Tại sao cần thận trọng trước một làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai tại Úc?

A Stay at Home sign is seen in Rye, Sunday, 19 April, 2020.

Source: AAP

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Trong tuần vừa qua, nước Úc đã ghi nhận những sự giảm xuống đáng kể về mức độ lây lan của coronavirus. Đó là một tín hiệu vui. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn cảnh báo rằng chúng ta nên thận trọng trước một đợt lây nhiễm thứ hai có thể ập đến, nếu chúng ta trở nên chủ quan.


Đường cong lây nhiễm coronavirus tại Úc đã dần san phẳng. Chính phủ liên bang và các tiểu bang đã bắt đầu nới lỏng một số hạn chế, một số khác dự kiến cũng sẽ được xem xét và thay đổi trong thời gian tới. 

Tuy nhiên, các chuyên gia y tế khuyến cáo rằng, mối nguy hiểm vẫn chưa hoàn toàn qua đi, và một “làn sóng thứ hai” của sự lây nhiễm virus vẫn có thể tấn công nước Úc trong những tháng tới.

Tiến sỹ Kathryn Snow, chuyên gia nghiên cứu các bệnh lây nhiễm tại trường Đại học Melbourne nói rằng, người dân Úc tuyệt đối không nên tự mãn trong lúc này.

“Thực tế là loại virus này vẫn hầu như không thay đổi, và đại đa số người Úc vẫn hoàn toàn có thể nhiễm virus này. Chúng tôi nghĩ rằng khoảng 7,000 người dân tại Úc đã nhiễm COVID-19 và hầu hết trong số đó giờ đây đã có một mức độ miễn nhiễm nhất định. Nhưng 25 triệu người khác trong chúng ta vẫn hoàn toàn có thể là mục tiêu tấn công của virus.”

Tiến sỹ Snow nói rằng số lượng các ca nhiễm bệnh tại Úc đã giảm đáng kể, đó là nhờ các biện pháp mạnh mẽ và kịp thời mà chính phủ đưa ra, như đóng cửa biên giới với nước ngoài và hạn chế số lượng người tụ tập.

“Chúng ta đã đưa ra những biện pháp cứng rắn sớm hơn rất nhiều so với nhiều quốc gia khác. Chúng ta đã có thể làm chủ được nó và giảm dần số lượng ca nhiễm bằng cách đánh nhanh, đánh mạnh. Nhưng virus vẫn còn ở ngoài kia và chúng ta đã chứng kiến sự việc có thể nhanh chóng vượt ra ngoài tầm kiểm soát ở các nước khác. Nó chỉ mất một vài tuần trước khi toàn hệ thống y tế quá tải tại Anh, Mỹ và Ý."
Đáng tiếc là, đây sẽ là một cuộc chiến kéo dài và chúng ta vẫn cần phải rất, rất cẩn thận. Hiện tại chúng ta đang ở trong một vị trí tuyệt vời, nhưng mọi thứ có thể thay đổi rất, rất nhanh.
Tiến sỹ Snow cũng quan ngại rằng nếu làn sóng thứ hai xảy đến vào mùa đông, điều đó sẽ thực sự nguy hiểm. Bởi lúc đó các bệnh viện của chúng ta sẽ còn bận rộn hơn với đợt cúm mùa.

Bác sỹ Chris Moy là Chủ tịch của Hội Y tế Úc tại Nam Úc. Ông khuyến cáo rằng, nếu người dân Úc bắt đầu thả lỏng quá sớm, thì kết cục có thể trở nên tàn khốc.

“Nếu chúng ta mở cửa lại một lần nữa, chúng ta sẽ có một làn sóng lây nhiễm thứ hai, và hoàn toàn không có nghi ngờ gì về điều đó. Làn sóng tiếp theo sẽ có thể khó khăn hơn, bởi vì trong làn sóng thứ nhất chúng ta biết kẻ thù đến từ đâu - chủ yếu là từ nguồn lây nhiễm nước ngoài. Chúng ta biết cần xét nghiệm những ai và chúng ta có thể lần dấu họ. Làn sóng tiếp theo, nếu nó đến, sẽ đến từ trong cộng đồng, và chúng ta sẽ không thể biết chính xác nó đến từ đâu, và đó là điều đáng sợ nếu nó xẩy ra.”

Một phát ngôn nhân từ Bộ Y tế nói với SBS News rằng chính phủ đang theo dõi sát sao các quốc gia, những nơi mà đang trải qua “làn sóng nhiễm bệnh thứ hai.”

“Chúng ta đã chứng kiến các quốc gia khác đối mặt với làn sóng lấy nhiễm thứ hai, và bằng chứng này sẽ được đưa vào để xem xét trong quá trình đưa ra các quyết định về việc biện pháp nào sẽ được nới lỏng và cái nào sẽ giữ nguyên. Đây thực sự là một tình trạng khẩn cấp y tế chưa từng có tiền lệ, và chúng ta đang cố gắng để hiểu thêm về nó mỗi ngày.”

Singapore dường như đã kiểm soát thành công COVID-19, nhưng giờ đây họ đang đứng trước một đợt lây nhiễm thứ hai.

Quốc gia này báo cáo hơn 1,100 ca nhiễm mới vào thứ Ba, nâng tổng số ca nhiễm bệnh lên quá con số 9,000 người. Một ngày trước đó, Singapore ghi nhận một mức tăng kỷ lục, với 1,400 ca nhiễm mới chỉ trong 24 giờ đồng hồ.

Việc tăng mạnh các ca nhiễm bệnh chủ yếu đến từ các khu ở tập thể đông đúc dành cho người lao động nhập cư. Nhiều trong số đó đang ở trong lệnh tự cách ly của chính phủ. Tiến sỹ Moy nói rằng điều này xảy ra do Singapore đã tự tin quá mức.

“Hoàn toàn quá tự mãn. Họ đã để lỡ nó. Điểm yếu của họ đó là họ đã không để ý tới bởi vì nó xảy ra trong tầng lớp thấp hơn của xã hội.”

Làn sóng lây nhiễm thứ hai đã khiến Thủ tướng Lý Hiển Long của nước này phải gia hạn các quy định hạn chế, trong đó bao gồm đóng cửa các doanh nghiệp và trường học thêm một tháng nữa, cho tới ngày 01/06.

Các quốc gia khác hiện giờ cũng đang thảo luận về khả năng xảy ra một đợt nhiễm bệnh mới.

Trung tâm nghiên cứu quản lý và ngăn chặn dịch bệnh của Hoa Kỳ đã đưa ra lời cảnh báo rằng, một làn sóng lây nhiễm thứ hai dự kiến sẽ tấn công nước này trong mùa đông tới. Và nó có thể tấn công mạnh mẽ hơn đợt trước bởi vì nó sẽ diễn ra trùng với thời điểm cúm mùa.

Trong khi đó, giới chức Anh quốc cũng lo lắng tương tự. Phát ngôn nhân của Thủ Tướng Boris Johnson nói rằng, điều lo ngại lớn đó là cao điểm thứ hai của dịch bệnh, điều mà có thể sẽ tạo ra sự tàn phá ghê gớm nhất cho hệ thống y tế và cũng dẫn đến mức độ tàn phá tồi tệ nhất cho nền kinh tế.

Hiện trường đại học Cornell tại Hoa Kỳ đã công bố một sơ đồ dự báo mức độ nghiêm trọng của làn sóng lây nhiễm thứ hai. Mô hình này cho thấy việc chấm dứt sớm các biện pháp hạn chế tiếp xúc xã hội sẽ dẫn đến hậu quả khó lường, trong khi việc kéo dài các biện pháp nên được cân nhắc.

“Kéo dài thời hạn đối với các biện pháp giãn cách xã hội, thí dụ như tới hết tháng 6 năm 2020, sẽ giúp giảm thiểu đáng kể khả năng rơi vào làn sóng lây nhiễm thứ hai. Và như vậy, chúng ta vẫn cần giữ một thái độ rất thận trọng trước khi đưa ra bất kỳ các quyết định nào về về nới lỏng hay chấm dứt các quy định giãn cách, những biện pháp mà đang tỏ ra rất hiệu quả ở hiện tại.”

Archie Clements là giáo sư nghiên cứu về các bệnh lây nhiễm tại Curtin University của Úc. Ông nói rằng, mặc dù viễn cảnh về một làn sóng thứ hai là rất nghiêm trọng, nước Úc vẫn có thể thực hiện nới lỏng đối với một số hạn chế.
Điều đó hoàn toàn hợp lý rằng chúng ta bắt đầu xem xét về một hướng ra. Tôi nghĩ nó rất là quan trọng, rằng chúng ta áp dụng cách tiếp cận dựa trên phân tích về rủi ro và đi theo từng giai đoạn, rằng chúng ta làm điều đó theo một cách cẩn thận và có tính toán chặt chẽ.
Theo Giáo sư Clements, chính phủ liên bang và các tiểu bang có thể đưa ra các quyết định ít rủi ro trước, và sau đó ngưng lại để xem tình hình tiến triển ra sao. Nhưng họ cũng cần phải cân bằng giữa việc bảo vệ sức khỏe của người dân với việc bảo vệ xã hội và nền kinh tế.

Ông cũng nhấn mạnh rằng, cách duy nhất để thoát khỏi đại dịch là tìm ra một chủng ngừa. 

“Một số các quy định hạn chế sẽ tiếp tục được áp dụng lên cuộc sống của chúng ta trong nhiều năm tới, bởi vì sẽ mất chừng đó thời gian để một chủng ngừa được phát triển, được thử nghiệm và được phân phối đến cộng đồng.”

--

Người Úc phải giữ khoảng cách với người khác ít nhất 1.5 mét. Trong nhà, phải có mật độ không quá một người trên bốn mét vuông không gian sàn.

Nếu bạn tin rằng bạn có thể đã nhiễm virus, hãy gọi cho bác sĩ của bạn (đừng đến phòng mạch) hoặc liên hệ với Đường dây Nóng Thông tin Y tế Quốc gia Coronavirus – Coronavirus Health Information Hotline theo số 1800 020 080.

Nếu bạn đang khó nhọc để thở hoặc trải qua một trường hợp khẩn cấp y tế, hãy gọi 000.

SBS tận lực mang đến tin tức cập nhật giúp bạn nắm bắt thông tin những diễn biến mới nhất của COVID-19 bằng tiếng Việt, xem tại: 

Share