Mối nguy từ khói cháy rừng và cảnh báo cho mùa hè sắp tới

HOT WEATHER SYDNEY

A ferry passes the Sydney Opera House as smoke haze from bushfires in New South Wales blankets the CBD in Sydney, Thursday, December 19, 2019. Sydney, Adelaide and Canberra are all forecast to hit 40C on Thursday, following the hottest Australian day on record. (AAP Image/Joel Carrett) NO ARCHIVING Source: AAP / JOEL CARRETT/AAPIMAGE

Các vụ cháy rừng thảm khốc đang diễn ra ở Bắc Mỹ, Châu Âu và Trung Quốc nhắc nhở mọi người về Mùa hè Đen khủng khiếp tại Úc vào cuối 2019 đầu 2020. Với những dự báo về một mùa cháy rừng nguy hiểm sắp tới đối với Úc, các chuyên gia y tế cảnh báo về mối nguy hiểm từ khói bốc lên từ cháy rừng và có thể bao phủ nhiều vùng trên cả nước Úc như đã từng xảy ra trong Mùa Hè Đen năm đó.


Mùa hè 2019-2020 không thể quên đối với bất kỳ ai có mặt ở Úc trong thời gian đó.

Tổng cộng, hơn 24 triệu ha đã bị đốt cháy, hơn 3.000 ngôi nhà bị phá hủy và ít nhất 34 người thiệt mạng.

Lửa chảy rừng hực lên đỏ cả bầu trời Sydney. Khói từ đám cháy bao trùm nhiều khu vực và vào tháng 12 năm 2019, bộ môi trường New South Wales cho biết tình trạng ô nhiễm không khí ở Sydney tồi tệ hơn gấp 11 lần so với mức độ "nguy hiểm" nằm trong bản quy định.

Những người có vấn đề về tim và phổi được yêu cầu tránh mọi hoạt động thể chất ngoài trời và người dân trong thành phố được yêu cầu hạn chế thời gian ở ngoài trời.

Nói chuyện với SBS News vào thời điểm đó, bác sĩ đa khoa Kim Loo cho biết tác động của việc tiếp xúc kéo dài vẫn chưa được biết.

"Mối đe dọa cho sức khỏe vào lúc này là chưa từng có từ trước tới nay. Chúng tôi chưa bao giờ để 6,8 triệu người tiếp xúc với lượng khói này trong thời gian dài như vậy. Chúng tôi biết mức độ an toàn để hít thở với tỷ lệ hạt vật chất - PM25 trong không khí, và tại thời điểm này, nó gần giống như... nó lên tới cột mốc 52 - tức nhiều gấp 200 lần so với mức độ an toàn để thở. Và chúng tôi không biết việc tiếp xúc kéo dài này sẽ có tác động nào."

Vào thời điểm đó, 22 tổ chức - bao gồm Đại học Bác sĩ Hoàng gia Australasian Royal Australasian College of Physicians (RACP) và Đại học Cấp cứu Y khoa Úc - đã ký một tuyên bố chung thúc giục Thủ tướng Scott Morrison và Thủ hiến New South Wales vào thời điểm đó, Gladys Berejiklian, cần có hành động về biến đổi khí hậu để bảo vệ sức khỏe của mọi người.

Liên minh Khí hậu và Sức khỏe đã mô tả khói cháy rừng là một trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng.

Tiến sĩ Kate Charlesworth của liên minh nói với SBS rằng cũng như khi các bác sĩ lên tiếng về amiăng và thuốc lá, họ có trách nhiệm để lên tiếng về những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đến sức khỏe .

"Các bác sĩ ngày càng nhận thấy những tác động của khí hậu ảnh hưởng đến sức khỏe, bệnh nhân và cộng đồng chúng ta. Những biến đổi đó bao gồm cả cháy rừng, khói từ cháy rừng, hạn hán và sóng nhiệt. Với tư cách là một bác sĩ, sẽ rất là tắc trách nếu tôi không nói về nguyên nhân chính góp phần gây ra những điều này, những tình trạng khủng khiếp này, và đó là biến đổi khí hậu."

Với những cảnh báo về một mùa cháy rừng nghiêm trọng có thể xảy ra sắp tới, một lần nữa khói là một vấn đề được nhắc đến.

Vào mùa hè ở Bắc bán cầu, các vụ cháy rừng ở Bắc Mỹ, Châu Âu và Trung Quốc đã ảnh hưởng đến hàng triệu người vì khói.

Giáo sư Frank Kelly từ Trường Y khoa Công cộng tại Đại học Hoàng gia Luân Đôn, cho biết hiện đã có bằng chứng về tác hại tiềm ẩn do khói cháy rừng gây ra.

"Ngày càng có nhiều bằng chứng về tác động của ô nhiễm lên não và các chức năng của não. Và một trong những chất gây ô nhiễm ảnh hưởng đến bạn là carbon monoxide sinh ra từ các đám cháy rừng lớn. Và chúng tôi biết rằng đây là một chất gây ô nhiễm rất nguy hiểm khi nồng độ tăng lên và nó đã được chứng minh rõ ràng rằng nó có thể tác động đến chức năng nhận thức.”

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, khói cháy rừng là hỗn hợp các chất gây ô nhiễm không khí nguy hiểm, chẳng hạn như PM2.5, Nitrogen dioxide, ozone, hydrocarbon thơm hoặc chì gây ô nhiễm không khí. Cháy rừng cũng thải ra một lượng lớn carbon dioxide và các loại khí nhà kính khác vào bầu khí quyển.

Trợ lý Giáo sư Colleen Reid, từ khoa Địa lý của Đại học Colorado, cho biết các hạt nhỏ có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng.

“Một khi những hạt đó nằm sâu trong phổi, chúng có thể gây viêm hệ hô hấp, có thể ảnh hưởng đến tất cả các hệ thống khác của cơ thể. Phổi nằm ngay cạnh tim nên có bằng chứng cho thấy việc tiếp xúc với ô nhiễm không khí có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch.”

Giáo sư Kelly nói rằng không có nhiều nghiên cứu về thiệt hại sức khỏe lâu dài do hỏa hoạn gây ra, nhưng ông nói rằng các nhà khoa học môi trường có thể chỉ ra các nghiên cứu hiện có về ô nhiễm đô thị, có liên quan đến các bệnh như dị tật tim và bệnh thoái hóa.

Trợ lý giáo sư Reid cho biết ở những khu vực nguy hiểm nhất, tiếp xúc với khói, khẩu trang và mặt nạ có thể giúp bảo vệ:

“Những chiếc mặt nạ N95 mà chúng ta đã quen dùng để chống lại COVID, chúng rất tốt trong việc bảo vệ bạn khỏi không khí xung quanh bạn. Khẩu trang phẫu thuật là để bảo vệ người khác khỏi những gì bạn thở ra. Nhưng N95 hoặc KN95, những thứ đó để bảo vệ bạn từ những thứ xung quanh bạn. Vì vậy, nếu bạn phải ở bên ngoài, hãy đeo khẩu trang."

Và Giáo sư Kelly nói rằng điều quan trọng là phải cố gắng giữ cho môi trường nơi bạn sống và làm việc không bị xâm nhập bởi khói.

“Nếu việc ở lại nơi bạn sinh sống hoặc làm việc là an toàn, thì điều chủ yếu mà người ta có thể thực hiện là làm sao để khói từ các đám cháy không xâm nhập vào tòa nhà bạn đang ở. Có nghĩa là bạn đóng cửa sổ và cửa ra vào, hay bịt kín các cửa sổ lại bằng khăn ướt, giữ cho khói không luồn vào.”

WHO cho biết tần suất ngày càng tăng và mức độ nghiêm trọng của các vụ cháy rừng quy mô lớn dự kiến sẽ tăng lên cùng với biến đổi khí hậu.

Giáo sư Kelly nói rằng hiểu biết về những rủi ro do khói chưa bao giờ quan trọng hơn thế.

“Vấn đề ngày càng nghiêm trọng. Chúng ta đang chứng kiến nhiều vụ cháy rừng như thế này. Chúng ta đang chứng kiến mùa cháy rừng ngày càng kéo dài, chúng bắt đầu sớm hơn và kết thúc muộn hơn, mức độ các đám cháy ngày càng dữ dội hơn, và chúng cũng xảy ra thường xuyên hơn. Vì vậy, điều này chỉ đi tới theo một hướng và thật không may cho sức khỏe, cả của chúng ta và phần còn lại của các loài sống trên hành tinh này, đó không phải là một hướng đi tốt.”

Share