Lao Động chỉ trích luật quốc tịch tại cuộc họp FECCA

Phát ngôn nhân đối lập về đa văn hóa và quốc tịch, ông Tony Burke

Phát ngôn nhân đối lập về đa văn hóa và quốc tịch, ông Tony Burke Source: SBS

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Nhân đại hội thường niên của Liên đoàn Các Cộng đồng Sắc tộc Úc châu hay Fecca, phe đối lập liên bang công kích về dự luật quốc tịch của chính phủ.


Với việc đại hội xem xét những thay đổi về quốc tịch có thể diễn ra, phe đối lập đã lên án các thay đổi đó có hại cho một xã hội đa văn hóa Úc.

”Chúng tôi loan báo các thay đổi nhằm tăng cường cho tư các quốc tịch Úc, để giúp cho một nước Úc hùng mạnh hơn. Một quốc tịch mạnh hơn, tạo ra các công dân vững mạnh hơn”.

Đó là Thủ tướng Malcolm Turnbull loan báo một loạt các đề nghị thay đổi trong luật quốc tịch Úc hồi tháng 4, khiến cho việc trở thành công dân Úc khó khăn hơn.

Theo những thay đổi nầy, những người thường trú phải chờ đến 4 năm mới hội đủ điều kiện nạp đơn xin nhập tịch, đó là sự gia tăng lớn lao khi hiện tại chỉ cần có một năm mà thôi.

Cũng có cuộc trắc nghiệm khó khăn hơn để chứng tỏ ứng viên phải thông thạo Anh ngữ, khi các di dân đòi hỏi phải được 6 điểm  trong cuộc trắc nghiệm Anh ngữ trình độ quốc tế.

Trong cuộc họp thường niên của Liên đoàn các Cộng đồng Sắc tộc Úc châu gọi tắt là Fecca nhóm họp tại Darwin, cuộc họp đã xem xét luật lệ nói trên ảnh hưởng như thế nào đến chủ thuyết đa văn tại Úc.

Thứ trưởng phụ trách về dịch vụ xã hội và đa văn hóa sự vụ, ông Zed Seselja, nói rằng chính phủ ủng hộ các dị biệt, thế nhưng xem xét khả năng nói tiếng Anh là quan trọng.
      
“Quan điểm của chính phủ là một nước Úc đa văn hóa ngụ ý rằng, chúng ta ăn mừng sự đa dạng lớn lao của chúng ta".

"Đó là sức mạnh lớn lao, mọi người ăn mừng xứ sở gốc gác của mình, giữ nguyên ngôn ngữ và văn hóa là một điều tốt đẹp".

"Thế nhưng chúng ta cũng thấy Anh ngữ là một công cụ đoàn kết chúng ta lại, chúng ta thấy sự hợp nhất cũng quan trọng và Anh ngữ cũng quan trọng trong việc nối kết chúng ta lại với nhau thành một quốc gia”, Zed Seselja.

Thế nhưng phát ngôn nhân đối lập về đa văn hóa và quốc tịch, ông Tony Burke cho rằng các đề nghị cần nên bãi bỏ.
"Tôi muốn trở lại tình hình khi chúng ta ăn mừng nước Úc đa văn hóa, không phải là một trò bóng đá chính trị, mà chỉ muốn những qui định về quốc tịch là những điều mà lưỡng đảng đều chấp thuận”, Tony Burke.
Ông nói rằng, các rào cản mới sẽ loại trừ các cộng đồng đặc biệt và các nguồn gốc ngôn ngữ đặc biệt.

“Khi quí vị nhìn vào tiến trình họ thảo ra các luật lệ, thì quí vị cần có trình độ Anh văn cấp đại học nếu quí vị đến từ Á châu, thế nhưng quí vị không cần trình độ đó nếu quí vị đến từ nước Anh".

"Quí vị cần trình độ Anh văn cấp đại học nếu đến từ Phi châu, thế nhưng không cần đến nếu quí vị đến từ Bắc Mỹ".

"Đây là một đề nghị quá đáng và chúng ta chỉ cần loại nó ra ngoài, chống lại và đánh bại nó và trở lại các nguyên tắc đã giúp chúng ta trở thành một quốc gia đa văn hóa hùng mạnh”, Tony Burke.          

Ủy viên chống Kỳ thị chủng tộc là ông Tim Soutphommasane nói rằng, các thay đổi sẽ làm cho tiến trình nhập tịch càng thêm khó khăn cho di dân.

“Chuyện sau cùng quí vị muốn thực hiện là lên tiếng cho biết nguyên tắc không kỳ thị hiện bị giảm nhẹ dần, hoặc là chúng ta hiện làm cho mọi người vào quốc tịch Úc khó khăn hơn".

"Mọi người nên được tự do và có khả năng trở thành công dân Úc trong một thời hạn hợp lý, đặc biệt tiêu chuẩn lớn nhất cho vấn đề quốc tịch nên là sự cam kết mà mọi người nên có trong tim mình đối với đất nước nầy”, Tim Soutphommasane.                    

Ông Tony Burke tranh luận rằng, chính phủ không nên dùng vấn đề quốc tịch là một cách thức, mà ông cho là để đạt được các lợi thế chính trị.

“Tiếng nói của thù hận luôn luôn vang vọng tại đó, tiếng nói giận dữ và đầy định kiến luôn luôn có mặt, vấn đề là liệu chúng ta có để cho những tiếng nói nầy chiến thắng hay không".

"Chính phủ Tự do không bao giờ đề ra những thứ như thế nầy, cho đến khi Pauline Hanson vào Quốc hội và một khi bà ta vào Quốc hội, ngay cả khi chính phủ không đề cập bất cứ chuyện nầy trong cuộc bầu cử, thế nhưng bất thình lình chúng ta nhận được các đề nghị mơ hồ như thế nầy".

"Tôi muốn trở lại tình hình khi chúng ta ăn mừng nước Úc đa văn hóa, không phải là một trò bóng đá chính trị, mà chỉ muốn những qui định về quốc tịch là những điều mà lưỡng đảng đều chấp thuận”, Tony Burke.

Thêm thông tin và cập nhật Like 
Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 



Share