Thử nghiệm tiêm vaccine phòng lao BCG giúp tăng cường hệ miễn dịch chống coronavirus

A national TB vaccination campaign in Kathmandu, Nepal

A national TB vaccination campaign in Kathmandu, Nepal Source: AAP

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Các bác sĩ tiếp tục thử nghiệm trên phạm vi rộng một loại vaccine phổ biến, giúp ngăn ngừa bệnh lao, để xem thuốc này có hiệu nghiệm trong việc chữa trị COVID-19 hay không. Vaccine BCG có mặt từ 100 năm trước, nay đang được tiêm thử cho những nhân viên y tế tại Âu Châu và Úc.


Các nhân viên y tế đang được tiêm thử vaccine phòng bệnh lao BCG, để xem liệu cơ thể có phản ứng chống lại coronavirus hay không.

Thí nghiệm có tên gọi là BRACE, đang xảy ra tại Anh, Úc, Hòa Lan, Tây Ban Nha và Brazil.

Mục tiêu của thí nghiệm là sẽ tiêm cho hơn 10,000 nhân viên y tế trên thế giới.

Mỗi năm trên thế giới có khoảng 100 triệu trẻ sơ sinh được tiêm phòng vaccine BCG, nhằm bảo vệ các em bé khỏi bị bệnh lao, gọi tắt là TB.

Các nhà khoa học người Pháp bắt đầu phát triển vaccine này từ năm 1908 và lần đầu tiên ra mắt vào năm 1921.

Tên gọi Bacillus Albert Guerin xuất phát từ tên của hai nhà vi trùng học Albert Calmette và Camille Guerin.

Bệnh lao gây ra bởi một loại vi khuẩn chuyên tấn công lá phổi, do tiếp xúc gần gũi với người bệnh, đặc biệt khi họ ho hoặc hắt hơi.

Bệnh này phổ biến nhất từ sau Đệ Nhị Thế Chiến.

Vaccine bệnh lao được sử dụng rộng rãi trong những năm 1950, khi đó có rất nhiều nhà thương mới xây lên chỉ chuyên để chữa trị bệnh nhân nhiễm lao.

Giáo sư Nigel Curtis là một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm thuộc Viện Y Khoa Nhi Đồng Murdoch và trường đại học Melbourne.

Ông nói mặc dù vaccine BCG không trực tiếp tấn công coronavirus nhưng nó có thể nâng cao sự miễn dịch.

‘Điều thú vị về vaccine BCG đó là nó bảo vệ hữu hiệu cơ thể chống lại căn bệnh mục tiêu là bệnh lao. Giờ đây chúng ta còn biết rằng vaccine này cũng có tác dụng đối những căn bệnh không phải lao phổi. Điều này có nghĩa là loại vaccine này có thể làm tăng hệ miễn dịch. Thực tế là nó có thể huấn luyện cho một hệ miễn dịch bẩm sinh, chính là tuyến đầu chống lại nhiều căn bệnh truyền nhiễm khác nhau. Và vì vậy chúng ta sử dụng vaccine BCG để giúp cơ thể có thêm sức mạnh phát triển hệ miễn dịch bẩm sinh này, chống lại mọi sự truyền nhiễm nói chung, trong đó có các loại virus.’

Mặc dù các bác sĩ thường cho rằng hệ miễn dịch được tăng cường khi chúng ta ngủ đủ giấc, tập thể dục đều đặn và ăn uống lành mạnh, nhưng những nhà nghiên cứu thuộc thí nghiệm BRACE lại nói khoa học chứng minh rằng có một vài sự can thiệp y khoa cũng mang lại tác dụng này.

Và họ nói vaccine BCG là một trong những biện pháp can thiệp đã được khoa học biết đến, và giờ đây họ đang chờ đợi tác dụng của vaccine này trong việc ngăn ngừa coronavirus.

Làn sóng thứ hai của COVID-19 đã xuất hiện khắp thế giới.

Những nhà thương quan trọng, từng vất vả đối phó với các ca nhiễm tăng liên tục trong giai đoạn một, giờ đây có thể phải đón nhận những đợt điều trị bận rộn tiếp theo.

Nếu các bác sĩ chứng minh thí nghiệm vaccine BCG thành công, thì những người dễ bị tổn thương sẽ được tiêm phòng loại vaccine này trong các cuộc bùng phát dịch bệnh sắp tới nếu có.

Giáo sư Mihai G. Netea làm việc tại Nội Khoa, thuộc Trung tâm Y Khoa trường Đại học Radboud, Hòa Lan.

Ông đang tiến hành một thí nghiệm theo phương pháp ngẫu nhiên để xem liệu các nhân viên y tế được tiêm phòng BCG có được bảo vệ khỏi bị nhiễm coronavirus hay không.

‘Vaccine này có thể giảm tối thiểu sự lây nhiễm. Cùng lúc đó, hệ miễn dịch được tăng cường và có thể bảo vệ cơ thể khỏi các loại bệnh truyền nhiễm khác. Đây có thể là một công cụ quan trọng trong giai đoạn bắc cầu, giúp kết nối giữa thời điểm nguy hiểm cho tới khi trên thị trường xuất hiện vaccine chuyên phòng ngừa coronavirus.’

Hơn 100 cuộc thí nghiệm đang xảy ra trên thế giới, với mục tiêu nhằm tìm ra phương pháp chữa trị hoặc một loại vaccine bảo vệ con người khỏi COVID-19.

Vài thí nghiệm về vaccine đang ở giai đoạn hai và ba, nhưng những người lạc quan nhất cũng không cho rằng vaccine sẽ có mặt trong năm nay.

Thậm chí nếu một loại vaccine được cho là có hiệu quả, thì còn cần thêm nhiều tháng nữa để được sản xuất và phổ biến rộng rãi.

Tuy nhiên bác sĩ Netea cũng thận trọng về hiệu quả lâu dài của BCG.

‘Thậm chí nếu BCG thật sự mang lại hiệu quả, thì nó cũng chỉ bảo vệ được chúng ta từ hai tới ba năm. Điều này có nghĩa rằng BCG chỉ là phương tiện dùng để bắc cầu từ giai đoạn nguy hiểm hiện nay cho tới khi nào một loại vaccine chuyên trị coronavirus được phát triển.’

Mặc dù BCG rẻ tiền và sản xuất dễ dàng, nhưng nhu cầu tăng đột ngột về loại vaccine này có thể khiến một số trẻ em và bệnh nhân đang dựa vào BCG có thể bị thiếu hụt.

Hiện nay vaccine BCG vẫn rất quan trọng nhằm giảm bớt sự lan rộng của bệnh lao, đặc biệt tại các quốc gia nghèo.

Tổ chức Y tế Thế giới cho biết mỗi năm có tới 10 triệu người bị lao và 1,5 triệu người bị thiệt mạng vì bệnh lao.

Tổ chức này cho hay bệnh lao là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho những bệnh nhân nhiễm HIV, và là nhân tố quan trọng khiến cơ thể chống lại mọi loại thuốc trụ sinh.

Giáo sư Curtis cũng lo lắng rằng vaccine này sẽ không sản xuất kịp để đến tay những ai cần nó nhất.

‘Vaccine BCG sẽ rất dễ bị thiếu hụt nguồn cung nếu sử dụng không đúng đắn. Hiện nay nó vẫn rất quan trọng trong việc ngăn ngừa bệnh lao và trong thực tế điều trị hằng ngày, nó vẫn được thường xuyên sử dụng để đối phó với những căn bệnh không phải bệnh lao, chẳng hạn như trong điều trị ung thư bàng quang. Vì vậy ngoại trừ dùng trong thí nghiệm, chúng tôi không muốn mọi người tiêm vaccine BCG với mục đích chống lại coronavirus.’

Ông nói vẫn còn quá sớm để kết luận liệu những người được tiêm BCG có thể phát triển sự miễn dịch đối với coronavirus hay không.

‘Có vài bằng chứng cho thấy nó có thể kéo dài, nhưng chúng ta chưa biết được, điều chúng ta biết là nếu bạn đã được tiêm BCG trước đây, thì việc tiêm thêm một liều BCG bây giờ sẽ có thêm ích lợi cho bạn, giúp cơ thể bạn tăng cường hệ miễn dịch.’

Các thí nghiệm BCG khác cũng đang được tiến hành tại Hy Lạp, Đức, Đan Mạch, Anh quốc và Hoa Kỳ.

Và quý vị có thể cập nhật tin tức mới nhất về coronavirus bằng tiếng Việt tại sbs.com.au/coronavirus

Share