Hạt giống yêu thương (238) Ký ức tháng Tư: Sài Gòn giải phóng tôi

Sài Gòn 1963

Sài Gòn 1963 Source: Images of courtesy

Ấn tượng về một Sài Gòn văn minh phồn hoa nhưng nề nếp, ấn tượng về cuộc sống và thần thái của con người ở đây từ những văn nghệ sĩ miền Bắc đầu tiên vào Sài Gòn sau ngày "giải phóng". Sài Gòn mở ra cho họ một thế giới hoàn toàn khác đầy ánh sáng, một thế giới có thật...


Qua các kỳ 'Ký ức tháng Tư', quý vị đã nghe những ký ức rất đau buồn của những người bên phía thua cuộc, những người lính Việt Nam Cộng Hòa phải đi cải tạo, đi vượt biên bị cướp bị hiếp, bị bắt cóc bị mất tích... những ám ảnh không mờ phai trong tâm trí của những người đã trãi qua.

Đó là chuyện của Hồng, cậu bé 15 tuổi sống ở ngay ngôi làng phía ngoài Thành cổ Quảng Trị đã chứng kiến đủ từ mùa hè Đỏ lửa 1972 trên Đại Lộ Kinh Hoàng đến cuộc tháo chạy tán loạn vào tháng Ba năm 1975.

Đó là chuyện của Vân 6 tuổi chứng kiến mẹ và một người thân của mình bị hải tặc bắt đi không về.

Đó là chuyện của Yến trong ngọc trắng ngà con gái lớn dậy thì 15 tuổi của một gia đình gốc Hoa nề nếp bị xua ra khỏi Việt Nam, tưởng rằng đi "bán chính thức" là dễ dàng hơn thế nhưng đoạn trường thì chỉ có một sức sống mãnh liệt và lòng quả cảm mới có thể vượt qua nỗi.

Đó là Đạo với những ngày ngơ ngác trên đảo vì những gì đã nghe đã thấy. Trĩu lòng anh đến tận bây giờ. Buồn.

Đó là tâm sự là ký ức của những người phía bên thua cuộc.

Vậy ký ức về Sài gòn sau ngày 30/4 từ những người bên phe thắng cuộc thì sao?

Mời vào phần audio để nghe toàn bộ nội dung

Phải chăng Sài Gòn là thành phố của ăn chơi sa đọa, của ngụy quân ngụy quyền, của phồn hoa giả tạo là thủ đô của rác như chính quyền mới gán ghép miệt thị Sài Gòn mà Nhà thơ Đỗ Trung Quân đã không giấu hết được cay đắng khi liệt ra những nhãn mác xấu xí mà chính quyền mới dán cho nơi này trong bài 'Tạ Lỗi Trường Sơn'

Của xì ke, gái điếm, cao bồi
Của tình dục,ăn chơi
“Hiện sinh – buồn nôn – phi lý!!!”
rằng con trai Sài Gòn không lưu manh cũng lính nguỵ
Con gái Sài Gòn không tiểu thư khuê các, cũng đĩ điếm giang hồ
Các anh bảo Sai Gòn là trang sách “hư vô”
Văn hoá lai căng không cội nguồn dân tộc

Những luận điệu tuyên truyền này gây ra một cảm không khủng khiếp với người miền Nam và tạo một ảo tưởng không nhỏ đới với người miền bắc rằng họ đã "giải phóng miền Nam" ra khỏi những thói hư tật xấu đó.
Nhà văn Dương Thu Hương trong lần trả lời phỏng vấn năm 2006 ở Hoa kỳ nói, ngày 30/4 bà là trong số những người đầu tiên vào Sài gòn.

Khi nhìn tận mắt nhìn thấy thành phố này thấy con người Sài Gòn và cuộc sống Sài Gòn bà ngồi bệt ngay xuống vỉa hè và ồ khóc như cha chết.

Nghệ sĩ Ái Vân trong một lần trả lời phỏng vấn BBC cũng cho biết, đến năm 1976 cô mới vào Sai Gòn nhưng tận mắt chứng kiến Sài gòn cô cảm giác mình bị rơi tự do.

“Hồi ấy, ai cũng mong chấm dứt chiến tranh, để tận mắt thấy miền Nam ‘cờ hoa đón chào quân giải phóng hai bên đường’. Nhưng khi ngày 30/04/1975, khi đi cùng đoàn xe đến Quảng Trị, tôi chỉ thấy cảnh hỗn loạn, khiến mình ngơ ngác ghê lắm. Vào đến Sài Gòn, tôi thấy ngỡ ngàng vì cuộc sống trong Nam rất ổn định, người dân lịch sự, họ sống tiện nghi còn người miền Bắc mới vào như tôi thì giống như nhà quê ra tỉnh. Những điều tôi biết và hình dung về miền Nam khi ấy đã đảo lộn hết cả, giống như mình bị rơi tự do”.

Và nhà văn Nguyễn Quang Lập một nhà văn gốc Quảng Bình, có một bài chia sẻ về cảm xúc của ông khi lần đầu tiên vào Sài Gòn trong bài viết với tên là "Sài Gòn giải phóng tôi".

Bài viết không chỉ về cảm nhận Sài Gòn từ chính ông khi trực tiếp diện kiến đắm mình trong không gian văn vật ấy mà Sài Gòn đã xâm lấn vào ông từ trước khi ông đắt chân đến.

Sài Gòn hay nói rộng ra Việt Nam Cộng Hòa đó đã tìm đến ông với những cây viết bi kỳ diệu không cần chấm vào mực cũng viết được, những gói mì tôm ngon chưa từng thấy, và đám bạn sinh viên Bách Khoa Hà Nội của ông không thể tưởng tượng có một nơi trên đời lại có món ăn ngon lẫm liệt đến như vậy.

Nhà văn Nguyễn Quang Lập cho phép bài viết của mình được chia sẻ trong chương trình.

Kính mời quý vị cùng nghe "Sài Gòn giải phóng tôi" của Nguyễn Quang Lập

Những ngày này trên khắp các con đường khu phố từ thành thị tới thôn quê khắp miền Nam đâu đâu cũng giăng biểu ngữ cờ đỏ "Nhiệt liệt chào mừng ngày giải phóng miền Nam."

Và không chỉ có tháng Tư mà trước đó từ tháng Ba, khắp các tỉnh khác từ Huế trở vào Sài Gòn, đúng ngày Việt Cộng tràn ngập tỉnh mình, chính quyền cũng tổ chức ăn mừng.

Tác giả Phan Hồ Lê không giấu nổi sự kinh ngạc này trong bài viết đăng trên Tiếng Dân 

"Những người lương thiện ngạc nhiên khi ngày 25/3 ở Huế với băng rôn, pano, khẩu hiệu… tràn ngập thành phố, buổi tối trong mấy ngày liền sân khấu diễn kịch, ca hát còn được dựng lên. Có khu phố còn mời các nghệ sĩ từ Hà Nội vào, từ Sài Gòn ra, với tiền catse rất cao. Hình như người Huế bây giờ đã quên đi thảm họa Tết Mậu Thân khi Việt Cộng tấn công và chiếm thành phố gây ra tai họa nhà cháy, cầu cống bị phá hủy, người chết là dân thường hơn sáu ngàn người? Chắc chắn rằng người dân Huế sống thời đó vẫn nhớ, không ai quên những người Huế đã bị chôn sống dưới các hố chôn tập thể, nhưng chính quyền mới thì cố tình quên, nên đã ăn mừng với tinh thần vui như tết. "

Và ông cũng chỉ ra "Tuyên giáo Trung ương có công văn hướng dẫn các địa phương tổ chức ăn mừng hoành tráng ngày 30/4."

Những ngày này, nếu còn chút lương tri, xin dành một phút lặng để nhớ về đồng bào mình những người đã ngã xuống trong cuộc chiến từ cả hai phía,

Ngày 30/4 đánh dấu hàng ngàn người chết trong các trại cải tạo, dánh dấu thời kỳ người Việt tản mác khắp bốn phương trời, và hơn 40 năm qua vẫn tiếp tục ra đi.

Ngày 30/4 đúng hơn là một ngày để tang cho dân tộc.

Đồng hành cùng chúng tôi, Follow & Like 
Cập nhật tin tức mọi lúc mọi nơi tại 
Nghe SBS tiếng Việt trên trang mạng, hay trên ứng dụng SBS Radio, tải về từ hay 


 

 

Share