Nuôi con ở Úc (4) Khi bữa ăn là cuộc chiến, mẹ là phe địch

Susie and Sophie grow their own vegetables.

Susie and Sophie grow their own vegetables. Source: Supplied by Dr Khanh Tran

Trong những lần dẫn con đi vui chơi ở các nhóm sinh hoạt trẻ em (play group), tôi nhận ra trong khi nhiều mẹ Việt hì hục chạy theo đút từng muỗng cháo cho con ăn lúc trẻ đang nô đùa cùng bạn bè, nhiều mẹ Tây vẫn bình thản cho phép con họ ăn và vương vãi thức ăn liên tục ra sàn nhà. Tôi chợt nhớ lời khuyên của chuyên gia dinh dưỡng Khánh Trần “con Việt biếng ăn phần nhiều là do gia đình”.


Không ít người mẹ tâm sự bữa ăn của con như là trận chiến, mẹ là phe địch liên tục nhét thức ăn vào mồm con, trong khi trẻ gào khóc, lắc đầu nguây nguẩy.

Nhiều người cho rằng để con được đói, con sẽ ăn được hơn. Một số cha mẹ khác lại bày nhau mua men vi sinh probioctic hay men tiêu hóa để kích thích con ăn ngon miệng. Thực hư ra sao?

Tiết mục Nuôi con ở Úc tuần này sẽ tìm hiểu nguyên nhân và cách xử trí khi con biếng ăn với khách mời là tiến sĩ, chuyên gia dinh dưỡng Khánh Trần.

Thế nào là biếng ăn?

Nhiều người Việt thường cho rằng con mình biếng ăn và con Tây ít biếng ăn hơn. Biếng ăn (tiếng Anh thường gọi là picky eater) có thể gặp ở bất kỳ trẻ nào. Thế nhưng chuyên gia dinh dưỡng Khánh Trần cho rằng mẹ Việt thường chú tâm đến chuyện ăn uống của con hơn và kỳ vọng con ăn nhiều hơn sức của con nên đâm ra lo lắng thái quá.

Các biểu hiện của biếng ăn gồm: ăn quá ít, ngậm không chịu nhai, nhai không chịu nuốt, ăn không ngon miệng, ăn chậm, bữa ăn kéo dài hàng tiếng đồng hồ, thậm chí một số bé khóc khi đến bữa ăn, yêu cầu cha mẹ mở tivi, điện thoại hoặc phải đi rong mới chịu ăn…

Nếu con chỉ ăn ít đi một hai bữa hoặc thời gian biếng ăn không kéo dài, TS Khánh Trần cho rằng cha mẹ không nên lo lắng quá. Bởi biếng ăn kéo dài thường biểu hiện ở trình trạng sức khỏe của con như: thiếu năng lượng, thiếu vi chất, mệt mỏi, khó chịu, quấy khóc, má hóp, mắt trũng, da khô, ngủ không ngon…
Biếng ăn xảy ra khi con không chịu ăn, đòi hỏi tivi, ipad hoặc đi chơi rong
Biếng ăn xảy ra khi con không chịu ăn, đòi hỏi tivi, ipad hoặc đi chơi rong Source: Getty Images

Nguyên nhân trẻ biếng ăn?

Chuyên gia dinh dưỡng Khánh Trần chia thành 3 nhóm nguyên nhân chính:

Biếng ăn do sinh lý hoặc khi con bị bệnh
Khi trẻ bị viêm họng, viêm tai, cần uống kháng sinh. Khi trẻ bị rối loạn tiêu hóa, sình bụng, trẻ đang yếu trong người trẻ sẽ mất vị giác. Khi trẻ mọc rang, trẻ sẽ biếng ăn. Sau khi khỏe lại, trẻ sẽ ăn uống tốt như trước kia.

Biếng ăn sinh lý xảy ra theo giai đoạn phát triển cột mốc của con: khủng hoảng tuổi lên 2, lên 3. Đó là những cột mốc phát triển về tâm sinh lý, cơ thể của con chú trọng phát triển về trí não, tâm lý nên cơ thể bỏ quên nhu cầu năng lượng của cơ thể. Khi trẻ trải qua giai đoạn như vậy sẽ biếng ăn. Mẹ bình tĩnh chờ con vượt qua giai đoạn này.

Biếng ăn về tâm lý
Biếng ăn do tâm lý là nguyên nhân thường gặp nhất, do cha mẹ không hiểu tâm lý trẻ. Biếng ăn tâm lý thường xảy ra khi trẻ có cảm giác bị ép buộc ăn quá nhiều, bị bỏ rơi, bị gò bó vào một khuôn khổ nào đó hoặc có chuyện buồn ở trường lớp, trong gia đình có chuyện, bạn thân chuyển trường… TS Khánh Trần chia sẻ những chuyện này đều ảnh hưởng đến tâm lý của con.

Khi thấy trẻ nhỏ biếng ăn hơn các trẻ cùng lứa tuổi, nhiều người cứ nghĩ do trẻ chán ăn mặc dù trẻ vẫn tăng cân và chiều cao đều đặn. Thật ra là do các bậc phu huynh lo lắng quá nhiều, vì khi so sánh với trẻ hàng xóm, thực tế thì hàm lượng các chất dinh dưỡng trong bữa ăn của các gia đình khác nhau là khác nhau.
Tiến sĩ, chuyên gia dinh dưỡng Khánh Trần cho rằng các bé biếng ăn phần lớn là do gia đình
Tiến sĩ, chuyên gia dinh dưỡng Khánh Trần cho rằng các bé biếng ăn phần lớn là do gia đình Source: Supplied
Biếng ăn do gia đình
Nhiều gia đình tập cho con có thói quen ăn uống không lành mạnh. Một số phụ huynh thường nghĩ, trẻ ăn vặt sẽ giúp bù lại lượng dinh dưỡng chưa cung cấp đủ và  giúp trẻ nhanh tăng cân. Thế nhưng, đồ ăn vặt được nhiều trẻ yêu thích như khoai tây chiên, snack, xúc xích, gà rán chứa rất nhiều phụ gia và chỉ có năng lượng rỗng.

Khi trẻ ăn quá nhiều, đến bữa ăn chính, trẻ không muốn ăn cơm và thức ăn nữa, lâu dần trở thành thói quen khiến trẻ trở nên vô cùng biếng ăn.

Cách giúp trẻ ăn ngon miệng?

Tạo niềm vui và sự hứng thú cho mỗi bữa ăn. Mỗi bữa ăn là một trải nghiệm vui vẻ, hạnh phúc của cả gia đình.

Với gia đình của chuyên gia dinh dưỡng Khánh Trần, bữa ăn là nơi cả gia đình sum họp, chia sẻ những câu chuyện xảy ra trong ngày, không có tivi, điện thoại hay iPad. Không khí vui vẻ này khuyến khích hai con gái của chị tham gia vào bữa ăn của gia đình, mạnh dạn thử các món ăn mới và thưởng thức các món ăn mà mẹ nấu một cách ngon lành.
Tự trồng rau và ăn rau của mình trồng là một trải nghiệm thú vị với Susie
Tự trồng rau và ăn rau của mình trồng là một trải nghiệm thú vị với Susie Source: Supplied
Đa dạng thực đơn. Mỗi đứa trẻ sẽ có một nhu cầu, sở thích và khẩu vị khác nhau. Một món ăn được trang trí đẹp mắt dễ hấp dẫn trẻ hơn nhiều.

Thiết lập quy tắc bàn ăn. Mẹ hãy ghi nhớ 3 không: không tivi - không đi rong - không đồ chơi. Nguyên tắc này cần được thực hiện nghiêm túc ngay từ khi trẻ bắt đầu ăn dặm.

Cha mẹ hãy dừng bữa khi bé không còn muốn ăn thêm. Mẹ chỉ nên đóng vai trò hướng dẫn, khuyến khích con ăn. Nếu bé không muốn ăn và đã thấy no, bạn hãy tôn trọng quyết định của bé. Khuyến khích và khen ngợi. Mọi trẻ em đều thích được khen. Chính vì vậy, nếu bé thử một loại đồ ăn mới, hãy khen ngợi con một cách nhiệt tình và vui vẻ.

Chị Khánh Trần chia sẻ kinh nghiệm của chị trong việc khuyến khích cô con gái nhỏ ăn nhiều rau xanh. Khu vườn nhỏ phía sau nhà của chị là nơi trồng nhiều loại rau xanh khác nhau, Sophie được mẹ khuyến khích phụ mẹ tưới rau, hái rau vào làm bữa tối. Việc tham gia vào quy trình trồng trọt, thu hoạch khiến cô bé Sophie vô cùng hạnh phúc khi tận hưởng thành quả của mình.
Việc tham gia vào chuẩn bị bữa ăn giúp mẹ khiến Sophie và Susie thích thú hơn
Việc tham gia vào chuẩn bị bữa ăn giúp mẹ khiến Sophie và Susie thích thú hơn Source: Supplied
Trong khi đó thì với con gái lớn là Susie, TS Khánh Trần chia sẻ hai mẹ con đã có một trải nghiệm nhớ đời khi cùng nhau “nhịn ăn”. Sau lần “bỏ đói” và nhịn đói cùng mẹ, cô gái lớn của chị Khánh đến bây giờ vẫn còn nhắc lại kỷ niệm xương máu “bị đói bụng hỏng vui chút nào” và trân trọng các món ăn hơn.

Có hay không thuốc trị biếng ăn?

Tùy thuộc vào lý do trẻ biếng ăn mà mẹ có thể tìm cách để giúp trẻ. Với những trẻ biếng ăn do hệ thống tiêu hóa có vấn đề, mẹ có thể cải thiện hệ thống tiêu hóa ở trẻ bằng cung cấp các enzym tiêu hóa, giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột của trẻ, tăng cường chức năng hệ tiêu hóa, giúp làm trống ống tiêu hóa, tạo cho trẻ cảm giác nhanh đói, cải thiện chứng biếng ăn của trẻ.

Nếu con bị biếng ăn tâm lý thì giúp con giải tỏa các vấn đề tâm lý, hình thành thói quen ăn uống tốt và lành mạnh. Khi con bị bệnh, có thể điều chỉnh bữa ăn của con phù hợp hơn. Ví dụ như nấu thức ăn loãng, mềm khi con đang mọc răng; cho con ăn nhiều trái cây và các thức ăn dễ tiêu hóa

Chuyên gia dinh dưỡng Khánh Trần chia sẻ nhiều loại thuốc trị biếng ăn phổ biến ở Việt Nam thường chứa nhiều vi chất như kẽm, khoáng chất tham gia vào quá trình tiêu hóa của trẻ. Do đó trẻ có thể ăn nhiều hơn trong một thời gian ngắn. Nhưng việc này không kéo dài, do đó mẹ cần giúp trẻ hình thành thói quen ăn uống lành mạnh, thay vì trông chờ vào các loại thuốc trị biếng ăn.

Đọc thêm các bài viết về dinh dưỡng của tiến sĩ, chuyên gia dinh dưỡng Khánh Trần tại

 __

Đón nghe tiết mục Nuôi con ở Úc phát thanh trên SBS Radio mỗi tối thứ Ba hàng tuần lúc 8pm. Gặp gỡ, chuyện trò và chia sẻ kinh nghiệm  nuôi dạy con với các chuyên gia, các bậc cha mẹ xung quanh chúng ta.


Share