Nuôi con ở Úc: Cho con học ngoại khóa - Học sao cho đúng?

Hai bé Sophie (trái) và Susie (phải) trong lớp học karate mỗi tuần

Hai bé Sophie (trái) và Susie (phải) trong lớp học karate mỗi tuần Source: Supplied

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Các bậc phụ huynh Úc đánh giá cao các lớp học ngoại khóa dành cho trẻ và khuyến khích con tham gia các bộ môn thể thao, nghệ thuật, dã ngoại; trong khi cha mẹ gốc Á Châu thường ưu tiên kết quả học thuật. Lợi ích của những kỹ năng mềm này sẽ giúp trẻ ra sao trong xã hội Úc? Chọn môn học nào cho con và tham gia cùng con như thế nào?


Giống như nhiều nước phương Tây, phụ huynh tại Úc rất chú trọng đến hoạt động ngoại khóa của con mình. Với quan niệm "Giáo dục phải toàn diện”, trường học không bao giờ chỉ là nơi tổ chức thi cử.

Chính vì vậy, các lớp học ngoại khóa được thiết kế vô cùng thực tế nhưng không kém phần thú vị. Đối với nhiều học sinh, những kinh nghiệm khi tham gia hoạt động ngoại khóa có thể đi theo các em suốt cuộc đời.

Tiến sĩ Khánh Trần, giảng viên trường đại học Asia Pacific International College (Australia), mẹ của hai cô con gái, chia sẻ: “Cha mẹ Việt của chúng ta ngày xưa rất coi trọng việc học văn hóa, tri thức ở trường. Và đến khi làm mẹ, mình cũng có những suy nghĩ được lập trình như vậy. Nhưng rồi trong quá trình đồng hành và lớn lên cùng con, mình nhận ra những lớp học ngoại khóa vô cùng quan trọng. Đó là nơi con phát triển kỹ năng mềm, kỹ năng sống và định hình tính cách”.

Ngoài việc học văn hóa, trẻ cần được học thêm các kĩ năng sống, các bộ môn rèn luyện thể chất. Bên cạnh đó, việc học các bộ môn nghệ thuật theo sở trường của con cũng là cách để trẻ phát triển năng khiếu, tâm hồn và thể chất.

Lịch học của trẻ em bậc tiểu học và trung học tại Úc kéo dài từ 8.30 sáng đến 3 giờ chiều mỗi ngày, từ thứ Hai đến thứ Sáu. Do đó, các lớp học ngoại khóa thường được tổ chức sau giờ học hoặc vào ngày cuối tuần. Đây cũng là một bài toán nan giải với các cha mẹ làm việc toàn thời gian, trong việc đưa đón con đi học.

“Khi con về sớm, cha mẹ vẫn còn ở văn phòng. Hầu hết các lớp học của con được mình thu xếp vào thứ Bảy, hoặc trong tuần, sau giờ học để con có một ngày Chủ Nhật trống cho các hoạt động gia đình”, chị Khánh Trần chia sẻ.
Tính cách của trẻ cũng sẽ giúp bạn lựa chọn được hoạt động ngoại khóa thích hợp. Chẳng hạn, môn bơi lội mang tính cá nhân sẽ thích hợp với các bé hướng nội, trong khi các môn thể thao đồng đội hay hướng đạo sinh thường thích hợp cho các bé thích xã giao
Tính cách của trẻ cũng sẽ giúp bạn lựa chọn được hoạt động ngoại khóa thích hợp. Chẳng hạn, môn bơi lội mang tính cá nhân sẽ thích hợp với các bé hướng nội. Source: Supplied

Lựa chọn lớp học ngoại khóa như thế nào?

Theo chị Khánh Trần, độ tuổi, chi phí, tính cách và thời gian biểu của cả nhà là những yếu tố quyết định các lớp học ngoại khóa cho con.

Cho con tham gia vào việc lựa chọn

Việc quyết định các lớp học ngoại khóa nên có sự tham gia của cha mẹ và con cái. Cha mẹ quan tâm đến sở trường và sở thích của con, lắng nghe xem con muốn gì để cùng thảo luận với con dựa trên những điều này.

Nhiều trường hợp, cha mẹ thích đàn piano, hoặc thích võ thuật mà cứ ép con phải học, mặc dù trẻ hoàn toàn không có năng khiếu, không yêu thích. Việc này sẽ không có kết quả tốt và tạo áp lực tâm lý cho sự phát triển của trẻ.  

“Con gái lớn của mình tự lựa chọn các hoạt động ngoại khóa mà con yêu thích. Hai mẹ con sẽ cùng ngồi thảo luận xem lợi ích của từng môn học và cùng nhau lựa chọn. Khi chị lớn đã lựa chọn môn học và vào guồng, bạn nhỏ theo chị lớn và quan sát các lớp học của chị.

Khi đến tuổi bắt đầu quan tâm đến các lớp ngoại khóa, bạn nhỏ sẽ thử xem mình thích hay không. Nếu không thích, bạn sẽ nói thẳng là con không thích”, chị Khánh chia sẻ với SBS.
Trong quá trình đồng hành và lớn lên cùng con, mình nhận ra những lớp học ngoại khóa vô cùng quan trọng. Đó là nơi con phát triển kỹ năng mềm, kỹ năng sống và định hình tính cách.
“Cả hai bạn nhỏ đều chơi netball, tham gia hướng đạo sinh, karate và lớp nhảy. Trong khi netball là môn thể thao đồng đội, rèn luyện cho con tính tập thể, mình vì mọi người, thì các lớp hướng đạo sinh cung cấp cho con kỹ năng sống, sinh tồn trong môi trường hoang dã, các hoạt động ngoài trời; võ karate giúp con tự vệ, rèn luyện thể chất, còn học nhảy là sở thích cá nhân”.

Tính cách của trẻ

Một tiêu chí quan trọng để chọn lựa hoạt động ngoại khóa là dựa trên sự yêu thích của trẻ. Hãy để ý xem con thích vẽ tranh, đánh đàn, âm nhạc hay võ thuật, bạn sẽ biết đâu là hoạt động thích hợp cho con.

Tính cách của trẻ cũng sẽ giúp cha mẹ lựa chọn được hoạt động ngoại khóa thích hợp. Chẳng hạn, môn bơi lội mang tính cá nhân sẽ thích hợp với các bé hướng nội, trong khi các môn thể thao đồng đội hay hướng đạo sinh thường thích hợp cho các bé thích xã giao, hướng ngoại. Tuy nhiên việc thay đổi môi trường cũng giúp trẻ phát triển những tính cách chưa nổi trội.
Các lớp hướng đạo sinh cung cấp cho con kỹ năng sống, sinh tồn trong môi trường hoang dã, các hoạt động ngoài trời.
Các lớp hướng đạo sinh cung cấp cho con kỹ năng sống, sinh tồn trong môi trường hoang dã, các hoạt động ngoài trời. Source: Supplied
“Con gái lớn của mình lựa chọn học vẽ, mặc dù bản thân mẹ vẽ rất xấu và cả gia đình không có ai theo nghệ thuật. Nhưng đó là sở thích của con. Mình nhận ra kết quả của con trong các lớp học vẽ rất tốt, con tự tin và yêu thích bộ môn này.

Con theo đuổi các lớp học vẽ và học đến lớp chuyên nghiệp thì dừng lại”, chị Khánh chia sẻ với SBS một kinh nghiệm cho con quyết định môn học mà con yêu thích.

Tìm hiểu cặn kẽ

Chị Khánh Trần khuyến khích các bậc phụ huynh nếu còn do dự không biết có nên cho con học một bộ môn nào mới, hãy tham gia các lớp học thử.

Một số ông bố, bà mẹ sẽ cho trẻ tham gia nhiều hoạt động khác nhau. Sau đó, trẻ sẽ tự chọn cho mình hoạt động mà qua đó, trẻ được học hỏi, cảm thấy yêu thích và trưởng thành nhiều nhất. Tuy nhiên, một số trẻ sẽ cần thêm sự hướng dẫn. Nếu con chỉ muốn một số hoạt động mang tính thụ động, cha mẹ có thể hướng dẫn trẻ tham gia các hoạt động vận động cơ thể và ngược lại.

Thời thơ ấu là quãng thời gian lý tưởng để thứ sức với nhiều hoạt động học tập, vui chơi đa dạng. Trẻ nhỏ không tham gia các hoạt động này ở mức chuyên nghiệp. Cha mẹ hãy để mọi việc diễn ra thật nhẹ nhàng và vui vẻ.
Chi phí

Các hoạt động hướng đạo sinh tại Úc không hề đắt đỏ, tương tự như vậy, các lớp học thể chất có chi phí tương đối thấp tùy vào lựa chọn của phụ huynh.

"Các hội đồng thành phố, thư viện và trung tâm sinh hoạt cộng đồng địa phương thường có các lớp học ngoại khóa với chi phí rất rẻ từ $5-$10/ một buổi học. Trong khi đó các lớp nghệ thuật như ca hát, gymnastic hay ballet có thể có các chi phí phát sinh cho những buổi biểu diễn hàng năm", chị Khánh nói với SBS.

Cha mẹ hãy dành thời gian kiểm tra chất lượng của một hoạt động ngoại khóa. Để tìm được các chương trình ngoại khóa như ý, cha mẹ sẽ cần đến tận nơi để tham quan lớp học, tham khảo ý kiến của bạn bè và những phụ huynh cùng lớp của con, cũng như nói chuyện với giáo viên trực tiếp giảng dạy.

Để tiết kiệm thời gian và chi phí đưa đón, chị Khánh Trần chia sẻ một tip hữu ích là cha mẹ có thể thảo luận và đề nghị với các bạn thân hoặc bạn học cùng lớp với con có cùng sở thích để thay phiên nhau đưa đón.
Một lớp học netball tại Úc.Chị Khánh Trần khuyến khích các bậc phụ huynh nếu còn do dự không biết có nên cho con học một bộ môn nào mới, hãy tham gia các lớp học thử.
Chị Khánh Trần khuyến khích các bậc phụ huynh nếu còn do dự không biết có nên cho con học một bộ môn nào mới, hãy tham gia các lớp học thử. Source: Supplied
Vai trò của cha mẹ

Cha mẹ không nên chỉ dừng lại ở vai trò làm tài xế cho con, mà nên cùng con tham gia vào những lớp học này.

“Mặc dù không thể có mặt trong tất cả các buổi học ngoại khóa của con, nhưng mình luôn sắp xếp để tham gia cùng con. Ví dụ như cuối năm, lớp netball của con có break-out party, để gặp các phụ huynh, bạn bè của con. Đó là dịp để mình hiểu xã hội thu nhỏ của con. Mình là tình nguyện viên ở đội netball và scout của con.

Hàng tuần mình đi xem con thi đấu, hỗ trợ huấn luyện viên. Khi mình tham gia vào các hoạt động này cùng con, con rất tự hào. Đó cũng là khởi đầu cho rất nhiều buổi trò chuyện với con”, chị Khánh Trần nói với SBS.

Khi nào nên rút lui?

Điều gì sẽ xảy ra nếu hoạt động ngoại khóa này không đáp ứng kỳ vọng của cha mẹ hoặc con muốn dừng lại?

Nếu trẻ không thực sự thích các lớp học ngoại khóa, hoặc nếu cách giảng dạy của huấn luyện viên không phù hợp, cha mẹ phải tìm ra nguyên nhân và giải pháp.

Ngoài ra, lịch hoạt động ngoại khóa không hợp lý sẽ làm ảnh hưởng đến sinh hoạt và sự phát triển của con.

Các hoạt động ngoại khóa là cơ hội để trẻ phát triển những kỹ năng mới. Không chỉ là học cách đánh một quả bóng chuyền bay qua lưới hay chơi một bản nhạc, trẻ còn được học các kỹ năng mềm như hoạt động đội nhóm hay thực hiện đúng cam kết đã đặt ra. Trẻ phát triển nhận thức về bản thân, hiểu được mình giỏi những mặt nào và điều gì khiến mình vui thích. Ngoài ra, việc thất bại, cảm xúc cay cú khi thua cuộc hoặc không giành được vai diễn yêu thích trong vở kịch cũng sẽ dạy trẻ cách ứng phó với nỗi thất vọng.

Ở các nước phương Tây, bên cạnh thành tích học tập, hoạt động ngoại khóa được coi là một trong những yếu tố giúp bạn nổi bật hơn so với các ứng viên khác trong các kỳ thi tuyển. Một trong những câu hỏi thường được dùng trong buổi phỏng vấn xin việc hoặc mở đầu cho câu chuyện tại bất kỳ môi trường nào là “Anh làm gì sau giờ làm việc hoặc anh có chơi môn thể thao nào không?

Nếu phụ huynh nào còn lưỡng lự trong việc khuyến khích con tham gia một lớp học ngoại khóa, thì năm mới 2020 sẽ là cơ hội tốt để cả gia đình cùng thử nghiệm.

Mời quý vị nghe phần phỏng vấn với chị Khánh Trần trong phần audio.

Share