Nuôi con ở Úc (13) Nhà có năm con, cuộc đầu tư sinh lời của mẹ

Chị Lâm Anh Đào và 5 đứa con: con trai cả Ngọc Thuận, con gái lớn Hồng Ngọc, Như Ngọc, Bích Ngọc, Doãn Ngọc.

Chị Lâm Anh Đào và 5 đứa con: con trai cả Ngọc Thuận, con gái lớn Hồng Ngọc, Như Ngọc, Bích Ngọc và Doãn Ngọc. Source: Supplied

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Chị Lâm Anh Đào sinh 5 đứa con tại Úc, con trai lớn đang học năm nhất đại học, con gái út vừa vào lớp một. Trong khi những người muốn mau giàu chọn đầu tư vào nhà đất, ai muốn phất lên nhanh chóng chọn sàn chứng khoán, còn chị Anh Đào chọn hình thức "yên lành" nhất, đầu tư vào con. Nuôi 5 đứa con nhưng chị vẫn thấy nhàn và dư dả chi phí, chắc hẳn phải có “bí kíp”.


Người mẹ kiên nhẫn và hạnh phúc

Không bao giờ nhận mình là người mẹ siêu nhân “supermom”, nhưng trong mắt nhiều người, quả thật “khó ai sánh được”. Chị Anh Đào đang quản lý nội dung cho website của một trường học, đi dạy piano vào mỗi cuối tuần, làm chủ một trang Facebook nổi tiếng chia sẻ hàng ngàn công thức nấu ăn và làm mẹ của 5 đứa con.

Từng đó công việc, nhưng chị vẫn nhận mình là một người mẹ nhàn. Con trai lớn nhất 18 tuổi đang học năm nhất đại học, con gái nhỏ nhất 7 tuổi, đang học lớp 1. Con gái lớn học lớp 11 và hai bé tiếp theo học lớp 7 và lớp 8.

Trong khi nhiều bà mẹ đang “mệt bở hơi tai” khi nuôi một đứa con, thì chị Lâm Anh Đào đã sớm tìm ra cách để “vận hành” ngôi nhà đông con của mình.

“Mình thiết lập một thời khóa biểu riêng, dạy con sống tự lập và sinh hoạt theo nếp của gia đình”, chị Anh Đào chia sẻ với SBS Việt ngữ.

Chị Lâm Anh Đào chú trọng vào việc dạy con tính tự giác. Chị cho SBS biết: “Mình huấn luyện các con từ nhỏ phải biết tự chăm sóc bản thân, phòng các con thì con tự lau dọn. Mình nói với với con rằng nếu các con thích sạch sẽ, con nên dậy sớm trước 15 phút để dọn giường, quần áo treo sẵn trước tủ để mai sáng dậy đi học”.

Tất cả các kỹ năng tự lập được mẹ Anh Đào dạy cho các con lớn một cách nghiêm túc. Cứ như vậy, anh chị chỉ bảo em, các con nhỏ của chị cứ nhìn theo gương anh chị lớn mà bắt chước. Nhờ vậy, chị Lâm Anh Đào luôn cảm thấy nhàn, không bị áp lực, đặc biệt là mỗi buổi sáng trước khi cả gia đình ra khỏi nhà đi học đi làm.

“Nhiều bà mẹ cứ mỗi sáng là gào thét nhắc nhở con quần ở đâu, sách vở đâu. Tuy nhiên mình không rơi vào tình huống này. Các con rất gọn gàng, nền nếp. Bàn học của các con luôn ngăn nắp, cẩn thận. Mình luôn dạy các con muốn học giỏi thì không gian học tập phải chỉn chu”.
“Tất cả các con đều làm với tinh thần trách nhiệm, không ai ép buộc. Mình không bao giờ đứng ở vị trí người mẹ và yêu cầu con phải làm cái này cái kia. Mình luôn nói con có thể giúp mẹ việc này không. Mình luôn ôm và nói cảm ơn con, trân trọng sự giúp đỡ con. Mình luôn dạy con chúng ta cùng sống dưới một mái nhà, việc giúp đỡ nhau là cần thiết”.
Chị Anh Đào tâm sự để các con nghe lời, bản thân chị phải làm gương, vì “nếu cha mẹ bầy hầy, lộn xộn thì làm sao đòi hỏi con cái gọn gàng”.

Bí quyết để chăm lo cho 5 đứa con đang tuổi ăn ngủ, đến trường của chị là quản lý thời gian một cách thông minh. Những lúc các con nghỉ ngơi, học bài vào buổi tối, chị lại loay hoay chuẩn bị việc nhà cửa, bếp núc để có thì giờ dành cho con.

“Mình dậy sớm, ngủ trễ hơn, để sắp xếp mọi thứ và chuẩn bị những món ăn cho con sẵn sàng. Vào buổi sáng mình sẽ đỡ bận rộn và có thời gian cho con”.

Phương châm giáo dục: không có tiếng la mắng và mẹ ngang hàng với con

Theo chị Lâm Anh Đào, trong một gia đình đông con, việc đầu tiên cha mẹ cần phải làm là không thiên vị.

“Mình phải cho các con cảm nhận tình thương của cha mẹ là đồng đều, không chỉ tình cảm mà cả vật chất. Nếu muốn các con hàn gắn, yêu thương, chăm sóc lẫn nhau, thì mình phải coi trọng các con như nhau. Sinh con ở Úc là việc dễ dàng, thế nhưng để nuôi dạy con là điều không đơn giản”.

Chị Anh Đào kể lại: “Khi mà Anh Đào sinh đứa con đầu tiên, mình có nhiều thời gian hơn, mình dùng thời gian đó để chuẩn bị cho việc sinh những bé sau”.

“Mỗi con có một tính cách khác nhau, không thể áp dụng một kiểu như công thức nấu ăn”.

Mà theo chị Anh Đào, phải uốn nắn từ từ như làm với một cây sắt. “Nếu con không làm được điều gì, mình đừng la mắng con. Cha mẹ hãy nhẹ nhàng. Đừng trông đợi kết quả ngay lập tức khi dạy dỗ các con, mà hãy cho con thời gian để con thay đổi. Khi các con cảm nhận được tình yêu và sự không thiên vị của mẹ, các con hiểu được rằng anh em nên giúp đỡ nhau, chia việc trong nhà để làm”.
Con gái út của chị Lâm Anh Đào tự động lau đôi giày lấm lem của mẹ sau cơn mưa
Con gái út của chị Lâm Anh Đào tự động lau đôi giày lấm lem của mẹ sau cơn mưa Source: Supplied
Khi chị Lâm Anh Đào chuẩn bị cơm, con gái lớn sẽ trải bàn, hai bé kế tiếp sẽ chuẩn bị chén đũa, dọn đồ ăn, con gái út sẽ chuẩn bị ly nước. Khi bữa cơm xong, các con gái sẽ dọn bàn, rửa chén, giặt khăn trải bàn.

Tất cả diễn ra đều đặn, nhịp nhàng mỗi ngày trong không khí vui vẻ khi tất cả các thành viên đều tham gia vào việc chuẩn bị bữa cơm gia đình.

“Tất cả các con đều làm với tinh thần trách nhiệm, không ai ép buộc. Mình không bao giờ đứng ở vị trí người mẹ và yêu cầu con phải làm cái này cái kia. Mình luôn nói con có thể giúp mẹ việc này không. Mình luôn ôm và nói cảm ơn con, trân trọng sự giúp đỡ con. Mình luôn dạy con chúng ta cùng sống dưới một mái nhà, việc giúp đỡ nhau là cần thiết”.

Do đó, chị Lâm Anh Đào không cần phải nhắc nhở các con trong mọi việc gia đình. Anh trai hướng dẫn em gái làm toán, chị gái phụ đạo thêm cho em môn tiếng Anh. Không ai bảo ai, tự xây dựng một nếp nhà yêu thương, tươm tất. Các con đi học về tự giác học bài, làm bài tập và phụ giúp mẹ việc nhà.

Tình yêu thương hòa quyện trong trách nhiệm

Có 5 đứa con, cả trai và gái ở những độ tuổi khác nhau cũng có nghĩa là chị Lâm Anh Đào phải đối diện với rất nhiều vấn đề trong hành trình làm mẹ. Đó có thể là việc dạy con út tiếng Việt, giúp con gái lớn kỹ năng giao tiếp, hay giúp con dàn xếp chuyện bất đồng với bạn bè ở trường và đối diện với những thay đổi trong tâm lý của con ở tuổi dậy thì.

Tất cả những vai trò này đều đòi hỏi sự kiên nhẫn, mà chị Lâm Anh Đào tự nhận mình là một người mẹ rất yêu con. Mẹ nào chẳng yêu con, nhiều người có thể phản biện như vậy, nhưng với chị Anh Đào, đó là một tình cảm mãnh liệt đến mức chị sinh liền tù tì 5 đứa con, mặc cho nhiều người thắc mắc “sinh làm gì 5 đứa nhiều dữ vậy, nuôi sao nổi”.

“Mình phải thật sự thích thì mới nên có con. Nếu không đủ khả năng thì đừng sinh con, bởi vì sinh con dễ lắm, nhưng nuôi con thành tài thì cực kỳ khó, trải qua rất nhiều giai đoạn, khiến người mẹ vô cùng áp lực. Mình rất yêu con nít”.
“Khi con tới trường mình mới đi làm. Khi con về nhà thì mình đã sẵn sàng chờ con trong bếp. Mình không muốn sau này tiếc nuối vì sao khi con nhỏ không dành thời gian cho con. Các con khi lớn lên đã thành tài, đi làm ăn xa, sống xa gia đình, lúc đó mình muốn gần con cũng không được nữa”.
“Khi Anh Đào quyết định sinh con, điều quan trọng nhất là mình phải biết mình nuôi được con và có đủ khả năng. Mình đọc không biết bao nhiêu quyển sách, bài báo, để rút ra kết luận cho riêng mình và tìm ra bài học cho việc dạy con.”

“Mình đừng bao giờ dùng vai trò làm mẹ để trò chuyện với con”. Chị Lâm Anh Đào tâm sự 5 đứa con của chị là 5 tiểu vũ trụ hoàn toàn khác nhau, trong đó con gái lớn là đứa bé nhút nhát, ít nói nhưng lại giàu tình cảm.
Thành tích học tập của 5 người con được mẹ Lâm Anh Đào cất giữ cẩn thận ở một góc nhà
Thành tích học tập của 5 người con được mẹ Lâm Anh Đào cất giữ cẩn thận ở một góc nhà Source: Supplied
“Mình luôn nói chuyện với con như một người chị, mình dành nhiều thời gian để tâm tình với con, đủ mọi chủ đề từ bạn bè, trường lớp, môn học để hiểu thêm con mình và giúp con cởi mở hơn, chọn được ngành học mà con thấy yêu mến”.

Nhiều người cho rằng ở Úc được chính phủ tài trợ hết việc học hành cho con cái, nhưng đó chỉ là một phần. Theo chị Lâm Anh Đào, người mẹ phải tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu và chuẩn bị kỹ lưỡng để tìm hiểu sở thích, đam mê, nguyện vọng của các con, từ đó giúp con thực hiện mơ ước.

Như bao nhiêu người mẹ Việt khác, chị Anh Đào chia sẻ chị từng rất bận rộn trong khoảng thời gian đầu mới đến Úc và sinh con đầu lòng. Lịch làm việc của chị gần như dày đặc và con trai lớn phải dành hầu hết thời gian ở nhà trẻ, trường mẫu giáo.

Sau khi chuẩn bị kinh tế sẵn sàng, chị tiếp tục sinh thêm con thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ năm và dành hầu hết thời gian cho con. Công việc hiện tại cho phép chị đưa đón các con đi học và luôn có mặt sẵn trong bếp mỗi buổi chiều để chào đón các con đi học về với những bữa cơm ngon lành.

“Khi con tới trường mình mới đi làm. Khi con về nhà thì mình đã sẵn sàng chờ con trong bếp. Mình không muốn sau này tiếc nuối vì sao khi con nhỏ không dành thời gian cho con. Các con khi lớn lên đã thành tài, đi làm ăn xa, sống xa gia đình, lúc đó mình muốn gần con cũng không được nữa”.

“Mình hạnh phúc khi được làm tài xế đưa đón con đi học và nấu những món ăn ngon lành chờ con trở về”.

Khi được hỏi chị nhận thấy làm cha mẹ ở Úc có khác biệt gì so với cha mẹ ở Việt Nam, chị Lâm Anh Đào chia sẻ: “Nhiều người cho rằng làm cha mẹ ở Úc được tận hưởng những đãi ngộ của chính phủ và có nhiều điều kiện hơn, thế nhưng chính sự trợ giúp của chính phủ khiến cha mẹ áp lực. Bởi vì thiếu kiên nhẫn thì các con dễ dàng rời xa cha mẹ, sống quá độc lập với tâm lý “mọi thứ đã có chính phủ lo”.
“Khi Anh Đào quyết định sinh con, điều quan trọng nhất là mình phải biết mình nuôi được con và có đủ khả năng".
“Khi Anh Đào quyết định sinh con, điều quan trọng nhất là mình phải biết mình nuôi được con và có đủ khả năng". Source: Supplied
Bí quyết để dạy dỗ 5 đứa con và chèo lái mái nhà hạnh phúc của chị Anh Đào là sự kiên nhẫn. Theo chị, sự kiên nhẫn và không thiên vị sẽ là chìa khóa mở cửa hạnh phúc và trái tim của các con.

Chị Anh Đào chú trọng dạy con cách giao tiếp ứng xử, tính trách nhiệm, thành thật  và kiến thức. Theo chị đây là những kỹ năng giúp con đối diện với những thử thách trong cuộc sống.

Đầu tư mang lại lợi nhuận

Khi nói về việc đầu tư cho con, chị Lâm Anh Đào từng viết: “Đầu tư như một ván bài, mà người ta bỏ hết tâm huyết cũng như tiền bạc vào nó. Có rất nhiều dạng đầu tư. Ai muốn mau giàu đầu tư vào nhà đất. Ai muốn phất lên nhanh chọn sàn chứng khoán. Ai muốn "yên lành" thì đầu tư vào con.

Nhà đất mình cũng đã thử qua, khi giá nhà còn rất rẻ (1999). Chứng khoán đang chơi nhưng có hơi nặng óc vì tính toán. Riêng khoản đầu tư cho con là mình tâm đắc và ưng ý nhất, vì mảng đầu tư này mình chắc chắn 100 % mang lại lợi nhuận cho con.
“Đầu tư như một ván bài, mà người ta bỏ hết tâm huyết cũng như tiền bạc vào nó. Có rất nhiều dạng đầu tư. Ai muốn mau giàu đầu tư vào nhà đất. Ai muốn phất lên nhanh chọn sàn chứng khoán. Ai muốn "yên lành" thì đầu tư vào con."
Khi con mình bước vào tiểu học, mình đã đầu tư cho con vào ngôi trường khá ổn với những chương trình học nhẹ nhàng nhưng hiệu quả. Thành tích học sinh được nhà trường gởi về theo từng tháng và bạn không có gì lo khi con chưa giỏi. Vì ở đây đã có một lớp đặc biệt dành cho các bé. Giáo viên sẽ kèm và chỉ dẫn thêm cho đến khi bé bắt kịp chương trình. Tuy là môi trường tốt nhưng lệ phí không cao. Điểm khó khăn là bạn phải có nhà nằm trong khu vực (school zone). Vì vậy để thực hiện điều này mình đã có vài năm đầu tư nhà đất.
Theo chị Lâm Anh Đào, trong một gia đình đông con, việc đầu tiên cha mẹ cần phải làm là không thiên vị.
Theo chị Lâm Anh Đào, trong một gia đình đông con, việc đầu tiên cha mẹ cần phải làm là không thiên vị. Source: Supplied
Nhưng đây chỉ là bước khởi đầu khi bé còn học tiểu học, để bé có một kiến thức tạm gọi là giỏi, mình đã lục tung từ sách, đến mạng thông tin để tìm các chương trình tự học tại nhà và cuối cùng cũng đã tìm ra các chương trình thiết thực vừa ý như: luyện thi toán, luyện viết văn... Nhờ chịu khó làm bài và học hỏi từ internet mà con mình đã thi vào được trường điểm và hưởng 50% học bổng . Đây là một trong những lợi ích khi nhà có máy điện toán và bé biết sử dụng đúng mục đích.

Những năm gần cuối trung học, mình hướng dẫn cho con đầu tư vào những môn có liên quan đến ngành con thích. Ngoài việc học trong sách, mình còn chỉ con tìm giải các đề bài của các năm cũ (hơn 100 đề) với đủ thể loại khác nhau. Mọi thứ không phải lập lại một lần mà phải nhiều lần để hạn chế sai sót. Mình thường khuyến khích và nói với con như thế. Trong quá trình con học, cũng có lúc con "choáng" vì không thể hiểu hết (vì có những bài chưa học qua). Thế là tối đó mình hoặc ông xã có thể thức thêm vài tiếng để cùng con...ngồi học.

Năm cuối cùng có thể nói một năm quyết định tương lai của con thì mình không còn thúc đẩy , mình để con tự tìm-tự học. Bạn sẽ hỏi tại sao thế? Đây là năm quan trọng cơ mà. Thật thà mà nói nếu bạn không đầu tư từ những năm trước, chờ năm cuối bạn mới đầu tư là hơi muộn, thậm chí lúc này bạn cứ réo rít bên con chỉ khiến con thêm hoang mang và mất định hướng vì áp lực.

Nhờ con chịu học và có thể nói nhờ chịu khó đầu tư trong suốt thời gian dài, mình đã hài lòng với kết quả VCE của con. Biết là còn vài năm con "bon chen" trong môi trường đại học để lấy được tấm bằng mà con từng ước thì con vẫn còn cố gắng nhiều hơn và cha mẹ cũng sẽ tiếp tục đầu tư cho đến khi con đủ sức bay xa. Chỉ với hy vọng ra trường, con có thể giúp mọi người có nụ cười tỏa nắng", chị Lâm Anh Đào tâm sự.

Share