Khẩn thiết yêu cầu các chính phủ Á Châu Thái Bình Dương đề ra biện pháp chống nạn bạo hành gia đình trong đại dịch Covid-19

A woman from a slum in Bangladesh fights for human rights

A protest rally during the celebration of the International Human Rights Day in Dhaka, Bangladesh Source: AAP

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Các nhà hoạt động nhân đạo kêu gọi một sự can thiệp khẩn cấp, nhằm ngăn chặn tỷ lệ đang tăng cao các vụ bạo hành bé gái và phụ nữ, trong khu vực Á Châu Thái Bình Dương, giữa các cuộc phong tỏa vì coronavirus.


Tổ chức y tế nhân đạo có tên gọi Plan International ước đoán toàn thế giới có khoảng 243 triệu bé gái và phụ nữ, từ 15 tới 49 tuổi, phải chịu đựng sự bạo hành tình dục và thân thể trong năm 2019.

Đại dịch coronavirus khiến nguy cơ bị bạo hành càng trở nên tồi tệ hơn.

Tổ chức Plan International nói cứ mỗi ba tháng phong tỏa, thì lại có thêm 15 triệu ca bạo hành về giới được ghi nhận.

Bà Bhagyashri Dengle, Giám đốc Khu vực Á Châu Thái Bình Dương của Plan International nói khu vực này đặc biệt bị đe dọa.

‘Chúng tôi ghi nhận số liệu về các trường hợp bạo hành trong gia đình, cũng như bạo hành với các bé gái và phụ nữ. Con số các trường hợp được báo cáo tăng lên nhanh chóng theo cấp số nhân, khắp khu vực châu Á Thái Bình Dương.’  

Cùng với một tổ chức nhân đạo Úc có tên gọi Save the Children, tổ chức Plan International kêu gọi cần có sự can thiệp khẩn cấp, nhằm ngăn chặn mức độ bạo lực đang tăng cao đối với bé gái và phụ nữ trong giai đoạn phong tỏa.

Hai tổ chức nhân đạo này đã hợp tác với nhau xuất bản phúc trình mang tên Because We Matter.

Phúc trình yêu cầu lãnh đạo và chính phủ các quốc gia phải hành động nhanh chóng và quyết tâm bảo vệ phụ nữ tốt hơn.

Kết quả phân tích trong phúc trình dựa vào dữ liệu các cuộc gọi điện thoại tố cáo đến đường dây bảo vệ nạn nhân bạo hành, tại khắp khu vực Á Châu Thái Bình Dương.

Tại Ấn Độ, đường dây giúp đỡ bạo hành gia đình của nước này nhận được 92,000 cuộc gọi điện thoại nhờ giúp đỡ chỉ trong 11 ngày đầu phong tỏa.

Còn chỉ trong tuần lễ phong tỏa đầu tiên, Quỹ Nhi đồng Ấn Độ đã bị tràn ngập bởi 92,105 cuộc gọi điện thoại tố cáo bạo hành và đánh đập trẻ em.

Bà Dengle nói còn rất nhiều việc phải làm.

‘Cần phải tăng thêm các hoạt động, nhằm bảo đảm các em gái có thể được bảo vệ, các em phải được đi học, các em phải được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và sinh sản – nay chúng ta đang thực sự đi lùi, mà bạn biết đấy, để mang mọi thứ trở lại như cũ, phải có nỗ lực lớn lao’.

Bà nói chính phủ Ấn Độ đang bị ‘quá tải’ trong cuộc khủng hoảng y tế hiện nay và kết quả là, những vấn đề như gia tăng nạn bạo hành gia đình đã bị bỏ quên.

‘Tại Ấn Độ, chúng tôi có một cộng đồng bảo vệ trẻ em. Nhưng vào lúc này, ngay trong thời kỳ phong tỏa, nhiều hệ thống trong cộng đồng không còn hoạt động thuận lợi như trước nữa. Điều tôi muốn nói là cần có một sự nâng cao năng lực hành động của hệ thống bảo vệ này, của cơ chế ghi nhận và giải quyết các vụ bạo hành, cũng như giúp nạn nhân phục hồi sau bạo hành.’

Theo phúc trình, tại Nepal có tới 37% người được hỏi cho biết hầu hết các vụ bạo hành trẻ em đều trực tiếp liên quan đến tình hình phong tỏa coronavirus của quốc gia này.

Tương tự, tại Bangladesh, đa số trẻ em đang hứng chịu sự bạo hành là các bé gái, sống trong các cộng đồng nghèo xa xôi hoặc trong những khu ổ chuột tại các thành phố.

Trả lời những nhà nghiên cứu, các bé gái này nói mình đang đối mặt với những hình phạt lên thân thể ngay trong nhà.

Úc cũng là quốc gia có tỷ lệ bạo hành gia đình tăng vì Covid-19.

Dữ liệu từ cuộc điều tra của Cơ quan Nghiên cứu Tội phạm Úc tiết lộ có tới 2/3 phụ nữ bị bạo hành nói rằng họ bị bạo hành thường xuyên hơn và tồi tệ hơn trong thời gian đại dịch xảy ra.

Bà Karen Willice là nhân viên điều hành Dịch vụ giúp đỡ nạn nhân bị cưỡng hiếp và bạo hành tại Úc.

Bà nói trong cuộc khủng hoảng Covid-19, đã nhận thấy sự gia tăng các thể loại bạo hành mà người phụ nữ phải chịu đựng.

‘Chúng tôi nhìn thấy, và điều này đã được dự đoán trước, một sự gia tăng các loại hình bạo lực và mức độ bạo lực. Những kẻ gây tội có thời gian kiểm soát bạn đời suốt ngày đêm, trong nhiều tháng phong tỏa. Đến khi giới hạn được nới lỏng, khi cánh cửa nhà bắt đầu hé mở, thì họ thấy có thể bị tước đi sự kiểm soát vốn có đó, và họ tìm cách tăng thêm sức mạnh nhằm duy trì quyền lực và sự kiểm soát quen thuộc của mình.’

Bà Willice nói các dịch vụ giúp đỡ chống nạn bạo hành gia đình cần được cải thiện.

‘Các dịch vụ tư vấn trực tiếp nay tạm ngưng và chúng tôi phải thay thế bằng việc tư vấn qua điện thoại. Tuy nhiên tổng số lần tư vấn qua điện thoại giảm đáng kể, trong khi đó dịch vụ tư vấn online của chúng tôi lại tăng lên khá nhanh. Điều này nói lên rằng những người đang sống cùng với kẻ gây tội hoặc đang sống chung với nhiều người khác, không muốn ai khác nghe được cuộc trò chuyện của họ với chuyên gia tư vấn, và vì thế họ đã chọn việc liên lạc qua mạng, vì tất nhiên cách này lặng lẽ hơn. ‘

Khi hàng triệu cư dân đang bị phong tỏa tại Melbourne, ngày càng có nhiều lo sợ cho những nạn nhân bị bạo hành.

Bà Nada Nasser, Giám đốc Khu vực của tổ chức Mission Australia tại NSW, Victoria và Lãnh thổ Thủ đô nói bà lo lắng rằng những phụ nữ trẻ tuổi không thể thoát khỏi môi trường bạo hành nếu sự phong tỏa vẫn kéo dài.

‘Chúng tôi lo lắng rằng sự phong tỏa sẽ hạn chế việc đi lại của các phụ nữ trẻ, và điều này có nghĩa là họ có thể phải ở trong những môi trường rủi ro đó. Trong nhà của họ hoặc bất cứ nơi nào họ gặp nguy cơ. Đây là điều đáng phải quan tâm. Những gì chúng tôi đang cố gắng làm là tạo cơ hội để tiếp xúc với những phụ nữ trẻ tuổi này, càng nhiều càng tốt.’

Nếu quý vị hoặc người mà quý vị quen biết, đang chịu đựng sự bạo hành gia đình, xin gọi điện thoại đến 1800 RESPECT (1800 737 732). Hoặc gọi ba số 000 nếu trong tình huống khẩn cấp.

Share