Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ ban hành phán quyết lịch sử công nhận quyền của cộng đồng LGBTIQ+

The Stonewall Inn, the epicenter of the gay liberation movement, after the Supreme Court ruling.

The Stonewall Inn, the epicenter of the gay liberation movement, after the Supreme Court ruling. Source: Anthony Behar/Sipa USA

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã mang lại chiến thắng quan trọng đầu tiên cho quyền của cộng đồng LGBTIQ, cùng lúc là một sự thất bại cho chính phủ của Tổng thống Donald Trump. Tòa án này vừa ra phán quyết rằng từng có một đạo luật liên bang lâu đời nghiêm cấm phân biệt đối xử nơi làm việc, cũng như bảo vệ các nhân viên đồng tính và chuyển giới.


Một phán quyết áp đảo gồm sáu phiếu thuận và ba phiếu chống xảy ra tại Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ, đã đánh dấu thời điểm lịch sử công nhận quyền của cộng đồng những người đồng tính luyến ái, song tính, chuyển giới, người lưỡng tính và những người hoài nghi về giới tính của bản thân, gọi tắt là cộng đồng LGBTIQ.

Phán quyết là một cột mốc quan trọng đối với cộng đồng này, kể từ khi hôn nhân đồng giới được hợp pháp hóa tại Mỹ vào năm 2015.

Các thẩm phán quyết định rằng người đồng tính và chuyển giới được bảo vệ theo Điều VII, Đạo luật Dân quyền năm 1964. Đạo luật này nghiêm cấm chủ nhân không được đối xử phân biệt với nhân viên vì giới tính, sắc tộc, màu da, nguồn gốc xuất thân hay tôn giáo của họ.

Có hai thẩm phán bảo thủ đã cùng bốn thẩm phán mang quan điểm tự do lập ra phán quyết này, một là ông Neil Gorsuch, người từng được tổng thống Trump bổ nhiệm năm 2017, và người thứ hai là Chánh án John Roberts.

Bên ngoài quán rượu lịch sử Stonewall tại New York, một người dân tên là Roger McKinsey nói "đã đến lúc rồi".

Vào ngày 28/6/1969, các khách hàng ngồi trong quán rượu dành cho người đồng tính Stonewall, tại Làng Greenwich, đã đứng lên chống lại sự quấy nhiễu của cảnh sát, dẫn tới những cuộc bạo loạn kéo dài nhiều ngày sau đó.  

Cuộc đấu tranh của họ đã lan rộng thành một phong trào trên khắp nước Mỹ và toàn thế giới nhằm đòi quyền bình đẳng cho cộng đồng LGBTIQ.

Thành kiến đối với nhân viên đồng tính và chuyển giới vẫn được coi là hợp pháp tại Mỹ, khi có tới 28 bang của nước này không có biện pháp hữu hiệu chống lại sự phân biệt đối xử tại nơi làm việc.

Phán quyết mới này, liên quan tới hai vụ án về quyền của người đồng tính tại Georgia và New York, và một vụ về quyền của người chuyển giới tại Michigan, đã công nhận những sự bảo vệ mới cho người lao động tại cấp liên bang.

Cuộc chiến pháp lý chủ yếu xoay quanh định nghĩa của từ "giới tính" trong Điều VII.

Tòa án đồng ý với các nguyên đơn rằng đối xử phân biệt người lao động đồng tính và chuyển giới chính là sự kỳ thị về giới tính và vì vậy hành vi đó bất hợp pháp.

Gerald Bostock đã khởi kiện tại bang Georgia vì ông bị mất việc làm, chỉ vài tháng sau khi tham gia giải bóng mềm Hotlanta dành cho người đồng tính tại địa phương. Trước đó ông là điều phối viên dịch vụ phúc lợi trẻ em tại hội đồng quận.

Hai nguyên đơn khác đã không còn sống để chứng kiến phán quyết này ra đời.

Cô Aimee Stephens, bị một nhà quàn ở Detroit sa thải sau khi tiết lộ kế hoạch chuyển giới, vừa qua đời vào tháng Năm.

Còn ông Donald Zarda, một nhà dạy nhảy dù ở New York, khởi kiện sau khi bị sa thải, cũng đã qua đời vào năm 2014.

Ông Zarda cho rằng ông bị mất việc sau khi kể với một học viên rằng ông là người đồng tính, và bà này đã phàn nàn với công ty.

Ông chết trong một tai nạn nhảy dù sau khi đệ đơn kiện.

Luật sư của ông là Gregory Antollino.

'Đây sẽ là một chất xúc tác để từ đó thay đổi lịch sử. Đây là một quyết định mới, sẽ mất một thời gian nữa để các bang khác của Mỹ có thể điều chỉnh sự bảo vệ cho các quyền của cộng đồng LGBT. Nhưng nó chắc chắn là một chất xúc tác, là một phán quyết lịch sử. Nó lớn lao hơn tôi tưởng nữa.'

Ông Antollino phụ trách vụ án của Zarda trong mười năm, ông nói ông không cảm thấy đang ở trên đỉnh cao chiến thắng, và ông ước gì than chủ của mình còn sống để nhìn thấy ngày này.

Tôi ước gì Don có mặt ở đây để ăn mừng với tôi. Anh là một phần của vụ án này từ rất lâu. Hầu hết các quá trình của vụ án đã xảy ra mà không có sự hiện diện của anh.  Tôi nhớ anh và nhớ đến sự đồng hành này, tôi biết anh sẽ vui mừng lắm khi biết kết quả. Chúng tôi vẫn phải quay trở lại tòa án quận, với phiên xét xử để giải quyết mọi việc. Con người có thể ra đi, nhưng chiến thắng vẫn còn ở lại. Và tôi nghĩ anh ấy đã từng nghĩ đến ngày này, cũng như những người quản lý bất động sản hiện nay của anh.

Chánh án Tối cao Pháp viện Roberts, người được xem là nhân vật trung tâm về chủ trương của tòa án, đã ủng hộ quyền của người đồng tính trong lần này, trước đó ông là người mang quan điểm đối lập trong phán quyết về hôn nhân đồng tính.

Các thẩm phán bảo thủ khác là Samuel Alito, Clarence Thomas và Brett Kavanaugh phản đối phán quyết hôm thứ Hai.

Chính phủ của Tổng thống Trump hồi tuần trước đã ban hành một bộ quy tắc nhằm đảo ngược các biện pháp chống phân biệt đối xử đối với người chuyển giới trong các trung tâm chăm sóc y khoa.

Chính phủ của ông cũng ủng hộ quyền của một vài doanh nghiệp nhất định, có thể từ chối và không phục vụ người đồng tính dựa trên cơ sở tôn giáo, cấm người chuyển giới gia nhập quân đội và hủy bỏ các biện pháp bảo vệ học sinh chuyển giới khi đi nhà vệ sinh tại các trường học công.

Sau phán quyết, Tổng thống không phát biểu gì hơn ngoài việc ông nói cần phải sống chung với quyết định.

'Tôi đã đọc quyết định này và một vài người rất ngạc nhiên. Nhưng phán quyết đã đưa ra và chúng ta phải chung sống với nó. Đó là một phán quyết tối thượng. Chúng ta phải sống chung với quyết định của Tối cao Pháp viện. Đó là một phán quyết thật sự mạnh mẽ, nhưng dù sao họ đã đưa ra rồi.'

Kết quả này dự kiến ​​sẽ có tác động lớn lao đến khoảng 8.1 triệu nhân viên thuộc cộng đồng LGBTIQ + khắp nước Mỹ, vì hầu hết các bang không bảo vệ họ khỏi sự phân biệt đối xử tại nơi làm việc.

Share