Người dân Fiji đã sống sót qua đại dịch thế nào khi ngành du lịch đóng cửa?

Mere Dawai and her granddaughters

Mere Dawai and her granddaughters. Source: SBS News

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Có khoảng 140,000 nhân viên du lịch ở Fiji đã bị mất việc sau khi biên giới đóng cửa vào tháng 3 năm 2020 để ngăn chặn dịch COVID-19 lan rộng. Vậy làm thế nào những người dân địa phương có thể sống sót khi nguồn thu nhập chính của họ đã bị mất?


Nằm ẩn mình sau khu quần thể nghỉ mát sang trọng ở Nadi là ngôi làng Narewa.

Cộng đồng người dân nơi đây phụ thuộc gần như hoàn toàn vào doanh thu từ ngành du lịch.

Mere Dawai, vợ của người trưởng làng, cho biết trước khi có đại dịch, khoảng 90% cư dân ở đây đều làm việc trong ngành khách sạn.

Thế nhưng cuộc sống của họ đã đảo lộn hoàn toàn vào tháng 3 năm 2020 khi Fiji đóng cửa biên giới với du khách quốc tế.

“Tôi nghĩ trong tất cả những ngôi làng khác thì chỗ chúng tôi là bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Ban đầu rất khó khăn vì chúng tôi không có sự chuẩn bị, chúng tôi không nhận ra việc đóng cửa sẽ ảnh hưởng đến chúng tôi như thế nào, nhưng sau một thời gian thì chúng tôi cũng quen dần. Mọi người bắt đầu ra sông đánh bắt cá để ăn trong khi chờ rau trong vườn mọc lên.”

Ông Solo Kaumaitotoya từng là quản lý đội tiếp viên của hãng hàng không Fiji Airways, khi đại dịch COVID-19 xảy ra, ông đã bị mất việc.

“Khi đó tôi mở email, và trong đó có một email nói rằng tôi đã bị chấm dứt hợp đồng làm việc với Fiji Airways và họ cảm ơn tôi vì sự cống hiến. Tôi đã làm ở đó gần 30 năm.”

Ông Kaumaitotoya sở hữu một vùng đất ngoài rìa Nadi.

Trong năm vừa qua, ông đã chuyển sang làm trồng trọt, trồng đu đủ và bán cho người dân địa phương.

Tuy rằng biên giới Fiji nay đã mở cửa lại cho du khách quốc tế, nhưng ông Kaumaitotoya cho biết không có ý định quay lại ngành hàng không.

Ông nói việc trồng trọt, mặc dù không hấp dẫn bằng, nhưng đến nay đã trở thành nguồn thu nhập đáng tin cậy cho gia đình.

“Tôi sẽ rất vui khi thấy máy bay lại tiếp tục cất cánh ra vào nơi đây, nhưng đối với đại dịch này, không ai trong chúng ta từng trải qua chuyện như thế này trước đây. Biến chủng này đi, biến chủng khác lại đến, chúng ta không bao giờ biết trước được tương lai thế nào, nhưng chúng ta chỉ biết là chúng ta cần phải tiếp tục đi tiếp.”

Biên giới đóng cửa không chỉ ảnh hưởng đến riêng ngành du lịch, mà mọi ngành nghề khác khắp Fiji đều chịu tổn thất.

Những người bán hàng ở khu chợ trung tâm Nadi vốn phụ thuộc chủ yếu vào việc buôn bán cho những người làm việc trong lĩnh vực du lịch.

Và khi những người làm trong ngành du lịch bị mất việc và phải trở về làng để tự trồng trọt, tự cung tự cấp, thì những người bán hàng giờ đây đã không còn khách hàng nữa.

“Hầu hết những người bán hàng trong chợ phải phụ thuộc vào ngành du lịch, khi du lịch mở cửa, người dân đi làm ở khách sạn, họ kiếm được nhiều tiền từ công việc thì họ sẽ đến đây mua sắm.”

Một người bán gia vị tên Khaiyum cho biết khách hàng chủ yếu là người nước ngoài.

“Khách hàng của tôi chủ yếu là người nước ngoài và họ mua gia vị đem về nhà. Nhưng từ khi đại dịch COVID xuất hiện, không còn du khách, chợ đã phải đóng cửa.”

Nhưng trong cái rủi vẫn có cái may, thử thách trong hai năm qua đối với người dân Fiji cũng là một cơ hội để họ nhìn sang những hướng đi mới.

“Sau khi chuyện này xảy ra, chúng tôi nhận ra chúng tôi không thể mãi phụ thuộc vào một nguồn thu nhập. Và vì thế chúng tôi khuyến khích con trẻ đừng chỉ trông chờ vào khách sạn, đừng chỉ biết cắt cỏ hay giặt giũ trong khách sạn. Hãy nghĩ đến việc trở thành bác sĩ, thủ tướng, hoặc biết đâu là Toàn quyền của Fiji.”

 


Share