Quay trở lại trường học an toàn giữa lúc chờ đợi vaccine xuất hiện

Preparing a classroom for returning to school classes.

Preparing a classroom for returning to school classes. Source: Getty

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Lại một năm học mới bắt đầu, tuần này tất cả giáo viên và học sinh đã quay trở lại trường học trên khắp nước Úc. SBS tìm hiểu về các biện pháp tiêm chủng mà chính phủ dự định sẽ mang đến cho các trường học như thế nào, cũng như làm sao giới chức bảo vệ sự an toàn cho thầy cô và học sinh khi chương trình tiêm chủng được khai triển.


Năm ngoái hàng chục ngôi trường ở Úc đã đóng cửa để làm vệ sinh, sau khi có ca nhiễm coronavirus, cũng như hàng chục ngàn học trò lần đầu tiên trong đời phải học từ nhà.

Các tổ chức của cộng đồng giáo chức nói Úc có thể tránh được việc đóng cửa trường học trong năm nay nếu phổ biến việc tiêm chủng tới tất cả nhân viên trường học khi vaccine có mặt tại Úc.

Hiện nay các giáo viên không thuộc nhóm ưu tiên được tiêm vaccine đầu tiên, có nghĩa rằng họ chỉ có thể được tiêm vaccine coronavirus nếu tuổi cao hoặc có một căn bệnh nền nằm trong danh sách ưu tiên.

Thư ký Hiệp Hội Giáo dục Độc lập Mark Northam nói chính phủ cần phải thay đổi chuyện này.

‘Chúng tôi tin rằng các thành viên của trường học nên được bao gồm trong danh sách tiêm chủng giai đoạn 1 hoặc giai đoạn 2. Chúng tôi tin rằng việc giáo dục không thể bị gián đoạn trong năm 2021 nữa. Chúng tôi không cho đây là một cuộc đua, chúng tôi cũng không nói đùa chỉ để có được một vị trí trong chương trình tiêm chủng. Mà chúng tôi chỉ muốn vỗ vai chính phủ và nói hãy cho chúng tôi tiêm sớm. Chỉ cần 1 học sinh hay một cô giáo bị là cả trường phải đóng cửa. Chúng tôi không muốn nhìn thấy điều đó trong năm 2021.’

Các nước khác nhau có những phương pháp tiêm chủng khác nhau và đi theo nhiều hướng tiếp cận khác nhau.

Nga cho phép các giáo viên được tiếp cận vaccine Sputnik V đầu tiên, và nay một thỉnh nguyện thư tại Anh cũng đòi hỏi giáo viên phải nằm trong nhóm ưu tiên, đã thu được gần nửa triệu chữ ký.

Ông Northam nói mặc dù các giáo viên đã rất cố gắng để thích nghi với môi trường học tập bị thay đổi trong năm 2020, nhưng quả thật mọi thứ đều không dễ dàng, và nhiều người lo ngại hơn khi năm học mới bắt đầu.

‘Tất nhiên là chúng tôi rất lo lắng khi quay trở lại trường học. Nhiều thành viên cho biết họ có thể quản lý những tình huống phức tạp, và có thể điều khiển việc dạy và học theo hướng online. Nhiều người quả là đã tạo nên điều kỳ diệu tại các trường học trong năm qua. Chúng tôi thật sự thấy ấn tượng với khối lượng công việc mà họ đã làm. Nhưng quả thật rất khó khăn khi giáo viên vừa dạy vừa đeo khẩu trang trong lớp.’

Kế hoạch tiêm chủng của Úc ưu tiên cho những người có nguy cơ lây nhiễm cao cũng như những ai có thể bị bệnh nặng nếu nhiễm coronavirus.

Ông Chris Moy thuộc Hiệp hội Y khoa Úc nói mặc dù các thầy cô giáo đóng vai trò cần thiết trong xã hội, nhưng vai trò của họ không thuộc nhóm nguy cơ cao nếu bị nhiễm COVID-19.

‘Ai cũng thấy cấp bách hết, nhưng chúng tôi đánh giá sự cấp bách dựa trên mối dây liên hệ khi một ca nhiễm lây nhiễm cho người khác. Và nếu sắp đặt thứ tự ưu tiên theo chiều hướng này thì chúng ta thấy có cả một hàng dài. Chẳng hạn, tôi nghĩ đến những nhân viên làm nhiệm vụ cách ly tại khách sạn, những nhân viên chăm sóc người cao niên và làm việc trong viện dưỡng lão, những nhân viên của nhà thương, và nhân viên cảnh sát. Họ thuộc nhóm ưu tiên cao hơn vì khả năng lây nhiễm của họ sẽ dẫn đến những nguy cơ cao hơn. Vì vậy, chúng ta cần xem xét tất cả mọi yếu tố và nguy cơ, những ai dễ mắc COVID hơn và khi bị nhiễm, những ai dễ lây ra ngoài cộng đồng rộng lớn, cũng như những ai sẽ bị mắc bệnh nặng khi nhiễm virus.’

Úc đã thay đổi kế hoạch tiêm chủng vào ngày 25/1 vừa qua, trong đó, ở giai đoạn 2b, trẻ em vị thành niên 16 tuổi trở lên có thể được tiêm chủng, thay vì trước đây phải trên 18 tuổi mới được tiêm chủng.

Trong khi đó, theo kế hoạch này, thì các em dưới 16 tuổi nếu muốn tiêm vaccine phải có ý kiến bảo đảm của bác sĩ hoặc đề nghị từ giới chức y khoa.

Tuy nhiên, khi Úc chuẩn thuận đặt hàng liều vaccine đầu tiên là Pfizer/BioNTech vào hôm thứ hai, thì trong điều kiện phê chuẩn có cho biết vaccine này chỉ tiêm phòng cho trẻ em trên 16 tuổi. Vì vậy, để có thể tiêm chủng cho trẻ dưới 16 tuổi, chúng ta cần phải đợi thêm 1 sự phê chuẩn chính thức nữa từ giới chức.

Bác sĩ nhi khoa về bệnh truyền nhiễm và cũng là giám đốc Trung tâm quốc gia về Nghiên cứu và Theo dõi Tiêm chủng, giáo sư Kristine Macartney nói có thể phải mất đến hàng năm trời thì trẻ nhỏ mới được tiêm vaccine coronavirus.

‘Mặc dù đã có một số loại vaccine COVID-19 được cấp phép ở các quốc gia, nhưng không có một loại vaccine COVID-19 nào trên thế giới cho đến nay cho phép tiêm chủng cho trẻ em dưới 16 tuổi. Vì vậy, có lẽ phải mất một khoảng thời gian, thậm chí không thể xảy ra trong năm nay, để trẻ em có thể được tiêm vaccine này. Điều này phản ánh sự cần thiết phải tiêm chủng cho các khu vực bị tổn thương và cần được bảo vệ trước hết, trong giai đoạn đầu này, nhằm kiểm soát được dịch bệnh đã’.

Vì vậy nếu nhân viên và học sinh không thể được ưu tiên tiêm vaccine, thì các trường học phải làm gì để bảo vệ an toàn?

Mỗi trường học đều tuân theo quy định riêng tại từng tiểu bang và vùng lãnh thổ, nhưng ngoài ra Hội đồng Bảo vệ Sức khỏe Úc (AHPPC) đã gởi đến mọi trường học bản hướng dẫn chi tiết nhằm bảo vệ học sinh và thầy cô trong thời COVID.

Các hướng dẫn bao gồm chia nhỏ lớp học, sắp xếp lại thiết bị trong lớp để tối đa hóa không gian, và nếu có thể, thay đổi giờ nghỉ giải lao khác nhau đối với các cấp học khác nhau để tránh việc học sinh từ lớp nhỏ đến lớp lớn trộn lẫn vào nhau trong cùng một giờ nghỉ.

Giáo sư nói điều quan trọng là luôn giữ khoảng cách, ngay cả khi số ca nhiễm là 0.

‘Có nhiều biện pháp hiệu quả, và tôi nghĩ chỉ là vấn đề chỉnh sửa quy định mà thôi, cho kế hoạch tiêm chủng năm nay. Nhưng cho đến nay thì mọi thứ diễn ra rất tốt. Có nhiều cách an toàn lúc này chẳng hạn quy định học sinh tham gia sinh hoạt cùng nhau như thế nào, họ có thể tham gia những hoạt động gì ở trường, việc lau chùi và dọn vệ sinh trong lớp ra sao, nếu phụ huynh đến thăm trường thì phải bảo đảm tỉ lệ xét nghiệm cao, và khi cảm thấy không khỏe, giáo viên và học sinh không nên đến lớp, cũng như nhanh chóng thông báo cho giới y tế để khoanh vùng ngay những người có liên hệ gần gũi, nếu chẳng hạn bị dương tính coronavirus, và sau đó sẽ phải cách ly đầy đủ.’

Chương trình tiêm chủng của Úc sẽ bắt đầu vào cuối tháng Hai, và những liều vaccine Pfizer-BioNTech đầu tiên đã được đặt hàng.

Share