Luật lệ quanh ta (21) Medicare và người nước ngoài

Medicare cards (AAP)

Medicare cards (AAP)

Quý vị có biết là Úc có thỏa ước y tế hổ tương với một số nước? Thỏa ước đó cho công dân nước khác đến thăm viếng Úc hay định định cư lâu dài ở đây được hưởng những quyền lợi gì về y tế? Hay ngược lại công dân Úc sang các nước ấy được hưởng chương trình chăm sóc y tế tương ứng thế nào?


Quý vị là công dân nước khác đến thăm viếng Úc trong vài  tuần, vài tháng hay định cư lâu dài ư?

Một trong những điều quý vị phải lo đầu tiên nếu tinh đến chuyện định cư ở Úc là thẻ chăm sóc Y tế Medicare.

Medicare card quan trọng thế nào?

Khỏi cần nói, hầu như ai trong chúng ta đều biết có được một cái thẻ Medicare, chúng ta sẽ tiếp cận được nhiều dịch vụ chăm sóc y tế.

Chuyện thường nhất là ra bác sĩ gia đình, đưa thẻ Medicare, kéo cái rẹt, khám xong ký tên là xong hết, không phải trả một đồng cắc nào ở các phòng mạch bác sĩ tại Úc.

Quan trọng nhất là thẻ Medicare cho chúng ta được điều trị tại bệnh viện công, tức là không tốn tiền, mổ xẻ, thuốc men, chụp quang tuyến, xét nghiệm máu, nướcc tiểu, v.v.

Ai có thể được thẻ Medicare? Muốn có thẻ Medicare phải hội đủ điều kiện gì?

Nói chung, trừ người dân đảo Norfolk, thì ai sống ở Úc cũng được thẻ Medicare và được hưởng chương trình chăm sóc y tế Medicare, miễn là:

  • Có quốc tịch Úc hay quốc tịch NZ
  • Được ban cấp tư cách thường trú
  • Được có giấy phép làm việc tại Úc
  • Chứng nhận được quan hệ với một công dân Úc hoặc một thường trú nhân tại Úc
  • Công dân của một nước có Thỏa thuận Hổ tương về Chăm sóc Y tế với Úc (Reciprocal Health Care Agreements) cũng sẽ được điều trị trong trường hợp cần thiết.
Riêng ví dụ người đến Úc theo diện chăm sóc thân nhân bị bệnh, nếu được cho đến Úc với tư cách thường trú thì đặt chân xuống đất Úc là được hưởng ngay chính sách Medicare. Tuy nhiên chính phủ hiện đang siết chặt việc cha nhập cảnh diện ‘carer’, nhiều trường hợp chỉ cho visa 6 tháng, nếu thân nhân còn sống thì nộp đơn lại, nếu thân nhân qua đời thì phải trở về.

Úc đã có Thỏa ước về Chăm sóc Y tế Hổ tương RHCA với những nước nào?

  • Anh quốc
  • Ái Nhĩ Lan
  • Tân Tây Lan
  • Thụy Điển
  • Hòa Lan
  • Phần Lan
  • Bỉ
  • Na Uy
  • Slovenia
  • Malta
  • Ý  

Công dân những nước mà Úc đã có Thỏa ước về Chăm sóc Y tế Hổ tương thì được hưởng những quyền lợi gì?

Họ sẽ được hưởng một số dịch vụ y tế căn bản mà chính phủ tài trợ, nếu như họ bị bệnh trong thời gian thăm viếng nước Úc, hoặc ngược lại, nếu một công dân Úc sang Thụy Điển du lịch chẳng hạn, mà bị bệnh gì đó, phải vào bệnh viện cấp cứu thì sẽ được điều trị không tốn tiền, tức là được giúp đỡ về mặt phí tổn điều trị căn bản.

Nói như vậy không có nghĩa là công dân Úc không cần mua bảo hiểm y tế khi đi du lịch. Nghĩ như vậy là sai.

Ví dụ những nước mà chi phí dịch vụ y tế đắt đỏ, vượt quá khả năng ngay cả khi là công dân nước đó, huống hồ là khách du lịch, mới thấy tầm quan trọng của việc mua bảo hiểm y tế tư.

Ví dụ Hồng Kông, chi phí sinh đứa con đầu lòng trong bệnh viện là $35.000 đô la, té chảy máu vào bệnh viện may vài mũi tốn vài ngàn.
TO GO WITH Australia-currency-forex-tour
Visiting Australia Source: AAP

Thế thì khi công dân Úc sang những nước mà Úc đã có Thỏa ước về Chăm sóc Y tế Hổ tương hay ngược lại, công dân những nước đó, như NZ chẳng hạn, sang Úc, nạp đơn xin Meadicare thì phải có những giấy tờ gì?

Trường hợp CHƯA có Medicare thì sao?
Trong một số trường hợp bệnh nặng, mà chưa có Medicare, cần điều trị gấp, du khách NZ có thể vào bệnh viện công tại Úc đưa passport NZ ra, là sẽ được cứu chữa ngay.

Dịch vụ y tế Úc nhân đạo, cứu trước, chuyện Medicare tính sau.

NZ là trường hợp đặc biệt vì Úc và NZ là láng giềng, quan hệ thân thiết gần gũi, công dân hai nước qua lại cũng nhiều.

Công dân NZ xin Medicare ở Úc phải có giấy tờ gì?
Centre Link sẽ yêu cầu xuất trình passport khi điền mẫu đơn xin Medicare.

Giấy tờ từ phía NZ: Một thứ trong các loại giấy tờ chứng minh người này không còn ở NZ nữa (như giấy bán nhà, hay ngưng thuê nhà, giấy thôi việc, chứng nhận đóng trương mục ngân hàng, dừng các khoản bảo hiểm, chứng từ đã chuyển đồ đạc qua Úc).

Giấy tờ từ phía Úc: Các loại giấy tờ chứng minh người này cư ngụ tại Úc có địa chỉ (mở trương mục ngân hàng, chứng từ mua hay thuê nhà, trương mục điện, gas tại Úc mang tên và có địa chỉ của người này).

Giấy tờ chứng nhận công ăn việc làm tại Úc, giấy tờ chứng nhận con cái họ đang theo học ở một trường tiểu học, trung học hay đại học tại Úc, giấy tờ chứng nhận có mua bao hiểm y tế tư tại Úc, bảo hiểm nhà hay bảo hiểm đồ đạc trong nhà. 

Người NZ sang Úc sẽ được cover các phí tổn y tế đó trong bao lâu?

Nếu quý vị là cư dân đến từ Anh quốc, Ái Nhĩ Lan, Tân Tây Lan, Thụy Điển, Phần Lan, Na Uy thì yên tâm, chính phủ Úc chịu phi tổn y tế trong thời gian quý vị lưu trú tại Úc.

Và ngược lại, công dân Úc sang những nước này cũng sẽ được chính phủ những nước này chịu phí tổn y tế trong thời gian quý vị lưu trú tại đất nước của họ.

Những người đến từ Bỉ, Hoà Lan, Slovenia thì phải có thẻ bảo hiểm Y tế của châu Âu (European Health Insurance card) khi ghi tên xin Medicare của Úc, và sẽ được hưởng sự chăm sóc y tế tới ngày hết hạn ghi trên thẻ bảo hiểm y tế gốc.

Với công dân hay thường trú nhân đến từ Malta hay Ý, sẽ được Medicare Úc trang trải phí tổn y tế trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày đến Úc.

Nhưng khi nói “chăm sóc y tế” là nói chung chung. Chi tiết như thế nào?

Theo quy định thì công dân hay thường trú nhân từ NZ hoặc các nước có Thỏa ước về Chăm sóc Y tế Hổ tương RHCA với Úc nếu bị thương hay bị bệnh trong thời gian ở Úc sẽ được:

  • Chữa trị miễn phí ở bệnh viện công, dù nhập viện hay đến khám điều trị rồi về
  • Mua các loại thuốc với giá rẻ trong chương trình dược chính phủ tài trợ PBS
  • Được điều trị ngoài bệnh viện, do một bác sĩ điều trị (ví dụ khám bệnh ở GP)
Quy định này nói rõ: Nếu công dân NZ hay Ái Nhĩ Lan đó muốn điều trị ở bệnh viện tư thì toàn quyền, nhưng chính phủ Úc không trả chi phí.

Những dich vụ chăm sóc y tế nào Medicare không chi trả, và những người đến các nước có Thỏa ước về Chăm sóc Y tế Hổ tương RHCA với Úc phải tự bỏ tiền túi ra tự trang trải?

  • Thuốc không nằm trong danh sách PBS
  • Những phí tổn điều trị trước khi đến Úc
  • Chi phí nằm bệnh viện tư, gồm viện phí và chi phí điều trị
  • Dịch vụ xe cứu thương
  • Dịch vụ khám chữa răng
  • Điều trị phục hồi chức năng (physiotherapy, occupational therapy), tập nói lại (speech therapy)
  • Điều trị về mắt  (eye therapy, tiền mua kính, contact lenses)
  • Điều trị về tai (kể cả tiền mua máy nghe, hearing aids)
  • Điều trị về xương (chiropractic services), về chân (podiatry)
  • Điều trị về tâm lý (psychology)
  • Phí tổn làm tay giả, chân giả (prostheses)
  • Những mổ xẻ mà chỉ nhằm mục đích thẩm mỹ
  • Khám tổng quát để làm bảo hiểm nhân thọ
  • Dịch vụ y tá đến nhà chăm sóc
Tìm hiểu những thông tin liên hệ trên website của Bộ Dịch vụ Nhân sinh

https://www.humanservices.gov.au/customer/dhs/medicare

 


Share