Sức khỏe là Vàng: Ung thư tuyến tiền liệt

blood test

Source: Pixabay

Nam giới từ 50 tuổi trở lên, hoặc nam giới từ 40 tuổi mà có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt, nên nói chuyện với bác sĩ gia đình về việc tầm soát ung thư tuyến tiền liệt khi kiểm tra sức khỏe hàng năm.


Tuyến tiền liệt chỉ có ở nam giới, là một hạch nhỏ nằm dưới bọng đái gần ruột già. Tuyến tiền liệt có hai chức năng chính là tiết ra dịch trong tinh dịch và co bóp để kiểm soát nước tiểu.

Tuyến tiền liệt ở đàn ông trưởng thành có chiều rộng khoảng 4 cm, cao khoảng 3 cm và dày khoảng 2,5 cm. Khi nam giới qua tuổi 50, kích thước của tuyến tiền liệt thường tăng lên, có thể gây chèn ép đường tiểu, gây ra các vấn đề như tiểu khó, tiểu nhiều lần... nhưng đó không phải lúc nào cũng là dấu hiệu của ung thư.

Ung thư tuyến tiền liệt là gì?

Ung thư tuyến tiền liệt xảy ra khi những tế bào bất thường phát triển trong tuyến tiền liệt. Những tế bào bất thường này có thể tiếp tục nhân lên một cách không kiểm soát được và đôi khi lan ra ngoài tuyến tiền liệt sang những bộ phận kế cận hay xa hơn của cơ thể.

Ung thư tuyến tiền liệt thường là một bệnh phát triển chậm và đa số đàn ông mắc chứng ung thư tuyến tiền liệt mức nhẹ có thể sống nhiều năm mà không có triệu chứng. Tuy nhiên bệnh ở mức độ nặng có thể lan ra nhanh chóng, di căn sang các bộ phận của cơ thể và có nguy cơ gây tử vong. Vì vậy việc tầm soát phát hiện bệnh sớm để có biện pháp can thiệp là rất quan trọng.

Các yếu tố nguy cơ

Yếu tố nguy cơ đầu tiên là tuổi tác. Đàn ông càng lớn tuổi thì nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt càng cao. Ví dụ ở độ tuổi 75 thì cứ 7 người là có một người nguy cơ mắc bệnh, còn ở độ tuổi 85 thì cứ 5 người là có một người nguy cơ mắc bệnh.

Ngoài ra, nếu một người có thân nhân ruột thịt là nam giới mắc ung thư tuyến tiền liệt thì nguy cơ mắc bệnh sẽ cao hơn người bình thường. Nếu có nhiều thân nhân nam mắc bệnh thì nguy cơ càng tăng lên.

Chế độ ăn uống cũng góp phần vào các yếu tố nguy cơ. Có một số bằng chứng cho thấy việc ăn nhiều thịt hay thực phẩm chế biến sẵn có nhiều chất béo sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt.

Bên cạnh đó, môi trường và lối sống cũng có thể thay đổi mức nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt. Có những nghiên cứu cho thấy đàn ông từ một nước Á Châu, vốn ít có nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt, khi di dân sang một nước phương Tây thì nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt lại tăng lên.

Chẩn đoán và điều trị

Việc chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt hiện nay được thực hiện bằng nhiều phương pháp khác nhau. Bác sĩ gia đình thường thử máu xét nghiệm Kháng nguyên Đặc hiệu Tuyến tiền liệt - PSA (Prostate Specific Antigen), và khám trực tràng bằng tay - DRE (Digital Rectal Examination) để kiểm soát tình trạng của tuyến tiền liệt.

Nam giới từ 50 tuổi trở lên, hoặc nam giới từ 40 tuổi mà có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt, nên nói chuyện với bác sĩ gia đình về việc tầm soát ung thư tuyến tiền liệt bằng xét nghiệm PSA và khám trực tràng DRE khi kiểm tra sức khỏe hàng năm.

Nếu các thử nghiệm cho thấy có khả năng mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt, người bệnh có thể được gửi đến bác sĩ chuyên khoa để làm thêm các biện pháp kiểm tra khác như siêu âm, chụp hình cộng hưởng từ MRI, xét nghiệm sinh thiết, quét cắt lớp phát xạ PSMA...

Về điều trị, việc xác định phương pháp tốt nhất để điều trị ung thư tuyến tiền liệt được dựa vào các yếu tố: tuổi tác, tình hình sức khỏe tổng quát và số liệu của kết quả xét nghiệm cho thấy ung thư ở giai đoạn nào trong bốn giai đoạn. Bệnh có thể được chữa khỏi ở giai đoạn đầu. Ở các giai đoạn sau thì tỷ lệ chữa lành thấp hơn, vì vậy việc sớm phát hiện bệnh là rất quan trọng.

Phòng ngừa và giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt

Hiện tại chưa có biện pháp nào được chứng minh có thể phòng ngừa ung thư tuyến tiền liệt. Tuy nhiên, có một số khuyến nghị được các chuyên gia đưa ra nhằm tăng cường sức khỏe tổng quát, từ đó giảm nguy cơ mắc bệnh.

Một chế độ ăn uống tốt cho tim mạch bao gồm cá, ít thịt, nhiều rau quả, cũng được cho là tốt cho tuyến tiền liệt.

Bên cạnh đó, việc vận động thể dục thường xuyên, khoảng 30 phút mỗi ngày hoặc tùy theo thể lực, cũng được xem là một yếu tố phòng ngừa ung thư.

Mời quý vị vào phần Audio để nghe Tiến sĩ Việt Đỗ, Giám đốc Khoa Ung thư Xạ trị, Trung tâm Trị liệu Ung thư tại Bệnh viện Liverpool và Bệnh viện Campbelltown, trình bày chi tiết những điều quan trọng cần biết về ung thư tuyến tiền liệt.

Thêm thông tin và cập nhật Like Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 

Share