Nhiều tổ chức từ thiện thúc giục Úc mở rộng phạm vi tài trợ COVID cho người giữ visa tạm thời

Kon Karapanagiotidis ASRC

Kon Karapanagiotidis ASRC Source: SBS/Abby Dinham

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Vốn là một quốc gia mở rộng cửa cho di dân, nước Úc nay đứng trước một cuộc khủng hoảng nhân đạo thảm khốc, nếu các biện pháp trợ giúp COVID hiện nay của chính phủ không mở rộng đối tượng phục vụ cho những người đang giữ visa tạm thời và bridging visa, đang sống dưới mức nghèo khổ khi bị mất việc làm và thu nhập trong dịch bệnh.


Trước khi dịch bệnh xảy ra, ông Kumaran làm việc tại một kho hàng ở miền Đông Melbourne. Nhưng trong sáu tháng vừa qua gia đình ông phải vât lộn để có thể duy trì cuộc sống tối thiểu.

Ông nói ông từng là một thương nhân thành đạt ở Sri Lanka, và chưa bao giờ ông có thể tưởng tượng mình phải trải qua một cuộc sống như hôm nay.

‘Tôi không muốn ngửa tay xin của ai cái gì, bởi vì tôi cảm thấy mình như một kẻ ăn mày và tôi không muốn cuộc sống như vậy chút nào.’

Hai vợ chồng ông đến Úc vào năm 2012 với một visa tạm thời, họ mang sắc tộc Tamils và tìm đường di trú tại Úc.

Sau khi làm việc ở Úc bảy năm, giờ đây ông không nhận được một sự hỗ trợ nào từ chính phủ trong đại dịch, cũng như đã mất việc làm và toàn bộ thu nhập, ông trở nên sợ hãi khi nghĩ tới tương lai.

Những người lâm vào hoàn cảnh như ông Kumaran phải dựa vào sự giúp đỡ của những dịch vụ xã hội trợ giúp cộng đồng và người tầm trú.

Một khảo sát mới cho biết 86% nhân viên đang làm việc trong lĩnh vực dịch vụ cộng đồng đa sắc tộc và di dân đang phải tiếp nhận và chăm sóc ngày càng nhiều khách hàng tìm đến họ xin giúp đỡ.

Bà Cassandra Goldie thuộc Ủy ban Dịch vụ Xã hội Úc nói nhiều người vốn đã sống nghèo khổ nay càng trở nên khốn đốn hơn.

‘Hơn một triệu người sống ở Úc với các loại visa tạm thời không nhận được một sự bảo vệ nào, và thu nhập tối thiểu của họ nay cũng không bảo đảm, mà chúng ta biết trong thời điểm này đi xin việc trở nên khó khăn như thế nào.’

Khảo sát cũng cho biết một phần ba trong số các tổ chức đang giúp đỡ những người khốn khổ này cũng bị gánh chịu sự hạn hẹp về tài chánh.

Bà Goldie nói cứ năm tổ chức dịch vụ xã hội, thì có một tổ chức cho biết họ buộc phải cắt giảm nhân viên khi tiền trợ cấp JobKeeper giảm xuống vào cuối tháng 9 này.

Còn Trung tâm Tài nguyên dành cho Tầm trú nhân (ASRC) cho biết trong những tháng vừa qua nhu cầu cung cấp dịch vụ của cơ quan này đã tăng lên tới 400%.

CEO của ASRC, ông Kon Karapanagiotidis nói:

‘Những người đã từng đi làm, đóng thuế và đóng góp cho nền kinh tế thì nay đang xếp hàng trước cửa cơ quan chúng tôi để nhận thực phẩm miễn phí, cũng như xuất hiện ở cửa những văn phòng dịch vụ cho người vô gia cư, với con cái họ đang bị lâm nguy và cả gia đình đang lâm nguy.’

85% những người xếp hàng để nhận từng bữa ăn do cơ quan ASRC cung cấp đã mất hết thu nhập trong vài tháng gần đây.

Ông Karapanagiotidis nói nếu các biện pháp trợ giúp COVID của chính phủ không mở rộng đối tượng phục vụ cho những người đang giữ visa tạm thời, thì chẳng bao lâu chúng ta sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân đạo thảm khốc.

Share