel hiện ăn mừng khi đạt được cột mốc là có nửa triệu người được chủng ngừa vắc xin chống COVID-19, sau 9 ngày bắt đầu chương trình.

Quốc gia nầy là một trong những nước có mức tiêm chủng trên đầu người cao nhất trên thế giới, với những người Israel được chủng ngừa hơn là số người nhiễm virus là 408 ngàn người.

Thủ Tướng Do Thái Benjamin Netanyahu ca ngợi nước nầy là ‘vô địch thế giới trong việc chủng ngừa’.

“Đây là những người thứ 500 ngàn và 501 ngàn, được chủng ngừa".

"Chuyện nầy làm ấm lòng chúng ta, khi thấy mọi công dân Israel cùng tham gia, để giúp đỡ các công dân Israel khác".

"Trước tiên, những người cao tuổi bước ra khỏi vùng tối tăm, để đi vào vùng có nhiều ánh sáng".

"Đó là những gì đang xảy ra hiện nay tại đây”, Benjamin Netanyahu.

Quí vị có thể cập nhật tin tức về coronavirus bằng tiếng Việt tại sbs.com.au/coronavirus.
Thêm thông tin và cập nhật Like Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 


Share