Khuyến cáo sử dụng QR Code của chính phủ để tránh bị rò rỉ thông tin

Customer scanning QR code to check in to a venue

Customer scanning QR code to view food menu online Source: Getty Images

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Những kẻ lừa đảo đang lợi dụng sự sợ hãi của người dân Úc về đại dịch Coronavirus để trục lợi. Hơn 5000 người bị lừa đảo trong năm nay. Với những địa điểm bắt buộc phải đăng ký bằng mã QR, người dân Úc được cảnh báo nên thận trọng với dữ liệu cá nhân của mình. Để chống lại các vụ rò rỉ thông tin qua mã QR thương mại, các tiểu bang và vùng lãnh thổ trên khắp nước Úc có sẵn một ứng dụng của chính phủ để sử dụng.


Hơn 5.000 người Úc đã trở thành mục tiêu của các vụ lừa đảo liên quan đến COVID-19 trong năm nay.

Việc ghi danh nơi mình thăm viếng qua Mã QR Check-in hiện nay đã trở thành một phần trong đời sống xã hội của chúng ta.

Mã QR là nhằm để xác định vị trí và cô lập các điểm có nguy cơ lây lan COVID-19 một khi có người bị lây nhiễm ghé thăm.

Các chuyên gia cảnh báo rằng nếu chúng ta không biết mình cất thông tin dữ liệu kỹ thuật số ở đâu, thì chúng ta có thể có nguy cơ bị ăn cắp thông tin.

Chuyên gia an ninh mạng Kate Carruthers tại Đại học New South Wales (UNSW) cho biết khi nói đến các ứng dụng QR thương mại hoặc thuộc sở hữu tư nhân, có rất ít quy định để ngăn dữ liệu rơi vào tay kẻ xấu.

"Tất cả các công ty đều tuân theo luật bảo mật cho thẩm quyền mà họ có liên quan nhưng rắc rối là nhiều công ty cung cấp ứng dụng mã QR không thuộc thẩm quyền của chúng tôi, vì vậy chúng tôi không biết họ ở đâu. Họ quản lý thông tin như thế nào. Họ có thể làm bất cứ điều gì với dữ liệu của bạn, và họ có thể ở bất cứ nơi nào trên thế giới và bạn không biết họ là ai và vận hành như thế nào."

Cơ quan quản lý của Úc, Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Úc (ACCC) cho biết những kẻ lừa đảo đã mạo danh các cơ quan chính phủ ăn để cắp thông tin bằng cách gởi tin nhắn văn bản kèm theo mã độc hại mà khi người nhận mở ra sẽ bị lấy cắp thông tin cá nhân và tài chính.

Hơn 5000 trò gian lận trị giá hơn sáu triệu đô la (6.280.000 đô la) liên quan đến coronavirus đã được báo cáo cho dịch vụ giám sát Scamwatch trong năm nay.

Phó Chủ tịch ACCC Delia Rickard cho biết các vụ lừa đảo liên quan đến COVID-19 chủ yếu dựa trên các đề nghị hỗ trợ tài chính hoặc các cuộc gọi truy tìm liên hệ gian lận.

"Những kẻ lừa đảo giả vờ là quan chức chính phủ liên lạc với bạn để nói rằng họ có thể giúp bạn tiếp cận các lợi ích của bạn và và muốn như vậy họ cần bạn cung cấp toàn bộ thông tin cá nhân, hoặc họ cũng có thể liên hệ với bạn giả vờ rằng bạn đã ở trong một khu vực bị ảnh hưởng bởi COVID và sau đó lại yêu cầu bạn cung cấp các thông tin cá nhân. Do đó mà bạn cần chú ý khi có ai đó liên lạc với bạn một cách bất thường bạn sẽ không bao giờ thực sự biết họ là ai. Những kẻ lừa đảo là những kẻ chuyên nghiệp đang giả danh các tổ chức chính danh, vì vậy đừng cung cấp thông tin cá nhân cho họ, đừng cung cấp thông tin tài chính cho họ. "

Bà Rickard khuyến nghị những người đang nhận cuộc gọi và tin nhắn văn bản hãy cúp điện thoại và thay vào đó tự mình trực tiếp liên hệ với tổ chức mà họ nhân danh gọi tới.

"Khi chính phủ liên hệ với bạn, họ sẽ không yêu cầu cung cấp toàn bộ thông tin cá nhân. Họ sẽ không yêu cầu số thẻ tín dụng hay chi tiết tài khoản ngân hàng. Còn trong trường hợp có cuộc gọi hay liên lạc mà bạn nghĩ rằng có vẻ hợp pháp nhưng bạn không chắc chắn, đừng nhận cuộc gọi điện thoại thình lình gọi tới cho bạn cũng như đừng trả lời tin nhắn SMS (tin nhắn văn bản). Thay vào đó, tìm số điện thoại của tổ chức có liên quan mà kẻ gọi nhân danh, bạn hãy gọi để trực tiếp kiểm tra. "

Đã có 28 vụ lừa đảo trong năm nay có liên quan trực tiếp đến việc sử dụng mã QR với thiệt hại lên hơn 100.000 đô la (111.950 đô la).

Để chống lại các vấn đề pháp lý với mã QR thương mại, các tiểu bang và vùng lãnh thổ trên khắp nước Úc, ngoại trừ Queensland, có sẵn một ứng dụng của chính phủ.

Ở New South Wales, tất cả các địa điểm sẽ được yêu cầu chuyển đổi vào ngày 1 tháng 1 năm 2021.

Về quyền riêng tư, Kate Carruthers nói rằng mã QR của chính phủ sẽ không khác biệt lắm vì dù sao chính phủ đã có quyền truy cập vào thông tin cá nhân này

"Các ứng dụng dựa này tốt hơn nhiều vì ít nhất bạn cũng biết nơi cung cấp mã QR. Ví dụ, ở New South Wales, bạn phải đến Service NSW, một cơ quan có uy tín của tiểu bang. Tôi nghĩ rằng các địa điểm có đăng ký mã QR nên sử dụng ứng dụng này của chính phủ, bởi vì thứ nhất, nó giúp người theo dõi liên lạc dễ dàng hơn vì tất cả đều ở cùng một nơi; và thứ hai, dù sao thì chính quyền tiểu bang cũng đã có tất cả dữ liệu của bạn. Các ứng dụng chỉ ghi nhận những thứ mà chính phủ đã có. Ứng dụng của chính phủ giúp giữ dữ liệu của bạn, dữ liệu khách hàng của bạn một cách an toàn hơn so với việc sử dụng app QR của một nhà cung cấp tư nhân ngẫu nhiên nào đó. "

ACCC đã cảnh báo người dân Úc cần phải đề phòng rủi ro vì các trò gian lận liên quan đến COVID-19 sẽ không biến mất trong năm mới.

Delia Rickard cho biết vắc xin sẽ là mục tiêu lớn tiếp theo.

"Vào năm 2021, tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ chứng kiến một loạt các vụ lừa đảo. Đó sẽ là lừa đảo như đòi bạn trả tiền vắc xin, giúp bạn được tiêm vắc xin sớm hơn với giá rất rẻ chẳng hạn. Nên cẩn thận, đó là lừa đảo. Những kẻ lừa đảo sẽ tiếp tục có những trò gian lận như đánh cắp thông tin cá nhân của bạn dưới hình thức giả vờ giúp bạn, như là giúp tiếp cận các lợi ích, giúp báo cho bạn biết COVID ở đâu, và những thứ như vậy. Về vaccine thì sẽ có các nguồn chính thức để nhận vắc-xin, vì vậy đừng tìm kiếm trên internet. Ngoài ra, tôi chắc chắn rằng chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến một số lượng lớn các vụ lừa đảo mua sắm trực tuyến bởi vì nhiều người đã chuyển sang mua hàng qua mạng theo cách mà trước đây họ chưa từng làm, và những kẻ lừa đảo sẽ lợi dụng điều đó. Vấn đề này sẽ không được giải quyết trong một hoặc hai tháng tới, do vậy mọi người sẽ tiếp tục trở thành mục tiêu bị săn đón liên quan đến mối quan tâm về COVID của chúng ta. "

Mời vào phần audio để nghe toàn bộ nội dung

Thêm thông tin và cập nhật Like   

Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 


Share