Mỹ phê chuẩn quyền sử dụng khẩn cấp liệu pháp huyết tương trong điều trị bệnh nhân COVID-19

A doctor holds a bag of blood plasma donated by a COVID-19 survivor

A doctor holds a bag of blood plasma donated by a COVID-19 survivor Source: AAP

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Trong khi đó tại Peru, ít nhất 13 người bị thiệt mạng trong một vụ giẫm đạp tại một câu lạc bộ đêm của thủ đô Lima, vẫn hoạt động trong thời gian phong tỏa bất chấp các quy định về coronavirus của nước sở tại. Còn giới chức Vương quốc Anh vẫn kiên quyết kêu gọi các học trò phải quay lại trường học sau kỳ nghỉ hè.


Đó là một sự hỗn loạn, khi ít nhất 120 người cố gắng thoát ra khỏi câu lạc bộ đêm Thomas Restobar tại thủ đô Lima, của Peru.

Câu lạc bộ vẫn hoạt động bất chấp lệnh giới nghiêm của nước này nhằm ngăn chặn sự bùng phát của coronavirus. Tuy nhiên khi cảnh sát xuất hiện, đám đông đã cố gắng chạy tứ tán, và hơn 12 người đã bị giẫm đạp phải bỏ mạng.

Một nhân chứng xin được giấu tên mô tả lại những gì xảy ra.

‘Cảnh sát ập đến, người ta đi thông báo cho chủ nhân câu lạc bộ nhưng không ai xuất hiện, sau đó họ tiến vào với máy quay phim. Họ sử dụng hơi cay và đóng hết các cửa lại. Đó là lúc sự điên loạn nổ ra. Bởi vì không ai thở nổi trong bầu không khí ngập ngụa hơi cay.’

Một thông cáo của chính phủ nói những người vi phạm đã cố gắng thoát ra ngoài, rất nhiều người chen qua cánh cửa chính, sau đó đám đông đã bị kẹt lại giữa cánh cửa này và cầu thang dẫn ra ngoài đường.

Các câu lạc bộ và quán rượu bị buộc phải đóng cửa từ tháng Ba, còn các gia đình bị cấm tụ tập đông họ hàng bà con, từ hồi đầu tháng này, trong một nỗ lực tuyệt vọng nhằm giảm bớt tỷ lệ nhiễm bệnh của Peru, vốn đang cao thứ nhì khu vực Mỹ La tinh.

Peru ghi nhận gần 600,000 trường hợp nhiễm bệnh và gần 28,000 ca tử vong.

Những người hàng xóm sống gần câu lạc bộ đã báo tin cho cảnh sát, thuộc quận Los Olivos, thủ đô Lima.

Ông Jose Luiz Amezquita là một cảnh sát địa phương tham gia vụ bao vây.

‘Đám đông cố thoát ra ngoài, khi nhìn thấy chúng tôi đi vào. Giữa lúc dòng người đang hối hả đi ra thì cánh cửa bất ngờ đóng lại và tất cả chúng tôi bị nhốt bên trong. Chúng tôi đã hướng dẫn mọi người lui lại một chút để có thể đưa người bị mắc kẹt lần lượt ra ngoài, cũng như cứu những người ở phía sau. Nhưng không ai lắng nghe chúng tôi.’

Trong khi các quốc gia Mỹ La tinh tiếp tục vật lộn với dịch bệnh thì tại Hoa Kỳ, tình hình cũng không mấy lạc quan.

Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố khẩn cấp quyết định cho phép chữa trị bằng huyết tương đối với các bệnh nhân COVID-19.

‘Hôm nay, tôi vui mừng tuyên bố một biện pháp chưa từng có trong lịch sử, trong cuộc chiến chống lại virus Trung Quốc, sẽ cứu mạng vô số người. Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm FDA đã phê chuẩn quyền sử dụng khẩn cấp – đây là một cụm từ đầy quyền lực; quyền sử dụng khẩn cấp việc chữa trị COVID-19 bằng biện pháp huyết tương. Đây là một liệu pháp mạnh mẽ nhằm truyền huyết tương chứa kháng thể của bệnh nhân đã hồi phục để giúp những bệnh nhân đang vật lộn với coronavirus. Biện pháp này có một tỷ lệ thành công đáng kinh ngạc. Hành động ngày hôm nay sẽ mở rộng việc áp dụng biện pháp điều trị này một cách nhanh chóng.’

Sự phê chuẩn của cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ xảy ra chỉ vài ngày sau khi chính phủ của tổng thống Trump cho rằng việc cơ quan này trì hoãn phê chuẩn vaccine coronavirus và các biện pháp điều trị mang mục đích chính trị.

Trong biện pháp này, huyết tương giàu kháng thể từ bệnh nhân đã phục hồi sẽ được lấy ra từ cơ thể của họ. Tuy nhiên cho tới nay vẫn chưa có bằng chứng thuyết phục về việc huyết tương từ người khỏi bệnh có thể chữa trị như thế nào cũng như làm cách nào để quản lý các huyết tương này.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Xã hội Alex Azar nói việc phê chuẩn của FDA là bước ngoặc quan trọng trong cuộc chiến chống virus.

‘Chúng ta mơ ước về việc phát triển một biện pháp điều trị virus có thể giảm bớt 35% tỷ lệ tử vong. Đây là tiến bộ quan trọng trong việc chữa trị bệnh nhân. Đây là một bước đi quan trọng. Huyết tương dưỡng sinh là một phương tiện mới bổ sung thêm vào những loại vũ khí chống trả virus, bên cạnh Remdesivir, steroids và một vài biện pháp hứa hẹn khác đang được nghiên cứu. Nhờ có đội Đặc nhiệm Thúc đẩy Giảm bớt số ca nhiễm do tổng thống lập ra, mà chúng ta có thể được thông báo thêm những kết quả mới và biện pháp mới nữa đến với bệnh nhân, sớm nhất là vào mùa thu năm nay.’

Trong khi đó tại Anh quốc, Trưởng ban Y tế nước này vẫn kiên quyết đưa trẻ em quay lại trường học sau kỳ nghỉ hè.

Trong một thông cáo chung hiếm hoi, ông Chris Witty cùng với trưởng ban Y tế của Scotland, xứ Wales, và Bắc Ireland, khuyến cáo rằng trẻ em không được đến trường sẽ gây ra nguy cơ lớn lao cho bản thân các em, cao hơn bất kỳ nguy cơ nhiễm virus nào.

‘Nhiều bằng chứng nổi bật cho thấy trẻ em không được đến trường sẽ gây ảnh hưởng lâu dài và lớn lao, cũng như tước đi mọi cơ hội của các em trong tương lai. Điều này còn tăng thêm nguy cơ gia tăng khoảng cách, và củng cố thêm những vấn đề gốc rễ của xã hội. Điều này cũng làm tăng thêm nguy cơ về sức khỏe thân thể và tâm thần trong tương lai. Những bằng chứng vượt trội cũng cho thấy tỷ lệ các em có thể bị tử vong vì COVID là rất thấp, và tất nhiên, cái chết nào của một đứa trẻ cũng là một bi kịch, tuy nhiên đa phần những trường hợp ít ỏi bị tử vong vì dịch bệnh đó, đều là những em có sẵn những căn bệnh trầm trọng trong cơ thể, tại Vương quốc Anh cũng như tại ngoại quốc.’

Trong khi đó tại Pháp, các tín đồ túc cầu Paris xuống đường biểu tình nhằm thách thức giới hạn giãn cách xã hội do chính phủ đặt ra để ngăn chặn coronavirus, cũng như chia sẻ kết quả trận thua của nước Pháp tại chung kết giải vô địch Champions League.

Các tín đồ của đội bóng Paris St-Germain tổ chức một cuộc biểu tình ồn ào nhưng không náo loạn, mặc dù câu lạc bộ của họ bị thua 1-0 trong trận chung kết Champions League dưới tay đội bóng Bayern Munich của Đức quốc.

Trận đấu xảy ra trong một sân vận động không một bóng người tại Bồ Đào Nha.

Và quý vị có thể cập nhật tin tức mới nhất về coronavirus bằng tiếng Việt tại sbs.com.au/coronavirus

Share