Luật lệ quanh ta (Bài 27) Luật di trú Úc cho người tị nạn

Một nhóm người tị nạn Việt Nam được đưa đến đảo Christmas

Một nhóm người tị nạn Việt Nam được đưa đến đảo Christmas Source: Getty Images

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Một số người qua Úc bằng chiếu khán du lịch hoặc du học, rồi sau đó xin sự bảo vệ của chính phủ Úc vì gặp phải nguy hiểm ở quê nhà như bị đàn áp, đánh đập, bắt bớ, kỳ thị vì đấu tranh dân chủ, tự do tôn giáo hoặc bất đồng chính kiến.


A/ Tin vắn về luật pháp.

Thượng viện tiểu bang Victoria đã bỏ phiếu ủng hộ một cuộc điều tra của Uỷ ban Pháp lý và các Vấn đề Xã hội về Nan y Tử quyền, hay còn gọi là quyền được chết khi mắc bệnh nan y.

Dân biểu Fiona Patten, người vận động cho Nan y Tử quyền cho rằng hành động này của chính phủ tiểu bang là một bước gần hơn để hỗ trợ cộng đồng, cung cấp quyền cho một cái chết êm ái, nhẹ nhàng với người đang phải chịu sự đau đớn về thể chất hoặc tinh thần kéo dài và không thể chịu đựng được sau một tai nạn hay một bệnh lý không thể cứu chữa.

Kết quả của cuộc điều tra sẽ được công bố vào tháng 5 năm sau. Cuộc điều tra sẽ xem xét sự cần thiết của một luật mới tại tiểu bang Victoria cho phép người dân đưa ra quyết định cuối cùng liên quan đến việc kết thúc cuộc sống của họ.

--

Tòa thượng thẩm ở Hobart đã nghe tường trình lời khai của một giáo viên nữ có quan hệ tình dục với học sinh nam tại phòng tập thể thao của trường học.

Cô Casey Lee Sullivan 33 tuổi bị cáo buộc 9 tội danh liên quan đến quan hệ tình dục với trẻ vị thành niên từ năm 2012 đến 2015. Ba nạn nhân đều là học sinh ở độ tuổi từ 15-16.

--

Học viện Giáo dục Chuyên nghiệp Úc (Australian Institute of Professional Education: AIPE) đang bị Ủy ban Giám sát Cạnh tranh và Tiêu thụ Úc (ACCC) kiện ra tòa án liên bang, đòi lại $210 triệu. AIPE là một cơ sở huấn nghệ tư nhân tại trung tâm Sydney nằm trên đường Sussex Street.

Đây là trường lớn nhất trong các trường tư đang bị ACC kiện đòi lại tiền. Theo cáo buộc thì AIPE đã sử dụng các mánh khóe tiếp thị để lừa các học viên mù chữ hay tàn tật ghi danh học, đóng học phí bằng tiền chính phủ cho vay.
sbs
Australian Institute of Professional Education: AIPE Source: Supplied

B/ Quy trình xin tị nạn tại Úc

Những người tầm trú hiện đang gặp phải khó khăn khi thực hiện quy trình xin thanh lọc và tị nạn, sau khi chính phủ liên bang loại bỏ ngân sách hỗ trợ pháp lý dành cho đối tượng này. Thế nhưng luật mới chỉ áp dụng tại tiểu bang Victoria.

Từ tháng 8 năm 2012 đến tháng giêng năm 2014, hàng ngàn người tị nạn đã có mặt tại Úc.

Vì những thay đổi trong luật pháp liên bang, hồ sơ xin tị nạn của họ được chuyển sang một tiến trình xem xét nhanh chóng, hay còn gọi là fast track. Điều này có nghĩa là những người tầm trú sẽ không được tham gia vào buổi phỏng vấn với nhân viên sở di trú.

Luật mới này cũng phủ nhận quyền khiếu nại của những người tầm trú nếu hồ sơ của họ bị bác.
 
Chiến lược mới sẽ cung cấp tư vấn pháp lý cơ bản cho 11.000 người đang xin tị nạn tại Victoria, để họ có thể tự điền hồ sơ xin chiếu khán tị nạn và hiểu được tiến trình pháp lý khi xin tị nạn tại Úc.

Luật sư David Manne đang làm việc cho tổ chức Refugee Legal cho biết quy trình nộp hồ sơ xin di trú theo hình thức tị nạn vô cùng phức tạp.
“Một người xin tị nạn và thực hiện tiến trình này sẽ phải nộp một hồ sơ dài 62 trang, trả lời 184 câu hỏi và quan trọng hơn cả, họ phải viết chi tiết nỗi sợ hãi và nguy hiểm mà họ phải đối mặt khi bị buộc phải trở về quê nhà. Tất cả hồ sơ này đều viết bằng tiếng Anh.” David Manne
Năm 2014, chính phủ loại bỏ gần như tất cả các hỗ trợ pháp lý cho những người tị nạn đến Úc bằng thuyền, và để họ tự loay hoay khổ sở tìm cách thực hiện các hồ sơ xin tị nạn rất phức tạp một mình.

Những người tị nạn này đến từ Syria, Iraq và Afghanistan đang có chiếu khán chờ bridging visa hoặc bị giam giữ trong các trung tâm thanh lọc của Bộ di trú.

Ali Behsudi, hiện đang làm việc cho Hiệp hội Cộng đồng người Hazara tại Úc, cho biết ông rất biết ơn tất cả những người tham gia vào các chương trình liên kết giữa các nhóm cung cấp tư vấn pháp lý cho người tị nạn Refugee Legal và Justice Connect, được tài trợ bởi chương trình Victoria Legal Aid của chính phủ Victoria.
Khi kế hoạch này được đưa ra vào ngày chủ nhật 17 tháng 4, Bộ trượng tư pháp của Victoria, ông Martin Pakula cho rằng người tầm trú xứng đáng nhận được những hỗ trợ, hướng dẫn tốt hơn

“Việc quyền lợi hợp pháp của người tị nạn được gìn giữ và bảo vệ là rất quan trọng, Tổ chức Legal Aid, Justice Connect và Refugee Legal đang phối hợp cùng nhau để chắc chắn quyền lợi của người tị nạn được thực hiện”.

Có khoảng 30 ngàn người tầm trú đang chờ đợi quy trình xét duyệt hồ sơ tị nạn tại Úc.
SBS
A Burmese Rohingya family meets lawyer David Mann from Refugee Legal Source: SBS
Luật sư Đức Minh, từ Sydney cho biết hiện có hai hình thức xin tị nạn hợp pháp và bất hợp pháp. Hình thức thứ nhất là những người qua Úc bằng chiếu khán du lịch hoặc du học, rồi sau đó xin sự bảo vệ của chính phủ Úc vì gặp phải nguy hiểm ở quê nhà như bị đàn áp, đánh đập, bắt bớ, kỳ thị vì tự do tôn giáo, đấu tranh dân chủ hoặc bất đồng chính kiến. Hồ sơ của những người này sẽ được Bộ di trú xem xét cẩn thận và tiến hành các quy trình theo đúng Công ước về người tị nạn.

Hình thức thứ hai là những người đến Úc bằng thuyền hoặc bị giam giữ trong các trung tâm thanh lọc người tị nạn. Chính phủ có những hành vi bí mật trong việc xét duyệt hồ sơ của những người này, và hầu hết bị gửi trả về nước. Không ai biết lý do hoặc các nguyên tắc của chính phủ trong việc bác bỏ hay đồng ý hồ sơ của những thuyền nhân tị nạn.

Hầu hết những người tị nạn Việt Nam trong cộng đồng đang chờ đợi tiến trình xét duyệt hồ sơ của chính phủ đều được cấp medicare card, đang hòa nhập và sinh hoạt trong cộng đồng. Họ có quyền tìm kiếm các luật sư cho tiến trình xin chiếu khán bảo vệ của mình.


Share