Sức khỏe là Vàng: Làm sao giữ stress ở mức có lợi?

stress

Source: Pixabay

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Không phải stress lúc nào cũng gây hại. Stress ở mức độ vừa phải có thể giúp làm việc hiệu quả hơn và tăng khả năng miễn dịch, còn stress quá mức sẽ dẫn đến nhiều bệnh nguy hiểm hoặc hành động tự gây hại. Nhưng làm thế nào để duy trì stress ở mức có lợi?


Stress là trạng thái tinh thần bị căng thẳng khi gặp nhiều áp lực trong cuộc sống.

Hầu hết mọi người trong đời đều trải qua những trạng thái và mức độ stress khác nhau trước các áp lực như học hành thi cử, việc làm để mưu sinh... 

Đặc biệt trong đại dịch COVID-19 với vô số áp lực từ nỗi lo bị nhiễm bệnh, cách ly, giãn cách, làm việc từ xa, học online, bị mất thu nhập  giảm giờ làm... khiến cuộc sống bị xáo trộn nghiêm trọng, khả năng bị stress càng cao hơn.

Lợi ích và tác hại của stress

Mọi trạng thái stress đều có mặt tích cực và tiêu cực.

Stress có thể giúp tập trung và làm việc hiệu quả hơn. Tuy nhiên, nếu triệu chứng stress quá độ sẽ khiến cho người bệnh có suy nghĩ tiêu cực và thậm chí có thể gây hại cho chính bản thân mình.

Stress ở mức có lợi khi giúp tăng khả năng tập trung, nhạy bén hơn, mạnh mẽ hơn, để hoàn thành tốt công việc, chẳng hạn như học sinh nỗ lực học hành để đạt kết quả tốt trong kỳ thi, vận động viên cố gắng để đạt thành tích tốt.

Ngoài ra cơ thể khi căng thẳng cũng giải phóng hormone cortisol giúp tăng khả năng miễn dịch.

Tuy nhiên nếu stress quá mức thì sẽ không còn lợi ích nữa, thậm chí có thể  gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần và thể chất.

Stress có thể gây ra những bệnh nguy hiểm nào?

Sự căng thẳng quá mức có thể là yếu tố dẫn đến chứng rối loạn lo âu, trầm cảm, giảm trí nhớ, mất ngủ...  Stress cũng có thể khiến một người có hành động tiêu cực khác thường so với trước, chẳng hạn như uống bia rượu nhiều hơn, hút thuốc lá nhiều hơn, ăn uống thất thường...

Về mặt thể chất, stress quá mức cũng làm tăng khả năng mắc các chứng bệnh tim, rối loạn tiêu hóa và nhiều bệnh khác về thần kinh.

Dấu hiệu nhận biết tình trạng stress gây hại cho sức khỏe

Khi bị căng thẳng đến mức nguy cơ rơi vào trầm cảm, người bệnh thường có biểu hiện như: lúc nào cũng cảm thấy buồn chán, không còn hứng thú với mọi việc, tăng cân hoặc sụt cân ngoài ý muốn, mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều, lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi, cảm thấy bản thân vô dụng, giảm khả năng tập trung, có suy nghĩ hoặc có kế hoạch tự tử.

Khi nhận thấy bản thân hoặc người thân của mình có các dấu hiệu trên thì cần đến gặp bác sĩ để có cách điều trị phù hợp và kịp thời.

Một số cách để kiểm soát tốt stress

Stress chính là một phần của cuộc sống nên chúng ta không thể nào loại bỏ nó hoàn toàn. Điều quan trọng là biết cách kiểm soát tốt các áp lực để chúng ta có thể hưởng lợi từ mặt tích cực của stress, với một số cách như:

- Tập thể dục đều đặn, có thể tập hàng ngày, mỗi lần tập từ 20-30 phút tùy thể trạng mỗi người.

- Tránh những mâu thuẫn hoặc tranh cãi không cần thiết.

- Tự tìm những cách thư giãn đầu óc như nghe nhạc, xem phim...

- Có thói quen ăn uống tốt cho sức khỏe, tránh rượu bia, không hút thuốc lá, ăn uống điều độ và đúng giờ.

- Ngủ đủ và ngon giấc mỗi ngày để cơ thể phục hồi về thể chất lẫn tinh thần.

- Thường xuyên giao lưu kết bạn tốt, tạo lối sống lành mạnh vui vẻ.

- Một khi biết được nguyên nhân gây stress  thì tìm hướng giải quyết nhằm làm giảm sự căng thẳng quá mức.

Mời quý vị bấm vào phần Audio để nghe bác sĩ Brian Cung  trình bày về giải pháp kiểm soát stress hiệu quả trong chương trình Sức khỏe là Vàng.

Share