Luật Lệ Quanh Ta (95) Phỉ báng trên Facebook có là phạm pháp?

Facebook

Facebook Source: Niall Carson/AAP Image/PA Wire

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

LS Nguyễn Văn Thân phân tích luật phỉ báng có áp dụng cho hình thức truyền thông xã hội như facebook hay không? Nạn nhân của các cuộc phỉ báng, mạ lỵ phải làm gì để nhờ đến luật pháp can thiệp?


Nha Thống Kê về phương tiện truyền thông xã hội hồi tháng 1/2017 cho biết, hiện có 16 triệu người dùng Facebook tại Úc.

Với dân số 24 triệu, điều này có nghĩa cứ 10 người Úc thì hơn 8 người có Facebook.

Không ai phủ nhận những lợi ích tuyệt vời của Facebook như kinh doanh, quảng cáo miễn phí, gắn kết bạn bè, gia đình, cộng đồng, là 'sân chơi" cho những ai có thú chụp ảnh, làm vườn, hát hò, du lịch...có thể đưa lên trang nhà những hình ảnh, video clip thú vị nhất.

Nhưng khi "cơm không lành, canh không ngọt", Facebook cũng là phương tiện dùng để bôi nhọ, phỉ báng, nói xấu khiến người dùng Facebook có thể gặp rắc rối về luật pháp.

Luật Sư Nguyễn Văn Thân giải đáp những thắc mắc về phỉ báng trên Facebook.

1. Pháp luật có quy định nói xấu/bôi nhọ trên mạng xã hội là hành vi phạm pháp không?

Vào năm 2002, Tối Cao Pháp Viện Úc đã thiết lập một tiền lệ rất quan trọng vấn đề phỉ báng qua trang mạng xã hội cũng được xét xử tương tự như các phương tiện truyền thông khác.

Vì vậy bôi nhọ, làm mất danh dự hay phỉ báng người khác trên Facebook là phạm pháp.

2. Nếu đã bị phạt vì tội bôi nhọ người khác trên mạng xã hội, hành vi đó có bị lưu lại hồ sơ cảnh sát không?

Câu trả lời là KHÔNG.

Phỉ báng trên Facebook chỉ là vi phạm dân sự.

Trừ phi có những lời đe dọa hành hung hay sát hại người khác thì cảnh sát mới can thiệp, lúc đó vụ án biến thành vi phạm hình sự.

3. Ở mức độ nào thì chúng ta có thể kiện những hành vi nói xấu trên mạng xã hội?

Không cứ phải là nhân vật của công chúng, những người nổi tiếng.

Bất cứ ai cảm thấy bị mất uy tín, mất danh dự vì những vu cáo trên mạng đều có thể khởi kiện bị đơn.

Bị đơn sẽ phải chứng minh những đăng tải trên mạng là sự thật, nếu không sẽ phải bồi thường thiệt hại.

4. Pháp luật quy định về bồi thường như thế nào?

Bị đơn nếu thua kiện phải bồi thường thiệt hại cho nguyên đơn được tính tổng cộng trên 3 loại.

- Thiệt hại danh dự: Mức bồi thường mỗi tiểu bang khác nhau, nhưng tối đa là 200 ngàn Úc kim.

- Thiệt hại tài chánh: Nạn nhân vì bị phỉ báng khiến mất uy tín, thiệt hại đến thương vụ, thiệt hại đến sức khỏe  sinh ra trầm cảm không làm việc được, phải chạy chữa... Mức thiệt hại này tòa không định giới hạn.

- Án phí: Thường những vụ kiện phỉ báng được xử tại Tòa Thượng Thẩm rất tốn kém, tối thiểu là 80 ngàn Úc kim. Đôi khi án phí tăng vọt đến vài trăm ngàn, vượt xa cả tiền bồi thường tài chánh và danh dự.

5. Thủ tục để kiện như thế nào? Phải tìm đến cơ quan nào nhờ giúp đỡ?

Cảnh Sát sẽ không can dự vào các vụ phỉ báng.

Tìm đến Văn Phòng Luật Sư trình bày.

Luật Sư sẽ tìm hiểu có đúng đây là một trường hợp bị phỉ báng làm mất danh dự.

Đừng nhầm lẫn những lời phê bình về nhan sắc, tài năng của mình là phỉ báng.

6. Các phương tiện chuyển tải như Google, You Tube...có chịu trách nhiệm gì về các vụ phỉ báng?

Dù chỉ phổ biến một cách vô tình và chỉ đóng vai trò trung gian như một thư viện.

Trong vụ ông Trkulja kiện Google vì tên ông trùng với tên một trùm du đãng khiến ông bị trầm cảm, bạn bè xa lánh...

Dưới Đạo Luật Phỉ Báng Victoria, bị đơn có thể biện bạch là mình chỉ đóng vai trò phân phối, không biết và không có cách nào biết được tài liệu có tính mạ lỵ hay không.

Nhưng luận cứ biện hộ này hoàn toàn thất bại vì luật sư của nguyên đơn đã gửi thư yêu cầu Google tháo gỡ những cái links có tính phỉ báng mà Google từ chối.

Do đó, Google không thể nào lập luận là mình không biết các tài liệu đó có tính phỉ báng.

Kết cuộc, tòa phán Google phải bồi thường cho ông Trkulja $200,000. Trước đó thì ông Trkulja cũng đã thắng kiện vói Yahoo với số tiền bồi thường là $225,000.

Kết luận

Thứ nhầt, luật phỉ báng áp dụng cho mọi hình thức phổ biến tài liệu hoặc bài viết có tính mạ lỵ dù là đăng trên trang mạng, cá nhân, gửi điện thư, hoặc qua các hình thức truyền thông xã hội như facebook hoặc tweeter.

Nạn nhân của các cuộc phỉ báng, mạ lỵ có thể nhờ đến luật pháp nếu cần thiết.

Ngoài ra, chính các công ty chuyển tải những bài viết hoặc tài liệu phỉ báng có lúc cũng phải chịu trách nhiệm trước luật pháp nếu như không chịu tháo gỡ những tài liệu hoặc bài viết có tính mạ lỵ sau khi nhận được lời yêu cầu của nạn nhân.

Không nên dùng Facebook trong tâm trạng hằn học tức giận.

Cẩn thận, suy nghĩ thật kỹ trước khi bấm nút "Send" gửi đi một thông điệp trên Facebook, không khéo phạm vào tội phỉ báng thì rắc rối với pháp luật!

Thêm thông tin và cập nhật Like 

Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 



Share