Mái ấm gia đình: Làm sao để hiểu lòng cha mẹ già?

Hung Vu.jpg

Coach Hưng Vũ (Melbourne): 'Hãy trân trọng và yêu quý việc chúng ta già đi'.

Những người trẻ di dân đối mặt với hai lựa chọn, rời xa cha mẹ, xây dựng mái ấm và gia đình nhỏ của mình ở Úc, còn cha mẹ thì ở Việt Nam. Hoặc đón cha mẹ già qua Úc chung sống với gia đình của mình. Cách nào cũng có hay và dở, người thiệt thòi thường là cha mẹ già.


Tuổi già là một phần tất yếu của cuộc sống con người. Tại thời điểm này, sau khi đã trải qua sóng gió cuộc đời, cha mẹ lớn tuổi cần sự an nhàn thảnh thơi.

Tuy nhiên, cuộc sống vốn bận rộn, con cái bị cuốn theo mà quên tấm lòng của cha mẹ, không còn đủ thời gian và không gian để lắng nghe và nhận ra những điều cha mẹ khó nói. 

Coach Hưng Vũ từ Melbourne và Bích Ngọc cùng tìm lời giải cho câu hỏi “Làm thế nào để hiểu lòng cha mẹ về già” như một tâm sự cùng chia sẻ với các cô bác trong cuộc.

Vì sao người già thường...mong manh?

Người Việt Nam có câu 'càng già càng khó tính’ bên cạnh câu ‘một mẹ già bằng ba đứa trẻ'

Cuộc sống của mỗi người là tập hợp của những trải nghiệm và trải nghiệm của mỗi người là hoàn toàn khác nhau. Điều đặc biệt là sau khi có những trải nghiệm này, chúng ta thường lưu giữ lại trong tâm trí, tạo thành thói quen sống của mình và đưa ra những quan điểm về cuộc sống: đúng sai, tốt xấu, thích và không thích. Ví dụ như người Việt Nam thì có thói quen ăn cơm còn người Ý thì thích ăn mì ý chẳng hạn.
Càng lớn tuổi thì chúng ta tích lũy nhiều quan điểm sống hơn và càng khó thay đổi thói quen hơn.
Bố mẹ già của chúng ta sẽ có sự lưu trữ này nhiều hơn chúng ta. Hơn thế nữa, lưu trữ của bố mẹ và chúng ta khác nhau nên sẽ dẫn đến sự không hợp ý và chúng ta cảm thấy không chiều được bố mẹ.

Khi hiểu được điều này thì sẽ thấy rằng cha mẹ lớn tuổi khó tính là chuyện tất nhiên. Thực ra “khó tính” ở đây là quan niệm mà xã hội đã đặt ra chứ đây chỉ là sự khác biệt về quan điểm sống do có hoàn cảnh sống khác nhau mà thôi.

Ta khó có thể biết cụ thể suy nghĩ và tâm tư của cha mẹ, nhưng có một điều chúng ra biết được là nó khác với mình. Hiểu được điều này thì mình sẽ thấy nhẹ nhàng hơn trước những suy nghĩ của cha mẹ.

Rời xa cha mẹ hay đoàn tụ tại Úc?

Trường hợp của Hưng là bố mẹ già ở xa. Điều thiệt thòi nhất mà tôi cảm nhận là không thể thường xuyên ở bên bố mẹ để chăm sóc phục dưỡng các cụ, đặc biệt là những lúc các cụ ốm đau.

Tuy nhiên, với sự phát triển của khoa học thì việc trò chuyện với bố mẹ thường xuyên qua Internet cũng hỗ trợ rất tốt cho mối quan hệ với bố mẹ già ở xa, việc đi lại giữa Úc và Việt Nam giờ cũng thuận tiện hơn với những chuyến bay thẳng với chi phí hợp lý.

Bù lại thì các cụ lại được ở nơi rất thân thuộc, có họ hàng và hàng xóm gần gũi, gắn bó từ rất lâu. Các cụ chủ động hơn trong những sinh hoạt của mình, việc đi chợ và ăn uống cũng vừa ý hơn.

Còn nếu bố mẹ già sang đoàn tụ với con ở Úc, thì các cụ được gần gũi với con cháu hơn. Tuy nhiên, nếu như các cụ không tự chủ được việc đi lại ở Úc, phần lớn sẽ phụ thuộc vào con cái các sinh hoạt trong cuộc sống.
Việc nảy sinh mâu thuẫn giữa ông bà và các cháu cũng có thể xảy ra do sự khác biệt về điều kiện sống.
Đúng là lựa chọn nào cũng có những điều tốt và những trở ngại nên tùy từng trường hợp cụ thể mà chúng ta sẽ chọn cho mình phương án tối ưu nhất. Điều quan trọng là giữa bố mẹ già và con cái có sự thông cảm và thấu hiểu với nhau thì dù có ở xa hay ở gần thì cả hai bên đều cảm thấy hạnh phúc.
Family.jpg
'Trân quý cha mẹ già và tôn trọng sự khác biệt là yếu tố quan trọng trong mối quan hệ với cha mẹ', Coach Hưng Vũ chia sẻ.
Với những người trẻ tuổi, định cư tại nước ngoài có thể là một bước tiến tích cực. Nhưng với nhiều người cao tuổi, đây có thể là thử thách lớn, khi nguồn cội đã ăn sâu hơn 60 năm tại Việt Nam bị bứng khỏi gốc rễ.

Các bác có thể sống ở khu người Việt. Có môi trường cộng đồng, văn hóa của người Việt sẽ giúp các bác cao niên thích nghi nhanh chóng.

Ông bà vẫn ăn được những món ăn Việt Nam như dưa cà, mắm muối, có những người bạn cao niên người Việt, đi tập thể dục ở phòng gym có nhân viên nói tiếng Việt và sinh hoạt trong các câu lạc bộ cao niên gốc Việt.

Không cần hòa nhập, chỉ cần thích nghi. Với những người lớn tuổi, có cả một cuộc đời gắn bó tại Việt Nam, khi đổi qua một nền văn hóa hoàn toàn mới sẽ rất khó khăn. Chúng ta không cần đặt mục tiêu cho ông bà hòa nhập cuộc sống tại Úc, sống như một người Úc, chỉ cần thích nghi là được. Cầu tiến, rộng lòng trước khác biệt. Học cách đi lại và tìm kiếm sự giúp đỡ.

Những người cao niên mới qua Úc sẽ được tham gia chương trình học tiếng Anh của chính phủ. Đây là cơ hội tốt để học hỏi thêm về nước Úc, tăng cường cơ hội kết bạn, giao lưu và sinh hoạt nhóm.Các nhân viên song ngữ sẵn sàng hỗ trợ người cao niên trong việc hòa nhập và thích nghi xã hội.

Các con được nói tiếng Việt với ông bà. Món ăn, câu chuyện, nếp sống mà ông bà mang lại là điều vô cùng quý giá. Nhờ có ông bà mà các con giữ lại được văn hóa. Ông bà là niềm an ủi của mình, là văn hóa, nguồn cội của các cháu.

Không sợ gì, chỉ sợ già!

Dường như chúng ta ai cũng sợ già mà không thừa nhận đó là việc đương nhiên: chúng ta ai đang già đi hàng ngày. Chính quan niệm này làm cho những người cao tuổi có suy nghĩ không tốt về bản thân mình, có những nỗi sợ... Và những người trẻ tuổi thì cảm thấy người già có thể là gánh nặng cho xã hội. .

Tại sao chúng ta không chấp nhận nó một cách vui vẻ? Người Việt có câu “gừng càng già càng cay” phản ánh rất phù hợp điều này.

Nếu chúng ta thay đổi góc nhìn về tuổi già và người già thì điều này có tác dụng rất là sâu sắc. Bản thân người già sẽ thấy vui và nhẹ nhàng hơn, cách giao tiếp của thế hệ trẻ cũng khác đi, kính trọng và trân quý những trải nghiệm của các bậc lớn tuổi.
 
Sự phát triển của khoa học ngày nay làm cho con người có xu hướng theo đuổi và thích những thứ mới mẻ. Có quá nhiều thứ hấp dẫn giới trẻ ngày nay, vì thế sự kết nối giữa các thể hệ ngày càng xa hơn.

Có thể thấy rằng, những trải nghiệm của người già và thế hệ trẻ có thể khác nhau nhưng những kinh nghiệm mà người lớn tuổi đúc rút ra thì có tính ứng dụng vượt thời gian.

Trân quý cha mẹ già và tôn trọng sự khác biệt là yếu tố quan trọng trong mối quan hệ với cha mẹ già. Khi chúng ta yêu quý cha mẹ, trân trọng những trải nghiệm sống khác biệt của cha mẹ thì mọi việc trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
Trong mọi tình huống nếu như chúng ta lấy thấu hiểu và yêu thương làm nền tảng thì sẽ rất là khó có mâu thuẫn xảy ra.
Còn khi đã có mâu thuẫn xảy ra thì người cần thay đổi là con cái vì việc thay đổi bản thân mình sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.

Nhà thơ Rumi có một câu nói rất nổi tiếng: “Hôm qua tôi thông minh tôi muốn thay đổi cả thế giới, hôm nay tôi thông thái tôi thay đổi bản thân mình”.

Thế nên chúng ta không mong muốn thay đổi bố mẹ, trước tiên là chúng ta thay đổi bản thân mình, thay đổi cách nhìn về người lớn tuổi và cách cư xử của chúng ta với bố mẹ.

Mời quý vị nhấn vào audio để nghe phỏng vấn với Coach Hưng Vũ.

Share