Du học ở Úc (139) Nhà tuyển dụng tìm kiếm gì ở các sinh viên mới tốt nghiệp?

What employers looking at the joob seekers?

What employers looking at the joob seekers? Source: Pixabay

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Nếu đã có mong muốn được làm việc trong một công ty cụ thể nào đó, ví dụ như Telstra, Resmad, Appliances Online, Sydney Water... thì hẳn là các bạn thường hay thắc mắc những công ty này muốn tìm kiếm những tố chất gì ở ứng cử viên?


Tại Triển lãm Việc làm của Đại học New South Wales, trường này đã đề nghị các nhà tuyển dụng cho lời khuyên về cách làm thế nào để có được một công việc tại tổ chức của họ.

Câu trả lời từ các tổ chức này sẽ giúp các bạn rà soát lại thử xem liệu mình có bỏ sót, chưa chú trong đến những yếu tố này khi tìm việc làm hay không.

Telstra (một trong những công ty về viễn thông và công nghệ lâu đời và lớn nhất ở Úc): Ứng viên vừa tự tin vào bản thân, vừa là một người có tinh thần đồng đội. Nếu được mời đến một buổi phỏng vấn xin việc theo nhóm, bạn nên thể hiện sự quyết đoán, đồng thời đóng góp vào công việc chung của nhóm như một thành viên đắc lực. Tính cách của ứng viên là điều rất quan trọng, Telstra tìm kiếm những người không ngại nêu lên những chính kiến của mình.

ResMed (một công ty công nghệ y khoa nổi tiếng vì đã giành được nhiều giải thưởng về các thiết bị y tế và các phần mềm công nghệ tiên tiến giúp chẩn đoán và điều trị bệnh hiệu quả hơn): Tính sáng tạo của các ứng viên được quan tâm nhiều nhất. Đó là yếu tố cốt lõi nhất để đóng góp cho các công việc liên quan đến thiết kế và cải tiến. Ngoài ra, ResMed đánh giá rất cao tinh thần bền bỉ. Đó là tố chất giúp bạn kiên trì theo đuổi và làm nên những điều tuyệt vời trong sự nghiệp của mình.

MARS (một trong những công ty hàng tiêu dùng hàng đầu tại Úc với các sản phẩm chăm sóc thú cưng, thức ăn…): Công ty thường quan tâm đến bản thân ứng viên nhiều hơn là những kiến thức đã học được ở trường. Vì thế, trong hồ sơ xin việc hoặc trong các buổi phỏng vấn, hãy cho họ thấy rõ về bản thân bạn và những mối quan tâm của bạn. Ngoài ra, MARS cũng lưu ý rằng họ khá chú trọng đến các hoạt động ngoại khóa mà bạn tham gia. MARS Australia là một công ty gia đình, có 5 tiêu chí quan trọng trong hoạt động mà các ứng viên cần tìm hiểu trước để xem mình có phù hợp với những giá trị đó hay không. 5 tiêu chí đó là: Chất lượng, Trách nhiệm, Tính tương hổ, Tính hiệu quả và Sự tự do.

Appliances Online (một nhà bán lẻ các trang thiết bị, một công ty gia đình): Đánh gía cao những sinh viên giàu ý tưởng và phù hợp với văn hóa cũng như những giá trị của công ty. Appliances Online chỉ khuyên các ứng viên một điều duy nhất trong quá trình ứng tuyển, “hãy là chính mình” vì công ty muốn biết bạn có phù hợp với văn hóa doanh nghiệp của họ hay không.

Opus Recruitment Solutions (cung cấp giải pháp về nhân sự và tuyển dụng cho các công ty trên nhiều lĩnh vực khác nhau như kỹ sư, công nghệ thông tin, dịch vụ tài chính…): Trong quá trình ứng tuyển, hãy luôn thành thật, suy nghĩ về bản thân mình trong 5-10 năm nữa. Opus muốn tuyển dụng những người nghiêm túc, có tài năng và có tham vọng. Chính những điều đó sẽ giúp bạn có được công việc đầu tiên sau khi ra trường, đồng thời biến những ước mơ nghề nghiệp của bạn thành hiện thực.

Sydney Water (một công ty do chính quyền tiểu bang News South Wales sở hữu, cung cấp nước sạch cho gần 5 triệu người ở Sydney, Blue Moutains và Illawarra, chịu trách nhiệm về các vấn đề liên quan đến nước thải để bảo vệ sông ngòi và các bãi biển): Các ứng viên phải thật sự có niềm đam mê đối với lĩnh vực nguồn nước và môi trường.

John Holland (một trong những công ty kỹ thuật hàng đầu của Úc, cung cấp dịch vụ trong các lĩnh vực như xây  dựng cơ sở hạ tầng, năng lượng, tài nguyên và giao thông): Hãy thể hiện sự chủ động của bạn bằng cách liên lạc và duy trì kết nối với công ty. Các kỹ sư phải thật sự nổi bật, cho công ty thấy sự khác biệt của bạn và đam mê theo đuổi thành công của bạn. Ví dụ: họ sẽ đánh giá cao việc bạn đã từng đi làm xây dựng trong 1 năm trước khi vào đại học, và bây giờ, bạn muốn được làm việc tại John Holland trong  khi vẫn đang hoàn thành khóa học của mình.

Medallia (Công ty sản xuất phần mềm nhằm giúp cải thiện trải nghiệm của khách hàng, đồng thời giúp các công ty đến gần hơn với khách hàng của họ): Dù các kỹ năng chuyên môn rất quan trọng đối với việc kinh doanh của Medallia, công ty mong muốn các ứng viên phải có thêm các kỹ năng mềm, ví dụ như kỹ năng giao tiếp hoặc chăm sóc khách hàng.

Advisian (Công ty tư vấn toàn cầu, giúp khách hàng phát triển, vận hành và duy trì các tài sản cơ sở hạ tầng của họ): Bạn nên thành thật về sở thích, định hướng và mục tiêu nghề nghiệp của mình. Ngoài ra, họ cũng rất đề cao việc bạn có thể cởi mở chia sẻ về chính bản thân mình.

3 lý do bạn nên cân nhắc về các khóa học lấy chứng chỉ hoặc Diploma sau đại học

Thứ nhất, bạn có thể thử nghiệm học sau đại học ở một mức độ phù hợp với thời gian của mình. Các khóa lấy chứng chỉ thường mất 6 tháng học toàn thời gian, diploma khoảng 1 năm, còn thạc sĩ thường từ 1.5 năm – 2 năm. Và đó được xem như là một bước đệm vững chắc để bạn có cơ hội tiếp tục học lên các khóa cao hơn nếu như bạn thích.

Tuy thời gian ngắn hơn, nhưng các khóa này vẫn bảo đảm cung cấp cho bạn những kiến thức cần thiết và cốt lõi nhất trong lĩnh vực mà bạn chọn. Cơ bản vì những môn học trong các khóa này cũng là các môn bắt buột trong chương trình thạc sĩ.

Thứ hai, nếu bạn chưa đủ tiền để học thạc sĩ thì một khóa lấy chứng chỉ/ diploma chính là một lựa chọn phù hợp.

Thứ 3, đa số các chương trình thạc sĩ yêu cầu các bạn phải có bằng đại học cùng chuyên ngành, và/ hoặc có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực liên quan (thường là 1 hoặc 2 năm). Vì vậy, nếu bạn không thỏa mãn được các yêu cầu này thì vẫn có một con đường khác để lấy được tấm bằng mà bạn mong ước. Đó là học trước một khóa lấy chứng chỉ/ diploma cùng ngành, sau đó học lên thạc sĩ.




Share