Nhiều quốc gia đóng cửa biên giới với châu Phi trước sự lây lan của biến chủng Omicron

UK Revives Travel 'Red List' And Other Measures Due To Omicron Variant

A covid testing centre sign at Heathrow Terminal 2 on November 28, 2021 in London, England. Source: Getty Images Europe

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Biến chủng coronavirus Omicron đã gây nên sự lo ngại trên khắp thế giới bởi khả năng kháng vắc-xin và có thể khiến đại dịch phải kéo dài thêm. Tuy nhiên một chuyên gia ở Nam Phi cho rằng các triệu chứng cho đến nay vẫn ở mức độ nhẹ và có thể tự điều trị tại nhà.


Một biến chủng COVID-19 mới vừa được phát hiện có tên Omicron đang gây ra rất nhiều lo ngại cho các quốc gia khắp thế giới. Nhiều quốc gia đã ngay lập tức có phản ứng bằng cách ban hành lệnh cấm nhập cảnh đối với những người đến từ một số các quốc gia châu Phi.

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã lên tiếng bày tỏ sự thất vọng sâu sắc trước việc nhiều quốc gia áp dụng lệnh cấm nhập cảnh đối với Nam Phi sau khi nghe tin về biến chủng mới.

“Chúng tôi cực kỳ thất vọng trước quyết định cấm nhập cảnh của nhiều quốc gia đối với các quốc gia ở nam châu Phi, bao gồm cả chúng tôi, sau khi biến chủng Omicron được xác định. Đây là một vi phạm rất rõ ràng và hết sức phi lý về cam kết mà các quốc gia này đã đề ra ở hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng trước.”

Ông Ramaphosa nói rằng nhiều người dân Nam Phi cảm thấy họ đang bị trừng phạt vì sự minh bạch cũng như công sức đã bỏ ra trong việc theo dõi cách thức virus biến chủng.

“Những hạn chế này là điều hoàn toàn phi lý và là một sự kỳ thị nhắm vào nước chúng tôi và những nước Phi châu láng giềng. Việc cấm đi lại không được dựa trên khoa học, và nó cũng không hiệu quả trong việc ngăn chặn sự lây lan của biến chủng. Điều duy nhất mà lệnh cấm đi lại này có thể làm là gây thiệt hại thêm về kinh tế của những quốc gia có liên quan và làm suy yếy khả năng ứng phó và khả năng phục hồi sau đại dịch.”

Được WHO công bố lần đầu vào ngày 24/11, biến chủng Omicron cho đến nay đã được phát hiện ở một số ít các quốc gia, chủ yếu ở miền nam Phi châu, Hồng Kông, Đức, Anh, Bỉ, Hà Lan, Úc và Israel.

Các nhà khoa học đang rất lo ngại vì biến chủng Omicron có rất nhiều đột biến, cho thấy có nguy cơ kháng vắc-xin và làm gia tăng lây nhiễm.

Tuy nhiên, Chủ tịch của Hiệp hội Y khoa Nam Phi, Tiến sĩ Angelique Coetzee, người trong nhóm phát hiện ra biến chủng mới này, thì nói rằng các triệu chứng của biến chủng Omicron cho đến nay vẫn chỉ là triệu chứng nhẹ và có thể điều trị tại nhà.

Tiến sĩ Coetzee cho biết, vào khoảng giữa tháng 11 bà đã phát hiện 7 bệnh nhân có các triệu chứng COVID nhẹ nhưng hoàn toàn khác với triệu chứng của biến chủng Delta.

“Cho đến nay chúng tôi mới chỉ nhìn thấy sự lây nhiễm bùng phát, chứ chưa thấy các triệu chứng nghiêm trọng. Nhưng tôi cũng phải nhắc lại là nhận định này vẫn có thể thay đổi, tôi không nói rằng virus này sẽ không gây ra triệu chứng nghiêm trọng, nhưng tất cả những lo ngại hiện nay đang quá mức cần thiết.”

Tại Hoa Kỳ, quan chức hàng đầu về dịch bệnh, tiến sỹ Anthony Fauci, cho rằng tình hình thực tế đáng báo động hơn thế.

Ông cảnh báo biến thể coronavirus Omicron có thể lây nhiễm dễ dàng và có khả năng loại bỏ bất cứ miễn dịch nào có trước đó từ vắc-xin hoặc từ việc từng bị nhiễm virus.

“Những gì chúng tôi biết về biến thể này đã cho thấy là nó có lợi thế trong việc lây nhiễm và có khả năng xoá bỏ hệ miễn dịch bạn đang có, ví dụ, từ kháng thể đơn dòng hoặc từ huyết thanh phục hồi sau khi người đó đã từng bị nhiễm virus. Và biến thể này thậm chí còn có thể kháng lại kháng thể do vắc-xin tạo ra. Vì thế đây là một minh chứng cho thấy chúng ta phải chuẩn bị cho tình huống này.”

Tiến sỹ Fauci nói sự xuất hiện biến chủng này cho thấy sự khẩn cấp của việc tiêm chủng.

“Đây là lời yêu cầu rõ ràng, như tôi đã nói, chúng ta hãy bỏ qua một bên tất cả những khác biệt, nếu quý vị chưa đi tiêm chủng, thì hãy tiêm chủng, nếu đã tiêm chủng đủ rồi, hãy tiêm mũi tăng cường, và cho cả trẻ em tiêm chủng.”

Chủ tịch Uỷ ban châu âu, bà Ursula von der Leyen cũng đồng tình với ý này.

“Chúng ta thực sự phải tranh thủ thời gian này để có hành động một cách cẩn trọng có thể. Điều tiên quyết đầu tiên là phải tiêm chủng, và tiêm mũi tăng cường, càng nhiều càng tốt, vì mũi tăng cường hay mũi tiêm đều giúp nâng cao mức độ kháng thể  và tích luỹ tế bào ghi nhớ đối với virus COVID, và đây là sẽ là thứ giúp duy trì hệ miễn dịch mà quý vị có trong thời gian này.”

Giám đốc y khoa thuộc công ty sản xuất vắc-xin Moderna, Tiến sỹ Paul Burton, nói rằng nếu cần phải có một loại vắc-xin mới để đối phó với biến thể Omicron, thì có khả năng vắc – xin này sẽ có mặt vào đầu năm sau.

Trả lời BBC, tiến sỹ Burton cho biết sẽ phải mất vài tuần để biết liệu vắc-xin hiện hành có hiệu quả trong việc chống lại biến chủng mới này hay không.

“Phải mất vài tuần để chúng ta biết về tính hiệu quả của vắc-xin hiện tại trong việc đối phó với biến chủng mới, nhưng điều đáng chú ý về vắc-xin MRNA và Moderna là chúng ta có thể điều chỉnh rất nhanh.”


Share